Viêm loét đại tràng: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm loét đại tràng có thể gây suy nhược cơ thể và đôi khi còn dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Mặc dù bệnh này hiện chưa có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng các phương pháp điều trị có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng của bệnh.
Triệu chứng của viêm loét đại tràng
Các triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm và vị trí bị viêm loét. Các dấu hiệu, triệu chứng thường gặp gồm có:
- Tiêu chảy, thường có lẫn máu hoặc chất nhầy
- Đau quặn bụng
- Chảy máu trực tràng, biểu hiện là đi ngoài ra máu
- Đột ngột buồn đi ngoài gấp
- Buồn đi ngoài nhưng lại không đi được
- Phân nhỏ hơn so với bình thường
- Sụt cân không rõ nguyên do
- Mệt mỏi
- Sốt
- Tăng trưởng kém ở trẻ em
Hầu hết những người bị viêm loét đại tràng đều chỉ gặp phải các triệu chứng nhẹ đến vừa. Quá trình tiến triển của bệnh ở mỗi người có thể khác nhau. Ở một số người, bệnh thuyên giảm trong suốt một thời gian dài nhưng có người lại thường xuyên gặp phải các triệu chứng.
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám ngay khi nhận thấy các biểu hiện rối loạn đại tiện kể trên hoặc khi gặp phải các dấu hiệu như:
- Thường xuyên đau bụng
- Phân có lẫn máu
- Tiêu chảy liên tục, đã dùng thuốc mà không đỡ
- Phải thức giấc giữa đêm vì buồn đi ngoài
- Sốt kéo dài quá 2 ngày mà không rõ nguyên nhân
Mặc dù viêm loét đại tràng thường không gây tử vong nhưng đây là một bệnh nghiêm trọng và đôi khi có thể gây ra các biến chứng đe dọa đến tính mạng.
Các loại viêm loét đại trực tràng
Bệnh viêm loét đại trực tràng được phân loại theo vị trí xảy ra vấn đề, gồm có:
- Viêm loét trực tràng: Tình trạng viêm chỉ giới hạn ở khu vực gần hậu môn (trực tràng) và chảy máu trực tràng có thể là triệu chứng duy nhất của bệnh.
- Viêm đại tràng sigma: Tình trạng viêm xảy ra ở trực tràng và đại tràng sigma (phần cuối của đại tràng). Các triệu chứng thường là tiêu chảy ra máu, đau quặn bụng và buồn đi ngoài nhưng lại không ra phân hoặc chỉ ra rất ít (mót rặn).
- Viêm đại tràng trái: Tình trạng viêm kéo dài từ trực tràng lên qua đại tràng xích ma và kết tràng xuống. Các triệu chứng thường là tiêu chảy ra máu, đau quặn bụng, đau ở vùng bụng bên trái và đột ngột buồn đi ngoài gấp.
- Viêm đại tràng toàn bộ: Tình trạng viêm xảy ra ở toàn bộ đại tràng và gây tiêu chảy ra máu, đau quặn bụng, mệt mỏi và sụt cân nhiều.
Nguyên nhân gây viêm loét đại tràng
Trước đây, chế độ ăn uống và căng thẳng/stress được cho là nguyên nhân gây bệnh viêm loét đại tràng nhưng các nghiên cứu đã chứng minh rằng những yếu tố này có thể làm cho tình trạng bệnh hiện tại trở nên trầm trọng thêm chứ không trực tiếp gây ra viêm loét.
Nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh này hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng một trong các giả thuyết được đưa ra là do vấn đề ở hệ miễn dịch. Trong quá trình cố gắng chống lại vi-rút hoặc vi khuẩn xâm nhập thì đáp ứng miễn dịch bất thường cũng có thể khiến hệ miễn dịch tấn công chinh các tế bào trong đường tiêu hóa và dẫn đến viêm loét.
Di truyền cũng có thể là một yếu tố góp phần gây bệnh vì tỷ lệ mắc viêm loét đại tràng ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh thường cao hơn so với những người không có tiền sử gia đình.
Các yếu tố nguy cơ gây viêm loét đại tràng
Nguy cơ mắc viêm loét đại tràng ở phụ nữ và nam giới là như nhau. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm có:
- Tuổi tác: Viêm loét đại tràng thường khởi phát trước tuổi 30 nhưng bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở nhiều trường hợp, phải đến tận sau 60 tuổi thì các triệu chứng bệnh mới xuất hiện.
- Chủng tộc: Viêm loét đại tràng có thể xảy ra ở bất kỳ chủng tộc nào nhưng người da trắng có nguy cơ cao hơn.
- Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh viêm loét đại tràng sẽ tăng cao nếu như có người thân ruột thịt trong gia đình, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này.
Biến chứng của viêm loét đại tràng
Bệnh viêm loét đại tràng có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Chảy máu nghiêm trọng
- Thủng đại tràng
- Mất nước nghiêm trọng do tiêu chảy
- Loãng xương
- Viêm da, khớp và mắt
- Tăng nguy cơ ung thư đại tràng
- Phình đại tràng nhiễm độc (toxic megacolon)
- Tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch và động mạch
Phương pháp chẩn đoán viêm loét đại tràng
Thủ thuật nội soi kết hợp với sinh thiết mô là biện pháp duy nhất để chẩn đoán bệnh viêm loét đại tràng. Ngoài ra còn có các biện pháp để chẩn đoán biến chứng hoặc các bệnh viêm ruột khác, chẳng hạn như bệnh Crohn.
Để xác nhận chẩn đoán viêm loét đại tràng, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp sau:
Xét nghiệm
- Xét nghiệm máu: để kiểm tra tình trạng thiếu máu (không có đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy đầy đủ đến các mô) hoặc để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng.
- Xét nghiệm phân: tế bào bạch cầu hoặc một số loại protein nhất định trong phân có thể là dấu hiệu của bệnh viêm loét đại tràng. Xét nghiệm mẫu phân còn giúp loại trừ hoặc phát hiện các bệnh khác, chẳng hạn như các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, vi-rút hoặc ký sinh trùng.
Nội soi
- Nội soi đại tràng: cho phép bác sĩ quan sát toàn bộ đại tràng bằng cách đưa một ống dài, nhỏ có gắn đèn chiếu sáng và camera vào qua đường hậu môn. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy mẫu mô (sinh thiết) để phân tích. Sinh thiết là bước cần thiết để đưa ra chẩn đoán chính xác.
- Nội soi đại tràng sigma linh hoạt: sử dụng ống nội soi để kiểm tra bên trong trực tràng và đại tràng sigma (phần dưới của đại tràng). Nếu đại tràng bị viêm nghiêm trọng thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp nội soi này thay vì nội soi toàn bộ đại tràng.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh
- Chụp X-quang: Trong những trường hợp có các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chụp X-quang ổ bụng để tìm các biến chứng, chẳng hạn như thủng đại tràng.
- Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT): Có thể cần phải chụp CT ổ bụng hoặc vùng chậu nếu có dấu hiệu của biến chứng đo viêm loét đại tràng. Phương pháp này còn giúp xác định mức độ viêm ở đại tràng.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) ruột non và cộng hưởng từ (MR) ruột non: Bác sĩ có thể chỉ định một trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh này nếu nghi ngờ viêm ruột non. Các phương pháp này giúp phát hiện tình trạng viêm trong ruột chính xác hơn so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thông thường. Chụp cộng hưởng từ ruột non là một phương pháp không sử dụng bức xạ.
Điều trị viêm loét đại tràng
Bệnh viêm loét đại tràng có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa (dùng thuốc) hoặc ngoại khoa (phẫu thuật).
Điều trị nội khoa
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc để điều trị viêm loét đại tràng. Không nên tự ý mua thuốc khi có các dấu hiệu bệnh mà phải đi khám. Bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Sử dụng không đúng thuốc sẽ khiến cho việc điều trị bị trì hoãn và tình trạng bệnh càng thêm nặng. Có thể sẽ phải dùng qua nhiều loại thuốc khác nhau để tìm ra loại phù hợp nhất.
Thuốc chống viêm
Thuốc chống viêm thường là bước đầu tiên trong quá trình điều trị viêm loét đại tràng và loại thuốc này phù hợp với phần lớn người bệnh. Các loại thuốc chống viêm thường được dùng để điều trị viêm loét đại tràng gồm có:
- 5-aminosalicylat, ví dụ như sulfasalazine, mesalamine, balsalazide và olsalazine. Nhóm thuốc này có dạng uống, dung dịch thụt và thuốc đặt. Loại và dạng thuốc cần dùng cụ thể sẽ tùy thuộc vào vị trí bị viêm loét.
