1

8 biện pháp điều chỉnh lối sống dành cho người bị bệnh cơ tim phì đại (HCM)

Bệnh cơ tim phì đại (HCM) là một bệnh di truyền khiến cơ tim dày lên, làm giảm khả năng bơm máu. Bác sĩ có thể khuyến nghị các biện pháp thay đổi lối sống trước khi kê thuốc để điều trị bệnh, đặc biệt là khi tình trạng của bạn không có triệu chứng.
Hình ảnh 152 8 biện pháp điều chỉnh lối sống dành cho người bị bệnh cơ tim phì đại (HCM)

Bệnh cơ tim phì đại (HCM) là một bệnh mãn tính di truyền khiến cơ tim dày lên, làm giảm khả năng bơm máu. Hiện tại vẫn chưa có cách chữa khỏi HCM, nhưng có thể làm giảm triệu chứng và cải thiện chức năng tim tổng thể bằng cách sử dụng thuốc.

Bác sĩ có thể khuyến nghị các biện pháp thay đổi lối sống trước khi kê thuốc, đặc biệt là khi tình trạng của bạn không có triệu chứng.

Hãy đọc tiếp để tìm hiểu về những biện pháp điều chỉnh lối sống có thể giúp quản lý HCM, đồng thời bảo vệ tim và làm giảm triệu chứng.

1. Chọn chế độ tập thể dục phù hợp

Mặc dù tập thể dục là yếu tố thiết yếu để giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và chức năng tim, nhưng người mắc HCM cần lựa chọn các hoạt động có mức độ vừa phải, không làm căng thẳng cơ tim.

Nên thực hiện các bài tập có cường độ từ nhẹ đến trung bình, như yoga, thái cực quyền và đi bộ, thay vì các hoạt động mạnh như chạy bộ hoặc thể thao tiếp xúc. Tập thể dục cường độ mạnh có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim (arrhythmia), hoặc có thể là ngừng tim ở người mắc HCM.

Một nghiên cứu tổng hợp vào năm 2022 lại chỉ ra rằng hoạt động ở mức độ cao hơn có thể mang lại hiệu quả cho những người trưởng thành trẻ tuổi bị HCM. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để hỗ trợ cho giả thuyết này.

Đau ngực nhẹ, khó thở và mệt mỏi sau khi tập thể dục cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng bạn đang vận động quá mức. Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy ngừng hoạt động và đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

2. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Nếu bạn bị HCM, bác sĩ sẽ khuyến nghị áp dụng chế độ ăn tốt cho tim mạch.

Nên ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, như trái cây, rau củ, và ngũ cốc nguyên hạt, cùng với đậu và các loại hạt. Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên hạn chế muối, đường và chất béo bão hòa trong chế độ ăn.

Bạn có thể tham khảo chế độ ăn Địa Trung Hải hoặc chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) nếu muốn theo một chế độ cụ thể. Cả hai đều tập trung vào các thực phẩm tốt cho tim và giảm thực phẩm chứa chất béo, đường và muối.

3. Duy trì cân nặng vừa phải

Điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục đều đặn cũng có thể giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý. Đây là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến HCM vì thừa cân có thể làm tăng thêm gánh nặng cho tim.

Một nghiên cứu năm 2021 với những người tham gia bị béo phì và HCM có triệu chứng cho thấy việc kết hợp các bài tập có mức độ từ nhẹ đến trung bình với chế độ ăn Địa Trung Hải đã giúp cải thiện đáng kể chức năng tim.

Nếu bạn lo lắng rằng mình bị thừa cân và có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch, hãy cân nhắc trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định cân nặng phù hợp và đưa ra lời khuyên về các biện pháp giảm cân.

4. Phương pháp quản lý căng thẳng

Quản lý căng thẳng có thể giúp duy trì sức khỏe tim mạch, đặc biệt là khi bạn bị mắc HCM dẫn đến lo âu. Căng thẳng quá mức có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.

Dành thời gian thư giãn mỗi ngày, dù không nhiều thì cũng có thể giúp bạn giảm căng thẳng và duy trì tinh thần lạc quan. Bạn có thể thực hiện các hoạt động giảm căng thẳng như bài tập thở sâu, ngủ ngắn, hoặc tắm nước ấm.

Nếu bạn vẫn thường xuyên cảm thấy quá căng thẳng, hãy cân nhắc trao đổi với bác sĩ.

5. Bỏ thuốc lá

Nếu bạn đang hút thuốc, tốt nhất là nên bỏ thuốc hoặc hạn chế hút thuốc lại, nhất là khi đã được chẩn đoán mắc HCM. Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch và đột quỵ.

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các biện pháp bỏ thuốc để có thể cải thiện sức khỏe tim mạch. Hầu hết mọi người đều có thể giảm được nguy cơ nhồi máu cơ tim sau một năm bỏ thuốc. Hãy nhớ rằng không có mức độ hút thuốc nào là an toàn cho tim, kể cả khi bạn chỉ thi thoảng mới hút một điếu thuốc.

6. Ưu tiên giấc ngủ

Ngủ đủ giấc là điều cần thiết đối với tất cả mọi người. Đặc biệt đối với người mắc HCM, duy trì thói quen ngủ lành mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng tim mạch. Chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng HCM, vì vậy cần đảm bảo tuân thủ việc điều trị hội chứng này để có thể cải thiện được chất lượng giấc ngủ.

Hầu hết người lớn cần ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm. Ngủ thiếu giấc và chất lượng giấc ngủ kém có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bạn có thể làm giảm các nguy cơ này bằng cách tập thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày.

7. Hạn chế uống rượu

Hãy hỏi bác sĩ xem mình có được uống rượu hay không. Nghiên cứu cho thấy rượu có thể làm tăng huyết áp và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn dòng máu ở bệnh nhân HCM.

Nếu bạn có uống rượu, hãy ngừng uống hoặc hạn chế lượng rượu để có thể cải thiện được sức khỏe tim mạch. Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (NHLBI) khuyến nghị không nên uống quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly đối với nam giới.

8. Chăm sóc sức khỏe tổng thể

Nhìn chung, người mắc HCM đều có tiên lượng khả quan. Bệnh nhân HCM nếu được điều trị và thực hiện những thay đổi lối sống tích cực thì có thể giữ được tuổi thọ như người bình thường.

Tuy nhiên, nếu gặp phải những thay đổi về triệu chứng như đau ngực, mệt mỏi, hoặc sưng phù ở cơ thể, cần thông báo cho bác sĩ ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng HCM đang tiến triển và có thể cần điều trị thêm.

Ngoài ra, điều trị và kiểm soát những tình trạng bệnh lý khác như bệnh tiểu đường, huyết áp cao và chứng ngưng thở khi ngủ cũng rất cần thiết để không làm trầm trọng thêm HCM. Hãy trao đổi với bác sĩ về việc thực hiện các xét nghiệm máu định kỳ và các buổi thăm khám.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó động mạch bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân.

Điều trị triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên
Điều trị triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên

Triệu chứng đặc trưng của bệnh động mạch ngoại biên là đau khi đi lại. Khi tiến triển sang các giai đoạn sau, bệnh động mạch ngoại biên sẽ gây đau cả khi không hoạt động và các triệu chứng khác.

Những điều cần biết về bệnh tim bẩm sinh ở người lớn
Những điều cần biết về bệnh tim bẩm sinh ở người lớn

Nhiều người sinh ra có dị tật tim nhưng không cần điều trị cho đến khi trưởng thành. Khi tim phát triển, có thể cần thực hiện phẫu thuật, dùng thuốc và các phương pháp điều trị khác.

Huyết khối (cục máu đông) trong tim: Triệu chứng, biến chứng và phương pháp điều trị
Huyết khối (cục máu đông) trong tim: Triệu chứng, biến chứng và phương pháp điều trị

Huyết khối trong tim là thuật ngữ y khoa chỉ cục máu đông trong tim. Hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức khi gặp các triệu chứng như đau ngực, khó thở hoặc ho ra máu. Huyết khối hay cục máu đông có thể hình thành ở bất cứ đâu trong cơ thể, bao gồm cả tim. Cục máu đông trong tim là một tình trạng vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể gây đột tử (tử vong đột ngột).

Huyết khối động mạch chủ: Triệu chứng, phương pháp điều trị và biến chứng
Huyết khối động mạch chủ: Triệu chứng, phương pháp điều trị và biến chứng

Huyết khối động mạch chủ là khi cục máu đông hình thành trong động mạch chủ - động mạch chính dẫn máu từ tim. Đây là một tình trạng vô cùng nguy hiểm cần điều trị khẩn cấp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây