1

Nguyên nhân gây cholesterol cao và bệnh tim ở phụ nữ

Cả nam và nữ đều sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn nếu có mức cholesterol cao. Tuy nhiên, ở phụ nữ có một số điểm khác biệt quan trọng, chủ yếu liên quan đến nội tiết tố, cần lưu ý để có thể kiểm soát được mức cholesterol hiệu quả.
Hình ảnh 61 Nguyên nhân gây cholesterol cao và bệnh tim ở phụ nữ

Sự tích tụ cholesterol trong các động mạch của tim là một yếu tố nguy cơ lớn dẫn đến bệnh tim mạch. Bệnh này là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ.

Theo báo cáo năm 2023 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), có 36% phụ nữ có mức cholesterol toàn phần cao hơn mức khuyến nghị.

Dưới đây là thông tin về nguyên nhân tại sao cholesterol góp phần gây ra bệnh tim ở phụ nữ và cách để kiểm soát tốt tình trạng này.

Cholesterol là gì?

Cholesterol là một loại chất béo dạng sáp mà cơ thể sử dụng để xây dựng tế bào, tổng hợp hormon và các chất quan trọng khác như vitamin D và mật (chất lỏng hỗ trợ tiêu hóa). Cholesterol được vận chuyển trong máu nhờ các hạt gọi là lipoprotein.

Có hai loại lipoprotein chính:

  • LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp): thường gọi là “cholesterol xấu”, có vai trò đưa cholesterol đến các bộ phận trong cơ thể.
  • HDL (lipoprotein tỷ trọng cao): được gọi là “cholesterol tốt”, mang cholesterol quay về gan để được phân giải.

Cholesterol cao ảnh hưởng thế nào đến nguy cơ mắc bệnh tim ở phụ nữ?

Cholesterol cao còn được gọi là tăng cholesterol máu hoặc rối loạn lipid máu.

Người có mức LDL cao hơn mức khuyến nghị và HDL thấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.

LDL dư thừa trong máu có thể tích tụ trong thành mạch máu. Mặc dù HDL giúp loại bỏ cholesterol khỏi máu nhưng nếu HDL quá thấp thì không thể loại bỏ hết lượng LDL dư thừa.

Theo thời gian, LDL tích tụ tạo thành mảng bám, làm hẹp và cứng động mạch - gọi là xơ vữa động mạch, một dạng của bệnh tim. Tình trạng này cản trở lưu thông máu. Khi cholesterol cao, đặc biệt là LDL cao, nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ cũng tăng theo.

Cholesterol ảnh hưởng đến phụ nữ và nam giới khác nhau như thế nào?

Phụ nữ thường có mức HDL cao hơn nam giới, do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ estrogen.

Nghiên cứu năm 2023 cho thấy mức cholesterol ở phụ nữ thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt. Khi bước vào thời kỳ mãn kinh (khoảng 50–55 tuổi), phụ nữ thường có sự thay đổi đáng kể trong mức cholesterol:

  • LDL và cholesterol toàn phần có xu hướng tăng.
  • HDL có xu hướng giảm.

Do đó, ngay cả phụ nữ từng có mức cholesterol lý tưởng trong phần lớn cuộc đời cũng có thể bị cholesterol cao ở giai đoạn sau.

Ngoài ra, các biến chứng khi mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Khi mang thai, mức cholesterol toàn phần có thể tăng nhưng thường sẽ trở lại bình thường sau sinh. Tuy nhiên, cần theo dõi các biến chứng như tiền sản giật và tiểu đường thai kỳ.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim ở phụ nữ

Mặc dù nhìn chung thì nam giới có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn nhưng có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ này ở phụ nữ, đặc biệt là khi mang thai và sau mãn kinh.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Tuổi cao
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim
  • Hút thuốc
  • Ít vận động
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
  • Tăng cholesterol máu có tính gia đình (FH)
  • Bệnh tiểu đường
  • Tăng huyết áp
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
  • Mãn kinh sớm
  • Tăng huyết áp thai kỳ (tiền sản giật)
  • Tiểu đường thai kỳ

Mức cholesterol bao nhiêu là bình thường ở phụ nữ?

Cholesterol cao được định nghĩa là mức cholesterol toàn phần trên 200 mg/dL đối với cả nam và nữ trên 20 tuổi.

HDL (cholesterol tốt):

Đối với phụ nữ, mức HDL dưới 50 mg/dL được coi là yếu tố nguy cơ lớn gây bệnh tim.

Nếu mức HDL trên 60 mg/dL, nguy cơ mắc bệnh tim sẽ giảm đi.

LDL (cholesterol xấu):

Với phụ nữ không mắc bệnh tim, mức LDL nên duy trì ở dưới 100 mg/dL.

Mức LDL nên ở dưới 70 mg/dL đối với phụ nữ có bệnh tim hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh như:

  • Tiểu đường hoặc tăng huyết áp
  • Trên 55 tuổi
  • Hút thuốc
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim

Mặc dù đây là những mức khuyến nghị này từng được áp dụng phổ biến nhưng hiện nay bác sĩ thường điều chỉnh mức LDL mục tiêu dựa trên nguy cơ mắc bệnh tim tổng thể, thay vì chỉ phụ thuộc vào một con số cố định.

Nên kiểm tra cholesterol bao lâu một lần?

Phụ nữ trên 20 tuổi nên kiểm tra mức cholesterol khoảng 4–6 năm một lần.

Những người có yếu tố nguy cơ gây bệnh tim nên được tầm soát cholesterol mỗi 6–12 tháng.

Đặc biệt là sau khi mãn kinh, việc theo dõi cholesterol lại càng quan trọng. Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ khuyến nghị phụ nữ từ 55–65 tuổi nên kiểm tra 1–2 năm một lần. Từ 65 tuổi trở lên, nên kiểm tra hàng năm.

Làm sao để giảm cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim?

Để xác định nguy cơ mắc bệnh tim, bước đầu tiên là tiến hành kiểm tra cholesterol tại cơ sở y tế.

Có nhiều cách giúp giảm cholesterol, bao gồm cả việc sử dụng thuốc do bác sĩ kê đơn.

Statin là nhóm thuốc phổ biến nhất để điều trị cholesterol cao. Nếu statin không hiệu quả, bác sĩ có thể kê thuốc khác - nhất là khi bạn có nguy cơ cao bị đau tim, đột quỵ hoặc có tình trạng tăng cholesterol máu có tính gia đình.

Chế độ ăn uống và lối sống cũng đóng vai trò rất quan trọng. Dưới đây là một số lời khuyên giúp giảm cholesterol hoặc duy trì mức cholesterol khỏe mạnh:

  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Ngưng hút thuốc nếu bạn đang hút.
  • Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần với cường độ vừa phải.
  • Ăn theo chế độ tốt cho tim mạch: ăn nhiều rau, trái cây, protein nạc, chất xơ, chất béo không bão hòa đơn và đa (có trong cá béo như cá hồi, cá hồi suối, cá ngừ và các loại hạt).
  • Tránh thực phẩm chứa nhiều đường như kẹo, nước ngọt, nước ép trái cây đóng chai.
  • Hạn chế uống rượu.

Kết luận

Mặc dù cholesterol cao và bệnh tim thường xảy ra muộn hơn ở phụ nữ so với nam giới nhưng bệnh tim vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ tại Hoa Kỳ.

Phụ nữ trước mãn kinh thường có mức HDL cao hơn nam giới do tác động của estrogen. Tuy nhiên, sau mãn kinh, nhiều phụ nữ có mức LDL tăng và HDL giảm.

Cholesterol cao thường không có triệu chứng rõ ràng, vì vậy cách duy nhất để phát hiện là kiểm tra định kỳ tại cơ sở y tế, đặc biệt là sau mãn kinh.

Việc điều trị sớm các yếu tố nguy cơ, như cholesterol cao, sẽ giảm đáng kể khả năng mắc bệnh tim trong tương lai.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh tim Ebstein: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Bệnh tim Ebstein: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bệnh tim Ebstein là một dạng dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp. Ở những trẻ bị bệnh tim Ebstein, van ba lá (van nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải) hình thành không đúng vị trí và các lá van bị dị dạng. Kết quả là van ba lá không thể hoạt động bình thường và máu chảy ngược qua van, làm cho tim hoạt động kém hiệu quả. Bệnh tim Ebstein có thể dẫn đến chứng cơ tim phì đại và suy tim.

Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ: triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị
Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ: triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị

Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ (IC) là tình trạng cơ tim bị suy yếu do cơn đau tim hoặc bệnh động mạch vành. Bệnh có thể được điều trị bằng các phương pháp như thay đổi lối sống, dùng thuốc, phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác.

Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó động mạch bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân.

Bệnh tim bẩm sinh: triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa
Bệnh tim bẩm sinh: triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Bệnh tim bẩm sinh là những dị tật tim có ngay từ khi sinh ra. Bệnh tim bẩm sinh có nhiều loại khác nhau, từ những dị tật đơn giản không gây triệu chứng đến những vấn đề phức tạp có thể đe dọa đến tính mạng.

Bệnh mạch máu nhỏ: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Bệnh mạch máu nhỏ: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Bệnh mạch máu nhỏ, hay bệnh mạch vành nhỏ, là tình trạng thành của các động mạch nhỏ trong tim – những nhánh nhỏ của động mạch vành lớn – bị tổn thương và không thể giãn nở đúng cách.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây