Trật khớp vai điều trị bằng cách nào?

Nếu nghi ngờ bị trật khớp vai thì hãy đến ngay cơ sở y tế. Hầu hết các trường hợp trật khớp vai đều có thể cử động lại bình thường sau vài tuần. Tuy nhiên, một khi đã bị trật khớp vai thì khớp bị mất đi tính ổn định và nguy cơ tiếp tục bị trật là rất cao. Tình trạng khớp vai bị trật nhiều lần sau lần trật đầu tiên được gọi là trật khớp vai tái hồi.
Dấu hiệu trật khớp vai
Các dấu hiệu và triệu chứng trật khớp vai gồm có:
- Vai bị biến dạng
- Sưng tấy, bầm tím quanh vị trí bị trật khớp
- Đau đớn
- Không thể cử động vai
Bệnh nhân còn có thể bị tê, yếu hoặc có cảm giác châm chích ở gần vị trí bị trật khớp, chẳng hạn như ở cổ hoặc cánh tay. Các cơ ở vai có thể bị co thắt và điều này khiến cho bệnh nhân càng đau đớn dữ dội.
Khi nào cần đi khám?
Nếu nghi ngờ trật khớp vai thì phải đến bệnh viện ngay.
Trong thời gian chờ điều trị, bệnh nhân nên:
- Bất động khớp: Đeo băng đai hoặc túi treo để hạn chế chuyển động khớp. Tuyệt đối không được cố gắng cử động và nắn chỉnh khớp về vị trí cũ. Điều này có thể làm hỏng khớp vai cũng như các cơ, dây chằng, dây thần kinh và mạch máu xung quanh.
- Chườm đá: Chườm đá lên vai sẽ giúp kiểm soát tình trạng chảy máu và sự tích tụ dịch ở trong và xung quanh khớp vai, nhờ đó làm giảm đau và giảm sưng tấy.
Nguyên nhân gây trật khớp vai
Khớp vai là khớp dễ bị trật nhất trong cơ thể. Lý do là vì khớp vai chuyển động theo nhiều hướng. Khớp vai có thể bị trật về phía trước, phía sau hoặc phía dưới, trật hoàn toàn hoặc trật bán phần nhưng hầu hết các trường hợp đều bị trật khớp về phía trước của vai. Ngoài ra, mô xơ liên kết với xương bả vai có thể bị kéo giãn hoặc rách và khiến cho tình trạng trật khớp càng thêm nghiêm trọng.
Khi bị tác động một lực mạnh, chẳng hạn như va đập đột ngột ở vai, chỏm xương cánh tay có thể bị lệch khỏi vị trí. Điều này cũng có thể xảy ra khi xoay khớp vai quá mức. Đôi khi, khớp vai bị trật không hoàn toàn, chỉ có một phần chỏm xương cánh tay bị lệch ra ngoài khớp vai trong khi phần còn lại vẫn nằm bên trong. Tình trạng này được gọi là trật khớp vai bán phần.
Trật khớp vai có thể là do các nguyên nhân như:
- Chấn thương khi chơi thể thao: Trật khớp vai là một chấn thương phổ biến trong các môn thể thao hay xảy ra va chạm, chẳng hạn như bóng đá hay khúc côn cầu và trong các môn thể thao dễ ngã, chẳng hạn như trượt tuyết đổ đèo, thể dục dụng cụ và bóng chuyền.
- Chấn thương không do thể thao: Các nguyên nhân khác khiến vai bị va đập mạnh, chẳng hạn như tai nạn giao thông cũng có thể gây trật khớp vai.
- Ngã: Khớp vai có thể bị trật khi ngã, nhất là ngã từ trên cao xuống và đập vai xuống đất.
Các yếu tố nguy cơ gây trật khớp vai
Nam giới ở độ tuổi thanh thiếu niên cho đến đầu độ tuổi 20 có nguy cơ bị trật khớp vai cao nhất vì đây là nhóm đối tượng hoạt động thể chất nhiều.
Biến chứng của trật khớp vai
Trật khớp vai có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Rách cơ, dây chằng và gân quanh khớp vai
- Tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu trong hoặc xung quanh khớp vai
- Khớp vai bị mất tính ổn định, đặc biệt là khi bị trật khớp nghiêm trọng hoặc trật khớp lặp đi lặp lại, điều này làm tăng nguy cơ tái phát chấn thương.
Khi dây chằng và gân ở vai bị kéo căng hoặc rách hay các dây thần kinh và mạch máu xung quanh khớp vai bị hỏng do trật khớp thì bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật.
Phòng ngừa trật khớp vai
Để ngăn ngừa trật khớp vai:
- Cẩn thận không để bị ngã
- Sử dụng dụng cụ bảo vệ khi chơi các môn thể thao dễ xảy ra va chạm
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt của các khớp và cơ
Khi đã bị trật khớp vai thì sẽ rất dễ bị lại trong tương lai.
Phương pháp chẩn đoán trật khớp vai
Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra vùng xung quanh khớp vai để tìm các dấu hiệu như đau, sưng hay biến dạng. Sau đó bệnh nhân sẽ phải chụp X-quang để bác sĩ đánh giá tình trạng trật khớp và xem xem xương có bị gãy hay có các tổn thương khác ở khớp vai hay không.
Điều trị trật khớp vai
Các phương pháp điều trị trật khớp vai gồm có:
- Nắn chỉnh khớp: Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện một số động tác nhẹ nhàng để đưa chỏm xương cánh tay trở lại đúng vị trí. Tùy thuộc vào mức độ đau đớn và sưng tấy mà bác sĩ sẽ cho dùng thuốc giãn cơ, thuốc an thần hoặc đôi khi phải gây tê trước khi nắn chỉnh khớp vai. Khi khớp vai về đúng vị trí, bệnh nhân sẽ cảm thấy đỡ đau ngay lập tức.
- Phẫu thuật: Bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật trong những trường hợp khớp vai hoặc dây chằng bị yếu và có nguy cơ trật khớp tái hồi cao hoặc trật khớp gây tổn thương dây thần kinh và mạch máu.
- Bất động khớp vai: Bệnh nhân phải đeo băng đai hoặc túi treo trong vài ngày đến 3 tuần để giữ bất động vai. Thời gian phải đeo băng đai và túi treo tùy thuộc vào tình trạng trật khớp vai và thời gian bắt đầu điều trị.
- Thuốc: Có thể dùng các loại thuốc như thuốc giảm đau hoặc thuốc giãn cơ để đỡ đau đớn, khó chịu trong thời gian hồi phục.
- Phục hồi chức năng: Sau khi tháo băng đai hoặc túi treo, bệnh nhân sẽ bắt đầu chương trình phục hồi chức năng dần dần nhằm khôi phục phạm vi chuyển động, sức mạnh và tính ổn định của khớp vai.
Nếu chỉ bị trật khớp nhẹ và dây thần kinh, mạch máu và các mô quanh khớp vai không bị tổn thương thì khớp vai sẽ trở về bình thường sau vài tuần nhưng phải hết sức cẩn thận khi vận động để tránh tiếp tục bị trật khớp. Cử động vai quá sớm sau khi bị trật khớp sẽ làm tăng nguy cơ chấn thương khớp vai hoặc trật khớp vai tai hồi.
Chăm sóc tại nhà
Có thể kết hợp các phương pháp điều trị trên với các bước chăm sóc tại nhà dưới đây để giảm bớt cảm giác đau đớn và đẩy nhanh tốc độ hồi phục khớp vai:
- Không cử động vai: Không thực hiện lại hành động khiến vai bị trật khớp và cố gắng tránh những động tác gây đau. Không bê đồ nặng và không giơ tay cao quá đầu cho đến khi vai không còn đau.
- Chườm lạnh và chườm nóng: Chườm lạnh lên vai giúp giảm viêm và đau. Có thể dùng túi chườm, túi rau củ đông lạnh hoặc khăn bọc đá viên và đặt lên vai trong vòng 15 đến 20 phút. Chườm nhiều lần trong ngày, mỗi lần cách nhau vài giờ trong 1 – 2 ngày sau khi bị trật khớp. Sau 2 - 3 ngày, khi đã đỡ đau và viêm thì chuyển sang chườm nóng để giảm căng và đau nhức cơ. Mỗi lần chườm nóng không nên kéo dài quá 20 phút.
- Uống thuốc giảm đau: Nếu cần thiết, bệnh nhân có thể dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin, ibuprofen, naproxen sodium hay acetaminophen. Uống thuốc theo đúng hướng dẫn và ngừng khi đã đỡ đau. Không nên lạm dụng thuốc giảm đau.
- Duy trì phạm vi chuyển động của khớp vai: Sau 1 - 2 ngày, tập một số động tác nhẹ nhàng theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để duy trì phạm vi chuyển động của khớp vai. Không cử động trong thời gian dài có thể gây cứng khớp. Ngoài ra, bất động vai quá lâu có thể dẫn đến viêm quanh khớp vai thể đông cứng (frozen shoulder) - tình trạng mà khớp vai trở nên cứng đến mức khó cử động.
Sau khi hồi phục chấn thương và vai cử động bình thường trở lại, hãy duy trì thói quen tập thể dục đều đặn. Tập các bài tập giãn cơ vai cùng các động tác tăng cường sức mạnh và ổn định khớp vai có thể giúp ngăn ngừa tình trạng trật khớp vai tái hồi. Trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn chế độ tập luyện thích hợp.

Viêm khớp vảy nến (Psoriatic arthritis - PsA) là một tình trạng kết hợp các triệu chứng sưng, đau khớp của bệnh viêm khớp với bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến thường có các triệu chứng đặc trưng là các mảng đỏ, đóng vảy cứng, ngứa ở trên da và đầu.

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.

Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp do nhiễm trùng ở một cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây ra.

Điều trị viêm khớp bằng dầu cá và omega-3 (EPA và DHA). Nhờ tác dụng giảm viêm nên dầu cá có lợi cho những người bị bệnh viêm khớp.