1

Viêm thực quản: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm thực quản là tình trạng viêm xảy ra ở mô thực quản - ống cơ đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày.

Viêm thực quản gây đau đớn, khó nuốt và tức ngực. Nguyên nhân gây viêm thực quản thường là do trào ngược axit dạ dày (trào ngược dạ dày thực quản), nhiễm trùng, một số loại thuốc và dị ứng.

Việc điều trị viêm thực quản phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng tổn thương mô. Nếu không được điều trị, viêm thực quản có thể làm hỏng lớp niêm mạc của thực quản và cản trở chức năng bình thường của thực quản, đó là di chuyển thức ăn và chất lỏng từ miệng đến dạ dày. Viêm thực quản có thể dẫn đến các biến chứng như hình thành sẹo, hẹp thực quản và khó nuốt.

Triệu chứng viêm thực quản

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của viêm thực quản gồm có:

  • Khó nuốt
  • Đau khi nuốt
  • Đau tức ngực, đặc biệt là vùng phía sau xương ức và thường xảy ra khi ăn
  • Thức ăn bị mắc trong thực quản
  • Ợ nóng
  • Trào ngược axit dạ dày

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các dấu hiệu của viêm thực quản gồm có:

  • Khó cho ăn
  • Tăng trưởng chậm

Khi nào cần đi khám?

Hầu hết các dấu hiệu và triệu chứng kể trên đều có thể là do các vấn đề khác ở đường tiêu hóa gây ra. Hãy đi khám bác sĩ nếu như các triệu chứng:

  • Kéo dài liên tục một vài ngày
  • Không khỏi hoặc cải thiện khi dùng thuốc kháng axit dạ dày
  • Gây cản trở việc ăn uống
  • Đi kèm với các triệu chứng của bệnh cúm, chẳng hạn như nhức đầu, sốt và đau nhức cơ

Cần đến bệnh viện khẩn cấp nếu như:

  • Hiện tượng đau tức ngực kéo dài mà không đỡ
  • Nghi ngờ có thức ăn mắc kẹt trong thực quản
  • Có tiền sử bệnh tim và gặp triệu chứng đau tức ngực
  • Đau miệng hoặc cổ họng khi ăn
  • Hiện tượng khó thở hoặc tức ngực xảy ra ngay sau khi ăn
  • Nôn nhiều, khó thở sau khi nôn hoặc chất nôn có màu vàng xanh hoặc có lẫn chất cặn màu nâu đen giống như bã cà phê hoặc có lẫn máu

Nguyên nhân gây viêm thực quản

Viêm thực quản được phân loại dựa trên nguyên nhân gây ra.

Viêm thực quản trào ngược

Giữa thực quản và dạ dày có cơ vòng thực quản dưới với chức năng như một chiếc van giữ cho thức ăn và axit trong dạ dày không trào lên thực quản. Khi chiếc van này mở ra khi không cần thiết hoặc bị suy yếu thì các chất trong dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản. Khi tình trạng này xảy ra thường xuyên thì được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Một trong các biến chứng của bệnh này là viêm mãn tính và tổn thương mô trong thực quản.

Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan

Bạch cầu ái toan là các tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong phản ứng dị ứng. Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan xảy ra khi số lượng bạch cầu này tăng cao trong thực quản mà nguyên nhân thường là do phản ứng với tác nhân gây dị ứng, trào ngược axit dạ dày hoặc cả hai.

Trong nhiều trường hợp, loại viêm thực quản này có thể được kích hoạt bởi các loại thực phẩm như sữa, trứng, bột mì, đậu nành, đậu phộng, các loại đậu, lúa mạch và thịt bò. Tuy nhiên, phương pháp xét nghiệm dị ứng thông thường không thể xác định được chính xác tác nhân gây dị ứng.

Ngoài thực phẩm, những người bị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan có thể bị dị ứng với các thứ khác, ví dụ như bụi, lông động vật hay phấn hoa trong không khí.

Viêm thực quản tế bào lympho

Viêm thực quản tế bào lympho (lymphocytic esophagitis - LE) là một dạng viêm thực quản không phổ biến, trong đó số lượng tế bào lympho trong lớp niêm mạc của thực quản tăng cao hơn so với bình thường. Viêm thực quản tế bào lympho có thể liên quan đến viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan hoặc chứng trào ngược dạ dày thực quản.

Viêm thực quản do thuốc

Một số loại thuốc đường uống có thể gây tổn thương mô khi tiếp xúc với niêm mạc thực quản quá lâu. Ví dụ, khi uống thuốc mà không uống kèm nước hoặc uống quá ít nước, viên thuốc có thể bị kẹt trong thực quản. Một số loại thuốc có thể gây viêm thực quản gồm có:

  • Thuốc giảm đau, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen và naproxen sodium
  • Thuốc kháng sinh, chẳng hạn như tetracycline và doxycycline
  • Kali clorua, được sử dụng để điều trị thiếu hụt kali
  • Bisphosphonate, gồm có alendronate. Đây là một loại thuốc điều trị loãng xương
  • Quinidine – thuốc được sử dụng để điều trị các vấn đề về tim

Viêm thực quản nhiễm trùng

Nhiễm trùng do vi khuẩn, vi-rút hoặc nấm trong mô thực quản có thể gây ra viêm thực quản. Viêm thực quản nhiễm trùng là dạng tương đối hiếm gặp và chủ yếu xảy ra ở những người có hệ miễn dịch kém, chẳng hạn như những người bị nhiễm HIV/AIDS hoặc ung thư.

Candida albicans là một loại nấm tồn tại tự nhiên trong miệng và là nguyên nhân phổ biến gây viêm thực quản nhiễm trùng. Những bệnh nhiễm trùng này thường xảy ra khi chức năng hệ miễn dịch bị suy giảm, mắc bệnh tiểu đường, ung thư, trong thời gian sử dụng thuốc steroid hoặc kháng sinh.

Các yếu tố nguy cơ gây viêm thực quản

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm thực quản sẽ tùy thuộc vào từng nguyên nhân.

Viêm thực quản trào ngược

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng làm tăng nguy cơ viêm thực quản trào ngược, gồm có:

  • Thói quen nằm ngay sau khi ăn
  • Uống nhiều rượu, đồ uống chứa caffeine, sô cô la và thực phẩm có chứa bạc hà
  • Thường xuyên ăn quá no
  • Ăn đồ nhiều dầu mỡ
  • Hút thuốc lá
  • Thừa cân, béo phì
  • Mang thai

Một số loại thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản và viêm thực quản trào ngược:

  • Thực phẩm chua
  • Trái cây có múi như cam, quýt,…
  • Thực phẩm, đồ uống chứa caffeine
  • Rượu bia
  • Thức ăn cay
  • Tỏi và hành tây
  • Sô cô la
  • Thực phẩm có chứa bạc hà

Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan

Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan hay viêm thực quản do dị ứng gồm có:

  • Tiền sử phản ứng dị ứng, gồm có viêm mũi dị ứng, hen suyễn và viêm da dị ứng
  • Tiền sử gia đình bị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan

Viêm thực quản do thuốc

Nguy cơ viêm thực quản do thuốc sẽ tăng cao nếu xảy ra các vấn đề gây cản trở quá trình viên thuốc đi từ thực quản xuống dạ dày. Các yếu tố này gồm có:

  • Không uống nước hoặc uống quá ít nước khi uống thuốc
  • Nằm ngay sau khi uống thuốc
  • Uống thuốc quá sát giờ đi ngủ, một phần nguyên nhân là do cơ thể tiết ra ít nước bọt hơn và sự co bóp của thực quản giảm trong khi ngủ
  • Tuổi tác cao: Các cơ của thực quản và sự sản xuất nước bọt giảm theo thời gian
  • Viên thuốc quá lớn hoặc có hình dạng gây khó nuốt

Viêm thực quản nhiễm trùng

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm thực quản nhiễm trùng thường có liên quan đến thuốc, chẳng hạn như steroid và thuốc kháng sinh. Đặc biệt, những người mắc bệnh tiểu đường sẽ có nguy cơ bị viêm thực quản do nấm candida cao hơn.

Viêm thực quản nhiễm trùng thường xảy ra ở những người có chức năng hệ miễn dịch kém, ví dụ như những người bị rối loạn miễn dịch, nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc một số bệnh ung thư. Ngoài ra, một số phương pháp điều trị ung thư và các loại thuốc ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch với các cơ quan nội tạng được cấy ghép (thuốc ức chế miễn dịch hay thuốc chống thải ghép) cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm thực quản nhiễm trùng.

Biến chứng của viêm thực quản

Nếu không được điều trị, viêm thực quản có thể dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc của thực quản. Một số biến chứng có thể xảy ra gồm có:

  • Hình thành sẹo và hẹp thực quản
  • Rách niêm mạc thực quản nếu thức ăn bị mắc kẹt hoặc trong quá trình nội soi
  • Barrett thực quản – sự thay đổi bất thường ở các tế bào niêm mạc thực quản, làm tăng nguy cơ ung thư thực quản

Biện pháp chẩn đoán viêm thực quản

Trước tiên bác sĩ hỏi về các triệu chứng, khám lâm sàng và sau đó thực hiện các phương pháp chẩn đoán dưới đây:

Chụp X-quang có cản quang

Người bệnh uống một loại dung dịch chứa bari sulfat hoặc uống viên thuốc có phủ bari. Bari sẽ bao phủ lên bề mặt bên trong của thực quản, dạ dày và hiện thị rõ tình trạng của các cơ quan này trên hình ảnh X-quang. Phương pháp này giúp phát hiện chứng hẹp thực quản, thoát vị hoành, khối u hoặc các thay đổi bất thường khác.

Nội soi

Bác sĩ luồn một ống dài, nhỏ có gắn camera và đèn chiếu sang (ống nội soi) xuống cổ họng và vào thực quản. Camera ghi lại hình ảnh và hiển thị lên màn hình để bác sĩ có thể quan sát tình trạng bên trong thực quản và phát hiện các dấu hiệu bất thường. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô nhỏ để làm xét nghiệm. Kỹ thuật này được gọi là sinh thiết. Người bệnh sẽ được gây mê nhẹ trước khi tiến hành nội soi.

Xét nghiệm

Mẫu mô được lấy trong quá trình nội soi sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Tùy thuộc vào nguyên nhân nghi ngờ ban đầu mà phương pháp xét nghiệm sẽ được thực hiện nhằm các mục đích khác nhau, ví dụ như:

  • Chẩn đoán nhiễm trùng do vi khuẩn, vi-rút hoặc nấm
  • Xác định số lượng tế bào bạch cầu gây dị ứng (bạch cầu ái toan)
  • Phát hiện các tế bào bất thường có thể chỉ ra ung thư thực quản hoặc những thay đổi tiền ung thư

Điều trị viêm thực quản

Mục đích của các phương pháp điều trị viêm thực quản là làm giảm các triệu chứng, giảm nguy cơ xảy ra biến chứng và điều trị nguyên nhân gốc rễ gây viêm. Phác đồ điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm thực quản.

Viêm thực quản trào ngược

Các phương pháp điều trị viêm thực quản trào ngược:

  • Các loại thuốc không kê đơn, gồm có thuốc kháng axit dạ dày, thuốc kháng histamin H2 như cimetidine (có tác dụng giảm tiết axit dạ dày), thuốc ức chế bơm proton như lansoprazole và omeprazole (có tác dụng ngăn cản sự sản xuất axit dạ dày và phục hồi mô thực quản).
  • Thuốc kê đơn, cũng gồm có thuốc kháng histamin H2 và thuốc ức chế bơm proton, chẳng hạn như esomeprazole, lansoprazole, omeprazole và pantoprazole. Những thuốc này có nồng độ thành phần hoạt tính cao hơn thuốc không kê đơn. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm thuốc điều hòa nhu động (prokinetic), ví dụ như bethanechol và metoclopramide để đẩy nhanh tốc độ làm trống dạ dày.
  • Phẫu thuật: Nếu đã dùng thuốc nhưng tình trạng bệnh không cải thiện thì có thể cần điều trị bằng phương pháp phẫu thuật tạo nếp gấp đáy vị (hay phẫu thuật Nissen). Trong quá trình phẫu thuật, một phần của dạ dày được gấp lại và bao xung quanh cơ vòng thực quản dưới để củng cố cho cơ này và ngăn axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Một phương pháp điều trị khác là phẫu thuật đặt một chiếc vòng làm bằng các hạt titan nhỏ có mang từ tính xung quanh vị trí giao giữa dạ dày và thực quản. Chiếc vòng này có tác dụng củng cố cơ vòng thực quản dưới và ngăn chặn tình trạng trào ngược axit dạ dày.

Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan

Khi bị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, người bệnh cần tránh các tác nhân gây dị ứng và hạn chế phản ứng dị ứng với thuốc. Một số loại thuốc có thể được sử dụng gồm có:

  • Thuốc ức chế bơm proton: Trước tiên, bác sĩ có thể kê thuốc ức chế bơm proton, ví dụ như esomeprazole, lansoprazole, omeprazole hoặc pantoprazole.
  • Steroid: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loại steroid đường uống, ví dụ như fluticasone và budesonide có thể phát huy tác dụng tại chỗ trong thực quản và giúp điều trị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan. Một số loại steroid dạng hít để kiểm soát bệnh hen suyễn cũng có thể được sử dụng qua đường uống để điều trị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan.

Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách sử dụng để thuốc bao phủ toàn bộ bề mặt bên trong thực quản. Phương pháp này ít gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn nhiều so với việc dùng thuốc steroid dạng viên uống.

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Phản ứng với chất gây dị ứng trong thực phẩm có thể là nguyên nhân gây viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan. Do đó, phương pháp điều trị và ngăn ngừa là loại bỏ những loại thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn uống. Tuy nhiên, vì hiện tại chưa có phương pháp xét nghiệm nào có thể xác định loại thực phẩm cụ thể gây dị ứng nên bác sĩ sẽ hướng dẫn kiêng một số loại thực phẩm phổ biến nhất gây ra vấn đề. Sau đó người bệnh có thể ăn lại từng món một và theo dõi phản ứng của cơ thể.

Các loại thuốc sinh học mới đang trong quá trình nghiên cứu và hi vọng trong vài năm tới sẽ được đưa vào sử dụng để điều trị bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan. Những thuốc này kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể để chống lại nhiễm trùng, viêm và nhiều bệnh tật khác.

Viêm thực quản do thuốc

Để điều trị viêm thực quản do thuốc thì trước tiên cần ngừng loại thuốc gây ra vấn đề và thực hiện một số điều chỉnh, ví dụ như:

  • Đổi sang một loại thuốc khác ít có nguy cơ gây viêm thực quản hơn
  • Dùng thuốc dạng lỏng nếu có thể
  • Uống nhiều nước khi uống thuốc, trừ khi được chỉ dẫn uống ít nước, ví dụ như những người đang mắc bệnh thận
  • Ngồi hoặc đứng ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc

Viêm thực quản nhiễm trùng

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm thực quản là do nhiễm vi khuẩn, vi-rút, nấm hoặc ký sinh trùng mà bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị phù hợp.

Điều trị các biến chứng thường gặp

Đôi khi sẽ cần tiến hành thủ thuật nong thực quản. Phương pháp điều trị này thường chỉ được sử dụng cho những trường hợp bị hẹp thực quản nghiêm trọng hoặc thức ăn bị mắc kẹt trong thực quản.

Trong quá trình nong thực quản, bác sĩ sử dụng ống nội soi đưa qua cổ họng xuống thực quản và đưa dụng cụ chuyên dụng vào để mở rộng thực quản.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Loét đường tiêu hóa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Loét đường tiêu hóa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nếu không được điều trị, tình trạng loét đường tiêu hóa sẽ ngày càng nặng và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như thủng dạ dày – ruột, chảy máu trong và hình thành sẹo.

Viêm dạ dày cấp: Triệu chứng và cách xử lý
Viêm dạ dày cấp: Triệu chứng và cách xử lý

Một số triệu chứng của viêm dạ dày cấp rất giống với triệu chứng của các vấn đề về sức khỏe khác nên nếu không đi khám thì rất khó xác định viêm dạ dày cấp.

Phân biệt chứng ợ nóng, trào ngược axit và trào ngược dạ dày thực quản
Phân biệt chứng ợ nóng, trào ngược axit và trào ngược dạ dày thực quản

Nhiều người cho rằng ợ nóng, trào ngược axit và trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là cùng một vấn đề nhưng thực tế chúng không hoàn toàn giống nhau.

Viêm dạ dày mạn tính điều trị bằng cách nào?
Viêm dạ dày mạn tính điều trị bằng cách nào?

Nếu cứ để tình trạng viêm dạ dày mạn tính tiếp diễn mà không có biện pháp điều trị thì sẽ có nguy cơ bị loét và xuất huyết dạ dày.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây