Thuốc statin có gây mệt mỏi không?

Statin là nhóm thuốc giúp làm giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu) trong cơ thể. Mệt mỏi là một tác dụng phụ thường gặp, nhưng không phải ai dùng statin cũng gặp tình trạng này. Dưới đây là những tác dụng phụ khác và các câu hỏi thường gặp liên quan.
Mệt mỏi có phải là tác dụng phụ của statin không?
Một số người dùng statin có thể gặp tình trạng mệt mỏi. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng.
Theo một nghiên cứu dựa trên báo cáo từ bác sĩ và người bệnh, mệt mỏi có thể là hậu quả gián tiếp của các tác dụng phụ phổ biến của statin như:
- buồn nôn
- tiêu chảy
- đau, căng cứng hoặc chuột rút cơ
- chóng mặt
- xây xẩm
Những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ hoặc làm cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng hơn, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường.
Các tác dụng phụ nhẹ của statin thường giảm dần sau vài tuần điều trị.
Tác dụng phụ khác có thể dẫn đến cảm giác mệt mỏi
Statin hiếm khi dẫn đến các tác dụng phụ vừa và nặng. Nếu xảy ra, những tác dụng phụ này cũng có thể gây mệt mỏi.
Đau cơ và tổn thương cơ
Đau cơ là một tác dụng phụ đã được ghi nhận ở những người dùng statin. Cơn đau có thể đi kèm cảm giác mỏi hoặc yếu cơ, từ nhẹ đến nặng và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Nếu bạn cảm thấy đau cơ hoặc mệt mỏi bất thường sau khi bắt đầu dùng statin, hãy báo ngay cho bác sĩ. Trong một số trường hợp hiếm, đau cơ có thể tiến triển thành tổn thương cơ - một tình trạng nguy hiểm gọi là tiêu cơ vân (rhabdomyolysis).
Tiêu cơ vân có thể kèm theo nước tiểu sẫm màu, suy giảm chức năng thận và trong một số trường hợp dẫn đến suy thận. Nếu không được điều trị, tiêu cơ vân có thể gây tổn thương gan và đe dọa tính mạng.
Tổn thương gan
Statin có thể khiến gan sản xuất lượng men gan cao hơn mức bình thường. Nếu men gan ở mức thấp hoặc bình thường, bạn có thể tiếp tục dùng thuốc. Nhưng nếu men gan tăng cao, bác sĩ có thể cân nhắc đổi thuốc.
Bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm máu để kiểm tra men gan trước và sau khi bắt đầu dùng statin nếu bạn có nguy cơ bị tổn thương gan.
Tiểu đường tuýp 2
Mặc dù statin không trực tiếp gây tiểu đường nhưng một số người có yếu tố nguy cơ có thể bị tăng đường huyết khi dùng thuốc. Nếu không kiểm soát tốt, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.
Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, đang trong giai đoạn tiền tiểu đường hoặc có các yếu tố nguy cơ, hãy thông báo cho bác sĩ trước khi bắt đầu dùng statin.
Ngừng dùng statin
Việc ngừng statin nên được thực hiện dưới sự theo dõi của bác sĩ. Dừng thuốc đột ngột có thể gây tác dụng ngược, khiến cholesterol tăng trở lại và làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng tim mạch.
Câu hỏi thường gặp
Vì sao có thể cảm thấy mệt khi dùng statin?
Cảm giác mệt mỏi có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu khi cơ thể đang thích nghi với thuốc. Ngoài ra, các tác dụng phụ như buồn nôn, đau nhức, yếu cơ cũng góp phần gây mệt mỏi. Việc điều chỉnh liều thuốc hoặc đổi sang loại statin khác có thể giúp giảm triệu chứng.
Tác dụng phụ phổ biến nhất của statin là gì?
Statin không phải lúc nào cũng gây tác dụng phụ. Nếu có, bạn có thể bị buồn nôn, đau nhức cơ, rối loạn tiêu hóa và mệt mỏi.
Statin có làm mất năng lượng không?
Statin không trực tiếp gây mất năng lượng nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ như buồn nôn, đau nhức cơ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi.
Mất bao lâu để cơ thể quen với statin?
Thời gian để cơ thể quen với statin tùy theo từng người. Bạn có thể cảm nhận được tác dụng hạ cholesterol ngay trong tuần đầu tiên. Một số người có thể gặp tác dụng phụ nhẹ kéo dài vài tuần. Nếu triệu chứng không tự hết, bác sĩ có thể cần điều chỉnh liều lượng sử dụng.
Kết luận
Mệt mỏi không phải là tác dụng phụ trực tiếp phổ biến của statin nhưng có thể là hệ quả của các tác dụng phụ khác như buồn nôn hay đau cơ. Không phải ai dùng statin cũng sẽ bị mệt hoặc gặp tác dụng phụ.
Nếu bạn xuất hiện triệu chứng mới sau khi dùng statin, hãy trao đổi ngay với bác sĩ. Đôi khi chỉ cần điều chỉnh liều lượng là có thể cải thiện được tình trạng này.
Việc ngừng thuốc hoặc thay đổi liều cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng không mong muốn.

Nước cam, thực phẩm bổ sung kali và đồ uống chứa caffein có thể ảnh hưởng đến một số loại thuốc chẹn beta. Bác sĩ sẽ tư vấn những thực phẩm an toàn tùy theo loại thuốc và tình trạng sức khỏe của bạn.

Nếu tình trạng cholesterol cao chỉ ở mức nhẹ hoặc trung bình, bạn có thể áp dụng các biện pháp tại nhà, chưa cần dùng đến thuốc để kiểm soát và hạ cholesterol hiệu quả.

Statin là loại thuốc được bác sĩ kê đơn để giúp giảm nồng độ cholesterol LDL trong máu. Trong khi đó, sterol thực vật là hợp chất có khả năng ngăn cơ thể hấp thu cholesterol từ thực phẩm. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hai phương pháp này và lựa chọn sao cho phù hợp.

Statin là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất để làm giảm cholesterol. Tuy nhiên, việc uống rượu có thể làm trầm trọng thêm một số tác dụng phụ ở những người mắc các bệnh lý nhất định, đặc biệt là các vấn đề về gan.

Statin là nhóm thuốc thường được dùng để điều trị cholesterol cao. Một số người cho biết họ gặp tình trạng mất trí nhớ khi dùng statin, tuy nhiên hiện nay, các nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc đến trí nhớ vẫn còn hạn chế.