1

Những điều cần biết về chẩn đoán suy tim

Suy tim xảy ra khi tim trở nên yếu đi hoặc cứng hơn và không còn bơm máu hiệu quả như bình thường. Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ đánh giá triệu chứng, tiến hành khám lâm sàng và có thể sử dụng nhiều xét nghiệm cần thiết.
Hình ảnh 105 Những điều cần biết về chẩn đoán suy tim

Suy tim xảy ra khi tim bơm máu không hiệu quả, làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan và mô trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng tiềm ẩn.

Ngoài việc khám lâm sàng và đánh giá triệu chứng, bác sĩ có thể sử dụng nhiều xét nghiệm để chẩn đoán suy tim. Dưới đây là những thông tin chi tiết về cách chẩn đoán suy tim.

Khám lâm sàng và đánh giá triệu chứng

Đầu tiên, bác sĩ sẽ xem xét triệu chứng và tiến hành khám lâm sàng.

Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ tiến hành:

  • Đo cân nặng.
  • Kiểm tra xem có hiện tượng sưng ở bàn chân, mắt cá chân, hoặc bụng không.
  • Kiểm tra xem gan có bị to không.
  • Nghe tim và phổi bằng ống nghe để phát hiện âm thanh bất thường, có thể do tích tụ dịch trong lồng ngực.
  • Nghe nhịp đập và âm thanh tim để đánh giá chức năng hoạt động của tim.

Bác sĩ cũng có thể thực hiện kiểm tra áp lực tĩnh mạch cảnh (JVP) trong quá trình khám. Kiểm tra này giúp đo độ phình của tĩnh mạch cảnh để đánh giá tình trạng dịch trong cơ thể.

Triệu chứng sớm thường thấy của suy tim là cảm thấy mệt mỏi nhanh hơn bình thường sau khi gắng sức nhẹ. Khi cơ tim yếu đi và bệnh tiến triển, có thể gặp phải các triệu chứng như:

  • Khó thở
  • Ho, đặc biệt khi nằm thẳng
  • Mệt mỏi
  • Yếu người
  • Khó tập trung
  • Sưng ở chân hoặc bụng do giữ nước
  • Tăng cân

Hãy cho bác sĩ biết đầy đủ các triệu chứng mà bạn gặp phải, kể cả khi không chắc nó có liên quan hay không. Việc kết hợp đánh giá triệu chứng và các xét nghiệm về chức năng tim sẽ giúp bác sĩ đưa ra được chẩn đoán chính xác nhất.

Các xét nghiệm

Bác sĩ có thể sử dụng một hoặc nhiều xét nghiệm sau để chẩn đoán suy tim:

  • Xét nghiệm máu: Giúp kiểm tra các chỉ dấu sinh học như B-type natriuretic peptide (BNP) hoặc pro-BNP, thường tăng cao khi suy tim.
  • Siêu âm tim (echocardiogram): Là xét nghiệm không xâm lấn sử dụng sóng âm để đo phân suất tống máu (ejection fraction) – tỷ lệ máu trong tâm thất trái được bơm ra cơ thể. Đây là một dấu hiệu quan trọng để đánh giá chức năng bơm máu của tim.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: Giúp bác sĩ quan sát cấu trúc và chức năng của tim.
  • Thông tim (cardiac catheterization): Được sử dụng để kiểm tra xem các mạch máu có bị tắc nghẽn không. Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ đưa một ống thông vào mạch máu và dẫn đến tim.
  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Gắn các điện cực lên ngực để ghi lại nhịp tim và phát hiện bất thường.
  • Máy Holter: Là một loại điện tâm đồ di động có thể đeo trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày để theo dõi nhịp tim liên tục.
  • Xét nghiệm gắng sức: Bệnh nhân sẽ tập những bài tập với máy chạy bộ hoặc xe đạp cố định để đánh giá chức năng tim khi hoạt động thể chất.
  • Chụp X-quang ngực: Giúp kiểm tra kích thước tim và dịch trong hoặc xung quanh phổi.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), có thể cần thực hiện toàn bộ hoặc một số các xét nghiệm trên, tùy thuộc vào triệu chứng và kết quả ban đầu.

Chỉ số lâm sàng để chẩn đoán suy tim

Các chỉ số lâm sàng để chẩn đoán suy tim được chia thành hai hệ thống: Phân loại của Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA) và Hệ thống phân giai đoạn của Trường Cao đẳng Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (ACC/AHA).

Bác sĩ cần dựa trên ít nhất hai triệu chứng từ mỗi hệ thống để đưa ra chẩn đoán.

Phân loại NYHA

  • Cấp độ I: Không có triệu chứng suy tim.
  • Cấp độ II: Xuất hiện triệu chứng suy tim khi gắng sức ở mức trung bình, chẳng hạn đi bộ một đoạn tương đối dài hoặc leo hai tầng cầu thang.
  • Cấp độ III: Xuất hiện triệu chứng suy tim khi gắng sức nhẹ, chẳng hạn đi bộ một đoạn ngắn hoặc leo một tầng cầu thang, nhưng không có triệu chứng khi nghỉ ngơi.
  • Cấp độ IV: Xuất hiện triệu chứng suy tim ngay cả khi nghỉ ngơi.

Phân giai đoạn ACC/AHA

  • Các giai đoạn suy tim
Giai đoạn Mô tả
Giai đoạn A: Nguy cơ suy tim

Có nguy cơ suy tim nhưng chưa có triệu chứng hoặc tổn thương cấu trúc hay chức năng tim.

Yếu tố nguy cơ: Tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường, béo phì, phơi nhiễm chất độc hại cho tim, yếu tố di truyền gây bệnh cơ tim và tiền sử gia đình có người mắc bệnh cơ tim.

Giai đoạn B: Tiền suy tim

Chưa có triệu chứng suy tim nhưng đã có tổn thương cấu trúc tim, tăng áp lực khi tim nhận máu hoặc các yếu tố nguy cơ khác.

Giai đoạn C: Suy tim có triệu chứng

Đang có hoặc đã có triệu chứng suy tim.

Giai đoạn D: Suy tim giai đoạn cuối

Triệu chứng suy tim ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hằng ngày hoặc thường xuyên phải nhập viện.

  • Các cấp độ suy tim
Cấp độ Triệu chứng
Cấp độ I

Không có triệu chứng như mệt mỏi, hồi hộp, khó thở khi thực hiện các hoạt động thường ngày.

Cấp độ II

Thoải mái khi nghỉ ngơi, nhưng lại thấy mệt mỏi, hồi hộp, khó thở hoặc đau ngực khi thực hiện các hoạt động thể chất thông thường.

Cấp độ III

Thoải mái khi nghỉ ngơi, nhưng các hoạt động nhẹ cũng gây mệt mỏi, hồi hộp, khó thở hoặc đau ngực.

Cấp độ IV

Triệu chứng suy tim xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi, nếu hoạt động thể chất thì tình trạng còn trở nên trầm trọng hơn.


Các bước tiếp theo

Sau khi chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ xác định cấp độ và giai đoạn suy tim dựa trên mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, tình trạng bệnh lý tim mạch và khả năng hoạt động thể chất.

Phương pháp điều trị sẽ dựa theo loại suy tim được xác định.

  • Suy tim cấp tính: Bệnh nhân cần nhập viện và có thể phải thở oxy cho đến khi tình trạng ổn định.
  • Suy tim nhẹ: Bác sĩ có thể chỉ định chương trình phục hồi chức năng tim, trong đó, bạn sẽ được hướng dẫn cách quản lý tình trạng bệnh và tập luyện an toàn.

Sau khi chẩn đoán mắc suy tim, bạn cần thực hiện những thay đổi lối sống để cải thiện sức khoẻ tim mạch.

Thay đổi lối sống

Không nên thực hiện những thay đổi trong lối sống ngay lập tức mà cần trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn bắt đầu từ đâu và như thế nào.

Một số thay đổi lối sống có thể được khuyến nghị là:

  • Hạn chế hoặc không uống rượu.
  • Không hút thuốc.
  • Quản lý căng thẳng.
  • Chế độ ăn ít muối.
  • Hạn chế lượng nước uống.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ.

Điều trị bằng thuốc và can thiệp y khoa

Bác sĩ có thể kê các loại thuốc để kiểm soát huyết áp, bao gồm:

  • Thuốc chẹn beta (beta-blocker).
  • Thuốc kháng thụ thể mineralocorticoid.
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin và neprilysin.
  • Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2i).

Các phương pháp điều trị khác:

  • Phẫu thuật tim.
  • Cấy thiết bị khử rung tim (ICD).
  • Dùng bơm tim cơ học.
  • Trong trường hợp nặng, có thể cần phải ghép tim.

Các câu hỏi thường gặp

Xét nghiệm máu có phát hiện suy tim sung huyết không?

Có. Xét nghiệm máu có thể kiểm tra các biomarker (dấu ấn sinh học) tăng cao trong suy tim như B-type natriuretic peptide (BNP) hoặc pro-BNP. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện các xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan và thận.

Có thể phát hiện sớm suy tim sung huyết không?

Việc chẩn đoán sớm suy tim sung huyết rất quan trọng. Điều trị sớm có thể giúp cải thiện đáng kể và kéo dài tuổi thọ. Hãy báo cho bác sĩ biết các triệu chứng nghi ngờ suy tim sung huyết để đưa ra được chẩn đoán chính xác. Các triệu chứng này bao gồm:
  • Khó thở
  • Ho khi nằm
  • Mệt mỏi
  • Yếu sức
  • Khó tập trung
  • Sưng ở bàn chân
  • Sưng bụng
  • Tăng cân

Dấu hiệu nào cho thấy tim đang âm thầm suy yếu?

Ở giai đoạn đầu, suy tim có thể không có triệu chứng rõ ràng, nhưng một số người có thể gặp các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ và thường dễ bị bỏ qua như:
  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Ho
  • Phù nề
  • Sức bền giảm
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi gặp các triệu chứng này.

Bốn giai đoạn của suy tim sung huyết là gì?

Bốn giai đoạn của suy tim sung huyết bao gồm:
  • Giai đoạn A (nguy cơ suy tim): Chưa có triệu chứng hoặc bệnh tim, nhưng có các yếu tố nguy cơ như béo phì, tiểu đường, tiền sử gia đình có người mắc bệnh cơ tim, v.v.
  • Giai đoạn B (tiền suy tim): Chưa có triệu chứng suy tim, nhưng gặp vấn đề về cấu trúc tim, áp lực để bơm máu vào tim tăng lên hoặc các yếu tố nguy cơ khác.
  • Giai đoạn C (suy tim có triệu chứng): Có các triệu chứng của suy tim.
  • Giai đoạn D (suy tim nặng): Triệu chứng suy tim ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày hoặc phải nhập viện nhiều lần do triệu chứng trở nặng.

Xét nghiệm máu nào giúp phát hiện suy tim sung huyết tốt nhất?

Xét nghiệm máu B-type natriuretic peptide (BNP) là một trong những xét nghiệm tốt nhất để phát hiện suy tim. Xét nghiệm này đo lượng hormone BNP trong máu.
BNP giúp làm giãn tĩnh mạch và động mạch, đồng thời điều hòa cân bằng dịch trong cơ thể nhờ tác động lên thận. Nếu bạn bị suy tim, tim sẽ sản xuất nhiều BNP hơn, vì vậy mức BNP cao hơn có thể chỉ ra suy tim.

Xét nghiệm nào để chẩn đoán suy tim sung huyết chính xác nhất?

Không có một xét nghiệm nào được coi là "chính xác nhất" để chẩn đoán suy tim sung huyết. Việc chẩn đoán cần dựa trên sự kết hợp của các yếu tố như lịch sử bệnh, khám lâm sàng, xét nghiệm máu và các xét nghiệm hình ảnh.
 
Các xét nghiệm hình ảnh có thể bao gồm siêu âm tim để kiểm tra cấu trúc và chức năng tim, cũng như các xét nghiệm khác như siêu âm tim gắng sức, chụp xạ hình tưới máu cơ tim, cộng hưởng từ tim (MRI), và chụp cắt lớp vi tính tim (CT).

Kết luận

Suy tim là một tình trạng nghiêm trọng và cần được quản lý suốt đời.
Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi bất thường, ho, hoặc khó thở khi nằm.
Nhiều xét nghiệm đơn giản và dễ thực hiện có thể được sử dụng để đánh giá chức năng tim, cũng như xác định các biện pháp thay đổi lối sống, sử dụng thuốc, hoặc các phương pháp điều trị khác cần thiết để giúp tim hoạt động bình thường.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về suy tim mất bù
Những điều cần biết về suy tim mất bù

Suy tim mất bù (decompensated heart failure - DHF) là tình trạng các triệu chứng suy tim trở nên nghiêm trọng đến mức cần được can thiệp y tế ngay lập tức. Khó thở là triệu chứng phổ biến nhất của DHF.

Những điều cần biết về hóa trị và suy tim
Những điều cần biết về hóa trị và suy tim

Hầu hết những người trải qua hóa trị đều sẽ không mắc suy tim. Tuy nhiên, một số loại thuốc hóa trị có thể làm tăng đáng kể nguy cơ suy tim và các vấn đề tim mạch khác.

6 điều cần biết về sống chung với suy tim và sức khỏe tâm thần
6 điều cần biết về sống chung với suy tim và sức khỏe tâm thần

Sau khi chẩn đoán mắc suy tim, bệnh nhân thường sẽ gặp các vấn đề về rối loạn cảm xúc, thậm chí bị trầm cảm.

Suy tim sung huyết là gì và điều trị ra sao?
Suy tim sung huyết là gì và điều trị ra sao?

Suy tim sung huyết là một bệnh lý tiến triển mãn tính ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của cơ tim

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây