Thuốc chống viêm ibuprofen có thể gây tăng huyết áp

Ibuprofen và các NSAID không chọn lọc khác có thể gây tăng huyết áp. Nếu bạn gặp tác dụng phụ này thì sẽ phải sử dụng các loại thuốc khác để giảm đau và viêm.
Thuốc chống viêm ibuprofen có thể gây tăng huyết áp Thuốc chống viêm ibuprofen có thể gây tăng huyết áp

Tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu tác động lên thành động mạch cao hơn bình thường. Tăng huyết áp được xác định khi huyết áp tâm thu trên 130 mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 80 mmHg. Tăng huyết áp có thể là do yếu tố về lối sống hoặc bệnh tật gây nên nhưng cũng có thể là do dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như ibuprofen.

Cùng tìm hiểu xem tại sao sử dụng ibuprofen lại gây tăng huyết áp, các triệu chứng của tăng huyết áp do ibuprofen và cách điều trị tình trạng này.

Tại sao ibuprofen gây tăng huyết áp?

Ibuprofen là một loại thuốc thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID), được dùng để giảm đau, giảm viêm và hạ sốt. Thuốc này có cả dạng kê đơn và không kê đơn.

Ibuprofen và các NSAID khác ức chế một loại enzyme có tên là cyclooxygenase (COX). Enzyme này có vai trò sản xuất prostaglandin (một hợp chất giống hormone giúp điều hòa phản ứng viêm trong cơ thể).

Có hai loại enzyme COX là:

  • COX-1: có chức năng sản xuất prostaglandin bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ đông máu và duy trì chức năng thận.
  • COX-2: tham gia vào quá trình sản xuất prostaglandin làm giảm tình trạng viêm, đau và sốt.

Ibuprofen là một loại NSAID không chọn lọc, có nghĩa là ức chế cả enzyme COX-1 và COX-2. Mặc dù ức chế prostaglandin giúp giảm viêm và đau nhưng COX-1 là một loại enzyme có lợi và ức chế enzyme này sẽ gây hại cho dạ dày và thận. Điều này có thể dẫn đến các tác dụng phụ như giữ nước, muối và tăng huyết áp.

Triệu chứng của tăng huyết áp do ibuprofen

Nhiều người bị tăng huyết áp không có bất kỳ triệu chứng nào, ngay cả khi huyết áp ở mức rất cao. Do đa phần không có triệu chứng nên tình trạng này được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Các triệu chứng chỉ xuất hiện khi huyết áp tăng cao đến mức nguy hiểm (cơn tăng huyết áp) và dẫn đến biến chứng. Các triệu chứng của cơn tăng huyết áp hoặc biến chứng của tăng huyết áp thường xuất hiện đột ngột, gồm có:

  • Đau đầu dữ dội
  • Khó thở
  • Đau bụng, đau ngực hoặc đau lưng
  • Yếu cơ hoặc tê ở một bên cơ thể
  • Thay đổi thị lực như nhìn mờ
  • Nói khó
  • Chóng mặt
  • Lú lẫn

Hãy gọi cấp cứu ngay khi nhận thấy những triệu chứng này.

Những ai có nguy cơ bị tăng huyết áp khi dùng ibuprofen?

Những người có tiền sử tăng huyết áp và người lớn tuổi có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn khi dùng ibuprofen.

Các yếu tố nguy cơ khác còn có:

  • Mắc bệnh thận, đặc biệt là bệnh nặng và mạn tính
  • Chế độ ăn có nhiều natri
  • Dùng ibuprofen trong thời gian dài (hơn 10 ngày), điều này có thể làm hỏng thận, dẫn đến tình trạng giữ nước và muối
  • Dùng ibuprofen cùng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp, ví dụ như thuốc ức chế men chuyển (ACE) hoặc thuốc lợi tiểu
  • Dùng ibuprofen liều cao - liều tối đa được khuyến cáo là 3.200 miligam (mg)/ngày

Tăng huyết áp được chẩn đoán bằng cách nào?

Tăng huyết áp được chẩn đoán bằng cách đo huyết áp. Bạn có thể tự đo huyết áp tại nhà. Nếu kết quả đo thường xuyên ở mức cao thì nên đi khám để xem có phải bị tăng huyết áp hay không.

Để có kết quả đo huyết áp chính xác, hãy tránh vận động mạnh, tiêu thụ caffeine và nicotine trong 30 phút trước khi đo.

Các mức huyết áp

Mức huyết áp

Huyết áp tâm thu (mmHg)

Huyết áp tâm trương (mmHg)

Bình thường

Dưới 120

và dưới 80

Tiền tăng huyết áp

120 - 129

hoặc dưới 80

Tăng huyết áp (độ 1)

130 - 139

hoặc 80 - 89

Tăng huyết áp (độ 2)

140 trở lên

hoặc 90 trở lên

Cơn tăng huyết áp

Trên 180

trên 120

Kết quả của một lần đo huyết áp cao hơn bình thường không có nghĩa là bạn bị tăng huyết áp. Bác sĩ sẽ đo huyết áp nhiều lần tại các thời điểm khác nhau để xác nhận chẩn đoán. Ngoài ra còn phải làm một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân gốc rễ gây tăng huyết áp hoặc biến chứng của tăng huyết áp.

Phương pháp điều trị tăng huyết áp do ibuprofen

Nếu tăng huyết áp là do dùng ibuprofen, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác để giảm đau và viêm, chẳng hạn như acetaminophen hoặc aspirin.

Bạn cũng có thể thử các phương pháp không cần dùng thuốc, ví dụ như chườm lạnh hoặc chườm nóng, mát xa, tập thể dục và kiểm soát cân nặng để giảm tình trạng đau mạn tính. Các phương pháp này có thể làm giảm nhu cầu dùng thuốc và đồng thời có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Nếu tình trạng tăng huyết áp vẫn tiếp diễn sau khi ngừng dùng ibuprofen thì sẽ cần thực hiện các biện pháp kiểm soát huyết áp, gồm có thay đổi lối sống và dùng thuốc.

Phòng ngừa tăng huyết áp do ibuprofen

Nếu phải dùng ibuprofen trong thời gian dài, hãy hỏi bác sĩ về nguy cơ tăng huyết áp. Bạn nên đo huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm vấn đề. Mặc dù không có cách nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn tăng huyết áp do ibuprofen nhưng có thể giảm nguy cơ bằng cách thay đổi lối sống, ví dụ như:

  • Giảm lượng muối trong chế độ ăn
  • Ăn uống lành mạnh
  • Hạn chế rượu bia
  • Không hút thuốc
  • Giảm căng thẳng
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Giảm cân nếu thừa cân

Tóm tắt bài viết

Thi thoảng sử dụng ibuprofen hay các NSAID khác không gây tăng huyết áp. Tuy nhiên, sử dụng những loại thuốc này trong thời gian dài có thể gây tăng huyết áp. Nguy cơ sẽ cao hơn khi mắc một số bệnh lý nhất định như bệnh thận.

Nếu bạn phải dùng NSAID để kiểm soát viêm hoặc đau mạn tính, hãy hỏi bác sĩ về nguy cơ tăng huyết áp cũng như các biện pháp giảm thiểu nguy cơ. Có nhiều giải pháp thay thế giúp giảm đau và viêm mà không làm tăng huyết áp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp
Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp

Có rất nhiều nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp, mỗi nhóm thuốc có cơ chế hạ và kiểm soát kiểm soát khác nhau.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh tăng huyết áp
Các triệu chứng thường gặp của bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh chỉ bộc lộ rất ít hoặc không có triệu chứng. Do vậy mà đa số mọi người đều không hề biết mình bị bệnh trong suốt nhiều năm trời.

Điều trị tăng huyết áp bằng cách nào?
Điều trị tăng huyết áp bằng cách nào?

Khi đo huyết áp, nếu kết quả dưới 120/80mmHg thì huyết áp ở mức bình thường còn nếu cao hơn mức này thì được coi là tăng huyết áp, hay còn được gọi là cao huyết áp và cần đến các phương pháp điều trị.

Tăng huyết áp có phải bệnh tim mạch không?
Tăng huyết áp có phải bệnh tim mạch không?

Tăng huyết áp không được coi là một loại bệnh tim mạch nhưng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây