1

Hở van động mạch chủ: Triệu chứng và phương pháp điều trị

Hở van động mạch chủ xảy ra khi van động mạch chủ không đóng kín hoàn toàn, khiến một phần máu chảy ngược lại vào tâm thất trái. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng như đau ngực và mệt mỏi cùng những triệu chứng khác.
Hình ảnh 183 Hở van động mạch chủ: Triệu chứng và phương pháp điều trị

Hở van động mạch chủ, còn gọi là trào ngược van động mạch chủ, là một loại bệnh van tim. Tình trạng này xảy ra khi van động mạch chủ bị tổn thương.

Van động mạch chủ là van cuối cùng mà máu đi qua trước khi rời khỏi tim, mang theo oxy và dưỡng chất đến các cơ quan trong cơ thể.

Khi van động mạch chủ không đóng kín, một phần máu sẽ chảy ngược lại thay vì được đẩy ra động mạch chủ và cơ thể. Điều này khiến tâm thất trái không thể bơm hết hoàn toàn máu trước khi nhận thêm máu từ tâm nhĩ trái.

Do đó, tâm thất trái phải giãn nở để chứa cả lượng máu tồn đọng và lượng máu mới. Đồng thời, cơ tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu ra ngoài. Sự quá tải này làm căng cơ tim và tăng huyết áp trong tim.

Mặc dù tim phải làm việc nhiều hơn nhưng vẫn không thể bơm đủ máu để cung cấp oxy cho cơ thể. Điều này khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và dễ hụt hơi. Theo thời gian, hở van động mạch chủ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tim và sức khỏe tổng thể.

Triệu chứng của hở van động mạch chủ

Tình trạng hở van động mạch chủ có thể xảy ra trong nhiều năm mà không có triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng sau có thể xuất hiện đột ngột:

  • Đau ngực hoặc cảm giác tức ngực, nặng hơn khi tập thể dục và giảm đi khi nghỉ ngơi.
  • Mệt mỏi.
  • Đánh trống ngực.
  • Hụt hơi.
  • Khó thở khi nằm.
  • Yếu người.
  • Ngất xỉu.
  • Sưng phù mắt cá chân và bàn chân.

Nguyên nhân gây hở van động mạch chủ

Hở van động mạch chủ có thể xảy ra do tổn thương động mạch chủ, tổn thương mô tim hoặc các tình trạng bẩm sinh. Những nguyên nhân gây bệnh có thể bao gồm:

  • Sốt thấp khớp.
  • Dị tật van bẩm sinh (những bất thường ở van tim từ khi sinh ra).
  • Nhiễm trùng mô tim.
  • Huyết áp cao.
  • Các bệnh di truyền như hội chứng Marfan, ảnh hưởng đến mô liên kết.
  • Giang mai không được điều trị.
  • Lupus ban đỏ.
  • Phình động mạch chủ.
  • Viêm cột sống dính khớp, một dạng viêm khớp.
  • Chấn thương.
  • Bệnh Crohn (viêm ruột mãn tính).
  • Bệnh Whipple (loạn dưỡng mỡ đường ruột).
  • Hội chứng Turner.
  • Một số loại thuốc, trong đó có thuốc chủ vận dopamine như bromocriptine (Parlodel, Cycloset).

Tỷ lệ mắc hở van động mạch chủ ở nam giới cao hơn so với nữ giới và thường gặp ở những người trong độ tuổi từ 40 đến 60.

Các xét nghiệm chẩn đoán hở van động mạch chủ

Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ thu thập đầy đủ thông tin về tiền sử bệnh lý, tiến hành nghe nhịp tim, kiểm tra mạch và huyết áp, đồng thời kiểm tra các dấu hiệu bất thường của các vấn đề về van tim, như:

  • Nhịp tim đập mạnh bất thường.
  • Động mạch cổ đập mạnh.
  • Mạch "búa nước" (water-hammer pulse), là tình trạng mạch đập mạnh thường gặp khi mắc hở van động mạch chủ.
  • Âm thanh của máu bị rò rỉ qua van động mạch chủ.

Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra triệu chứng. Các xét nghiệm này có thể là:

  • Chụp X-quang lồng ngực để phát hiện tình trạng tâm thất trái bị giãn to, thường gặp trong các bệnh tim mạch.
  • Điện tâm đồ (EKG) để đo hoạt động điện của tim, đánh giá tốc độ tim đập và kiểm tra nhịp tim có bị nhanh hoặc chậm hay không.
  • Siêu âm tim để đánh giá tình trạng các buồng tim và van tim.
  • Thông tim để đo áp lực và lưu lượng máu qua các buồng tim.
  • Các xét nghiệm hình ảnh khác, như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ tim (MRI) và chụp mạch vành.

Những xét nghiệm này giúp bác sĩ xác nhận chẩn đoán, đánh giá mức độ tổn thương và đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.

Điều trị hở van động mạch chủ

Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Nếu tình trạng bệnh nhẹ thì có thể không cần điều trị. Bác sĩ có thể khuyến nghị theo dõi chức năng tim định kỳ và cải thiện sức khỏe tim mạch bằng các biện pháp như:

  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Tập thể dục đều đặn với các bài tập phù hợp.
  • Tuân theo chế độ ăn tốt cho tim mạch, giàu thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Bỏ thuốc lá nếu hút.

Những biện pháp này có thể giúp giảm huyết áp và nguy cơ xảy ra biến chứng.

Nếu bệnh tiến triển nặng, bạn có thể cần phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế van động mạch chủ. Có các phương pháp sau:

  • Thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVR): Phẫu thuật ít xâm lấn, thay thế van hỏng bằng van làm từ mô động vật.
  • Thay van bằng phẫu thuật tim hở: Thay van bị hỏng bằng van cơ học, van từ động vật, hoặc van từ người hiến đã qua đời.
  • Sửa chữa van tim: sửa chữa van bị ảnh hưởng qua phẫu thuật tim hở.

Ngoài ra, điều trị hở van động mạch chủ cũng có thể bao gồm cả việc xử lý nguyên nhân gốc rễ gây bệnh. Ví dụ, nếu bạn bị viêm nội tâm mạc, bác sĩ có thể kê kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.

Tiên lượng lâu dài

Người bị hở van động mạch chủ nếu được điều trị thường sẽ có tiên lượng khả quan.

Nếu không cần phẫu thuật, bác sĩ có thể khuyến nghị tiến hành siêu âm tim định kỳ vài năm một lần hoặc thường xuyên hơn.

Nếu đã phẫu thuật, thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào phương pháp phẫu thuật. Bác sĩ thường khuyến nghị cần theo dõi định kỳ để phát hiện biến chứng hoặc các vấn đề khác về tim mạch, trong đó có suy tim.

Cần chú ý phòng ngừa và điều trị nhanh chóng các loại nhiễm trùng có thể lan đến tim. Những người đã được sửa chữa hoặc thay van động mạch chủ sẽ có nguy cơ cao cần phải phẫu thuật nếu tim bị nhiễm trùng.

Các bệnh về răng miệng và viêm họng liên cầu khuẩn đều có thể gây nhiễm trùng tim. Chăm sóc vệ sinh răng miệng đúng cách và điều trị kịp thời các vấn đề về răng miệng hoặc viêm họng nghiêm trọng sẽ giúp giảm nguy cơ dẫn đến tình trạng này.

Kết luận

Hở van động mạch chủ là một bệnh van tim xảy ra khi van động mạch chủ không đóng kín hoàn toàn.

Một số người mắc bệnh có thể không xuất hiện triệu chứng nếu tình trạng nhẹ. Nếu có, các triệu chứng thường bao gồm đau ngực, khó thở và nhiều vấn đề khác.

Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, gồm có thay đổi lối sống, theo dõi định kỳ hoặc phẫu thuật.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Huyết khối động mạch chủ: Triệu chứng, phương pháp điều trị và biến chứng
Huyết khối động mạch chủ: Triệu chứng, phương pháp điều trị và biến chứng

Huyết khối động mạch chủ là khi cục máu đông hình thành trong động mạch chủ - động mạch chính dẫn máu từ tim. Đây là một tình trạng vô cùng nguy hiểm cần điều trị khẩn cấp.

Triệu chứng và phương pháp điều trị viêm mạch hoại tử
Triệu chứng và phương pháp điều trị viêm mạch hoại tử

Viêm mạch hoại tử (necrotizing vasculitis), tên đầy đủ viêm mạch hoại tử toàn thân (systemic necrotizing vasculitis), là tình trạng thành mạch máu bị viêm. Tình trạng này thường xảy ra ở các mạch máu nhỏ và vừa.

Huyết khối (cục máu đông) trong tim: Triệu chứng, biến chứng và phương pháp điều trị
Huyết khối (cục máu đông) trong tim: Triệu chứng, biến chứng và phương pháp điều trị

Huyết khối trong tim là thuật ngữ y khoa chỉ cục máu đông trong tim. Hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức khi gặp các triệu chứng như đau ngực, khó thở hoặc ho ra máu. Huyết khối hay cục máu đông có thể hình thành ở bất cứ đâu trong cơ thể, bao gồm cả tim. Cục máu đông trong tim là một tình trạng vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể gây đột tử (tử vong đột ngột).

Hẹp eo động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Hẹp eo động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Hẹp eo động mạch chủ là tình trạng một đoạn động mạch chủ bị hẹp hơn bình thường. Điều này buộc tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu qua động mạch chủ.

Teo van động mạch phổi: Triệu chứng và cách điều trị
Teo van động mạch phổi: Triệu chứng và cách điều trị

Teo van động mạch phổi là một dạng dị tật bẩm sinh, trong đó van động mạch phổi (van tim nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi) không hình thành mà thay vào đó tim được ngăn cách với động mạch phổi bởi một lớp mô rắn. Teo van động mạch phổi thường được phát hiện ngay sau khi sinh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây