Huyết khối động mạch chủ: Triệu chứng, phương pháp điều trị và biến chứng

Huyết khối động mạch chủ là tình trạng cục máu đông hình thành và gây tắc nghẽn động mạch chủ - động mạch lớn nhất trong cơ thể, có chức năng dẫn máu từ tim đến các bộ phận khác. Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Cục máu đông chặn động mạch chủ sẽ làm gián đoạn sự lưu thông máu đến các cơ quan hoặc tứ chi. Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.
Huyết khối động mạch chủ cần được điều trị khẩn cấp để ngăn tử vong và các biến chứng nghiêm trọng. Do đây là một vấn đề hiếm gặp nên vẫn còn nhiều tranh cãi về phác đồ điều trị huyết khối động mạch chủ. Phương pháp điều trị phổ biến là phẫu thuật loại bỏ cục máu đông hoặc dùng thuốc để phá vỡ cục máu đông.
Nguyên nhân gây huyết khối động mạch chủ
Có một nhóm gồm ba yếu tố làm tăng nguy cơ huyết khối động mạch chủ và huyết khối ở các mạch máu khác. Nhóm yếu tố nguy cơ này được gọi là bộ ba Virchow, được đặt theo tên của Tiến sĩ Rudolf Virchow. Bộ ba Virchow gồm có:
- Tổn thương thành mạch máu, do đặt ống thông và các nguyên nhân khác
- Rối loạn tăng đông máu, nghĩa là máu quá đặc và dễ đông lại hơn bình thường
- Sự lưu thông máu bị chậm lại do ngồi hoặc nằm trong thời gian dài hoặc các nguyên nhân khác
Nhiều trường hợp huyết khối động mạch chủ có liên quan đến thủ thuật thông tim. Đây là thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán hoặc điều trị vấn đề về tim. Trong thủ thuật này, một ống rỗng nhỏ được đưa vào động mạch hoặc tĩnh mạch ở bẹn, cổ hoặc cánh tay của người bệnh rồi sau đó dẫn qua các mạch máu đến tim.
Khi được đưa vào tim, ống thông có thể gây viêm thành động mạch chủ. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong động mạch chủ.
Viêm mạch máu đột ngột cũng làm tăng nguy cơ huyết khối động mạch chủ. Tình trạng này có thể xảy ra do:
- sử dụng chất gây nghiện như cocaine
- giảm tiểu cầu do heparin, một biến chứng của thuốc chống đông máu heparin
- viêm tụy
Huyết khối động mạch chủ không xác định được nguyên nhân được gọi là huyết khối động mạch chủ tự phát. Đây là vấn đề cực kỳ hiếm gặp.
Liệu pháp estrogen và hóa trị làm tăng nguy cơ huyết khối động mạch chủ
Những người mắc bệnh ung thư đang trong quá trình hóa trị và người đang sử dụng liệu pháp estrogen có nguy cơ bị huyết khối cao hơn.
Trong một báo cáo ca bệnh, các nhà nghiên cứu đã báo cáo về 4 bệnh nhân bị huyết khối động mạch chủ trong thời gian điều trị bằng thuốc hóa trị chứa cisplatin.
Triệu chứng của huyết khối động mạch chủ
Huyết khối động mạch chủ có nhiều triệu chứng giống với đột quỵ và một số vấn đề khác. Các triệu chứng gồm có:
- Giảm nhịp tim
- Đau bụng không rõ nguyên nhân
- Tăng huyết áp
- Suy tim sung huyết
- Giảm lưu lượng máu đến các chi, gây:
- Lạnh ở cẳng chân hoặc bàn chân
- Tê hoặc yếu cơ
- Chuột rút đau đớn
- Nhiễm trùng máu
- Toan chuyển hóa – tình trạng có quá nhiều axit trong máu
- Suy tạng
Phương pháp chẩn đoán huyết khối động mạch chủ
Công cụ chính để chẩn đoán huyết khối động mạch chủ là các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh mà chủ yếu là siêu âm Doppler. Đây là một kỹ thuật không xâm lấn sử dụng sóng âm tần số cao để đo tốc độ máu chảy qua các mạch máu.
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác cũng được sử dụng để chẩn đoán huyết khối động mạch chủ còn có:
- Siêu âm tim
- Thông tim
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) mạch máu
Điều trị huyết khối động mạch chủ
Hai phương pháp chính để điều trị huyết khối động mạch chủ là dùng thuốc phá vỡ cục máu đông và phẫu thuật. Tuy nhiên, đến nay cộng đồng y khoa vẫn chưa thống nhất phương pháp điều trị nào là hiệu quả nhất. Phương pháp điều trị ở mỗi một ca bệnh là khác nhau vì còn tùy thuộc vào vị trí và kích thước của cục máu đông.
Trong một tổng quan nghiên cứu vào năm 2022, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 50% số bệnh nhân bị huyết khối động mạch chủ được điều trị bằng thuốc, 34% được điều trị bằng các thủ thuật can thiệp nội mạch ít xâm lấn và 16% được điều trị bằng phẫu thuật truyền thống.
Đôi khi, chỉ cần dùng thuốc là có thể làm tan cục máu đông. Các loại thuốc được dùng gồm có:
- heparin
- warfarin
- enoxaparin sodium
- acenocoumarol
- aspirin
- dalteparin
Nhưng một số trường hợp cần phẫu thuật loại bỏ cục máu đông. Bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật khi:
- cục máu đông có kích thước trên 1cm
- người bệnh có tiền sử bị cục máu đông
- cục máu đông hình thành ở một số vị trí nhất định trong động mạch chủ
- không thể phân biệt cục máu đông và khối u dựa trên các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh
Biến chứng của huyết khối động mạch chủ
Mức độ nghiêm trọng của tình trạng huyết khối động mạch chủ ở mỗi ca bệnh là khác nhau. Trong một số trường hợp, bệnh không gây ra bất kỳ vấn đề lớn nào nhưng ở nhiều trường hợp, huyết khối động mạch chủ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Do đây là một vấn đề hiếm gặp nên có rất ít thông tin về tỷ lệ sống sót những của người mắc huyết khối động mạch chủ. Tuy nhiên, theo một thống kê thì tỷ lệ tử vong lên tới 75%.
Cục máu đông ở động mạch chủ sẽ làm giảm hoặc chặn hoàn toàn dòng máu đến các cơ quan. Nếu không điều trị, tình trạng này sẽ nhanh chóng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Suy thận
- Đột quỵ
- Hoại tử
- Tử vong
Tóm tắt bài viết
Huyết khối động mạch chủ là khi cục máu đông hình thành và gây cản trở sự lưu thông máu trong động mạch chủ, động mạch mang máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Đây là tình trạng rất hiếm gặp nhưng có thể nhanh chóng dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng như suy tạng và đột quỵ. Phương pháp chính để điều trị huyết khối động mạch chủ là dùng thuốc phá vỡ cục máu đông hoặc phẫu thuật loại bỏ cục máu đông.

Hở van động mạch chủ xảy ra khi van động mạch chủ không đóng kín hoàn toàn, khiến một phần máu chảy ngược lại vào tâm thất trái. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng như đau ngực và mệt mỏi cùng những triệu chứng khác.

Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất trong cơ thể con người. Động mạch này mang máu từ tim lên đầu, sau đó đến cánh tay và xuống bụng, chân và vùng chậu. Thành động mạch chủ có thể trở nên suy yếu và phình lên giống như quả bóng. Tình trạng này được gọi là phình động mạch chủ và nếu xảy ra ở phần động mạch chủ vùng bụng thì được gọi là phình động mạch chủ bụng (abdominal aortic aneurysm).

Viêm tĩnh mạch huyết khối là tình trạng viêm xảy ra ở tĩnh mạch, thường là tĩnh mạch ở chân do cục máu đông hình thành và làm tắc nghẽn mạch máu. Viêm tĩnh mạch huyết khối có thể xảy ra ở tĩnh mạch gần bề mặt da (viêm tĩnh mạch huyết khối nông) hoặc tĩnh mạch sâu trong cơ (huyết khối tĩnh mạch sâu).

Ống động mạch là một phần trong hệ tuần hoàn của thai nhi, có chức năng nối hai mạch máu chính dẫn máu từ tim là động mạch chủ và động mạch phổi trong thời kỳ bào thai và đóng lại trong vòng vài ngày sau khi sinh. Nếu cấu trúc này vẫn mở sau khi sinh thì được gọi là còn ống động mạch.

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó động mạch bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân.