Thuốc chẹn beta có tác dụng gì?

Thuốc chẹn beta là một nhóm thuốc có tác dụng ngăn chặn tác động của các hormone gây stress như adrenaline lên tim. Thuốc chẹn beta chủ yếu được dùng để điều trị rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp và sau cơn nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra, nhóm thuốc này còn được sử dụng để điều trị:
- Tăng nhãn áp
- Đau nửa đầu
- Rối loạn lo âu
- Cường giáp
- Run tay
Chỉ định
Thuốc chẹn beta thường được kê để điều trị tăng huyết áp khi các loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, không có tác dụng hoặc gây ra quá nhiều tác dụng phụ.
Thuốc chẹn beta có thể được sử dụng cùng với các thuốc hạ huyết áp khác, gồm có thuốc ức chế men chuyển ACE và thuốc chẹn kênh canxi.
Thuốc chẹn beta đã được chứng minh là mang lại một số lợi ích khác cho sức khỏe ngoài điều trị vấn đề về tim mạch. Ví dụ, thuốc chẹn beta bảo vệ xương bằng cách ngăn thận bài tiết canxi vào nước tiểu và ngăn chặn các hormone gây stress làm giảm mật độ khoáng xương theo thời gian.
Các loại thuốc chẹn beta và cơ chế tác dụng
Do cơ chế hoạt động trong cơ thể nên thuốc chẹn beta còn được gọi là thuốc chẹn beta-adrenergic.
Mỗi loại thuốc chẹn beta có cơ chế tác dụng khác nhau. Nói chung, những loại thuốc này làm tăng khả năng giãn của cơ tim. Tim sẽ co bóp chậm lại và nhẹ nhàng hơn. Điều này làm giảm lưu lượng máu qua mạch máu, giảm huyết áp và cải thiện tình trạng rối loạn nhịp tim.
Một số thuốc chẹn beta chỉ có tác dụng lên tim, trong khi một số khác tác động lên cả tim và mạch máu.
Bác sĩ có thể kê thuốc chẹn beta ngay cả khi người bệnh chỉ có rất ít triệu chứng của bệnh tim hoặc suy tim. Những loại thuốc này có thể cải thiện khả năng co bóp của tim.
Những loại thuốc chẹn beta được sử dụng phổ biến gồm có:
- acebutolol
- atenolol
- bisoprolol
- carteolol
- esmolol
- metoprolol
- nadolol
- nebivolol
- propranolol
Thuốc chẹn beta có nhiều dạng bào chế và nhiều đường dùng khác nhau, gồm có đường uống, tiêm tĩnh mạch và nhỏ mắt.
Thuốc chẹn beta thường được dùng 1 hoặc 2 lần một ngày sau ăn. Người bệnh nên uống vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Luôn dùng thuốc theo đúng chỉ định. Hãy báo cho bác sĩ nếu gặp tác dụng phụ trong thời gian dùng thuốc. Người bệnh không nên tự ý ngừng thuốc.
Thuốc chẹn beta điều trị những bệnh lý nào?
Thuốc chẹn beta được sử dụng để làm giảm nhịp tim và huyết áp. Cơ chế tác dụng của những loại thuốc này là ngăn chặn hormone adrenaline cũng như các hormone gây stress khác liên kết với các thụ thể beta ở khắp cơ thể.
Thuốc chẹn beta đã được Cục Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị các bệnh lý về tim và huyết áp, gồm có:
- Nhịp tim nhanh
- Tăng huyết áp (cao huyết áp)
- Nhồi máu cơ tim
- Suy tim sung huyết
- Rối loạn nhịp tim
- Bệnh động mạch vành
- Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)
- Run vô căn
- Lóc tách động mạch chủ
- Tăng áp lực tĩnh mạch cửa
Thuốc chẹn beta đôi khi còn được sử dụng “ngoài hướng dẫn”* để điều trị các bệnh lý khác, gồm có:
- Tăng nhãn áp
- Đau nửa đầu
- Rối loạn lo âu
- Cường giáp
- Các dạng run tay khác
* Sử dụng ngoài hướng dẫn (off-label) có nghĩa là một loại thuốc được dùng cho những mục đích chưa được phê duyệt.
Tác dụng phụ của thuốc chẹn beta
Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc chẹn beta:
- Mệt mỏi
- Bàn tay lạnh
- Đau đầu
- Vấn đề về tiêu hóa
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Chóng mặt
Các tác dụng phụ hiếm gặp hơn:
- Hụt hơi
- Khó ngủ
- Giảm ham muốn tình dục
- Trầm cảm
Khi dùng thuốc quá liều, người bệnh có thể gặp phải các vấn đề như:
- Khó thở
- Thay đổi thị lực
- Chóng mặt
- Rối loạn nhịp tim
- Lú lẫn
Khi nào cần báo cho bác sĩ?
Nếu lỡ dùng thuốc quá liều, hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế.
Một số loại thuốc chẹn beta thế hệ cũ, chẳng hạn như atenolol và metoprolol, đã được báo cáo là gây tăng cân. Giữ nước, sưng phù và kèm theo tăng cân đột ngột có thể là dấu hiệu của suy tim hoặc tình trạng suy tim đang trở nên nghiêm trọng hơn.
Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu bạn tăng quá 1 – 1,5kg trong một ngày, hơn 2kg trong một tuần hoặc các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
Khi dùng thuốc chẹn beta, nhịp tim có thể sẽ có sự thay đổi khi thực hiện các hoạt động hàng ngày. Ví dụ, thuốc chẹn beta ngăn nhịp tim tăng đột ngột. Vì thế nên có thể nhịp tim sẽ không tăng cao như bình thường khi tập thể dục.
Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn cảm thấy lo lắng về việc tập luyện trong thời gian dùng loại thuốc này. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị thực hiện nghiệm pháp gắng sức (stress test) để xác định nhịp tim cần duy trì trong quá trình tập luyện.
Nghiệm pháp gắng sức còn giúp bác sĩ xác định cảm nhận về mức độ gắng sức trong quá trình tập luyện (the rate of perceived exertion – RPE).
Tương tác thuốc
Một số loại thuốc có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc chẹn beta, vì vậy nên cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng trước khi dùng thuốc chẹn beta.
Thuốc chẹn beta có thể tương tác với các loại thuốc như:
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE)
- Thuốc dị ứng như ephedrine, noradrenaline hoặc adrenaline
- Thuốc chẹn alpha
- Thuốc gây tê
- Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim
- Thuốc chống loét
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc điều trị tăng huyết áp và đau thắt ngực
- Thuốc điều trị hen suyễn
- Thuốc chẹn kênh canxi
- Glycoside digitalis
- Thuốc ức chế HMG-CoA reductase
- Thuốc tăng co bóp cơ tim
- Isoproterenol và dobutamine
- Thuốc an thần
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Thuốc hạ đường huyết đường uống
- Thuốc điều trị tăng huyết áp khác
- Thuốc hướng thần
- reserpin
- rifampicin (rifampin)
- thyroxin
- warfarin
Không sử dụng thuốc chẹn beta cho những người:
- có tiền sử giữ nước mà không sử dụng thuốc lợi tiểu
- suy tim nặng
- mắc hội chứng Raynaud
Thuốc chẹn beta vốn chống chỉ định ở những người bị hen suyễn nhưng những người mắc bệnh này có thể sử dụng một nhóm thuốc chẹn beta tên là thuốc chẹn beta-1 có chọn lọc.
Vì thuốc chẹn beta có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lượng đường trong máu nên không thích hợp cho những người mắc bệnh đái tháo đường.
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn mang thai, có kế hoạch mang thai hoặc cho con bú trong khi dùng thuốc chẹn beta.
Nếu bạn sắp phải phẫu thuật hoặc thực hiện một thủ thuật, bao gồm cả thủ thuật nha khoa, hãy cho bác sĩ biết rằng bạn đang dùng thuốc chẹn beta.
Có thể ngừng dùng thuốc chẹn beta không?
Không được tự ý ngừng dùng thuốc chẹn beta. Việc ngừng thuốc đột ngột có thể gây ra các vấn đề như
- nhịp tim nhanh
- huyết áp tăng cao
- đau ngực
Nếu muốn ngừng thuốc vì một lý do nào đó, hãy trao đổi trước với bác sĩ.
Tóm tắt bài viết
Thuốc chẹn beta là một nhóm thuốc thường được sử dụng để hạ huyết áp, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát và điều trị nhiều bệnh lý về tim. Nhóm thuốc này còn có thể được dùng để điều trị bệnh tăng nhãn áp, đau nửa đầu và rối loạn lo âu.
Thuốc chẹn beta làm giảm huyết áp bằng cách ngăn hormone gây stress tác động lên tim. Người bệnh cần dùng thuốc đúng cách để có hiệu quả tối đa và giảm thiểu tác dụng phụ.

Một số thay đổi trong lối sống như chế độ ăn, tập thể dục và bỏ thuốc lá có thể giúp kiểm soát tăng huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch.

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II thường được dùng để điều trị tăng huyết áp, suy tim và bệnh thận mạn.

Thuốc lợi tiểu, hay còn gọi là thuốc lợi niệu, là những loại thuốc làm tăng sự đào thải nước và muối khỏi cơ thể qua nước tiểu.

Hút thuốc lá làm tăng huyết áp và nhịp tim ngay lập tức. Phải mất khoảng 20 phút sau khi hút thuốc thì huyết áp và nhịp tim mới trở lại bình thường. Nhưng liệu hút thuốc có gây ảnh hưởng lâu dài đến huyết áp và nhịp tim hay không?