Viêm nội tâm mạc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Triệu chứng của viêm nội tâm mạc
Các triệu chứng của viêm nội tâm mạc có thể xảy ra từ từ theo thời gian và không phải lúc nào cũng nghiêm trọng. Ở giai đoạn đầu, viêm nội tâm mạc có các triệu chứng tương tự như nhiều bệnh lý khác. Đó là lý do tại sao nhiều trường hợp viêm nội tâm mạc không được phát hiện.
Nhiều triệu chứng của viêm nội tâm mạc cũng tương tự như triệu chứng cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng khác, chẳng hạn như viêm phổi. Tuy nhiên, một số người bị viêm nội tâm mạc gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng xuất hiện đột ngột. Các triệu chứng này có thể là do tình trạng viêm hoặc tổn thương do viêm gây ra.
Các triệu chứng thường gặp của viêm nội tâm mạc gồm có:
- Tiếng thổi ở tim, âm thanh bất thường phát ra từ tim do dòng máu chảy mạnh qua tim (triệu chứng này chỉ phát hiện được khi nghe tim)
- Da nhợt nhạt
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Đổ mồ hôi ban đêm
- Đau cơ hoặc đau khớp
- Buồn nôn
- Chán ăn
- Cảm giác đầy ở vùng bụng trên bên trái
- Sụt cân
- Sưng bàn chân, cẳng chân hoặc bụng phình to
- Ho hoặc khó thở
Các triệu chứng ít gặp hơn gồm có:
- Tiểu ra máu
- Lách to, có thể đau khi chạm vào
Viêm nội tâm mạc còn có thể gây ra những thay đổi ở da như:
- Các đốm đỏ hoặc tím dưới da ở ngón tay hoặc ngón chân
- Những chấm nhỏ màu đỏ hoặc tím do các tế bào máu rò rỉ từ các mao mạch bị vỡ, thường xuất hiện ở lòng trắng mắt, bên trong má, trên vòm miệng hoặc trên ngực
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm nội tâm mạc nhiễm trùng ở mỗi người là khác nhau. Các triệu chứng có thể thay đổi theo thời gian và phụ thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng, tình trạng sức khỏe tim mạch và thời gian bị nhiễm trùng. Nếu bạn từng mắc bệnh tim, phẫu thuật tim hoặc bị viêm nội tâm mạc trước đây và gặp bất kỳ triệu chứng nào nêu trên thì phải đi khám ngay, đặc biệt là khi bị sốt liên tục không hạ hoặc mệt mỏi bất thường mà không rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân gây viêm nội tâm mạc
Nguyên nhân chính gây viêm nội tâm mạc là do vi khuẩn phát triển quá mức. Những vi khuẩn này vốn tồn tại trên các bề mặt bên trong hoặc bên ngoài cơ thể nhưng có thể được vào máu khi ăn hoặc uống. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập qua các vết thương hở trên da hoặc trong khoang miệng. Bình thường, những vi khuẩn này bị hệ miễn dịch tiêu diệt nhưng ở một số người, vi khuẩn vẫn tồn tại và gây ra vấn đề.
Vi khuẩn có thể di chuyển theo dòng máu vào tim, tại đây, chúng sinh sôi phát triển và gây viêm. Viêm nội tâm mạc cũng có thể do nấm hoặc các loại vi trùng khác gây ra.
Ăn uống không phải con đường duy nhất đưa vi trùng vào trong cơ thể. Vi trùng cũng có thể xâm nhập vào máu khi:
- đánh răng
- vệ sinh răng miệng kém và mắc bệnh nướu răng
- thực hiện thủ thuật nha khoa xâm lấn
- mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI)
- sử dụng kim tiêm dính vi trùng
- đặt ống thông tiểu liên tục hoặc ống thông tĩnh mạch
Những ai có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm nội tâm mạc gồm có:
- Tiêm chích ma túy
- Sẹo do tổn thương van tim, điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn hoặc các vi trùng khác phát triển
- Tổn thương mô do từng bị viêm nội tâm mạc trước đây
- Dị tật tim
- Thay van tim nhân tạo
Phương pháp chẩn đoán viêm nội tâm mạc
Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng và bệnh sử trước khi tiến hành các xét nghiệm. Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ nghe tim bằng ống nghe. Các xét nghiệm thường được thực hiện để chẩn đoán viêm nội tâm mạc gồm có:
Xét nghiệm máu
Nếu nghi ngờ người bệnh bị viêm nội tâm mạc, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm cấy máu để xem nguyên nhân có phải do nhiễm vi khuẩn, nấm hoặc các loại vi trùng khác hay không. Ngoài ra cần thực hiện thêm các xét nghiệm máu khác để xem liệu các triệu chứng có phải do các bệnh lý khác, chẳng hạn như thiếu máu gây ra hay không.
Siêu âm tim qua thành ngực
Siêu âm tim qua thành ngực là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn và không sử dụng bức xạ giúp đánh giá tình trạng tim và van tim. Phương pháp này sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của tim. Đầu dò siêu âm được đặt ở phía trước ngực của người bệnh. Siêu âm tim qua thành ngực giúp phát hiện các dấu hiệu tổn thương hoặc chuyển động bất thường của tim.
Siêu âm tim qua thực quản
Khi siêu âm tim qua thành ngực không cung cấp đủ thông tin về tình trạng tim, bác sĩ có thể tiến hành siêu âm tim qua thực quản. Đầu dò siêu âm được đưa qua đường miệng vào thực quản.
Điện tâm đồ
Điện tâm đồ (ECG hay EKG) là phương pháp đo hoạt động điện của tim. Điện tâm đồ giúp phát hiện nhịp tim hay tần suất tim đập bất thường. Người bệnh sẽ được gắn 12 đến 15 điện cực mềm trên da. Các điện cực này ghi lại hoạt động điện của tim và truyền tín hiệu đến máy tính. Kết quả sẽ được hiển thị dưới dạng sóng.
Chụp X-quang lồng ngực
Xẹp phổi và các vấn đề về phổi khác như phù phổi cũng có một số triệu chứng giống như viêm nội tâm mạc. Chụp X-quang lồng ngực có thể giúp phát hiện những vấn đề này.
Điều trị viêm nội tâm mạc
Thuốc kháng sinh
Nếu nguyên nhân gây viêm nội tâm mạc là do nhiễm vi khuẩn thì cần điều trị bằng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch. Người bệnh sẽ được điều trị bằng kháng sinh qua tĩnh mạch trong thời gian nằm viện và tiếp tục sau khi xuất viện cho đến khi tình trạng nhiễm trùng và viêm được kiểm soát. Khi tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát thì có thể chuyển sang thuốc kháng sinh đường uống. Quá trình điều trị bằng kháng sinh thường kéo dài đến 6 tuần.
Phẫu thuật
Những trường hợp viêm nội tâm mạc nhiễm trùng kéo dài hoặc van tim bị hỏng do viêm nội tâm mạc có thể cần điều trị bằng phẫu thuật. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ mô bị hỏng, mô sẹo, dịch tích tụ hoặc mảnh vụn từ mô bị nhiễm trùng. Bác sĩ cũng có thể sửa hoặc thay van tim.
Biến chứng của viêm nội tâm mạc
Biến chứng có thể phát sinh do những tổn hại mà tình trạng nhiễm trùng gây ra. Những biến chứng này gồm có rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như rung nhĩ, cục máu đông, tổn thương các cơ quan khác và tăng bilirubin máu kèm theo vàng da. Vi trùng trong máu có thể gây hình thành cục máu đông. Cục máu đông sẽ di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể.
Những bộ phận có thể bị ảnh hưởng gồm có:
- thận (viêm cầu thận)
- phổi
- não
- xương, đặc biệt là cột sống (xương có thể bị nhiễm trùng, dẫn đến viêm tủy xương)
Vi khuẩn hoặc nấm có thể di chuyển từ tim và ảnh hưởng đến những bộ phận này. Vi trùng còn có thể gây áp xe tại các cơ quan hoặc các khu vực khác của cơ thể.
Các biến chứng nghiêm trọng khác của viêm nội tâm mạc còn có đột quỵ và suy tim.
Phòng ngừa viêm nội tâm mạc
Vệ sinh răng miệng đúng cách hàng ngày và khám răng định kỳ có thể giảm nguy cơ vi khuẩn tích tụ trong khoang miệng và xâm nhập vào máu. Điều này giúp giảm nguy cơ viêm nội tâm mạc do nhiễm trùng. Nếu phải thực hiện một thủ thuật nha khoa xâm lấn và được kê thuốc kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng, hãy dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Nếu bạn mắc bệnh tim bẩm sinh, từng phẫu thuật tim hoặc viêm nội tâm mạc, hãy chú ý đến các dấu hiệu và triệu chứng của viêm nội tâm mạc, đặc biệt là tình trạng sốt dai dẳng và mệt mỏi không rõ nguyên nhân. Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này.
Ngoài ra, nên tránh:
- Xỏ khuyên trên cơ thể
- Xăm hình
- Tiêm chích ma túy
- Các thủ thuật xâm lấn có thể đưa vi khuẩn vào máu

Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm lớp màng bao xung quanh tim. Tình trạng này thường là do nhiễm virus và có thể gây đau. Có thể điều trị viêm màng ngoài tim bằng thuốc chống viêm và nghỉ ngơi nhưng những trường hợp nghiêm trọng có thể phải điều trị bằng các biện pháp khác để ngăn ngừa tái phát.

Viêm động mạch là tình trạng thành động mạch bị viêm và giảm khả năng vận chuyển máu đến các cơ quan. Có nhiều loại viêm động mạch. Các triệu chứng và biến chứng của viêm động mạch phụ thuộc vào động mạch nào bị viêm và mức độ tổn thương.

Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm xảy ra ở lớp mô mỏng, có dạng giống như một chiếc túi rỗng bao xung quanh tim. Viêm màng ngoài tim thường gây ra cơn đau nhói ở ngực. Triệu chứng này xảy ra do các lớp màng ngoài tim bị kích thích cọ xát vào nhau.

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó động mạch bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân.

Hẹp van động mạch chủ xảy ra khi van động mạch chủ bị thu hẹp và không mở ra như bình thường. Tình trạng này có thể gây đau ngực và khó thở, đặc biệt là sau khi gắng sức.