Tìm hiểu về bệnh cơ tim do rượu

Bệnh cơ tim do rượu là gì?
Bệnh cơ tim do rượu là một dạng bệnh tim xảy ra do lạm dụng rượu. Uống rượu trong thời gian dài sẽ làm cơ tim bị suy yếu và mỏng đi, ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim. Khi tim không thể bơm máu hiệu quả, lượng máu lưu thông sẽ bị giảm, làm gián đoạn các chức năng quan trọng của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến suy tim và các vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác.
Bệnh cơ tim do rượu được ghi nhận nhiều nhất ở nam giới trong độ tuổi từ 35 đến 50, nhưng phụ nữ cũng có thể mắc bệnh này. Những người bị bệnh thường có tiền sử uống quá nhiều rượu trong thời gian dài, thường từ 5 đến 15 năm.
Một người được coi là uống quá nhiều rượu nếu:
- Đối với nam giới: hơn 4 ly mỗi ngày hoặc hơn 14 ly mỗi tuần.
- Đối với phụ nữ: hơn 3 ly mỗi ngày hoặc hơn 7 ly mỗi tuần.
Bệnh cơ tim do rượu không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Nếu có, triệu chứng thường giống với triệu chứng của suy tim như mệt mỏi, khó thở và sưng ở cẳng chân hoặc bàn chân.
Nếu nghi ngờ mình mắc bệnh cơ tim do rượu, hãy liên hệ ngay với bác sĩ. Điều trị kịp thời có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như suy tim sung huyết (CHF).
Triệu chứng của bệnh cơ tim do rượu
Những người mắc bệnh cơ tim do rượu có thể gặp các triệu chứng sau:
- Khó thở
- Sưng ở cẳng chân, bàn chân và mắt cá chân
- Mệt mỏi
- Yếu người
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Chán ăn
- Khó tập trung
- Nhịp tim nhanh và không đều
- Ho có đờm màu hồng, sủi bọt
- Thay đổi lượng nước tiểu
Cần lưu ý rằng bệnh cơ tim do rượu có thể không gây ra triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển nặng hơn. Ở giai đoạn này, các triệu chứng thường là hậu quả của suy tim.
Nguyên nhân gây ra bệnh cơ tim do rượu
Rượu có tác động độc hại lên nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả tim. Tính độc của rượu làm tổn thương và suy yếu cơ tim theo thời gian. Điều này khiến tim khó bơm máu hiệu quả.
Khi tim không bơm đủ máu, nó bắt đầu giãn ra để chứa lượng máu dư thừa. Quá trình này làm cơ tim trở nên mỏng đi và bị giãn nở. Cuối cùng, cơ tim và mạch máu có thể ngừng hoạt động bình thường do bị tổn thương và áp lực kéo dài.
Chẩn đoán bệnh cơ tim do rượu như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh cơ tim do rượu, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng và hỏi thông tin về tiền sử bệnh. Ngoài ra, có thể cần tiến hành một số xét nghiệm và chụp X-quang.
Khám lâm sàng
Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ kiểm tra mạch và huyết áp. Bác sĩ cũng sẽ nghe phổi và tim để phát hiện các âm thanh bất thường. Những xét nghiệm đơn giản này giúp bác sĩ xác định các dấu hiệu tiềm ẩn sau của bệnh cơ tim do rượu hoặc suy tim:
- Tim to
- Tiếng thổi tim do tổn thương van tim
- Âm thanh do ứ đọng máu trong tim và phổi
- Tĩnh mạch cổ nổi rõ
- Sưng ở cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân
Bác sĩ cũng sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh cũng như thói quen uống rượu. Bạn nên trả lời trung thực về mức độ và tần suất uống rượu để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác hơn và lên kế hoạch điều trị hiệu quả.
Xét nghiệm
Các xét nghiệm này không trực tiếp chẩn đoán bệnh cơ tim do rượu nhưng có thể giúp bác sĩ đánh giá mức độ suy yếu chức năng tim và tổn thương ở các cơ quan khác.
Các xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm sinh hoá máu: Đo nồng độ các chất trong máu.
- Xét nghiệm chức năng gan: Giúp phát hiện tình trạng viêm gan và tổn thương gan.
- Xét nghiệm cholesterol: Kiểm tra mức cholesterol trong máu.
Chẩn đoán hình ảnh
Có nhiều loại xét nghiệm hình ảnh có thể giúp kiểm tra tim và phổi:
- Chụp X-quang ngực hoặc chụp CT ngực (chụp cắt lớp vi tính): Phát hiện tim to, tình trạng ứ dịch hoặc tắc nghẽn trong phổi. Đây là các dấu hiệu phổ biến của bệnh cơ tim do rượu.
- Siêu âm tim (echocardiogram): Sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh tim, giúp phát hiện các tình trạng:
- Tim to
- Van tim bị hở
- Huyết áp cao
- Hình thành cục máu đông
- Điện tâm đồ (EKG): Kiểm tra tín hiệu điện điều khiển nhịp tim. Bệnh cơ tim do rượu có thể làm rối loạn nhịp tim, khiến tim đập quá nhanh hoặc quá chậm. EKG sẽ hiển thị các nhịp tim bất thường này.
Điều trị bệnh cơ tim do rượu như thế nào?
Trước hết, bạn cần phải ngừng uống rượu hoàn toàn. Bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của hội chứng cai rượu nếu cần. Bạn cũng sẽ phải điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống. Một số khuyến nghị được bác sĩ đưa ra là:
- Áp dụng chế độ ăn ít muối
- Dùng thuốc lợi tiểu để tăng đào thải nước và muối qua đường tiểu
- Hạn chế lượng nước uống để giảm áp lực lên tim do tình trạng giữ nước
Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc như thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors) và thuốc chẹn beta (beta-blockers) để giúp hạ huyết áp.
Nếu tim bị tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng thiết bị cấy dưới da như máy khử rung tim (ICD) hoặc máy tạo nhịp tim (pacemaker) để hỗ trợ chức năng tim.
Tiên lượng lâu dài cho người bị bệnh cơ tim do rượu
Tiên lượng sẽ phụ thuộc vào khoảng thời gian uống quá nhiều rượu và lượng rượu đã tiêu thụ trong giai đoạn đó. Những yếu tố này quyết định đến mức độ nghiêm trọng của tổn thương tim.
Trong trường hợp tim bị tổn thương tim nặng, khả năng hồi phục hoàn toàn là rất thấp. Khi tổn thương được xem là không thể hồi phục, việc phục hồi chức năng tim và các chức năng khác của cơ thể sẽ rất khó khăn.
Nếu bệnh được phát hiện sớm và tổn thương chưa nghiêm trọng, bệnh có thể được điều trị và trong một số trường hợp, tổn thương có thể hồi phục được.
Điều quan trọng là bạn cần phải tuân thủ kế hoạch điều trị và ngừng uống rượu hoàn toàn trong quá trình hồi phục.

Có nhiều loại thủ thuật điều trị bệnh tim mạch ngoại trú, bao gồm nong mạch vành, đặt stent, cấy máy tạo nhịp tim và các thủ thuật khác. Nếu bạn gặp vấn đề về tim mạch, bác sĩ có thể khuyến nghị thực hiện thủ thuật ngoại trú, nghĩa là bạn không cần ở lại bệnh viện qua đêm và có thể về nhà trong ngày. Hầu hết các thủ thuật này đều ít xâm lấn, nên thời gian hồi phục không kéo dài.

Tiếng thổi ở tim là những âm thanh như tiếng rít hoặc tiếng sột soạt được tạo ra do dòng máu chảy không đều ở trong hoặc gần tim. Những âm thanh này chỉ được nghe thấy khi bác sĩ nghe tim. Tiếng thổi ở tim có thể xảy ra ngay từ khi sinh ra (bẩm sinh) hoặc xảy ra sau này.

Bệnh cơ tim phì đại (Hypertrophic Cardiomyopathy - HCM) làm cho cơ tim ở tâm thất trái dày lên, khiến tim khó duy trì thực hiện được chức năng như bình thường. Nếu không được điều trị, HCM có thể đe dọa đến tính mạng.

Bệnh cơ tim chu sinh là một dạng suy tim có thể xảy ra vào những tuần cuối của thai kỳ hoặc trong vài tháng sau khi sinh. Điều trị đúng cách có thể giúp phục hồi chức năng tim về trạng thái bình thường.

Bệnh cơ tim phì đại (Hypertrophic cardiomyopathy - HCM) khiến cơ tim dày lên, đặc biệt là ở tâm thất trái (phần dưới của tim). Tình trạng này có thể dẫn đến các triệu chứng như tiếng thổi tim, sưng phù, mệt mỏi, và đau ngực.