1

Hội chứng Churg – Strauss là gì?

Hội chứng Churg - Strauss là một dạng rối loạn có đặc trưng là tình trạng viêm mạch máu. Tình trạng viêm này làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan và mô, đôi khi gây tổn thương các cơ quan vĩnh viễn. Hội chứng Churg - Strauss còn được gọi là u hạt bạch cầu ái toan kèm viêm đa mạch.
Churg strauss Hội chứng Churg – Strauss là gì?

Bệnh hen suyễn khởi phát khi trưởng thành là dấu hiệu phổ biến nhất của hội chứng Churg - Strauss. Hội chứng này còn có thể gây ra các vấn đề khác, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng, các vấn đề về xoang, phát ban, xuất huyết tiêu hóa, đau hoặc tê ở bàn tay và bàn chân.

Hội chứng Churg - Strauss rất hiếm gặp và hiện chưa có cách chữa trị. Tuy nhiên, có thể kiểm soát các triệu chứng của hội chứng Churg - Strauss bằng steroid (corticoid) và các loại thuốc ức chế miễn dịch mạnh khác.

Triệu chứng của hội chứng Churg - Strauss

Triệu chứng của hội chứng Churg –Strauss ở mỗi người là khác nhau. Một số người chỉ có các triệu chứng nhẹ trong khi những người khác lại gặp phải các biến chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Hội chứng Churg –Strauss thường tiến triển qua ba giai đoạn và ngày càng nặng. Hầu hết tất cả những người mắc hội chứng Churg –Strauss đều bị hen suyễn, viêm xoang mãn tính và tăng bạch cầu ái toan – tình trạng số lượng bạch cầu ái toan trong cơ thể tăng cao bất thường.

Các dấu hiệu và triệu chứng khác của hội chứng Churg –Strauss còn có:

  • Chán ăn và sụt cân
  • Đau khớp và cơ
  • Đau bụng và xuất huyết tiêu hóa
  • Suy nhược, mệt mỏi
  • Phát ban hoặc có vết loét trên da
  • Đau, tê hoặc châm chích ở bàn tay và bàn chân

Khi nào cần đi khám?

Nên đi khám nếu bị khó thở hoặc chảy nước mũi kéo dài không đỡ, đặc biệt là khi còn kèm theo triệu chứng đau nhức dai dẳng ở vùng mặt. Ngoài ra, hãy đi khám nếu tình trạng hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng đột ngột trở nên trầm trọng hơn.

Hội chứng Churg - Strauss hiếm gặp và cũng có khả năng những triệu chứng kể trên là do một bệnh lý tiềm ẩn khác. Do đó, cần phải đi khám càng sớm càng tốt để xác định chính xác vấn đề.

Nguyên nhân gây hội chứng Churg - Strauss

Đa số các trường hợp mắc hội chứng Churg – Strauss đều không xác định được nguyên nhân. Có khả năng nguyên nhân là do sự kết hợp giữa yếu tố di truyền (gen) và các yếu tố môi trường, chẳng hạn như chất gây dị ứng hoặc một số loại thuốc khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức. Thay vì bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn và virus xâm nhập, hệ miễn dịch lại tấn công chính các mô khỏe mạnh và gây ra tình trạng viêm trên diện rộng.

Biến chứng của hội chứng Churg - Strauss

Hội chứng Churg - Strauss có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như phổi, xoang, da, hệ tiêu hóa, thận, cơ, khớp, dây thần kinh và tim. Nếu không được điều trị, chứng rối loạn này có thể gây tử vong.

Hội chứng Churg – Strauss có thể dẫn đến các biến chứng sau đây:

  • Tổn thương dây thần kinh ngoại biên: Hội chứng Churg - Strauss có thể làm hỏng các dây thần kinh ở bàn tay và bàn chân, dẫn đến tê, nóng rát và mất chức năng.
  • Bệnh tim mạch: Các biến chứng liên quan đến tim mạch của hội chứng Churg - Strauss gồm có viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim và suy tim.
  • Thận hư: Nếu hội chứng Churg - Strauss ảnh hưởng đến thận, bệnh nhân có thể bị viêm cầu thận. Viêm cầu thận làm suy giảm khả năng lọc máu của thận, dẫn đến tích tụ độc tố và chất thải trong máu.

Phương pháp chẩn đoán hội chứng Churg - Strauss

Các phương pháp chẩn đoán hội chứng Churg – Strauss gồm có:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp phát hiện một số kháng thể trong máu. Sự hiện diện của những kháng thể này có thể là dấu hiệu của hội chứng Churg – Strauss nhưng chưa đủ để kết luận mắc hội chứng Churg – Strauss. Xét nghiệm máu còn cho biết số lượng bạch cầu ái toan. Tuy nhiên, số lượng bạch cầu ái toan có thể tăng cao do nhiều bệnh khác như bệnh hen suyễn.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính (CT) giúp phát hiện những bất thường trong phổi và xoang. Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu của suy tim, bác sĩ thường sẽ đề nghị siêu âm tim định kỳ.
  • Sinh thiết mô: Nếu các phương pháp chẩn đoán khác cho thấy dấu hiệu của hội chứng Churg - Strauss, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô nhỏ ở phổi hoặc cơ quan khác như da hoặc cơ và kiểm tra dưới kính hiển vi để xác nhận hoặc loại trừ khả năng viêm mạch máu.

Điều trị hội chứng Churg - Strauss

Hiện chưa có cách chữa trị hội chứng Churg – Strauss nhưng các loại thuốc có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh.

Corticoid (corticosteroid)

Prednisone là một loại thuốc có tác dụng giảm viêm thuộc nhóm corticoid và thường được kê cho những người mắc hội chứng Churg - Strauss. Bác sĩ có thể kê corticoid liều cao hoặc tăng liều corticoid hiện tại để kiểm soát các triệu chứng bệnh một cách nhanh chóng.

Corticoid liều cao có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng nên sẽ phải giảm liều dần dần cho đến khi chỉ phải dùng liều tối thiểu để kiểm soát bệnh. Corticoid liều thấp cũng có thể gây tác dụng phụ nếu dùng trong thời gian dài.

Các tác dụng phụ của corticoid gồm có loãng xương, tăng đường huyết, tăng cân, đục thủy tinh thể và nhiễm trùng khó điều trị.

Các thuốc ức chế miễn dịch khác

Nếu hội chứng Churg - Strauss chỉ có các triệu chứng nhẹ thì thường chỉ dần điều trị bằng corticoid là đủ. Tuy nhiên đôi khi bệnh nhân cần dùng thêm một loại thuốc ức chế miễn dịch khác.

Mepolizumab (Nucala) hiện là loại thuốc duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị hội chứng Churg - Strauss. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và các cơ quan bị ảnh hưởng mà bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác như:

  • Azathioprine
  • Benralizumab
  • Cyclophosphamide
  • Methotrexate
  • Rituximab

Vì những loại thuốc này làm suy giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể và có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng khác nên bệnh nhân sẽ phải tái khám thường xuyên trong suốt thời gian dùng thuốc để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe.

Giảm thiểu tác dụng phụ của corticoid

Điều trị bằng corticoid trong thời gian dài sẽ gây ra một số vấn đề không mong muốn. Người dùng có thể giảm thiểu những vấn đề này bằng các cách sau đây:

  • Tăng cường sức khỏe xương: Đảm bảo đủ lượng vitamin D và canxi trong chế độ ăn uống và dùng thực phẩm chức năng để bổ sung nếu cần thiết.
  • Tập thể dục: Tập thể dục giúp duy trì cân nặng hợp lý. Đây là điều rất quan trọng trong thời gian điều trị bằng corticoid vì các loại thuốc trong nhóm này có thể gây tăng cân. Các bài tập tăng cường sức mạnh và bài tập chịu trọng lực như đi bộ và chạy bộ còn giúp cải thiện sức khỏe của xương.
  • Ăn uống lành mạnh: Steroid có thể làm tăng lượng đường trong máu và cuối cùng dẫn đến bệnh tiểu đường type 2. Nên ăn các loại thực phẩm giúp giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định, chẳng hạn như trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Loét đường tiêu hóa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Loét đường tiêu hóa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nếu không được điều trị, tình trạng loét đường tiêu hóa sẽ ngày càng nặng và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như thủng dạ dày – ruột, chảy máu trong và hình thành sẹo.

Trào ngược axit có những triệu chứng nào?
Trào ngược axit có những triệu chứng nào?

Trào ngược axit có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, hầu hết mọi người thường gặp các triệu chứng vào ban đêm.

Viêm dạ dày cấp: Triệu chứng và cách xử lý
Viêm dạ dày cấp: Triệu chứng và cách xử lý

Một số triệu chứng của viêm dạ dày cấp rất giống với triệu chứng của các vấn đề về sức khỏe khác nên nếu không đi khám thì rất khó xác định viêm dạ dày cấp.

Viêm thực quản: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm thực quản: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm thực quản là tình trạng viêm xảy ra ở mô thực quản - ống cơ đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây