Bệnh van tim có thể điều trị bằng thuốc không?

Tim có bốn van thực hiện chức năng kiểm soát dòng máu vào và ra khỏi bốn buồng tim. Cả bốn van này đều có thể gặp các vấn đề, từ mức độ nhẹ và không có triệu chứng cho đến các tình trạng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để làm bệnh chậm tiến triển hoặc làm giảm bớt triệu chứng. Tuy nhiên, chỉ dùng thuốc thôi thì thường sẽ không đủ để kiểm soát hoàn toàn các vấn đề van tim nghiêm trọng.
Mặc dù vậy, việc hiểu rõ vai trò của thuốc trong kế hoạch điều trị tổng thể là vẫn rất quan trọng. Đồng thời, cần nhận biết những loại thuốc có thể gây hại nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh van tim.
Dưới đây là thông tin chi tiết về các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh van tim, cũng như các triệu chứng cho thấy tình trạng bệnh có thể đang xấu đi.
Thuốc có hiệu quả trong điều trị bệnh van tim không?
Các vấn đề van tim thường chia thành hai loại chính là hở van và hẹp van:
- Hở van tim xảy ra khi van không đóng kín, khiến máu bị rò ngược qua van.
- Hẹp van tim xảy ra khi van bị cứng lại và không mở đủ rộng để máu lưu thông bình thường.
Đối với người mắc bệnh van tim, bác sĩ sẽ khuyến nghị nên đồng thời kết hợp với việc thực hiện lối sống lành mạnh để quản lý bệnh:
- Tuân theo chế độ ăn tốt cho tim mạch, ít đường bổ sung, natri, chất béo bão hòa và thực phẩm chế biến sẵn.
- Tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần.
- Tránh hút thuốc (nếu có hút thuốc).
- Quản lý căng thẳng hiệu quả.
Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để làm giảm triệu chứng và làm bệnh chậm tiến triển. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), không có loại thuốc nào điều trị được các vấn đề cụ thể như hở van tim hay hẹp van tim.
Khi bệnh van tim tiến triển và gây ra các triệu chứng, phương pháp điều trị tiếp theo thường là sửa chữa hoặc thay thế van tim. Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể được thực hiện bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, sử dụng ống thông đưa qua mạch máu đến tim để tiến hành sửa chữa hoặc thay thế.
Nếu không, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật tim hở.
Các loại thuốc thường được kê đơn để điều trị bệnh van tim
Vì các vấn đề như tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim có thể làm phức tạp hoặc làm trầm trọng thêm bệnh van tim nên bác sĩ có thể chỉ định một hoặc nhiều loại thuốc khác nhau để kiểm soát các tình trạng này, nhằm bảo vệ chức năng tim và sức khỏe tim mạch.
Một số loại thuốc thường được sử dụng là:
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARBs): Giúp làm giãn mạch máu và điều trị tăng huyết áp.
- Thuốc chống loạn nhịp tim: Điều trị các rối loạn nhịp tim.
- Kháng sinh: Phòng ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Thuốc chống đông máu: Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Thuốc chẹn beta: Giảm tải công việc cho tim và điều trị đánh trống ngực.
- Thuốc lợi tiểu: Giảm lượng dịch trong cơ thể, giúp hạ huyết áp và giảm gánh nặng cho tim.
- Statins: Giảm cholesterol và nguy cơ mắc bệnh động mạch vành.
- Thuốc giãn mạch: Giúp thư giãn mạch máu, giảm áp lực lên cơ tim.
Thuốc điều trị bệnh van tim hiệu quả nhất là gì?
Loại thuốc giúp quản lý bệnh van tim hiệu quả nhất là loại thuốc điều trị được tình trạng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm các vấn đề về van tim.
Ví dụ, nếu bạn bị tăng huyết áp, việc kiểm soát huyết áp bằng thuốc và thay đổi lối sống nên được ưu tiên hàng đầu.
Hiện tại, các nghiên cứu đang tiếp tục tìm kiếm những loại thuốc có thể điều trị trực tiếp các vấn đề về van tim. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy một loại kháng thể đơn dòng có tên SYN0012 có thể có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự tiến triển của tình trạng vôi hóa van tim. Vôi hóa van tim là sự tích tụ canxi trên lá van, dẫn đến hẹp van và các biến chứng nghiêm trọng về tim.
Bệnh van tim có thể điều trị mà không cần phẫu thuật không?
Trong giai đoạn đầu, có thể quản lý bệnh van tim bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh và dùng thuốc. Đối với những trường hợp nhẹ, có thể không cần điều trị thêm.
Tuy nhiên, khi bệnh bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, khiến cơ thể không được cung cấp đủ máu, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo có thể cần phải sửa chữa hoặc thay van tim.
Một số thủ thuật điều trị van tim không yêu cầu phẫu thuật tim hở. Thay vào đó, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật thông qua ống thông. Phương pháp được sử dụng phổ biến là thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVR). Năm 2020, Trường Cao đẳng Tim mạch Hoa Kỳ báo cáo rằng TAVR đã đạt được hiệu quả vượt qua phẫu thuật mở trong việc thay thế các van động mạch chủ bị ảnh hưởng.
Có loại thuốc nào gây hại cho van tim không?
Bệnh van tim có thể là bẩm sinh (có từ khi sinh ra) hoặc phát triển theo thời gian. Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh phổ biến là:
- Tuổi tác cao.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh van tim.
- Tăng huyết áp.
- Béo phì.
- Hút thuốc lá.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc hợp pháp hoặc kê đơn cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh van tim.
Ví dụ:
- Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy nhóm thuốc kháng sinh phổ biến fluoroquinolones (Cipro, Levaquin) có thể làm tăng nguy cơ hở van động mạch chủ và hở van hai lá.
- Các loại thuốc trị đau nửa đầu như ergotamine và methysergide.
- Thuốc điều trị bệnh Parkinson như pergolide và cabergoline.
- Các loại thuốc bất hợp pháp như cocaine và MDMA (ecstasy) đặc biệt có hại cho tim.
Triệu chứng của bệnh van tim là gì?
Ở giai đoạn ban đầu hoặc khi bệnh nhẹ, bạn có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Bác sĩ có thể phát hiện ra bệnh thông qua âm thanh bất thường khi nghe tim bằng ống nghe hoặc qua sự thay đổi trong lực mạch.
Khi bệnh van tim có triệu chứng, bạn có thể nhận thấy:
- Đau ngực (điển hình là cơn đau thắt ngực).
- Chóng mặt.
- Mệt mỏi.
- Tim đập nhanh hoặc không đều.
- Khó thở, thường xảy ra sau khi vận động nhẹ.
- Phù chân, đặc biệt ở bàn chân.
Kết luận
Nếu được chẩn đoán mắc bệnh van tim, bạn nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ về các loại thuốc có thể hỗ trợ điều trị bệnh. Hiện tại, chưa có loại thuốc nào có thể chữa khỏi hoàn toàn các vấn đề về van tim nghiêm trọng.
Ngoài ra, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về khả năng cần sửa chữa hoặc thay thế van tim. Nếu có thể, bác sĩ thường sẽ ưu tiên sửa chữa hơn là thay thế van tim. Tuy nhiên, van tim sẽ cần phải thay thế nếu đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Nếu bạn đang được kê thuốc để hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim và đã sử dụng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng khác, hãy thông báo đầy đủ cho bác sĩ biết để tránh xảy ra các tương tác thuốc.

Bệnh tim bẩm sinh không tím là một dạng dị tật tim bẩm sinh gây ra tình trạng máu lưu thông bất thường trong tim. Bệnh có thể xảy ra với mức độ từ nhẹ đến nặng. Trẻ mắc bệnh này có thể có biểu hiện thở gấp và mệt mỏi.

Cục máu đông hay huyết khối là khối bán rắn hình thành từ tiểu cầu và protein trong mạch máu. Nghiên cứu cho thấy chân là nơi dễ hình thành cục máu đông nhất.