1

Hẹp van động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Hẹp van động mạch chủ xảy ra khi van động mạch chủ bị thu hẹp và không mở ra như bình thường. Tình trạng này có thể gây đau ngực và khó thở, đặc biệt là sau khi gắng sức.
Hình ảnh 181 Hẹp van động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Hẹp van động mạch chủ làm hạn chế lượng máu bơm từ tim vào động mạch chủ – động mạch chính của cơ thể. Van động mạch chủ là một van quan trọng trong hệ tuần hoàn.

Nếu không được điều trị, hẹp van động mạch chủ có thể trở nên nghiêm trọng và thậm chí là gây tử vong. Có thể thực hiện các phương pháp điều trị sớm để làm bệnh chậm tiến triển hoặc sửa chữa hay thay thế van bị hẹp.

Hãy tiếp tục đọc để tìm hiểu thêm về các triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị hẹp van động mạch chủ.

Triệu chứng của hẹp van động mạch chủ

Triệu chứng của bệnh hẹp van động mạch chủ có thể không xuất hiện cho đến khi bệnh tiến triển và trở nên nghiêm trọng. Giai đoạn không triệu chứng có thể kéo dài từ 10 đến 20 năm. Một số người thậm chí còn có thể không gặp triệu chứng nào.

Các triệu chứng cho thấy bệnh hẹp van động mạch chủ trở nặng là:

  • Đau ngực
  • Mệt mỏi sau khi gắng sức
  • Khó thở hoặc thở gấp, đặc biệt là sau khi gắng sức
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Khó ngủ hoặc chỉ có thể ngủ khi ngồi
  • Đánh trống ngực (nhịp tim bất thường)
  • Tiếng thổi tim – âm thanh bất thường được tạo ra khi tim đập
  • Khó khăn ngay cả khi thực hiện các hoạt động hàng ngày, kể cả như chỉ đi bộ một quãng ngắn
  • Sưng mắt cá chân hoặc bàn chân

Triệu chứng hẹp van động mạch chủ ở trẻ em và trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh và trẻ em có thể có các triệu chứng khác với người lớn hoặc thậm chí không biểu hiện triệu chứng nào. Nếu có, các triệu chứng có thể xuất hiện là:

  • Không tăng cân
  • Bú ít hoặc chán ăn
  • Nhanh mệt
  • Khó thở

Trong các trường hợp bệnh nặng, trẻ sơ sinh có thể bị khó thở nghiêm trọng trong vài tuần sau khi sinh. Nếu không được điều trị, các trường hợp nhẹ có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi trẻ lớn lên.

Nguyên nhân gây hẹp van động mạch chủ

Hẹp van động mạch chủ có thể xảy ra do dị tật tim bẩm sinh, tổn thương khi tuổi tác tăng lên hoặc một số bệnh lý khác làm ảnh hưởng chức năng của van động mạch chủ.

Sốt thấp khớp

Sốt thấp khớp là một nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về van tim tại các quốc gia đang phát triển. Các quốc gia này thường thiếu các phương pháp điều trị bằng kháng sinh hiệu quả. Sốt thấp khớp có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể, bao gồm:

  • Não
  • Khớp
  • Tim
  • Da

Sốt thấp khớp có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn từng bị viêm họng do liên cầu khuẩn. Đây là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Streptococcus gây ra.

Vôi hóa van tim

Hẹp van động mạch chủ có thể xảy ra do sự tích tụ canxi (vôi hóa) hoặc do sẹo ở van động mạch chủ. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), có tới khoảng 20% người lớn tuổi mắc tình trạng này, đặc biệt là những người từ 65 tuổi trở lên.

Mặc dù cơ thể cần canxi để xương chắc khỏe nhưng sự lắng đọng canxi ở van động mạch chủ có thể gây ra các vấn đề về tim. Canxi thường tích tụ ở các lá van, làm cho van không thể mở hoặc đóng đúng cách.

Các lá van không hoạt động đúng chức năng cũng có thể khiến máu bị trào ngược vào tâm thất trái sau khi được bơm vào động mạch chủ. Tình trạng này được gọi là hở van tim hoặc trào ngược van tim.

Ngoài ra, hẹp van động mạch chủ do hiện tượng vôi hóa còn có nguy cơ xảy ra cao hơn ở những người bị mắc một số bệnh lý, chẳng hạn như lupus ban đỏ hoặc bệnh thận giai đoạn cuối.

Dị tật tim bẩm sinh

Trẻ em có thể bị hẹp van động mạch chủ do dị tật tim khiến van này không phát triển bình thường. Các lá van – bộ phận hình thành lỗ mở của van động mạch chủ – có thể phát triển không đúng cách, dẫn đến các tình trạng:

  • Van chỉ có một hoặc hai lá thay vì ba lá.
  • Các lá van không tách rời hoàn toàn.
  • Lá van quá dày hoặc cứng, không thể mở hoặc đóng hoàn toàn.

Trẻ sinh ra đã có van động mạch chủ chỉ có hai lá (van động mạch chủ hai mảnh) dễ gặp hiện tượng vôi hóa hơn, làm tăng nguy cơ bị hẹp van động mạch chủ.

Ai có nguy cơ bị hẹp van động mạch chủ?

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến hẹp van động mạch chủ gồm có:

Tuổi tác

Người trưởng thành trên 65 tuổi có nguy cơ cao bị hẹp van động mạch chủ.

Di truyền

Trẻ em sinh ra đã có lá van bị dị dạng hoặc có ít hơn ba lá van thường gặp vấn đề về lưu lượng máu qua động mạch chủ.

Bệnh lý khác

Sốt thấp khớp có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các lá van, tạo ra sẹo làm lá van bị cứng hoặc dính lại với nhau. Sốt thấp khớp có thể gây tổn thương:

  • Mô tim
  • Van tim
  • Động mạch vành

Các yếu tố nguy cơ khiến bệnh tiến triển nhanh hơn

Một số yếu tố có thể khiến hẹp van động mạch chủ tiến triển nhanh hơn, bao gồm:

  • Chỉ số BMI cao
  • Sử dụng thuốc lá
  • Hội chứng chuyển hóa
  • Cholesterol cao
  • Huyết áp cao

Hẹp van động mạch chủ được chẩn đoán như thế nào?

Sau khi hỏi về các triệu chứng, bác sĩ có thể chuyển bạn đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để kiểm tra kỹ lưỡng. Thông thường, bác sĩ sẽ thực hiện:

  • Khám lâm sàng: Nghe tim để phát hiện âm thanh bất thường.
  • Siêu âm tim: Kiểm tra tình trạng của buồng tim và các van tim.

Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu thêm một số xét nghiệm để đánh giá hoạt động bên trong tim, bao gồm:

  • Thông tim: Sử dụng thuốc cản quang để đánh giá áp lực và lưu lượng máu qua các buồng tim.
  • Các xét nghiệm hình ảnh khác: Chụp X-quang ngực, chụp cộng hưởng từ (MRI) tim, hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) tim.
  • Nghiệm pháp gắng sức.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra tình trạng viêm nhiễm ở van tim (viêm nội tâm mạc) hoặc phát hiện dấu hiệu của sốt thấp khớp.

Hẹp van động mạch chủ được điều trị như thế nào?

Điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa suy tim. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, có thể bao gồm:

Áp dụng lối sống tốt cho tim mạch

Nếu không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, bạn có thể không cần điều trị ngay. Thay vào đó, bác sĩ thường khuyến nghị duy trì một lối sống lành mạnh sau để ngăn không cho bệnh tiến triển:

  • Thực hiện chế độ ăn tốt cho tim.
  • Tập thể dục đều đặn.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Tránh hút thuốc hoặc cai thuốc lá nếu bạn đang hút.
  • Điều trị triệt để các cơn đau họng nặng để ngăn ngừa sốt thấp khớp.
  • Chăm sóc vệ sinh răng miệng đúng cách để tránh nhiễm trùng từ răng lan đến van tim.
  • Kiểm soát huyết áp hiệu quả.

Can thiệp y khoa

Với tình trạng hẹp van động mạch chủ ở mức độ từ trung bình đến nghiêm trọng hoặc có triệu chứng, bác sĩ thường đề xuất phẫu thuật hoặc thủ thuật để sửa chữa hoặc thay thế van hỏng. Các phương pháp điều trị phổ biến gồm có:

Thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVR): Phương pháp ít xâm lấn này sử dụng van làm từ mô động vật để thay thế van bị tổn thương.

  • Phẫu thuật thay van động mạch chủ (SAVR): Phẫu thuật tim hở để thay thế van hỏng bằng van cơ học hoặc van sinh học (van từ động vật như bò, lợn hoặc từ người hiến tặng).
  • Tạo hình van tim (Valvuloplasty): Quy trình sửa chữa van bị ảnh hưởng này được thực hiện bằng cách sử dụng ống thông mềm, mỏng. Đây là phương pháp ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật truyền thống.

Bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp tùy theo tình trạng bệnh và sức khỏe tổng thể của bạn.

Dùng thuốc

Một số loại thuốc có thể được kê đơn để kiểm soát triệu chứng hoặc giảm áp lực cho tim, bao gồm:

  • Kháng sinh: Dùng để điều trị sốt thấp khớp và ngăn nhiễm trùng tiến triển gây tổn thương tim.
  • Thuốc hạ huyết áp: Như thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors) để kiểm soát huyết áp.
  • Thuốc chống đông máu: Giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
  • Thuốc chống loạn nhịp tim: Kiểm soát nhịp tim.

Tiên lượng lâu dài

Sức khỏe của bệnh nhân có thể cải thiện đáng kể sau khi được điều trị. Các phương pháp phẫu thuật điều trị hẹp van động mạch chủ thường sẽ giúp người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường. Tiên lượng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Thời gian mắc bệnh.
  • Mức độ tổn thương tim.
  • Các biến chứng có thể phát sinh.

Nếu không điều trị, người mắc hẹp van động mạch chủ nghiêm trọng thường chỉ sống thêm được từ 1 đến 3 năm sau khi chẩn đoán.

Kết luận

Hẹp van động mạch chủ xảy ra khi van động mạch chủ bị hẹp lại và không mở đúng cách. Bệnh có thể không gây ra triệu chứng cho đến khi tiến triển nặng. Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến suy tim.

Với trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, phương pháp điều trị thường tập trung vào việc ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.

Trường hợp bệnh từ trung bình đến nặng có thể được điều trị bằng các thủ thuật y khoa để sửa chữa hoặc thay thế van bị tổn thương.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Hẹp eo động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Hẹp eo động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Hẹp eo động mạch chủ là tình trạng một đoạn động mạch chủ bị hẹp hơn bình thường. Điều này buộc tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu qua động mạch chủ.

Tai biến mạch máu não: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Tai biến mạch máu não: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tai biến mạch máu não (cerebrovascular accident) là thuật ngữ y khoa của đột quỵ. Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến một phần não bị gián đoạn do mạch máu bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ.

Lóc tách động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Lóc tách động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Động mạch chủ là động mạch chính dẫn máu giàu oxy từ tim đến các bộ phận còn lại của cơ thể. Cơ thể chúng ta cần máu giàu oxy này để tồn tại. Động mạch chủ có đường kính khoảng 1 inch (2,5cm) và gồm có ba lớp: lớp trong, lớp giữa và lớp ngoài. Lóc tách động mạch là tình trạng các lớp của động mạch chủ tách ra và làm hỏng thành động mạch.

Phình động mạch não là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị?
Phình động mạch não là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị?

Phình động mạch não là tình trạng động mạch trong não bị biến dạng, khiến một vùng trên thành động mạch phồng lên và chứa đầy máu. Tình trạng này còn được gọi là phình động mạch nội sọ hoặc phình động mạch não.

Bệnh phình động mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Bệnh phình động mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Phình động mạch xảy ra khi thành động mạch bị yếu đi do một số tác nhân, chẳng hạn như bị tổn thương do tích tụ mảng xơ vữa, dẫn đến hình thành một túi phình bất thường.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây