Viêm màng ngoài tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Màng ngoài tim có vai trò giữ tim ở đúng vị trí bên trong lồng ngực, cung cấp chất bôi trơn cho tim và bảo vệ tim khỏi nhiễm trùng cũng như các tác nhân gây hại khác. Giữa các lớp của màng ngoài tim có một lượng nhỏ chất bôi trơn để ngăn ngừa ma sát khi tim co bóp. Khi bị viêm, các lớp này cọ xát vào nhau và điều này có thể gây đau ngực.
Hầu hết các trường hợp viêm màng ngoài tim không xác định được nguyên nhân. Những trường hợp này gọi là viêm màng ngoài tim vô căn. Tuy nhiên, viêm màng ngoài tim có thể là do nhiễm virus gây ra.
Lưu ý, viêm màng ngoài tim khác viêm cơ tim. Viêm màng ngoài tim xảy ra ở lớp màng bao quanh tim trong khi viêm cơ tim là tình trạng viêm ở thành của tim.
Viêm màng ngoài tim là tình trạng sưng và kích ứng ở “túi” bao quanh tim
Các loại viêm màng ngoài tim
Đợt viêm màng ngoài tim đầu tiên được gọi là viêm màng ngoài tim cấp, thường kéo dài không quá 4 - 6 tuần. Viêm màng ngoài tim cấp có thể tự xảy ra hoặc do một bệnh lý nào đó gây ra.
Nếu các triệu chứng quay lại sau ít nhất 4 tuần thì được gọi là viêm màng ngoài tim tái phát. Điều này là do hệ miễn dịch tấn công nhầm màng ngoài tim. Cho dù không có triệu chứng giữa các đợt tái phát thì màng ngoài tim vẫn có thể bị viêm.
Ở những ca bệnh viêm màng ngoài tim tái phát nhiều lần, thời gian để phục hồi hoàn toàn có thể mất tới 5 đến 7 năm. Có tới 30% người bị viêm màng ngoài tim cấp bị tái phát trong vòng 18 tháng.
Các loại viêm màng ngoài tim khác là:
- Viêm màng ngoài tim mạn tính: tình trạng viêm màng ngoài tim kéo dài 3 tháng.
- Tràn dịch màng ngoài tim: tình trạng tích tụ dịch ở các lớp của màng ngoài tim, có thể dẫn đến chèn ép tim.
- Chèn ép tim: tình trạng tích tụ dịch đột ngột ở các lớp của màng ngoài tim, có thể gây tụt huyết áp và tim không thể bơm máu một cách bình thường. Tình trạng này cần được điều trị khẩn cấp.
- Viêm màng ngoài tim co thắt: tình trạng xảy ra khi màng ngoài tim bị sẹo hoặc dính vào tim khiến cơ tim không thể giãn nở. Đây thường là tình trạng mạn tính, nhưng cũng có một số dạng viêm màng ngoài tim co thắt xảy ra tạm thời. Viêm màng ngoài tim co thắt rất hiếm gặp và có thể xảy ra ở những người bị viêm màng ngoài tim mạn tính hoặc sau phẫu thuật tim.
- Viêm màng ngoài tim co thắt - tràn dịch: hai loại viêm màng ngoài tim xảy ra cùng lúc.
Triệu chứng của viêm màng ngoài tim
Khoảng 85% đến 90% số người bị viêm màng ngoài tim có triệu chứng là đau ngực.
Cơn đau nhói hoặc đau buốt đột ngột ở ngực khá giống với dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim. Người bệnh thường bị đau buốt dữ dội và đau tăng lên mỗi khi hít thở sâu. Nằm xuống cũng có thể làm tăng đau, trong khi cảm giác đau thường đỡ khi ngồi dậy hoặc nghiêng người về phía trước.
Cơn đau do viêm màng ngoài tim có thể lan đến vai, cổ, cánh tay hoặc hàm.
Các triệu chứng khác của viêm màng ngoài tim gồm có:
- Sốt nhẹ
- Mệt mỏi
- Khó thở, đặc biệt là khi nằm
- Tim đập nhanh
- Ho khan
- Sưng ở bàn chân, cẳng chân và mắt cá chân
Các triệu chứng có thể tăng lên khi nằm thẳng, hít thở sâu, ho và nuốt.
Nếu nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim là do nhiễm vi khuẩn thì người bệnh có thể sẽ gặp thêm các triệu chứng như sốt, ớn lạnh và tăng bạch cầu. Nếu nguyên nhân là do virus, người bệnh có thể gặp các triệu chứng ở đường hô hấp trên như ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi. Các triệu chứng cũng có thể giống với triệu chứng cúm hoặc đau bụng. Tuy nhiên, không phải chỉ có viêm màng ngoài tim do virus mới gây ra những triệu chứng này.
Triệu chứng ở mỗi ca bệnh viêm màng ngoài tim không hoàn toàn giống nhau vì còn tùy thuộc vào loại viêm màng ngoài tim. Nếu bạn bị đau ngực dữ dội, tốt hơn hết nên đến bệnh viện khám ngay lập tức.
Nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim
Viêm màng ngoài tim tái phát là một bệnh tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm màng ngoài tim nhưng nguyên nhân chính gây ra các loại viêm màng ngoài tim khác là do nhiễm virus. Tình trạng viêm có thể là do chính virus gây ra hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể với virus.
Ngoài virus, viêm màng ngoài tim cũng có thể là do nhiễm vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.
Các nguyên nhân không phải nhiễm trùng gồm có:
- vô căn (không rõ nguyên nhân)
- khối u chèn ép màng ngoài tim
- biến chứng do nhồi máu cơ tim
- phẫu thuật hoặc thủ thuật thực hiện trên tim, chẳng hạn như đốt điện tim
- chấn thương vùng ngực
- xạ trị vùng ngực
- các bệnh tự miễn như bệnh lupus
- rối loạn chuyển hóa, như bệnh gout
- suy thận
- một số bệnh di truyền, ví dụ như sốt Địa Trung Hải gia đình (familial Mediterranean fever)
- một số loại thuốc, chẳng hạn như phenytoin và procainamide
Những trường hợp viêm màng ngoài tim không thể xác định được nguyên nhân được gọi là viêm màng ngoài tim vô căn.
Phương pháp chẩn đoán viêm màng ngoài tim
Trước tiên bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử, các triệu chứng ban đầu và những gì làm tăng các triệu chứng. Bác sĩ cũng sẽ tiến hành khám lâm sàng.
Viêm màng ngoài tim có thể làm tăng lượng dịch giữa hai lớp của màng ngoài tim, dẫn đến tràn dịch. Bác sĩ sẽ nghe tim bằng ống nghe để tìm dấu hiệu của tình trạng này. Nghe tim còn giúp phát hiện tiếng cọ xát giữa màng ngoài tim và thượng tâm mạc, đây cũng là một dấu hiệu của viêm màng ngoài tim.
Các công cụ chẩn đoán khác còn có:
- Chụp X-quang lồng ngực: giúp đánh giá hình dạng tim và lượng dịch tích tụ
- Điện tâm đồ (ECG hay EKG) để kiểm tra nhịp tim
- Siêu âm tim để đánh giá hình dạng, kích thước tim và xem có tích tụ dịch hay không
- Chụp CT và chụp MRI: cung cấp hình ảnh chi tiết về màng ngoài tim
- Thông tim phải, cung cấp thông tin về áp suất đổ đầy tim
- Xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu viêm
Điều trị viêm màng ngoài tim
Việc điều trị viêm màng ngoài tim tùy thuộc vào nguyên nhân nhưng nhìn chung, mục tiêu điều trị thường là giảm đau, giảm viêm và giảm nguy cơ tái phát.
Nếu nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim là nhiễm trùng do vi khuẩn thì cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Các phương pháp điều trị khác gồm có:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): có thể là thuốc không kê đơn hoặc thuốc kê đơn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng đau ngực.
- Colchicine: Đây là một loại thuốc giảm viêm có tác dụng làm cho các triệu chứng biến mất nhanh hơn. Thuốc chỉ ức chế một phần chu kỳ tự viêm IL-1 gây ra viêm màng ngoài tim tái phát.
- Thuốc ức chế IL-1: Những loại thuốc này ngăn chặn chu kỳ tự viêm, nhờ đó giúp điều trị và ngăn ngừa viêm màng ngoài tim tái phát. Thuốc ức chế IL-1 có thể được sử dụng cùng hoặc thay cho corticoid. ARCALYST (rilonacept) là loại thuốc duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt sử dụng cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên để giảm nguy cơ viêm màng ngoài tim tái phát.
- Corticoid (corticosteroid): Nhóm thuốc này giúp giảm viêm và đau nhưng do có tác dụng toàn thân nên dùng lâu dài có thể gây ra nên nhiều tác dụng bất lợi. Mặt khác, việc giảm liều hoặc ngừng thuốc quá sớm có thể làm tăng nguy cơ tái phát viêm màng ngoài tim. Vì vậy nên corticoid thường chỉ được kê trong những trường hợp không đáp ứng với các loại thuốc khác.
- Phẫu thuật: Đối với những trường hợp viêm màng ngoài tim tái phát không đáp ứng điều trị, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt màng ngoài tim. Bác sĩ cũng có thể sẽ chọc dịch màng ngoài tim hoặc mở cửa sổ màng ngoài tim để loại bỏ dịch tích tụ.
Những trường hợp viêm màng ngoài tim cấp có thể điều trị bằng thuốc chống viêm như NSAID và colchicine. Nếu bệnh tái phát, người bệnh có thể cần chuyển sang thuốc ức chế IL và corticoid.
Viêm màng ngoài tim có tự khỏi không?
Những trường hợpviêm màng ngoài tim nhẹ có thể tự khỏi sau một thời gian điều trị bằng các phương pháp đơn giản, ví dụ như thuốc chống viêm và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu bệnh nặng, người bệnh sẽ phải nhập viện để điều trị.
Tiên lượng của người bị viêm màng ngoài tim
Có thể phải mất vài tuần để các triệu chứng viêm màng ngoài tim biến mất hoàn toàn.
Hầu hết các trường hợp viêm màng ngoài tim đều nhẹ và không có biến chứng. Tuy nhiên, viêm màng ngoài tim mạn tính có thể dẫn đến biến chứng, gồm có tích tụ dịch, co thắt hoặc hình thành sẹo ở màng ngoài tim.
Những biến chứng này có thể cần điều trị bằng phẫu thuật. Các nhà khoa học hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về phương pháp điều trị viêm màng ngoài tim và biến chứng.
Nếu viêm màng ngoài tim trở thành mạn tính, người bệnh có thể cần tiếp tục dùng NSAID hoặc các loại thuốc khác. Trong những trường hợp bệnh tái phát nhiều lần, thời gian để phục hồi hoàn toàn có thể mất tới 5 đến 7 năm. Thuốc ức chế interleukin-1 có thể ngăn ngừa các đợt viêm màng ngoài tim tái phát.
Hãy đến bệnh viện ngay lập tức khi bị đau ngực bởi đó có thể là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng hơn.
Phòng ngừa viêm màng ngoài tim
Không có cách nào có thể phòng ngừa viêm màng ngoài tim một cách tuyệt đối, nhất là viêm màng ngoài tim do virus. Nhưng khi bị viêm màng ngoài tim, tuân thủ phác đồ điều trị, sử dụng colchicine và tránh dùng corticoid có thể làm giảm nguy cơ tái phát.
Trong thời gian mắc bệnh, hãy nghỉ ngơi và tránh vận động mạnh. Bác sĩ sẽ cho biết cần hạn chế vận động trong bao lâu.
Khi thấy các triệu chứng tái phát, hãy đi khám càng sớm càng tốt.

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó động mạch bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân.

Viêm cơ tim là tình trạng lớp cơ của tim bị viêm. Tình trạng này thường do nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây ra.

Viêm màng ngoài tim do lao xảy ra khi bệnh lao lan đến lớp màng bao xung quanh tim. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng như đau ngực và dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Do đó, điều trị kịp thời là điều rất quan trọng.

Viêm nội tâm mạc là tình trạng viêm lớp màng bên trong tim. Tình trạng này thường do vi khuẩn gây ra. Khi nội tâm mạc bị viêm do nhiễm trùng thì được gọi là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Viêm nội tâm mạc chủ yếu xảy ra ở những người có vấn đề về tim và rất hiếm gặp ở những người có tim khỏe mạnh.

Màng ngoài tim là màng mỏng bao quanh tim. Lớp màng này bảo vệ tim khỏi nhiễm trùng và ngăn tim giãn nở quá mức. Màng ngoài tim có thể bị viêm do nhiều nguyên nhân như nhiễm virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng hoặc tổn thương do bị đâm phải, ví dụ như trong quá trình phẫu thuật.