Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của bệnh cơ tim phì đại

Bệnh cơ tim (cardiomyopathy) là thuật ngữ chỉ các vấn đề làm tim suy giảm chức năng bơm máu. Bệnh cơ tim phì đại (HCM) là một trong những loại bệnh cơ tim.
Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn gặp phải các triệu chứng của HCM. Mặc dù hầu hết người mắc bệnh đều vẫn có thể sống cuộc sống bình thường nhưng HCM nếu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về tim mạch.
Dưới đây là 12 dấu hiệu và triệu chứng của HCM mà bạn cần lưu ý để biết được khi nào cần trao đổi với bác sĩ.
Các triệu chứng của bệnh cơ tim phì đại
Ở giai đoạn ban đầu, một số người mắc HCM có thể không xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, triệu chứng cũng có thể xuất hiện nhẹ hoặc khi bệnh tiến triển thì sẽ biểu hiện rõ hơn.
Các triệu chứng phổ biến của HCM là:
- Chóng mặt: Lưu lượng máu giảm hoặc nhịp tim không đều do HCM có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt. Triệu chứng này có thể nặng hơn nếu bạn đứng dậy đột ngột sau khi nghỉ ngơi.
- Ngất xỉu: Trong một số trường hợp, chóng mặt do HCM có thể dẫn đến ngất xỉu.
- Mệt mỏi: HCM có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường, ngay cả khi đã ngủ đủ giấc hoặc nghỉ ngơi.
- Khó thở: Triệu chứng này có thể trở nên nặng hơn sau khi hoạt động thể chất.
- Đau ngực: Lưu lượng máu giảm và nhịp tim bất thường có thể gây đau ở ngực. Cơn đau có thể trở nên nặng hơn sau khi ăn nhiều hoặc sau khi tập thể dục.
- Phù nề (edema): Bác sĩ có thể phát hiện tình trạng này trong quá trình kiểm tra sức khỏe. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận thấy các dấu hiệu như bụng phình to hoặc sưng ở chân.
- Các vấn đề tiêu hóa: Các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, và chán ăn có thể xảy ra, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Quấy khóc: Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ mắc HCM có thể trở nên quấy khóc bất thường và khó dỗ dành.
Khi nào cần gọi cấp cứu
Nếu bạn bị khó thở kéo dài hơn vài phút dù đã nghỉ ngơi, hãy gọi 115 để được hỗ trợ y tế khẩn cấp.
Gọi 115 nếu cơn đau ngực trở nặng và/hoặc đau lan xuống cánh tay hoặc hàm. Đây có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim.
Các giai đoạn của bệnh cơ tim phì đại
Bệnh cơ tim phì đại (HCM) được chia thành 4 giai đoạn chính:
- Giai đoạn I: Bệnh thường chưa có triệu chứng rõ rệt, dù có thể xuất hiện một số dấu hiệu sớm.
- Giai đoạn II: Cơ tim bắt đầu dày lên đáng kể, co bóp mạnh hơn bình thường nhưng chưa có hiện tượng xơ hóa nghiêm trọng. Nguyên nhân xảy ra các triệu chứng thường là vì phần dưới của tâm thất trái bị tắc nghẽn do van hai lá bị di lệch. Bạn có thể bắt đầu cảm thấy nhịp tim bất thường và có tình trạng sưng phù.
- Giai đoạn III: Xuất hiện dấu hiệu xơ hóa hoặc hình thành sẹo ở tâm thất trái, làm giảm khả năng bơm máu của tim. Các triệu chứng của giai đoạn này là khó thở, nhịp tim không đều, và buồn nôn.
- Giai đoạn IV: Biểu hiện rõ ràng các dấu hiệu của rối loạn chức năng tâm thu thất trái (LVSD). Các triệu chứng gồm có khó thở (đặc biệt vào ban đêm), sưng phù, tăng cân, và đau ngực.
Nhận biết trường hợp mắc bệnh cơ tim phì đại
Bác sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu sớm của HCM trong quá trình kiểm tra sức khỏe, ngay cả khi bạn chưa xuất hiện triệu chứng. Một số dấu hiệu có thể là:
- Nhịp tim không đều: Tim có thể đập quá nhanh (nhịp tim nhanh - tachycardia) hoặc không đều (rung nhĩ - atrial fibrillation).
- Tiếng thổi tim: Bác sĩ có thể phát hiện âm thanh bất thường khi nghe nhịp tim bằng ống nghe. Có thể nghe thấy tiếng thổi tim khi cơ tim co bóp hoặc máu lưu thông qua tim.
- Sưng phù (phù nề): Khi HCM tiến triển thành suy tim có thể xuất hiện hiện tượng sưng ở tay, chân hoặc phình bụng.
- Chậm lớn hoặc tăng trưởng kém: Bác sĩ có thể phát hiện dấu hiệu này ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ.
Nguyên nhân
HCM có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, HCM được cho là do sự kết hợp của các yếu tố như căng thẳng, bệnh lý nền, và yếu tố di truyền. Đây được xem là bệnh tim di truyền phổ biến nhất.
Nếu bạn có người thân trực hệ (bố mẹ hoặc anh chị em) mắc HCM thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng sẽ tăng lên. Tiền sử gia đình mắc suy tim, đau tim, hoặc ngừng tim cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc HCM.
Tầm quan trọng của việc chẩn đoán và điều trị
Việc chẩn đoán sớm và lập kế hoạch điều trị có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng của HCM, như nhịp tim không đều, đột quỵ, hoặc suy tim. Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng HCM cũng có thể làm tăng nguy cơ ngừng tim đột ngột, một biến cố nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu nghi ngờ bạn mắc HCM, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm để đo chức năng tim và kiểm tra dấu hiệu cơ tim dày lên như:
- Siêu âm tim (echocardiogram)
- Điện tâm đồ (ECG)
- Nghiệm pháp gắng sức
- Chụp X-quang ngực
- Cộng hưởng từ tim (MRI)
- Xét nghiệm di truyền
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đeo các thiết bị theo dõi nhịp tim, như Holter hoặc máy ghi biến cố tim (event monitor), trong 24-48 giờ.
Nếu bệnh nhân được chẩn đoán mắc HCM, bác sĩ có thể khuyến nghị các phương pháp điều trị sau:
- Sử dụng thuốc: Thuốc chẹn beta (Beta-blocker) hoặc thuốc chẹn kênh canxi để làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
- Phẫu thuật: Trong một số trường hợp, phẫu thuật loại bỏ mô cơ tim dày lên có thể được chỉ định để cải thiện lưu lượng máu ra vào tim.
Kết luận
HCM là một loại bệnh cơ tim làm cơ tim dày và phình to hơn, làm tim khó có thể bơm máu như bình thường. Dù không phải tất cả các trường hợp mắc HCM đều có triệu chứng nhưng cần phát hiện và điều trị sớm để ngăn ngừa các biến chứng tim mạch.
Nếu gặp phải các triệu chứng nghi ngờ là do HCM, hãy liên hệ bác sĩ ngay. Bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác và đưa ra kế hoạch điều trị toàn diện để giúp bạn cải thiện tình trạng sức khỏe.

Bệnh tim là một trong những bệnh thường gặp nhất ở nam giới hiện nay. Không phải lúc nào bệnh tim cũng có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Do đó, cần nhận biết sớm các dấu hiệu cũng như yếu tố nguy cơ gây bệnh tim để được điều trị kịp thời và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng hơn.

Bệnh tim mạch là một trong những vấn đề về sức khỏe hàng đầu ở nam giới. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, hơn một phần ba nam giới trưởng thành mắc bệnh tim mạch.

Bệnh tim Ebstein là một dạng dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp. Ở những trẻ bị bệnh tim Ebstein, van ba lá (van nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải) hình thành không đúng vị trí và các lá van bị dị dạng. Kết quả là van ba lá không thể hoạt động bình thường và máu chảy ngược qua van, làm cho tim hoạt động kém hiệu quả. Bệnh tim Ebstein có thể dẫn đến chứng cơ tim phì đại và suy tim.