1

Tuổi thọ của người mắc bệnh hở van tim

Hở van tim có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, tình trạng này thường có thể được điều trị bằng các thủ thuật sửa chữa hoặc thay thế van tim, giúp cải thiện tuổi thọ.
Hình ảnh 177 Tuổi thọ của người mắc bệnh hở van tim

Để tim hoạt động hiệu quả, bốn van tim cần đóng mở đúng cách để đảm bảo máu chảy đúng hướng qua các buồng tim.

Hở van tim, hay còn gọi là rò rỉ van tim, khiến máu chảy ngược trở lại thay vì di chuyển đúng hướng. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và các biến chứng khác như rối loạn nhịp tim và suy tim.

Ở mức độ nhẹ, hở van tim có thể không gây ra triệu chứng và không cần điều trị gì thêm ngoài việc kiểm tra định kỳ. Nhưng trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể cần sửa chữa hoặc thay thế van. Khi có xuất hiện, triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau hoặc khó chịu ở ngực
  • Đánh trống ngực
  • Chóng mặt
  • Khó thở

Để tránh các biến chứng nguy hiểm, cần đến gặp bác sĩ ngay nếu thấy có bất kỳ triệu chứng nào của hở van tim. Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân và lên kế hoạch điều trị phù hợp. Nếu tình trạng nặng hơn, có thể cần phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế van tim.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khoảng 2,5% dân số Hoa Kỳ mắc các loại bệnh van tim, trong khi khoảng 13% người từ 75 tuổi trở lên mắc các vấn đề về van tim.

Yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của bệnh nhân hở van tim

Tiên lượng của người mắc bệnh hở van tim phụ thuộc vào loại van bị ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng của tình trạng.

Tim có bốn van là:

  • Van động mạch chủ (aortic valve)
  • Van hai lá (mitral valve)
  • Van động mạch phổi (pulmonary valve)
  • Van ba lá (tricuspid valve)

Bất kỳ van nào cũng có thể bị hở hoặc gặp vấn đề ngược lại, là hẹp van (stenosis). Hẹp van là tình trạng van trở nên cứng lại và không thể mở đủ rộng cho máu chảy qua.

Độ tuổi được chẩn đoán là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của người mắc bệnh hở van tim. Yếu tố đáng chú ý nữa là việc mắc các bệnh lý tim mạch khác đi kèm, như:

  • Rối loạn nhịp tim
  • Bệnh động mạch vành
  • Bệnh cơ tim
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Tiền sử đau tim hoặc đột quỵ

Càng để tình trạng hở van tim nghiêm trọng kéo dài mà không được điều trị, nguy cơ xảy ra biến chứng tim mạch càng cao.

Mức độ nghiêm trọng của tình trạng hở van cũng có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ, ngay cả khi đã được sửa chữa hoặc thay thế van.

Nếu cần sửa chữa hoặc thay thế van, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị là kinh nghiệm của bác sĩ tim mạch. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2017 cho thấy rằng phẫu thuật van hai lá khi được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật đã từng tiến hành ít nhất 25 ca phẫu thuật van hai lá mỗi năm sẽ làm tăng đáng kể tỷ lệ thành công và khả năng bệnh nhân sống được hơn một năm sau phẫu thuật.

Tuổi thọ của người bị hở van hai lá

Van hai lá cho phép máu chảy từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái, buồng bơm chính của tim. Khi van hai lá bị hở, máu có thể chảy ngược lại vào tâm nhĩ trái.

Nếu không được điều trị hiệu quả, bệnh hở van hai lá có thể khiến tim làm việc vất vả hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể, làm tăng nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh bất thường và suy tim.

Theo một báo cáo năm 2020, tỷ lệ tử vong trong vòng 1 năm đối với người cao tuổi mắc hở van hai lá nặng nhưng không được sửa chữa hoặc thay thế van là khoảng 14%. Tỷ lệ tử vong trong năm đầu tiên sau chẩn đoán tăng đáng kể ở những người lớn tuổi hơn.

Ngược lại, một nghiên cứu năm 2020 cho thấy rằng việc sửa chữa van trong trường hợp hở van hai lá nặng có thể khôi phục tuổi thọ của người bệnh tương đương với người bình thường trong độ tuổi từ 40 đến 89.

Tỷ lệ tử vong là gì?

Tỷ lệ tử vong là chỉ số thể hiện số ca tử vong do một bệnh lý cụ thể trong một quần thể xác định, trong một khoảng thời gian nhất định.

Tuổi thọ của người mắc hở van động mạch chủ

Van động mạch chủ cho phép máu đi từ tâm thất trái vào động mạch chủ và ra nuôi cơ thể. Khi máu chảy ngược vào tâm thất trái – tình trạng được gọi là hở van động mạch chủ – tim phải làm việc vất vả hơn để bơm đủ máu đáp ứng nhu cầu cơ thể. Điều này có thể dẫn đến:

  • Suy tim
  • Rối loạn nhịp tim
  • Tử vong

Nghiên cứu cho thấy khoảng 75% người mắc hở van động mạch chủ nặng sống thêm được ít nhất 5 năm sau khi được điều trị bảo tồn, nhưng chỉ 50% sống được 10 năm. Tuy nhiên, tuổi thọ giảm xuống chỉ còn khoảng 2 năm nếu hở van động mạch chủ nặng không được điều trị và dẫn đến suy tim sung huyết.

Theo một nghiên cứu năm 2021, tuổi thọ trung bình của người từ 60–64 tuổi thực hiện thay van động mạch chủ bằng phương pháp phẫu thuật là 16,2 năm. Đối với người từ 85 tuổi trở lên, tuổi thọ trung bình sau khi được thay van là 6,1 năm.

Tuổi thọ của người mắc hở van ba lá

Van ba lá ngăn cách tâm nhĩ phải và tâm thất phải - buồng bơm máu đến phổi để được oxy hóa.

Hở van ba lá khiến máu chảy ngược vào tâm nhĩ phải. Tình trạng này có thể gây tăng áp lực đáng kể trong tâm thất phải, làm tăng nguy cơ suy tim hoặc rối loạn nhịp tim phổ biến được gọi là rung nhĩ.

Theo một nghiên cứu năm 2022, tỷ lệ tử vong trong vòng 5 năm ở người mắc hở van ba lá nặng kèm suy tim phân suất tống máu giảm (HFrEF) là khoảng 34%. HFrEF là tình trạng suy tim do lượng máu được bơm ra từ tâm thất trái trong mỗi nhịp tim bị giảm. Bản thân bệnh hở van ba lá nguyên phát cũng có thể gây suy tim, với tỷ lệ tử vong trong vòng 5 năm là 48%.

Tuổi thọ của người mắc hở van động mạch phổi

Van động mạch phổi cho phép máu từ tâm thất phải đi đến phổi, nơi máu nhận oxy trước khi trở về tim để được bơm đi nuôi cơ thể.

Khi hở van động mạch phổi, máu chảy ngược vào tâm thất phải trước khi được oxy hóa. Đây là loại hở van ít gặp nhất.

Nguyên nhân phổ biến của hở van động mạch phổi gồm có:

  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Tăng áp phổi

Hở van động mạch phổi có thể dẫn đến tiếng thổi ở tim và trong một số trường hợp hiếm gặp còn có thể gây suy tim.

Theo một nghiên cứu năm 2021, tỷ lệ bệnh nhân sống được 10 năm sau khi thay van động mạch phổi là khoảng 90%.

Hở van tim có thể được điều trị mà không cần phẫu thuật không?

Trong một số trường hợp, van tim bị hở có thể được sửa chữa hoặc thay thế bằng thủ thuật xâm lấn tối thiểu qua ống thông thay vì phẫu thuật tim hở. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với phương pháp này.

Thủ thuật này sử dụng một ống thông (một ống mỏng, mềm dẻo) được luồn qua mạch máu từ vùng bẹn đến tim. Ống thông này được trang bị các công cụ để sửa chữa hoặc thay thế van tim bị hỏng.

Nếu bác sĩ khuyến nghị sửa chữa hoặc thay thế van, bạn nên hỏi xem liệu phương pháp xâm lấn tối thiểu qua ống thông có phù hợp với mình không.

Làm sao biết bệnh hở van tim đang trở nặng?

Trong nhiều trường hợp, hở van tim sẽ tiến triển dần theo thời gian. Vì thế, cần phải theo dõi các triệu chứng và chú ý đến bất kỳ thay đổi nào có xuất hiện. Một số dấu hiệu cho thấy tình trạng hở van tim có thể đang trở nặng là:

  • Khó thở nặng hơn, ngay cả khi không gắng sức
  • Không thể hít thở sâu khi nằm
  • Chóng mặt nhiều hơn
  • Đau hoặc khó chịu ở ngực thường xuyên hơn
  • Sưng bất thường ở cẳng chân, mắt cá chân hoặc bàn chân
  • Tim đập nhanh, rung lên thường xuyên hơn
  • Bị ngất không rõ nguyên nhân

Nếu bạn mắc bệnh van tim nặng, hãy lên lịch khám bác sĩ tim mạch để biết liệu mình có cần điều trị hay không. Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm tim để đánh giá mức độ tiến triển của bệnh và xác định phương pháp điều trị phù hợp.

Kết luận

Hở van tim ở mức độ nhẹ có thể không gây triệu chứng và không cần điều trị nhưng vẫn khôi phục được lưu lượng máu khỏe mạnh. Trong những trường hợp này, hở van tim thường không ảnh hưởng đến tuổi thọ.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp nghiêm trọng, hở van tim thường cần phẫu thuật thay thế hoặc sửa chữa van. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh hở van tim có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ, đặc biệt là khi bệnh này dẫn đến các biến chứng tim mạch khác.

Nếu có các triệu chứng của hở van tim, hãy thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Điều trị bệnh sớm trước khi xuất hiện các biến chứng có thể giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các loại bệnh tim bẩm sinh ở người lớn
Các loại bệnh tim bẩm sinh ở người lớn

Bệnh tim bẩm sinh hay dị tật tim bẩm sinh là một nhóm các vấn đề về cấu tạo của tim xảy ra ngay từ khi còn trong bào thai. Bệnh tim bẩm sinh gây ảnh hưởng đến sự lưu thông máu qua tim. Một số dạng dị tật tim bẩm sinh không gây ra vấn đề nghiêm trọng trong khi những dạng dị tật phức tạp lại có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn
Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, trong đó có đột quỵ. Theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (the American Stroke Association), những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi so với những người không bị tiểu đường. Người mắc bệnh tiểu đường còn có nguy cơ bị đột quỵ ở độ tuổi trẻ hơn và tiên lượng kém hơn.

8 biện pháp điều chỉnh lối sống dành cho người bị bệnh cơ tim phì đại (HCM)
8 biện pháp điều chỉnh lối sống dành cho người bị bệnh cơ tim phì đại (HCM)

Bệnh cơ tim phì đại (HCM) là một bệnh di truyền khiến cơ tim dày lên, làm giảm khả năng bơm máu. Bác sĩ có thể khuyến nghị các biện pháp thay đổi lối sống trước khi kê thuốc để điều trị bệnh, đặc biệt là khi tình trạng của bạn không có triệu chứng.

Bệnh cơ tim phì đại ảnh hưởng như thế nào đến tuổi thọ?
Bệnh cơ tim phì đại ảnh hưởng như thế nào đến tuổi thọ?

Bệnh cơ tim phì đại (HCM) xảy ra khi tim khó có thể bơm máu bình thường do cơ tim bị dày lên và phì đại. Tình trạng này có thể làm cản trở dòng máu chảy ra khỏi tâm thất, dẫn đến các biến chứng nếu không được điều trị.

Tiên lượng và tuổi thọ của người bị tăng áp phổi
Tiên lượng và tuổi thọ của người bị tăng áp phổi

Tăng áp phổi (pulmonary hypertension) là một loại tăng huyết áp nguy hiểm. Căn bệnh này không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát được bằng thuốc và phẫu thuật.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây