1

Tìm hiểu về bệnh van tim ở người cao tuổi

Bệnh van tim xảy ra phổ biến hơn ở người lớn tuổi do các van tim có thể bị tổn thương theo thời gian và ảnh hưởng đến chức năng. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố quyết định đến khả năng hồi phục của bệnh nhân.
Hình ảnh 179 Tìm hiểu về bệnh van tim ở người cao tuổi

Theo thời gian, van tim nào cũng có thể bị tổn thương, gây ra các triệu chứng khó chịu như đau ngực và khó thở.

Trong một số trường hợp, bạn có thể cần can thiệp phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế van tim bị ảnh hưởng.

Khi tuổi tác tăng lên, nguy cơ mắc bệnh van tim cũng tăng theo. Dưới đây là những thông tin quan trọng về bệnh van tim ở người cao tuổi, cách nhận biết dấu hiệu và các phương pháp cần thực hiện sau khi chẩn đoán.

Bệnh van tim là gì?

Bệnh van tim xảy ra khi có ít nhất một van tim bị tổn thương hoặc gặp bất thường làm suy giảm chức năng. Mặc dù bất kỳ van nào cũng có thể bị ảnh hưởng nhưng van động mạch chủ là van thường bị tổn thương nhất.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khoảng 2,5% dân số Hoa Kỳ mắc bệnh van tim. Tỷ lệ này phổ biến hơn ở người cao tuổi.

Bệnh van tim ở người cao tuổi khác biệt như thế nào?

Bệnh van tim có nhiều loại khác nhau. Trong đó, các loại phổ biến là:

Hẹp van động mạch chủ (Aortic stenosis – AS)

Hẹp van động mạch chủ là một trong những dạng bệnh van tim phổ biến nhất. Tình trạng này làm giảm lượng máu được bơm từ tim đến cơ thể vì van động mạch chủ (nằm giữa tim và động mạch chủ) bị hẹp.

Bệnh van hai lá (Mitral valve disease)

Các bệnh van hai lá xảy ra khi van hai lá không hoạt động đúng cách, bao gồm ba loại: hẹp vam, hở van, và sa van hai lá.

Hở van hai lá có thể xuất hiện khi bạn già đi, do van bị thoái hóa theo thời gian. Khi van không đóng kín, máu có thể bị rò ngược qua van (tình trạng hở van).

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), khoảng 2–3% dân số bị mắc sa van hai lá. Tình trạng này có thể dẫn đến hở van hai lá.

Hở van ba lá (Tricuspid regurgitation – TR)

Van ba lá nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải, có chức năng kiểm soát lưu lượng máu từ nhĩ phải đến thất phải.

Hở van ba lá nhẹ có thể không gây ra triệu chứng hoặc không cần phải can thiệp.

Tuy nhiên, nếu hở van ba lá khiến máu rò ngược vào tâm nhĩ phải, nó có thể làm suy yếu tâm thất phải theo thời gian, dẫn đến suy tim.

Khoảng 1,5% dân số mắc bệnh hở van ba lá. Nguy cơ mắc bệnh này sẽ tăng lên theo tuổi tác.

Triệu chứng bệnh van tim ở người cao tuổi

Các triệu chứng có thể tiến triển chậm. Bạn có thể nhận thấy mình bị giảm năng lượng hoặc sức bền không còn được như trước.

Tùy thuộc vào loại bệnh van tim, có thể xuất hiện các triệu chứng khác là:

  • Đau ngực
  • Khó thở, đặc biệt là sau khi vận động
  • Mệt mỏi
  • Cảm giác tim đập loạn nhịp, đập mạnh hoặc đập nhanh

Một số người mắc bệnh van tim không có hoặc không nhận ra bất kỳ triệu chứng nào.

Chẩn đoán bệnh van tim ở người cao tuổi

Để chẩn đoán bệnh van tim, bác sĩ thường kiểm tra tiền sử bệnh lý và tiến hành khám lâm sàng trước.

Bác sĩ có thể nghe tim bằng ống nghe và phát hiện có tiếng thổi tim. Đây là âm thanh máu chảy từ buồng tim này sang buồng tim khác. Ngoài ra, van tim bị tổn thương có thể tạo ra âm thanh đặc trưng khi máu bị chảy ngược.

Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm tim, một xét nghiệm sử dụng sóng siêu âm tần số cao để tạo hình ảnh tim. Ngoài ra, bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm bổ sung sau để hỗ trợ chẩn đoán:

  • Nghiệm pháp gắng sức
  • Chụp X-quang ngực
  • Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực (Chụp CT lồng ngực)

Điều trị bệnh van tim ở người cao tuổi

Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ, hầu hết các trường hợp bị bệnh van tim đều có thể điều trị được.

Một số loại bệnh van tim nhẹ, như hở van hai lá nhẹ, có thể không cần điều trị.

Theo CDC, phẫu thuật từ lâu đã được coi là phương pháp điều trị được ưu tiên đối với các trường hợp bệnh van tim nặng. Tuy nhiên, phẫu thuật cũng có thể đi kèm một số rủi ro như:

  • Chảy máu
  • Hình thành cục máu đông
  • Nhiễm trùng

Biến chứng của bệnh van tim ở người cao tuổi

Bệnh van tim có thể làm suy yếu các buồng tim, dẫn đến suy tim.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị, bạn có thể gặp phải các biến chứng như:

  • Rối loạn nhịp tim
  • Tăng áp động mạch phổi (huyết áp trong động mạch phổi tăng cao)
  • Nhiễm trùng
  • Ngừng tim

Yếu tố nguy cơ gây bệnh van tim ở người cao tuổi

Tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh van tim. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), lắng đọng canxi ở van tim theo thời gian có thể khiến các lá van trở nên dày và cứng hơn.

Các yếu tố nguy cơ khác ở người cao tuổi là:

  • Tiền sử sốt thấp khớp
  • Tiền sử viêm nội tâm mạc nhiễm trùng
  • Suy tim
  • Cơn đau tim
  • Rối loạn nhịp tim
  • Dị tật van tim bẩm sinh
  • Xạ trị ung thư từ khi còn nhỏ

Tiên lượng đối với người cao tuổi mắc bệnh van tim

Chẩn đoán và điều trị bệnh sớm sẽ giúp cải thiện kết quả đáng kể, làm bệnh chậm tiến triển và nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như tuổi thọ.

Trước đây, người cao tuổi mắc bệnh van tim cần phẫu thuật thường không có tiên lượng tích cực. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy các tiến bộ trong điều trị, chẳng hạn như trong sửa chữa và thay thế van tim, đã cải thiện đáng kể tiên lượng cho những người thuộc nhóm này.

Các câu hỏi thường gặp

Có cần phẫu thuật không?

Tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán, có thể cần phải phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế van tim bị hỏng. Phẫu thuật thường sẽ giúp khắc phục các vấn đề về van tim, giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cần gặp bác sĩ nào nếu mắc bệnh van tim?

Bạn có thể cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tim mạch để chẩn đoán và điều trị. Nếu cần sửa chữa hoặc thay thế van tim, bạn sẽ được chuyển đến bác sĩ phẫu thuật tim.

Thời gian phục hồi sau phẫu thuật van tim là bao lâu?

Thời gian phục hồi có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng thường mất từ 4–8 tuần. Nếu thực hiện các thủ thuật xâm lấn tối thiểu thì thời gian phục hồi có thể ngắn hơn.

Kết luận

Khi tuổi tác tăng lên, cần chú ý đến bất kỳ triệu chứng mới nào có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh van tim hoặc các vấn đề tim mạch liên quan.

Hãy trao đổi với bác sĩ nếu thấy xuất hiện triệu chứng hoặc có các yếu tố nguy cơ gây bệnh van tim.

Chẩn đoán sớm là yếu tố quyết định để có thể làm bệnh chậm tiến triển và cải thiện khả năng phục hồi.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim mạch ở nam giới
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim mạch ở nam giới

Bệnh tim mạch ở nam giới có những triệu chứng và dấu hiệu gì khác so với nữ giới?

Nếp gấp dái tai có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch
Nếp gấp dái tai có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch

Một dấu hiệu nhỏ như nếp gấp ở dái tai thì có liên quan gì đến bệnh tim mạch?

Các loại bệnh tim bẩm sinh ở người lớn
Các loại bệnh tim bẩm sinh ở người lớn

Bệnh tim bẩm sinh hay dị tật tim bẩm sinh là một nhóm các vấn đề về cấu tạo của tim xảy ra ngay từ khi còn trong bào thai. Bệnh tim bẩm sinh gây ảnh hưởng đến sự lưu thông máu qua tim. Một số dạng dị tật tim bẩm sinh không gây ra vấn đề nghiêm trọng trong khi những dạng dị tật phức tạp lại có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Tìm hiểu về các thủ thuật điều trị bệnh tim mạch ngoại trú
Tìm hiểu về các thủ thuật điều trị bệnh tim mạch ngoại trú

Có nhiều loại thủ thuật điều trị bệnh tim mạch ngoại trú, bao gồm nong mạch vành, đặt stent, cấy máy tạo nhịp tim và các thủ thuật khác. Nếu bạn gặp vấn đề về tim mạch, bác sĩ có thể khuyến nghị thực hiện thủ thuật ngoại trú, nghĩa là bạn không cần ở lại bệnh viện qua đêm và có thể về nhà trong ngày. Hầu hết các thủ thuật này đều ít xâm lấn, nên thời gian hồi phục không kéo dài.

Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn
Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, trong đó có đột quỵ. Theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (the American Stroke Association), những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi so với những người không bị tiểu đường. Người mắc bệnh tiểu đường còn có nguy cơ bị đột quỵ ở độ tuổi trẻ hơn và tiên lượng kém hơn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây