1

Sự khác biệt giữa suy tim tâm thu và suy tim tâm trương

Suy tim tâm thu xảy ra khi tim co bóp không hiệu quả. Còn đối với suy tim tâm trương, tim không thể giãn ra giữa các nhịp đập. Cả hai loại này đều có thể dẫn đến suy tim phải.
Hình ảnh 97 Sự khác biệt giữa suy tim tâm thu và suy tim tâm trương

Các bác sĩ có thể chẩn đoán suy tim thất trái dưới dạng suy tim tâm thu (tức là tim co bóp không hiệu quả trong mỗi nhịp đập) hoặc suy tim tâm trương (tức là tim không thể giãn ra giữa các nhịp đập).

Cả hai loại suy tim đều có các phương pháp để điều trị, bao gồm: dùng thuốc, thay đổi lối sống tốt cho tim mạch, sử dụng thiết bị cấy dưới da, phẫu thuật, hoặc ghép tim.

Triệu chứng và chẩn đoán suy tim tâm thu

Suy tim tâm thu xảy ra khi tâm thất trái không thể co bóp hoàn toàn, khiến lực tim không đủ mạnh để bơm máu đi khắp cơ thể một cách hiệu quả.

Tình trạng này còn được gọi là suy tim với phân suất tống máu giảm (HFrEF).

Phân suất tống máu (EF) là thước đo lượng máu được bơm ra khỏi tâm thất mỗi lần tim co bóp.

Triệu chứng của suy tim tâm thu bao gồm:

  • Khó thở
  • Mệt mỏi, ngay cả khi nghỉ ngơi
  • Yếu người
  • Ho đờm trắng, có bọt
  • Không thể nằm thẳng khi ngủ
  • Lú lẫn
  • Tiểu ít
  • Chán ăn hoặc nhanh no
  • Tăng cân
  • Phù ở bàn chân hoặc bụng

Bác sĩ xác định EF dưới dạng phần trăm thông qua các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm tim. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), phạm vi EF bình thường là từ 50% đến 70%. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể bị các loại suy tim khác dù EF ở mức bình thường.

Nếu EF dưới 40%, bạn có thể bị suy tim tâm thu, hay suy tim với phân suất tống máu giảm.

Triệu chứng và chẩn đoán suy tim tâm trương

Suy tim tâm trương xảy ra khi tâm thất trái không thể giãn ra giữa các nhịp đập do mô cơ tim bị cứng lại. Khi tim không thể giãn ra hoàn toàn, buồng tim sẽ không chứa được đầy máu trước nhịp đập tiếp theo.

Tình trạng này còn được gọi là suy tim với phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF).

Triệu chứng của suy tim tâm trương giống như suy tim tâm thu. Do đó, bác sĩ cần thực hiện các xét nghiệm để xác định cụ thể loại suy tim thất trái mà bạn đang gặp phải.

Để chẩn đoán suy tim tâm trương, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm hình ảnh tim và kết quả EF sẽ thường nằm trong giới hạn bình thường. Sau đó, bác sĩ sẽ xem xét thêm các triệu chứng suy tim khác và kết quả từ những xét nghiệm khác để đánh giá xem tim có hoạt động bình thường hay không. Dựa theo các tiêu chí này, bác sĩ có thể chẩn đoán được suy tim tâm trương.

Suy tim tâm trương thường gặp ở người lớn tuổi và gặp ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới. Tình trạng này thường xảy ra cùng với các loại bệnh tim khác và các bệnh lý không liên quan đến tim mạch, chẳng hạn như ung thư hoặc bệnh phổi.

Huyết áp cao (tăng huyết áp) là một trong những yếu tố nguy cơ đáng chú ý nhất. Một yếu tố nguy cơ lớn khác gây suy tim tâm trương là chứng ngưng thở khi ngủ không được điều trị.

Sự khác biệt chính

  • Trong suy tim tâm thu, cơ tim yếu đi khiến tâm thất trái không thể co bóp hiệu quả.
  • Trong suy tim tâm trương, cơ tim trở nên cứng lại, làm tâm thất trái không thể giãn ra bình thường.

Suy tim trái

Suy tim tâm thu và suy tim tâm trương đều là các loại suy tim trái. Tâm thất trái chịu trách nhiệm bơm máu giàu oxy ra khắp cơ thể, còn tâm thất phải nhận máu nghèo oxy từ tĩnh mạch, đưa đến phổi để lấy oxy và sau đó chuyển máu trở lại tâm thất trái.

Khi bị suy tim trái, tim không bơm đủ máu ra khắp cơ thể. Tình trạng này sẽ còn trầm trọng hơn trong các tình huống mà cơ thể cần nhiều máu hơn, chẳng hạn khi vận động thể chất hoặc gặp căng thẳng.

Hai dạng suy tim có thể ảnh hưởng đến tâm thất trái là suy tim tâm thu và suy tim tâm trương. Việc chẩn đoán loại suy tim trái phụ thuộc vào khả năng bơm máu của tim.

  • Suy tim tâm thu: tim co bóp không hiệu quả trong mỗi nhịp đập.
  • Suy tim tâm trương: tim không thể giãn ra bình thường giữa các nhịp đập.

Cả hai dạng suy tim trái đều có thể dẫn đến suy tim phải. Suy tim phải xảy ra khi tâm thất phải hoạt động kém hiệu quả do lực co bóp yếu hoặc áp lực ở tim phải.

Phương pháp chẩn đoán và kiểm soát suy tim tâm thu và suy tim tâm trương có một số điểm tương đồng và một số điểm khác biệt. Hãy đọc tiếp để tìm hiểu những thông tin cần biết về hai loại suy tim này.

Chẩn đoán suy tim trái

Các bác sĩ chẩn đoán suy tim lâm sàng dựa trên việc đánh giá các triệu chứng, thực hiện xét nghiệm hình ảnh và các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu.

Nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc suy tim, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Điện tâm đồ (EKG): Ghi lại xung điện của tim và phát hiện rối loạn nhịp tim có thể gây suy tim.
  • Siêu âm tim qua thành ngực (TTE): Đánh giá cấu trúc tim, phân suất tống máu (EF), kích thước buồng tim, và chức năng van tim.
  • Chụp cắt lớp vi tính tim (CCT): Chụp X-quang để tạo hình ảnh chi tiết của tim.
  • Xét nghiệm máu: Bao gồm xét nghiệm peptide natri lợi niệu để đánh giá mức độ giãn ra của thành tim và tìm nguyên nhân gây suy tim (như rối loạn tuyến giáp, thiếu máu,...).
  • Điện giải đồ: định lượng nồng độ kali, natri, và magiê để tìm nguyên nhân gây ra vấn đề tim mạch.
  • Thông tim: Đưa ống thông vào mạch máu đến tim để quan sát động mạch vành, phát hiện tắc nghẽn hoặc bệnh mạch vành, và can thiệp nếu cần (như nong mạch vành và đặt stent).

Điều trị

Vai trò của các chuyên gia

  • Bác sĩ chăm sóc ban đầu: Quản lý sức khỏe tổng quát và chuyển bệnh nhân đến bác sĩ tim mạch khi cần.
  • Bác sĩ tim mạch: Theo dõi tình trạng tim mạch, kê đơn thuốc, chỉ định các thủ thuật hoặc phẫu thuật, và hướng dẫn thay đổi lối sống.
  • Bác sĩ phẫu thuật tim mạch: Thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, sửa van tim, cấy thiết bị hỗ trợ tim, hoặc ghép tim nếu cần.

Phục hồi chức năng tim

Chương trình phục hồi chức năng tim bao gồm các hướng dẫn về việc thực hiện lối sống lành mạnh, các bài tập thể chất, và hỗ trợ vấn đề tâm lý, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ tái phát vấn đề tim mạch.

Dinh dưỡng

Cần áp dụng chế độ ăn cân bằng để bảo vệ sức khỏe tim mạch và duy trì được cân nặng hợp lý. Bạn có thể tham khảo ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng được chế độ ăn uống lành mạnh như giảm chất béo bão hòa, natri, và lượng nước (lượng chất lỏng).

Thuốc điều trị

Thuốc điều trị suy tim tâm thu

Có các loại thuốc điều trị suy tim tâm thu là:

  • Thuốc chẹn beta (BBs)
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin-neprilysin (ARNi)
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEi)
  • Thuốc kháng thụ thể angiotensin (ARBs)
  • Thuốc kháng thụ thể mineralocorticoid (MRAs)
  • Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2i)
  • Thuốc lợi tiểu
  • Digoxin
  • Hydralazine và isosorbide dinitrate

Liệu trình điều trị thường kết hợp sử dụng nhiều loại thuốc, mỗi loại tác động đến các yếu tố gây suy tim theo những cách khác nhau.

Thông thường, phác đồ điều trị sẽ bao gồm các loại thuốc ARNi, ARB hoặc ACEi, cùng với một loại thuốc chẹn beta và MRA. Thuốc lợi tiểu (diuretics) cũng có thể được sử dụng cho những người vẫn gặp vấn đề về tích tụ chất lỏng trong cơ thể dù đã áp dụng các phương pháp điều trị y tế khác và đang thực hiện chế độ ăn ít muối.

Gần đây, SGLT2 đã được nghiên cứu và chứng minh là có tác dụng không chỉ trong điều trị tiểu đường mà còn giúp giảm nguy cơ tử vong và tái nhập viện đối với bệnh nhân suy tim. Vì vậy, thuốc này hiện được coi là một phần quan trọng và được khuyến nghị trong các phác đồ điều trị suy tim.

Một nghiên cứu đánh giá được công bố vào năm 2017 đã xem xét 57 thử nghiệm trước đó về các phương pháp điều trị suy tim kết hợp. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ tử vong do suy tim tâm thu sẽ giảm 56% khi kết hợp sử dụng các loại thuốc ACEi, BBs, với MRAs và giảm 63% khi kết hợp ARNi, BBs, cùng với MRAs.

Thuốc điều trị suy tim tâm trương

Bác sĩ có thể điều trị suy tim tâm trương bằng nhiều loại thuốc tương tự như khi điều trị cho suy tim tâm thu.

Nói chung, các loại thuốc thường dùng để điều trị suy tim tâm trương là:

  • Thuốc giảm tích tụ dịch: Thuốc lợi tiểu, đôi khi được gọi là “thuốc nước,” giúp cơ thể loại bỏ lượng dịch dư thừa.
  • Thuốc kiểm soát các bệnh lý khác: Suy tim tâm trương có thể được điều trị bằng cách quản lý các tình trạng bệnh liên quan, đặc biệt là cao huyết áp.
  • Thuốc ức chế SGLT2: Các bằng chứng mới đây đã cho thấy thuốc ức chế SGLT2 có thể đem lại tác dụng trong điều trị suy tim tâm trương.

Các phương pháp điều trị suy tim trái khác

Chương trình phục hồi chức năng tim

Chương trình phục hồi chức năng tim có thể bao gồm việc thực hiện một số thay đổi trong lối sống để bảo vệ sức khỏe tim mạch như:

  • Điều trị các bệnh lý liên quan như cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, hoặc thiếu máu.
  • Tập thể dục thường xuyên, mức độ tập luyện sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của suy tim.
  • Giảm lượng muối trong chế độ ăn.
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ, trong đó bao gồm cả việc điều trị các rối loạn giấc ngủ như chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Hạn chế hoặc tránh uống rượu bia.
  • Bỏ thuốc lá nếu có hút.
  • Giảm hoặc kiểm soát căng thẳng.

Thiết bị cấy dưới da

Một số bệnh nhân có thể cải thiện được chức năng tim mạch nhờ các thiết bị cấy dưới da như:

  • Máy khử rung tim cấy dưới da (ICD): Dành cho bệnh nhân suy tim tâm thu, thiết bị này sẽ tạo ra các cú sốc điện khi tâm thất trái đập quá nhanh, giúp tim đập lại bình thường.
  • Liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT): Một loại máy tạo nhịp tim đặc biệt giúp hai tâm thất co bóp đồng bộ và hiệu quả.
  • Thiết bị hỗ trợ tâm thất trái (LVAD): Máy bơm cơ học hỗ trợ cải thiện chức năng của tâm thất trái trong thời gian bệnh nhân chờ ghép tim.

Phẫu thuật

Một số trường hợp suy tim thất trái có thể cần phải thực hiện phẫu thuật. Hai phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng là:

  • Phẫu thuật chỉnh sửa: Sửa chữa các vấn đề cấu trúc tim gây suy tim, chẳng hạn như phương pháp bắc cầu động mạch vành hoặc thay thế van tim.
  • Ghép tim: Đối với suy tim giai đoạn nặng, cần thay thế tim bằng tim hiến tặng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần dùng thuốc chống thải ghép suốt đời.

Thay đổi lối sống

Các chất gây hại như thuốc lá, rượu bia, và các loại thuốc kích thích có thể làm tổn thương tim và mạch máu. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về các phương pháp hoặc các loại thuốc hỗ trợ từ bỏ thói quen sử dụng những chất này.

Ngoài ra, bệnh tim mạch có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng lo âu, trầm cảm, và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), từ đó gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch. Bạn nên nhờ các chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần cung cấp liệu pháp tâm lý hoặc thuốc điều trị khi cần thiết.

Chăm sóc giảm nhẹ

Các bác sĩ sẽ giúp bạn làm giảm triệu chứng suy tim và tác dụng phụ của điều trị, như mệt mỏi và buồn nôn. Bạn và gia đình cũng sẽ được hỗ trợ để lên kế hoạch cho các biện pháp chăm sóc sức khỏe trong tương lai. Chăm sóc giảm nhẹ có thể giúp cải thiện được chất lượng cuộc sống ở mọi giai đoạn của suy tim.

Kết luận

Suy tim tâm thu và suy tim tâm trương đều ảnh hưởng đến tâm thất trái.

  • Suy tim tâm thu: Thất trái không co bóp đủ mạnh để bơm máu hiệu quả.
  • Suy tim tâm trương: Thất trái không giãn ra đủ để nhận máu, dẫn đến tình trạng ứ máu.

Tâm thất trái chịu trách nhiệm bơm máu giàu oxy cho cơ thể. Suy tim trái khiến tim không bơm đủ máu đáp ứng nhu cầu của cơ thể, gây ra các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, và yếu người.

Bạn nên gặp bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc gì về thuốc điều trị suy tim. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn về liều dùng, thời gian uống, và kiểm tra xem có khả năng xảy ra tương tác với các loại thuốc, thực phẩm, hoặc chất bổ sung khác hay không.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nhận biết và quản lý suy tim tâm trương
Nhận biết và quản lý suy tim tâm trương

Suy tim tâm trương xảy ra khi tâm thất trái bị cứng lại và không thể giãn đủ để chứa đầy máu. Cần nhận biết được các triệu chứng của suy tim tâm trương để điều trị kịp thời và cải thiện tiên lượng.

Đau tim và suy tim có gì khác nhau?
Đau tim và suy tim có gì khác nhau?

Đau tim và suy tim đều là hai tình trạng ảnh hưởng đến tim và có thể gây nguy hiểm nếu không được điều trị. Tuy nhiên, chúng không giống nhau và có những điểm khác biệt rõ rệt. Dưới đây là phân tích chi tiết về sự khác nhau giữa đau tim và suy tim, cùng các biện pháp bảo vệ tim.

Tất tần tật những điều cần biết về suy tim cấp
Tất tần tật những điều cần biết về suy tim cấp

Suy tim xảy ra khi tim không thể bơm đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể. suy tim cấp là một tình trạng cấp cứu y tế, có thể xảy ra đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước.

Bệnh cơ tim và Suy tim có gì giống và khác nhau?
Bệnh cơ tim và Suy tim có gì giống và khác nhau?

Bệnh cơ tim và suy tim đều ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim. Bệnh cơ tim đôi khi có thể dẫn đến suy tim.

Những điều cần biết về chẩn đoán suy tim
Những điều cần biết về chẩn đoán suy tim

Suy tim xảy ra khi tim trở nên yếu đi hoặc cứng hơn và không còn bơm máu hiệu quả như bình thường. Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ đánh giá triệu chứng, tiến hành khám lâm sàng và có thể sử dụng nhiều xét nghiệm cần thiết.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây