Tìm hiểu về bệnh cơ tim chu sinh

Khi suy tim xuất hiện vào các tuần cuối thai kỳ hoặc trong vài tháng đầu sau sinh, tình trạng này có thể được chẩn đoán là bệnh cơ tim chu sinh (còn gọi là bệnh cơ tim chu sản).
Nếu được chẩn đoán trong thai kỳ, bệnh có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Đối với người mang thai, đây là một tình trạng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng và gây ra các biến chứng như ngừng tim, hình thành cục máu đông, hoặc đột quỵ. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp mắc bệnh cơ tim chu sinh đều có khả năng phục hồi.
Bệnh cơ tim chu sinh là gì?
Bệnh cơ tim chu sinh (PPCM) là một dạng suy tim tâm thu, ảnh hưởng đến khả năng co bóp của tâm thất trái, buồng tim chính chịu trách nhiệm bơm máu. PPCM thường xảy ra vào tháng cuối thai kỳ nhưng cũng có thể xảy ra trong vòng 4 đến 5 tháng sau sinh.
Nếu không có nguyên nhân rõ ràng khác gây suy tim hoặc không có chẩn đoán suy tim trước đó, thì các triệu chứng xuất hiện trong thời gian này có khả năng là PPCM.
Khi mắc PPCM, các buồng tim giãn ra và cơ tim bị suy yếu, khiến tâm thất trái gặp khó khăn trong việc bơm đủ máu đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Điều này có thể khiến bạn gặp các triệu chứng như huyết áp thấp, mệt mỏi và tình trạng tích tụ dịch ở bàn chân.
Triệu chứng của bệnh cơ tim chu sinh
Các triệu chứng phổ biến của PPCM tương tự như các dạng suy tim khác, nhưng một số triệu chứng có thể thường thấy hơn trong thai kỳ. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.
Các triệu chứng của PPCM bao gồm:
- Khó thở, xảy ra khi vận động hoặc khi nằm thẳng
- Sưng mắt cá chân hoặc bàn chân do tích tụ dịch (phù)
- Đau hoặc tức ngực
- Ho
- Mệt mỏi
- Đánh trống ngực
- Chóng mặt, đặc biệt là khi đứng lên
Nguyên nhân gây bệnh cơ tim chu sinh
Các bác sĩ vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây PPCM ở những người khoẻ mạnh. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), nghiên cứu cho rằng nguyên nhân có thể là do hoạt động bất thường của một số hormone, gây tổn thương hệ mạch máu. Đây cũng là các hormone hoạt động quá mức ở những người bị tiền sản giật, điều này giải thích tại sao tiền sản giật là một yếu tố nguy cơ lớn dẫn đến PPCM.
Các nguyên nhân khác có thể là:
- Đáp ứng miễn dịch bất thường (phản ứng bất thường của hệ miễn dịch)
- Thiếu hụt dinh dưỡng
- Nhiễm virus trước đó
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh cơ tim chu sinh
Nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh cơ tim chu sinh (postpartum cardiomyopathy, PPCM) vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ đã được xác định đó là:
- Là người da đen
- Mang đa thai (song thai, tam thai, v.v.)
- Phụ nữ trên 30 tuổi đang trong thai kỳ
- Có tiền sử tiền sản giật, huyết áp cao mãn tính hoặc cả hai
Chẩn đoán bệnh cơ tim chu sinh
Chẩn đoán PPCM vẫn gặp nhiều thách thức do các triệu chứng của bệnh có thể khá giống với những triệu chứng thường gặp vào cuối thai kỳ, như khó thở hoặc sưng chân và mắt cá chân. Nếu những triệu chứng này xuất hiện đột ngột trong thai kỳ hoặc vài tháng sau sinh, bạn nên nhanh chóng trao đổi với bác sĩ.
Nếu nghi ngờ PPCM, bác sĩ sẽ xem xét triệu chứng, tiền sử bệnh lý và sử dụng ống nghe để kiểm tra âm thanh tim có bất thường hay không, nhịp tim có bị nhanh không, hoặc có dịch tích tụ trong phổi không. Bạn cũng có thể được chụp X-quang ngực để phát hiện dịch trong phổi, một dấu hiệu phổ biến của suy tim.
Siêu âm tim là phương pháp hiệu quả để xác định sự thay đổi về cấu trúc và khả năng bơm máu của tim. Kỹ thuật này giúp đánh giá phân suất tống máu của tâm thất trái, hay tỷ lệ phần trăm máu được bơm ra từ tâm thất trái trong mỗi nhịp tim. Phân suất tống máu bình thường dao động từ 50% đến 70%. Nếu phân suất này dưới 45%, đó có thể là dấu hiệu của PPCM.
Điều trị bệnh cơ tim chu sinh
Mục đích chính của việc điều trị PPCM là để phục hồi chức năng tim khỏe mạnh và ngăn ngừa dịch tích tụ trong phổi, bàn chân và các bộ phận khác của cơ thể. Thông thường, PPCM được điều trị bằng cách kết hợp sử dụng thuốc và điều chỉnh lối sống.
Một số loại thuốc phổ biến được kê đơn để giúp giảm áp lực lên tim là:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE inhibitors)
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARBs)
- Thuốc chẹn beta (beta-blockers)
- Thuốc Digitalis
- Thuốc lợi tiểu
Do khả năng bơm máu của tim bị suy giảm nên nguy cơ hình thành cục máu đông sẽ tăng lên. Những người bị PPCM có thể được kê đơn thuốc chống đông máu để giúp giảm nguy cơ này.
Trong trường hợp suy tim nặng, bác sĩ có thể kê thuốc tăng co bóp cơ tim (inotropic medications), giúp điều chỉnh lực co bóp của tim.
Một loại thuốc thử nghiệm, bromocriptine, có khả năng hạn chế sản xuất prolactin – một hormone có vai trò chính trong việc sản sinh sữa mẹ. Đối với một số người, prolactin có thể bị biến đổi tạo ra một đoạn hormone gây độc ảnh hưởng đến chức năng tim. Nghiên cứu năm 2022 cho thấy bromocriptine có thể giúp gia tăng tỷ lệ sống sót ở những người bị PPCM. Tuy nhiên, thuốc này vẫn đang được nghiên cứu và có thể được kê đơn trong một số trường hợp.
Một số loại thuốc không an toàn cho phụ nữ đang trong thai kỳ hoặc trong thời gian cho con bú. Do đó, bác sĩ sẽ điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.
Ngoài ra, bác sĩ có thể khuyến nghị thay đổi lối sống như chế độ ăn ít muối hoặc hạn chế lượng chất lỏng nạp vào cơ thể để kiểm soát tình trạng phù. Tuy nhiên, những thay đổi này có thể không được khuyến khích nếu bạn đang mang thai.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn theo dõi cân nặng hàng ngày. Việc tăng cân đột ngột hoặc không rõ nguyên nhân, thậm chí chỉ vài cân, cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng tích tụ dịch trong phổi hoặc bụng mà mắt thường khó có thể nhận biết.
Tiên lượng cho người mắc bệnh cơ tim chu sinh
Tiên lượng hồi phục của bệnh cơ tim chu sinh (postpartum cardiomyopathy, PPCM) không phải lúc nào cũng có thể dự đoán trước được. Khi được điều trị tích cực, nhiều bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn, trong khi một số khác có thể phát triển thành suy tim mãn tính và cần điều trị suốt đời.
Một tỷ lệ nhỏ người bệnh tử vong do PPCM. Theo một bài đánh giá năm 2020, hiện vẫn cần thêm nghiên cứu về tỷ lệ bệnh nhân mắc PPCM tử vong sau một khoảng thời gian tương đối dài. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong trong vòng hai năm tại Hoa Kỳ có thể dao động từ 0% đến 16%.
Các câu hỏi thường gặp
Bệnh cơ tim chu sinh có triệu chứng như thế nào?
Các trường hợp nhẹ có thể không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, đối với các trường hợp nặng hơn, bạn có thể bị thức giấc giữa đêm vì ho hoặc khó thở. Bạn cũng có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu ở ngực, tim đập nhanh, và có nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng như ngừng tim, hình thành cục máu đông hoặc đột quỵ.
Bệnh cơ tim chu sinh kéo dài bao lâu?
PPCM có thể phát triển thành suy tim mãn tính, nghĩa là kéo dài suốt đời. Trong thời gian dài, bạn có thể cần dùng đến một máy bơm nhân tạo để hỗ trợ tim hoặc thậm chí phải ghép tim nếu tim quá yếu và không thể hoạt động. Tuy nhiên, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association, AHA) báo cáo rằng khi được điều trị đúng cách thì nhiều người mắc PPCM có thể hồi phục hoàn toàn trong vòng 3–6 tháng.
Suy tim sau sinh phổ biến như thế nào?
PPCM là một tình trạng hiếm gặp. Một nghiên cứu kéo dài 20 năm tại châu Âu cho thấy khoảng 1 trong 4.950 phụ nữ mang thai mắc phải PPCM. Một nghiên cứu khác tại Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ mắc PPCM dao động từ 1 trong 1.000 đến 1 trong 4.000 ca mang thai, nhưng các nhà nghiên cứu nhận định tỷ lệ thực tế có thể chưa được ghi nhận đầy đủ.
Kết luận
Bệnh cơ tim chu sinh là một tình trạng hiếm gặp nhưng nguy hiểm, có thể dẫn đến các biến chứng và nguy cơ đối với sức khỏe kéo dài suốt đời. Nếu bạn được chẩn đoán mắc PPCM, cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và dùng thuốc theo đúng chỉ định.
Khi đã mắc PPCM thì trong những lần mang thai sau, nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe sẽ cao hơn. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ thật cẩn thận nếu có kế hoạch mang thai lần nữa. Nếu mang thai, bạn cần thường xuyên theo dõi chức năng tim để phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu nào của PPCM hoặc các vấn đề tim mạch khác.

Bệnh tim bẩm sinh hay dị tật tim bẩm sinh là một nhóm các vấn đề về cấu tạo của tim xảy ra ngay từ khi còn trong bào thai. Bệnh tim bẩm sinh gây ảnh hưởng đến sự lưu thông máu qua tim. Một số dạng dị tật tim bẩm sinh không gây ra vấn đề nghiêm trọng trong khi những dạng dị tật phức tạp lại có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Có nhiều loại thủ thuật điều trị bệnh tim mạch ngoại trú, bao gồm nong mạch vành, đặt stent, cấy máy tạo nhịp tim và các thủ thuật khác. Nếu bạn gặp vấn đề về tim mạch, bác sĩ có thể khuyến nghị thực hiện thủ thuật ngoại trú, nghĩa là bạn không cần ở lại bệnh viện qua đêm và có thể về nhà trong ngày. Hầu hết các thủ thuật này đều ít xâm lấn, nên thời gian hồi phục không kéo dài.

Tiếng thổi ở tim là những âm thanh như tiếng rít hoặc tiếng sột soạt được tạo ra do dòng máu chảy không đều ở trong hoặc gần tim. Những âm thanh này chỉ được nghe thấy khi bác sĩ nghe tim. Tiếng thổi ở tim có thể xảy ra ngay từ khi sinh ra (bẩm sinh) hoặc xảy ra sau này.

Bệnh cơ tim phì đại (Hypertrophic Cardiomyopathy - HCM) làm cho cơ tim ở tâm thất trái dày lên, khiến tim khó duy trì thực hiện được chức năng như bình thường. Nếu không được điều trị, HCM có thể đe dọa đến tính mạng.

Bệnh cơ tim phì đại (Hypertrophic cardiomyopathy - HCM) khiến cơ tim dày lên, đặc biệt là ở tâm thất trái (phần dưới của tim). Tình trạng này có thể dẫn đến các triệu chứng như tiếng thổi tim, sưng phù, mệt mỏi, và đau ngực.