- Corticoid, gồm có prednisone và budesonide, thường được dùng trong những trường hợp viêm loét đại tràng mức độ vừa đến nặng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Do đi kèm nhiều tác dụng phụ nên thuốc corticoid thường không được dùng lâu dài.
Thuốc ức chế miễn dịch
Nhóm thuốc này cũng có tác dụng giảm viêm nhưng với cơ chế là ngăn chặn đáp ứng bắt đầu phản ứng viêm của hệ miễn dịch. Có thể phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc trong nhóm này để có hiệu quả điều trị cao hơn.
Các thuốc ức chế miễn dịch được dùng để điều trị viêm loét đại tràng gồm có:
- Azathioprine và mercaptopurine: Đây là những thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng phổ biến nhất để điều trị bệnh viêm ruột. Những người dùng các thuốc này đều phải được theo dõi sát sao và xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm soát các tác dụng phụ, ví dụ như các vấn đề về gan và tuyến tụy.
- Cyclosporine: Thuốc này thường dành cho những người không đáp ứng tốt với các loại thuốc khác. Cyclosporine có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và không được sử dụng lâu dài.
- Tofacitinib: Cơ chế của thuốc này là ngăn chặn phản ứng viêm. Tofacitinib thường được dùng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Các tác dụng phụ chính gồm có tăng nguy cơ bệnh zona và hình thành cục máu đông. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) gần đây đã đưa ra cảnh báo về tofacitinib. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy thuốc này làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến tim mạch và ung thư. Tuy nhiên, nếu như được kê tofacitinib để điều trị viêm loét đại tràng thì không được tự ý ngừng thuốc mà phải hỏi ý kiến bác sĩ trước.
Thuốc sinh học
Phương pháp điều trị này nhắm vào một số protein nhất định do hệ miễn dịch tạo ra. Các loại thuốc sinh học được sử dụng để điều trị viêm loét đại tràng gồm có:
- Infliximab, adalimumab và golimumab: Những thuốc này được gọi là chất ức chế yếu tố hoại tử khối u (tumor necrosis factor – TNF), có tác dụng trung hòa một loại protein do hệ miễn dịch sản xuất và thường dành cho những người bị viêm loét đại tràng nặng, không đáp ứng hoặc không thể sử dụng được các phương pháp điều trị khác.
- Vedolizumab: được sử dụng để điều trị viêm loét đại tràng cho những người không đáp ứng hoặc không thể sử dụng được các phương pháp điều trị khác. Cơ chế hoạt động của vedolizumab là ngăn chặn các tế bào gây viêm đến vị trí viêm.
- Ustekinumab: được sử dụng để điều trị viêm loét đại tràng cho những người không đáp ứng hoặc không thể sử dụng các phương pháp điều trị khác. Cơ chế hoạt động của thuốc này là ngăn chặn một loại protein gây viêm.
Các loại thuốc khác
Ngoài các loại thuốc kể trên, người bệnh có thể cần dùng thêm các loại thuốc khác để kiểm soát các triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng, ví dụ như:
- Thuốc trị tiêu chảy: nếu bị tiêu chảy nặng thì có thể dùng thuốc loperamide. Sử dụng thuốc trị tiêu chảy một cách thận trọng và phải hỏi ý kiến bác sĩ trước vì những thuốc này có thể làm tăng nguy cơ phình đại tràng do nhiễm độc.
- Thuốc giảm đau: có thể giảm các cơn đau nhẹ bằng acetaminophen nhưng không được dùng ibuprofen, naproxen sodium, diclofenac sodium và các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) khác vì nhóm thuốc này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Thuốc chống co thắt: bác sĩ có thể sẽ kê thuốc chống co thắt để giúp giảm triệu chứng đau bụng.
- Viên uống bổ sung sắt: chảy máu đường ruột mãn tính sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt và cần phải bổ sung sắt.
Điều trị ngoại khoa
Quy trình phẫu thuật để điều trị viêm loét đại tràng thường là cắt bỏ toàn bộ đại tràng và trực tràng, đa số đều được thực hiện bằng kỹ thuật nối thông hồi tràng – hậu môn (J-pouch). Kỹ thuật này không cần phải đặt túi đựng phân bên ngoài cơ thể. Bác sĩ tạo một chiếc túi nhỏ từ phần cuối của ruột non. Sau đó, túi được gắn trực tiếp vào hậu môn, cho phép người bệnh đào thải phân ra ngoài một cách tương đối bình thường.
Trong những trường hợp không thể sử dụng kỹ thuật này, bác sĩ tạo một lỗ mở vĩnh viễn ở bụng. Phân được đào thải qua lỗ này và đựng trong một chiếc túi gắn bên ngoài.
Tầm soát ung thư
Những người bị viêm loét đại tràng sẽ cần tầm soát ung thư thường xuyên hơn vì bệnh này làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Tần suất tầm soát sẽ phụ thuộc vào vị trí bị viêm loét và thời gian mắc bệnh. Viêm trực tràng không làm tăng nguy cơ ung thư.
Thay đổi lối sống để kiểm soát viêm loét đại tràng
Một số thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp kiểm soát các triệu chứng viêm loét đại tràng và kéo dài thời gian bệnh thuyên giảm.
Hiện chưa có bằng chứng nào chứng minh chế độ ăn uống là nguyên nhân gây ra bệnh viêm ruột nhưng một số loại thực phẩm và đồ uống có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng, đặc biệt là trong giai đoạn bệnh bùng phát.
Nên theo dõi những gì bạn ăn hàng ngày và những hiện tượng xảy ra sau đó. Nếu nghi ngờ một loại thực phẩm nào đó khiến cho triệu chứng bệnh bùng phát thì hãy thử kiêng một thời gian.
Dưới đây là một số lưu ý về chế độ ăn uống khi bị viêm loét đại tràng:
- Hạn chế các sản phẩm từ sữa: Ở nhiều người bị bệnh viêm ruột, các vấn đề như tiêu chảy, đau bụng và đầy hơi cải thiện sau khi hạn chế hoặc kiêng hoàn toàn các sản phẩm từ sữa. Nguyên nhân gây nên những triệu chứng này có thể là do chứng không dung nạp lactose, tức là cơ thể không thể tiêu hóa đường trong sữa (lactose). Uống bổ sung một số loại enzyme, ví dụ như lactase cũng có thể khắc phục vấn đề này.
- Ăn nhiều bữa nhỏ: Ăn từ 5 - 6 bữa nhỏ mỗi ngày thay vì 2 hoặc 3 bữa lớn có thể giúp giảm bớt các triệu chứng viêm loét đại tràng.
- Uống nhiều nước: Hãy cố gắng nạp nhiều chất lỏng vào cơ thể hàng ngày, tốt nhất là nước lọc. Tránh xa rượu và đồ uống có chứa caffeine vì những đồ uống này sẽ kích thích đường ruột và khiến cho tình trạng tiêu chảy thêm nặng hơn. Hạn chế đồ uống có ga để tránh bị đầy hơi, chướng bụng.
Giảm căng thẳng
Mặc dù căng thẳng không trực tiếp gây ra bệnh viêm ruột nhưng lại có thể làm cho các triệu chứng thêm nặng hơn.
Để giảm căng thẳng thì có thể thử các cách sau đây:
- Tập thể dục: Ngay cả các bài tập thể dục nhẹ nhàng cũng có thể giúp giảm căng thẳng và ổn định chức năng đường ruột.
- Phản hồi sinh học (biofeedback): Biện pháp này giúp giảm căng cơ và làm chậm nhịp tim với sự hỗ trợ của máy phản hồi. Mục đích là giúp cơ thể người bệnh bước vào trạng thái thư giãn để có thể đối phó với căng thẳng một cách dễ dàng hơn.
- Các bài tập thư giãn và hít thở thường xuyên: Một cách hiệu quả để đối phó với căng thẳng là thực hiện các bài tập thư giãn và hít thở, ví dụ như yoga và ngồi thiền.

Loét dạ dày là bệnh có thể chữa khỏi nhưng nếu trì hoãn hoặc không điều trị đúng cách thì tình trạng sẽ ngày càng nặng và còn dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Viêm thực quản là tình trạng viêm xảy ra ở mô thực quản - ống cơ đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày.

Một số triệu chứng của viêm dạ dày cấp rất giống với triệu chứng của các vấn đề về sức khỏe khác nên nếu không đi khám thì rất khó xác định viêm dạ dày cấp.

Nếu cứ để tình trạng viêm dạ dày mạn tính tiếp diễn mà không có biện pháp điều trị thì sẽ có nguy cơ bị loét và xuất huyết dạ dày.