Chấn thương tim (dập cơ tim): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Dập cơ tim khác nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim, hay đau tim, xảy ra khi cơ tim bị tổn thương nghiêm trọng do thiếu máu.
Dập cơ tim có thể dẫn đến biến chứng, đặc biệt là khi tình trạng nghiêm trọng và không được điều trị. Hãy đến bệnh viện khám ngay lập tức sau khi gặp tai nạn nghiêm trọng.
Triệu chứng của dập cơ tim
Dập cơ tim có thể gây ra nhiều triệu chứng tùy thuộc vào thời điểm xảy ra tai nạn và mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Người bị dập cơ tim có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Đau dữ dội ở vùng bên trên sườn
- Nhịp tim tăng nhanh
- Mệt mỏi, không có sức lực
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Hụt hơi
Hãy đến bệnh viện ngay khi gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này. Các triệu chứng của tình trạng dập cơ tim nghiêm trọng có thể giống với triệu chứng của cơn đau tim.
Nguyên nhân gây dập cơ tim
Dập cơ tim thường xảy ra sau khi ngực bị va đập mạnh.
Những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này gồm có:
- Ngã từ trên cao
- Tai nạn giao thông
- Ép tim trong khi hồi sức tim phổi
Phương pháp chẩn đoán dập cơ tim
Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để kiểm tra các dấu hiệu bên ngoài của chấn thương gần tim. Ví dụ, bác sĩ sẽ quan sát ngực của người bệnh để tìm các vết bầm tím.
Bác sĩ cũng sẽ đo huyết áp, kiểm tra nhịp tim và nhịp thở.
Trong một số trường hợp, tai nạn gây dập cơ tim còn gây tổn thương ở xương sườn và phổi. Dấu hiệu của những tình trạng này gồm có:
- Âm thanh lạo xạo ở lồng ngực
- Ngực chuyển động bất thường khi thở
- Đau khi chạm tay lên da
Bác sĩ sẽ còn thực hiện các phương pháp chẩn đoán khác để xem có các tổn thương khác ở tim, động mạch, xương sườn và phổi hay không. Các công cụ chẩn đoán này gồm có:
- Chụp X-quang lồng ngực
- Chụp CT tim
- Siêu âm tim để đánh giá dòng máu chảy qua tim
- Điện tâm đồ để theo dõi hoạt động điện của tim
- Công thức máu toàn bộ để tìm một số enzyme nhất định trong máu. Sự hiện diện của những enzyme này là dấu hiệu cho thấy cơ tim và các mô khác đang bị tổn thương
Điều trị dập cơ tim
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương cơ tim. Trong một số trường hợp, điện tâm đồ được thực hiện trong 24 giờ liên tục để theo dõi hoạt động của tim. Nếu người bệnh gặp vấn đề về hô hấp thì sẽ phải sử dụng liệu pháp oxy.
Các phương pháp điều trị khác gồm có:
- Dẫn máu ứ đọng ra khỏi tim
- Phẫu thuật để sửa mạch máu
- Đặt ống dẫn lưu ngực để ngăn ngừa tích tụ dịch
- Cấy máy tạo nhịp tim để điều hòa nhịp tim
Người bệnh có thể cần dùng các loại thuốc không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen và ibuprofen để giảm đau. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai hoặc đang dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào khác.
Tiên lượng khi bị dập cơ tim
Hầu hết các trường hợp dập cơ tim đều có thể điều trị được. Phần lớn các trường hợp dập cơ tim đều chỉ ở mức độ nhẹ và tỷ lệ phục hồi cao. Tuy nhiên, dập cơ tim nghiêm trọng có thể dẫn đến biến chứng và thậm chí tử vong.
Ngăn ngừa dập cơ tim
Rất khó để phòng ngừa tai nạn một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, có một số cách để giảm nguy cơ tai nạn và dập cơ tim. Thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, ví dụ như thắt dây an toàn và chọn xe ô tô có túi khí. Sử dụng các biện pháp bảo hộ khi làm các công việc rủi ro, chẳng hạn đeo dây an toàn khi làm việc trên cao.

Hẹp van động mạch chủ xảy ra khi van động mạch chủ bị thu hẹp và không mở ra như bình thường. Tình trạng này có thể gây đau ngực và khó thở, đặc biệt là sau khi gắng sức.

Xơ hóa cơ tim là tình trạng mô sẹo hình thành trong tim. Tình trạng này thường xảy ra sau cơn nhồi máu cơ tim nhưng cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân khác.

Tai biến mạch máu não (cerebrovascular accident) là thuật ngữ y khoa của đột quỵ. Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến một phần não bị gián đoạn do mạch máu bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ.

Viêm cơ tim là tình trạng lớp cơ của tim bị viêm. Tình trạng này thường do nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây ra.

Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm lớp màng bao xung quanh tim. Tình trạng này thường là do nhiễm virus và có thể gây đau. Có thể điều trị viêm màng ngoài tim bằng thuốc chống viêm và nghỉ ngơi nhưng những trường hợp nghiêm trọng có thể phải điều trị bằng các biện pháp khác để ngăn ngừa tái phát.