Vì sao uống statin có thể gây đau cơ?

Tổng quan
Statin là nhóm thuốc phổ biến thường được bác sĩ kê để điều trị tình trạng tăng cholesterol. Thuốc này có tác dụng ức chế một loại enzym trong gan, từ đó làm giảm lượng cholesterol mà cơ thể sản xuất. Ngoài ra, statin còn giúp gan loại bỏ cholesterol ra khỏi máu. Cả hai cơ chế này đều góp phần làm giảm tổng lượng cholesterol trong cơ thể. Điều này rất quan trọng vì khi cholesterol trong máu quá cao, nguy cơ đau tim và đột quỵ sẽ tăng lên.
Statin là thuốc có hiệu quả cao. Tuy nhiên, giống như nhiều loại thuốc khác, statin cũng có thể gây ra tác dụng phụ. Một trong số đó là đau cơ.
Statin và tình trạng đau cơ
Hiện nay, cơ chế gây đau cơ do statin vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Một giả thuyết cho rằng statin ảnh hưởng đến một loại protein trong tế bào cơ, từ đó làm giảm sự phát triển của cơ. Giả thuyết khác cho rằng statin làm giảm nồng độ của coenzyme Q10 - một chất tự nhiên trong cơ thể có vai trò giúp cơ tạo ra năng lượng. Khi lượng năng lượng bị suy giảm, tế bào cơ có thể hoạt động không hiệu quả.
Các tác động trên có thể dẫn đến:
- Đau cơ
- Mỏi cơ
- Yếu cơ
Người đang dùng statin có thể thấy khó chịu và mệt mỏi ngay cả khi thực hiện những việc từng rất đơn giản như leo cầu thang hoặc đi bộ.
Tiêu cơ vân (rhabdomyolysis)
Tiêu cơ vân – tình trạng cơ bị huỷ hoại – là một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nguy hiểm của statin, cũng có thể gây đau cơ. Tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương cơ nghiêm trọng đe doạ tính mạng. Ngoài cảm giác đau cơ dữ dội, tiêu cơ vân còn có thể gây tổn thương gan, suy thận, và trong một số trường hợp hiếm có thể dẫn đến tử vong.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), các loại statin dưới đây có cảnh báo rõ ràng về nguy cơ đau cơ và tiêu cơ vân trong tờ hướng dẫn sử dụng:
- Lovastatin giải phóng kéo dài (Altoprev)
- Rosuvastatin (Crestor)
- Fluvastatin (Lescol)
- Atorvastatin (Lipitor)
- Pitavastatin (Livalo)
- Lovastatin (Mevacor)
- Pravastatin (Pravachol)
- Simvastatin (Zocor)
Mặc dù tiêu cơ vân nghe có vẻ đáng sợ nhưng người dùng statin thông thường hiếm khi gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ tăng lên nếu bạn dùng liều statin cao hoặc dùng statin đồng thời với một số loại thuốc khác. Nếu cảm thấy lo ngại, bạn nên trao đổi với bác sĩ về nguy cơ của mình.
Làm gì khi bị đau cơ
Nếu bạn bị đau cơ trong quá trình dùng statin, hãy báo ngay cho bác sĩ. Bác sĩ có thể tạm ngưng thuốc một thời gian để theo dõi phản ứng của cơ thể. Dù đau cơ có thể là do thuốc gây ra nhưng cũng không loại trừ khả năng nguyên nhân đến từ một tình trạng khác.
Bạn cũng có thể thực hiện một số biện pháp để giảm đau, chẳng hạn như:
- Tránh tập luyện quá sức vì có thể làm cơn đau nặng hơn
- Tránh dùng thuốc giảm đau không kê đơn vì chúng thường không hiệu quả trong việc giảm đau cơ do statin gây ra
Yếu tố làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ
Một số người có nguy cơ cao hơn gặp tác dụng phụ từ statin, trong đó có đau cơ. Các yếu tố làm tăng nguy cơ này bao gồm:
- Thể trạng nhỏ, nhẹ cân
- Suy giảm chức năng thận hoặc gan
- Mắc tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2
- Từng bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
- Trên 65 tuổi
Nguy cơ cũng sẽ tăng nếu bạn đang dùng nhiều loại thuốc điều trị cholesterol cùng lúc.
Trao đổi với bác sĩ
Dù chưa biết rõ chính xác nguyên nhân nhưng statin đúng là có thể gây đau cơ ở một số người. Tuy nhiên, statin đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc kiểm soát cholesterol cao.
Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn bị đau cơ khi đang dùng statin. Đôi khi, cơn đau có thể là dấu hiệu của việc bị tổn thương nghiêm trọng. Bác sĩ có thể giảm liều thuốc, đổi sang loại statin khác hoặc kê thuốc không thuộc nhóm statin để kiểm soát cholesterol. Cần phối hợp với bác sĩ để có thể cùng tìm ra phương pháp điều trị phù hợp, cân bằng được hiệu quả và tác dụng phụ.

Một số loại statin có thời gian bán hủy dưới 6 giờ, khi dùng vào buổi tối, chúng có thể giúp giảm cholesterol LDL hiệu quả hơn.

Statin là một nhóm thuốc được dùng để điều chỉnh mức cholesterol và điều trị một số vấn đề sức khỏe khác.

Tăng áp động mạch phổi (hay tăng áp phổi) là tình trạng xảy ra khi các động mạch mang máu từ tim đến phổi bị thu hẹp. Điều này làm tăng áp lực máu trong động mạch. Tăng áp động mạch phổi gây ra các triệu chứng như chóng mặt, ngất xỉu, buồn nôn và khó thở. Bên cạnh dùng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống cũng là điều rất quan trọng để kiểm soát bệnh tăng áp động mạch phổi.

Phình động mạch não là hiện tượng một điểm yếu trên thành mạch máu não bị giãn phình giống như một quả bóng nhỏ. Uống rượu có thể làm tăng nguy cơ hình thành túi phình và góp phần làm tăng nguy cơ vỡ túi phình do ảnh hưởng đến các mạch máu trong não.

Ngoài các thực phẩm giàu chất béo, đồ uống có đường và rượu, có nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng và làm tăng mức triglyceride trong máu.