Những điều cần biết về bệnh liệt dạ dày

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến chứng liệt dạ dày. Đôi khi đó là một biến chứng của bệnh tiểu đường hoặc một vấn đề phát sinh sau phẫu thuật. Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc giảm đau opioid, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị cao huyết áp và thuốc chống dị ứng có thể làm chậm quá trình làm trống dạ dày và gây ra các triệu chứng liệt dạ dày. Ở những người đã bị chứng liệt dạ dày, những loại thuốc này có thể làm cho tình trạng bệnh càng trở nên nặng hơn.
Chứng liệt dạ dày có thể cản trở quá trình tiêu hóa bình thường, gây buồn nôn, nôn mửa và đau bụng. Bệnh này còn có thể gây ra các vấn đề về mức đường huyết và dinh dưỡng. Mặc dù chưa có cách chữa trị khỏi nhưng những thay đổi về chế độ ăn uống, kết hợp với dùng thuốc có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng liệt dạ dày.
Triệu chứng của bệnh liệt dạ dày
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh liệt dạ dày gồm có:
- Nôn mửa
- Buồn nôn
- Chướng bụng
- Đau bụng
- Cảm giác no nhanh dù chỉ ăn ít
- Nôn ra thức ăn chưa tiêu hóa hết
- Trào ngược axit dạ dày
- Thay đổi mức đường huyết
- Chán ăn
- Sụt cân và thiếu hụt dinh dưỡng
Tuy nhiên, cũng có nhiều người bị liệt dạ dày mà không gặp bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào.
Khi nào cần đi khám?
Cần đi khám khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Nguyên nhân gây liệt dạ dày
Không phải lúc nào cũng có thể xác định rõ nguyên nhân dẫn đến chứng liệt dạ dày nhưng trong một số trường hợp, nguyên nhân có thể là do tổn thương dây thần kinh kiểm soát các cơ dạ dày (dây thần kinh phế vị).
Dây thần kinh phế vị có chức năng kiểm soát các quá trình phức tạp trong đường tiêu hóa, bao gồm cả sự co bóp của các cơ trong dạ dày để đẩy thức ăn xuống ruột non. Khi bị tổn thương, dây thần kinh phế vị sẽ không thể gửi tín hiệu bình thường đến các cơ dạ dày. Điều này khiến thức ăn lưu lại trong dạ dày lâu hơn thay vì di chuyển xuống ruột non để tiêu hóa.
Dây thần kinh phế vị và các nhánh có thể bị tổn hại do các bệnh khác như tiểu đường hoặc do phẫu thuật dạ dày, ruột non.
Các yếu tố nguy cơ gây liệt dạ dày
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng liệt dạ dày:
- Mắc bệnh tiểu đường
- Từng phẫu thuật trong ổ bụng hoặc thực quản
- Nhiễm trùng, chủ yếu là do vi-rút
- Sử dụng một số loại thuốc làm chậm tốc độ làm trống dạ dày, chẳng hạn như thuốc giảm đau có chứa chất gây tê
- Xơ cứng bì - một loại bệnh mô liên kết
- Các bệnh về thần kinh, chẳng hạn như bệnh Parkinson hoặc bệnh đa xơ cứng
- Tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp)
Phụ nữ có nguy cơ bị liệt dạ dày cao hơn nam giới.
Biến chứng của liệt dạ dày
Bệnh liệt dạ dày có thể dẫn đến một số biến chứng như:
- Mất nước trầm trọng: Nôn mửa liên tục sẽ khiến cơ thể bị mất nước.
- Thiếu hụt dinh dưỡng: Chứng liệt dạ dày có thể khiến người bệnh chán ăn, ăn uống kém và dẫn đến không nạp đủ calo hoặc không thể hấp thụ đủ chất dinh dưỡng do nôn mửa.
- Thức ăn dồn ứ trong dạ dày: Thức ăn chưa được tiêu hóa và dồn ứ trong dạ dày có thể cứng lại và tạo thành một khối rắn được gọi là bã thức ăn. Bã thức ăn sẽ gây buồn nôn và nôn mửa, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu gây cản trở thức ăn xuống ruột non.
- Thay đổi mức đường huyết: Mặc dù chứng liệt dạ dày không gây ra bệnh tiểu đường nhưng sự thay đổi thường xuyên về tốc độ và lượng thức ăn đi vào ruột non có thể gây ra sự dao dộng thất thường lượng đường trong máu. Điều này làm cho tình trạng bệnh tiểu đường trở nên nặng hơn. Ngược lại, việc kiểm soát mức đường huyết kém cũng sẽ làm cho tình trạng liệt dạ dày ngày càng tiến triển xấu.
- Chất lượng cuộc sống giảm sút: Các triệu chứng liệt dạ dày gây ảnh hưởng đến công việc, học tập và các hoạt động hàng ngày khác.
Phương pháp chẩn đoán bệnh liệt dạ dày
Bác sĩ sẽ sử dụng một số biện pháp để chẩn đoán chứng liệt dạ dày và loại trừ hoặc phát hiện các vấn đề khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Các biện pháp này gồm có:
Các biện pháp đánh giá quá trình làm trống dạ dày
Các biện pháp để kiểm tra tốc độ thức ăn di chuyển từ dạ dày xuống ruột:
- Xạ hình: Đây là phương pháp quan trọng nhất để chẩn đoán bệnh liệt dạ dày. Người bệnh sẽ ăn một ít thức ăn có chứa một lượng nhỏ chất phóng xạ. Sau đó, một thiết bị phát hiện chuyển động của chất phóng xạ được đặt trên bụng để theo dõi tốc độ thức ăn rời khỏi dạ dày. Trước đó, người bệnh sẽ phải dừng tất cả các loại thuốc làm chậm quá trình làm trống dạ dày, ví dụ như thuốc giảm đau nhóm opioid, một số thuốc điều trị trầm cảm,…
- Xét nghiệm hơi thở: người bệnh ăn hoặc uống một loại thực phẩm có chứa chất mà cơ thể hấp thụ. Mẫu hơi thở được lấy trong vòng vài giờ sau khi ăn và đo nồng độ chất này trong hơi thở. Phương pháp xét nghiệm này cho biết tốc độ làm trống dạ dày sau khi tiêu thụ thức ăn.
Nội soi đường tiêu hóa trên
Phương pháp này được sử dụng để kiểm tra trực quan đường tiêu hóa trên, gồm có thực quản, dạ dày và phần đầu của ruột non (tá tràng). Một ống dài có gắn camera được đưa vào qua đường miệng của người bệnh. Phương pháp nội soi đường tiêu hóa trên còn được sử dụng để chẩn đoán các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh viêm loét dạ dày tá tràng hoặc hẹp môn vị. Những bệnh này cũng có các triệu chứng tương tự như chứng liệt dạ dày.
Siêu âm
Phương pháp này sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc bên trong cơ thể. Siêu âm sẽ giúp xác định liệu các triệu chứng có phải là do vấn đề ở túi mật hoặc thận hay không.
Điều trị liệt dạ dày
Để điều trị chứng liệt dạ dày thì trước tiên cần xác định và điều trị nguyên nhân tiềm ẩn. Ví dụ, nếu nguyên nhân là do bệnh tiểu đường thì sẽ cần kiểm soát tốt mức đường huyết.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ là mục tiêu quan trọng nhất trong điều trị bệnh liệt dạ dày. Đôi khi chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống là đã có thể kiểm soát chứng bệnh này. Bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ ăn uống cụ thể để giảm áp lực cho đường tiêu hóa mà vẫn đảm bảo cung cấp đủ lượng calo và chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Một số thay đổi về chế độ ăn uống mà người bị liệt dạ dày nên áp dụng:
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 2 – 3 bữa lớn
- Nhai kỹ thức ăn
- Nếu chín kỹ rau củ, không ăn rau sống
- Tránh các loại trái cây và rau củ nhiều chất xơ, chẳng hạn như bông cải xanh, đậu,… vì những thực phẩm này có thể gây hình thành bã thức ăn
- Chọn những thực phẩm ít chất béo
- Ăn các món dạng lỏng hoặc xay nhuyễn
- Uống đủ nước mỗi ngày
- Vận động nhẹ nhàng sau khi ăn, ví dụ như đi bộ
- Tránh đồ uống có ga, rượu bia và hút thuốc lá
- Không nằm trong vòng 2 giờ sau bữa ăn
- Uống vitamin tổng hợp hàng ngày
Dưới đây là danh sách một số loại thực phẩm mà người bị liệt dạ dày có thể ăn:
Tinh bột
- Bánh mì trắng
- Bánh mì nguyên cám
- Khoai tây và khoai lang
- Cơm
- Mỳ
Chất đạm
- Thịt nạc
- Thịt gà, bỏ da
- Hải sản
- Pho mát
- Trứng
- Đậu hũ
Trái cây và rau
- Rau và trái cây xay nhuyễn
- Sốt cà chua
- Cà rốt
- Củ cải đường
- Nấm
- Nước ép trái cây
- Chuối
- Đào
Sản phẩm từ sữa
- Sữa, nếu có thể dung nạp
- Sữa chua
Điều trị bằng thuốc
Một số loại thuốc để điều trị chứng liệt dạ dày gồm có:
- Thuốc kích thích cơ dạ dày, ví dụ như metoclopramide, domperidone và erythromycin. Metoclopramide có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Erythromycin có nhược điểm là hiệu quả giảm dần theo thời gian và cũng đi kèm với một số tác dụng phụ, chẳng hạn như tiêu chảy. Domperidone có ít tác dụng phụ hơn hai loại thuốc còn lại.
- Thuốc chống buồn nôn và nôn, ví dụ như diphenhydramine và ondansetron. Nếu đã dùng các loại thuốc này mà vẫn bị buồn nôn thì có thể chuyển sang prochlorperazin.
Phẫu thuật
Nhiều người bị chứng liệt dạ dày không thể ăn uống bất cứ thứ gì. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ chỉ định mở thông hỗng tràng (đặt một ống thông vào ruột non) để nuôi ăn hoặc đặt ống thông dạ dày (sonde dạ dày) để giảm áp lực cho dạ dày.
Ống thông có thể được đưa qua mũi, miệng hoặc trực tiếp vào ruột non qua đường rạch trên da. Ống này thường được đặt tạm thời và chỉ được sử dụng cho những người bị liệt dạ dày nghiêm trọng hoặc khi không thể kiểm soát được mức đường huyết. Một số trường hợp cần truyền dịch qua tĩnh mạch ở ngực để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.
Kích thích điện dạ dày
Trong phương pháp kích thích điện dạ dày, bệnh nhân cần làm phẫu thuật để cấy ghép một thiết bị vào bên trong cơ thể. Thiết bị này phát ra xung điện để kích thích các cơ dạ dày co bóp, đẩy thức ăn xuống hiệu quả hơn. Phương pháp này cho hiệu quả cao nhất trong những trường hợp liệt dạ dày do bệnh tiểu đường.

Phương pháp điều trị theo từng giai đoạn ung thư dạ dày như thế nào? Phác đồ điều trị ung thư dạ dày phụ thuộc rất nhiều vào vị trí mà ung thư bắt đầu hình thành trong dạ dày và phạm vi lan rộng của tế bào ung thư.

Loét dạ dày là bệnh có thể chữa khỏi nhưng nếu trì hoãn hoặc không điều trị đúng cách thì tình trạng sẽ ngày càng nặng và còn dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Nếu không được điều trị, tình trạng loét đường tiêu hóa sẽ ngày càng nặng và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như thủng dạ dày – ruột, chảy máu trong và hình thành sẹo.

Trào ngược axit có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, hầu hết mọi người thường gặp các triệu chứng vào ban đêm.