Vì sao một số loại statin nên uống vào buổi tối?

Statin là thuốc kê đơn giúp giảm cholesterol, đặc biệt là cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) – loại cholesterol "xấu".
Khi lượng cholesterol LDL trong máu quá cao, chúng có thể tích tụ trong thành động mạch, gây hẹp lòng mạch và giảm lưu lượng máu. Mức LDL cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành.
Cơ chế hoạt động của statin gồm hai cách:
- Ức chế enzym mà cơ thể cần để tạo ra cholesterol
- Có thể giúp làm giảm các mảng xơ vữa đã hình thành trong động mạch (những mảng này có chứa cholesterol)
Nhờ đó, statin góp phần giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
Các loại statin phổ biến
Statin có nhiều loại, bao gồm thuốc biệt dược và thuốc generic. Một số loại statin thông dụng gồm:
- Simvastatin (Zocor)
- Lovastatin (Altoprev, Mevacor)
- Fluvastatin (Lescol XL)
- Atorvastatin (Lipitor)
- Pitavastatin (Livalo)
- Pravastatin (Pravachol)
- Rosuvastatin (Crestor)
Hầu hết statin được dùng 1 lần mỗi 24 giờ. Tùy loại thuốc và liều lượng, một số có thể cần uống 2 lần/ngày.
Một số loại statin có hiệu quả tốt hơn nếu uống sau bữa ăn, trong khi các loại khác lại phát huy tác dụng tối ưu khi uống vào buổi tối. Nguyên nhân là vì enzym tạo cholesterol trong cơ thể hoạt động mạnh hơn vào ban đêm. Đồng thời, một số statin có thời gian bán hủy ngắn – nghĩa là thuốc sẽ mất đi một nửa tác dụng chỉ sau vài giờ.
Các loại statin nên uống vào buổi tối
Một số statin có thời gian bán hủy dưới 6 giờ và được khuyến cáo nên uống vào buổi tối, bao gồm:
- Simvastatin: Các nghiên cứu chỉ ra rằng simvastatin sẽ có hiệu quả giảm LDL cao hơn khi uống vào buổi tối so với buổi sáng
- Lovastatin: Nên uống sau khi ăn tối. Riêng dạng giải phóng kéo dài (Altoprev) nên uống trước khi đi ngủ
- Fluvastatin: Có thời gian bán hủy khoảng 3 giờ, nên cũng nên dùng vào buổi tối
Các loại statin có thể uống vào buổi sáng
Một số statin thế hệ mới vẫn có hiệu quả tương đương khi uống vào buổi sáng. Các thuốc ức chế enzym HMG-CoA reductase như atorvastatin và rosuvastatin mạnh hơn các statin cũ và có thời gian bán hủy ít nhất 14 giờ nên có thể dùng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Fluvastatin dạng giải phóng kéo dài (Lescol XL) cũng có thể uống vào bất kỳ lúc nào trong ngày.
Tóm lại, thời điểm uống statin sẽ phụ thuộc vào loại thuốc cụ thể. Với các loại statin có thời gian tác dụng ngắn, việc uống vào buổi tối sẽ giúp đạt hiệu quả giảm cholesterol tốt hơn. Bạn nên tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu.
Những điều cần biết khi dùng statin
Không phải tất cả các loại statin đều giống nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ tờ hướng dẫn kèm theo thuốc. Tuân thủ đúng chỉ định sẽ giúp thuốc phát huy hiệu quả tối đa.
Bác sĩ có thể tư vấn cụ thể sau khi hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bạn. Hãy hỏi bác sĩ xem loại statin bạn dùng có cần uống sau thức ăn hay không hoặc vào thời điểm cụ thể nào khác trong ngày.
Cần duy trì sử dụng đúng chỉ dẫn
Nếu loại statin bạn dùng không yêu cầu uống vào thời điểm cụ thể trong ngày, hãy chọn thời điểm mà bạn dễ nhớ nhất để duy trì thói quen uống thuốc. Statin có hiệu quả tốt nhất khi được dùng đúng giờ mỗi ngày. Khi đã trở thành một phần trong sinh hoạt thường ngày, bạn sẽ ít quên uống thuốc hơn.
Một số chất có thể tương tác với statin
Với một số loại statin, bạn không nên uống nước ép bưởi hoặc ăn bưởi. Nước ở quả bưởi có thể làm thuốc lưu lại lâu hơn trong cơ thể, khiến nồng độ statin tăng cao, làm tăng nguy cơ bị tổn thương cơ, gan và thận.
Nếu trên nhãn thuốc không ghi rõ về việc cần tránh ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi, bạn vẫn nên hỏi bác sĩ để chắc chắn.
Statin cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác. Vì vậy, bạn cần báo lại đầy đủ cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm thuốc bổ, thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn.
Bạn có thể gặp tác dụng phụ
Statin là thuốc hiệu quả trong việc kiểm soát cholesterol nhưng cũng đi kèm một số rủi ro. Tác dụng phụ thường gặp gồm có đau cơ, đau khớp, buồn nôn và đau đầu.
Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn có thể gặp phải là tổn thương cơ, gan và thận. Nếu bạn bị tiểu đường tuýp 2, statin có thể làm tăng đường huyết.
Nếu gặp tác dụng phụ, bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ. Việc chuyển sang loại statin khác có thể giúp cải thiện tình trạng này.
Các biện pháp khác giúp giảm cholesterol
Mặc dù statin rất hiệu quả trong việc hạ LDL cholesterol nhưng bạn vẫn có thể kiểm soát cholesterol bằng các phương pháp khác hoặc thay đổi lối sống.
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cholesterol. Bạn nên ăn nhiều rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và cá. Hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và tăng cường axit béo omega-3. Nên giảm muối và tinh bột tinh luyện.
Duy trì thói quen vận động hằng ngày và hạn chế ngồi lâu. Ngoài ra, bỏ thuốc lá và duy trì cân nặng hợp lý cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Mặc dù statin thường được chỉ định khi chế độ ăn và vận động không đủ hiệu quả để kiểm soát cholesterol nhưng việc ăn uống lành mạnh và tập thể dục vẫn luôn mang lại lợi ích trong việc nâng cao sức khoẻ tổng thể.

Statin là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất để làm giảm cholesterol. Tuy nhiên, việc uống rượu có thể làm trầm trọng thêm một số tác dụng phụ ở những người mắc các bệnh lý nhất định, đặc biệt là các vấn đề về gan.

Statin là một nhóm thuốc được dùng để điều chỉnh mức cholesterol và điều trị một số vấn đề sức khỏe khác.

Ngoài thói quen sinh hoạt điều độ, một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng với các loại thực phẩm lành mạnh sẽ giúp hạ huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.