Huyết áp tăng cao sau khi tập thể dục: Khi nào cần lưu tâm?

Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính. Tập thể dục giúp phòng ngừa và kiểm soát bệnh tăng huyết áp.
Nhưng đối với những người bị tăng huyết áp, huyết áp tăng vọt trong và sau khi tập thể dục có thể là điều đáng lo ngại. Mặc dù huyết áp tăng cao sau khi tập thể dục là điều bình thường, nhưng huyết áp tăng quá nhiều và duy trì ở mức cao trong thời gian dài lại là điều bất thường.
Cùng tìm hiểu xem tập thể dục có tác động như thế nào đến huyết áp và cần làm gì nếu huyết áp mãi không hạ sau khi tập thể dục.
Tập thể dục ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào?
Trong khi tập thể dục, hệ tim mạch phải làm việc nhiều hơn.
Các cơ cần oxy để hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu oxy của các cơ, tim phải co bóp mạnh hơn và nhanh hơn. Máu chảy qua động mạch và tĩnh mạch nhanh và mạnh hơn sẽ làm tăng huyết áp.
Theo thời gian, tim sẽ trở nên khỏe hơn và bơm máu hiệu quả hơn, có nghĩa là không phải co bóp quá mạnh hay quá nhanh để bơm máu nữa. Điều này làm giảm huyết áp, kể cả khi nghỉ ngơi.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), huyết áp khi nghỉ ngơi khỏe mạnh là dưới 120/80 mmHg, trong đó 120 là huyết áp tâm thu (áp lực mà dòng máu tác động lên thành động mạch khi tim co bóp) và 80 là huyết áp tâm trương (áp lực mà máu tác động lên động mạch khi tim giãn ra giữa các lần co bóp).
Huyết áp tâm thu
Huyết áp tâm thu bình thường khi tập thể dục là dưới 210 mmHg đối với nam giới và 190 mmHg đối với nữ giới. Khoảng 90% dân số có huyết áp tâm thu ở mức này. Nếu huyết áp tâm thu cao hơn mức này, có thể bạn đang bị tăng huyết áp do tập thể dục.
Huyết áp tâm trương
Tập thể dục thường chỉ ảnh hưởng đến huyết áp tâm thu. Nói chung, huyết áp tâm trương không thay đổi khi tập thể dục. Nếu như huyết áp tâm trương có sự thay đổi khi tập thể dục thì bạn nên đi khám.
Đôi khi, huyết áp có thể tăng lên 250/110 mmHg khi tập thể dục cường độ tối đa. Các chuyên gia khuyến cáo ngừng tập khi huyết áp tăng lên mức 250/115 mmHg.
Tăng huyết áp do tập thể dục là gì?
Ở những người khỏe mạnh tập thể dục cường độ thấp đến vừa, huyết áp sẽ tăng dần khi cường độ tập tăng lên và sau đó lại giảm dần khi giảm cường độ tập, tạo thành một đường cong nhẹ trên đồ thị.
Ở người bị tăng huyết áp do tập thể dục, huyết áp tăng mạnh và đột ngột khi tập.
Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2016, khi huyết áp ổn định trở lại sau khi tập thể dục, huyết áp thường thấp hơn so với lúc trước khi tập. Hiện tượng này có thể kéo dài trong vài giờ. Nhưng ở những người bị tăng huyết áp do tập thể dục, huyết áp vẫn duy trì ở mức cao sau khi tập thể dục.
Tăng huyết áp do tập thể dục được định nghĩa là:
- Huyết áp tâm thu trên 190 mmHg đối với phụ nữ và 210 mmHg đối với nam giới trong khi tập thể dục
- Huyết áp trên 140/90 mmHg sau khi tập thể dục
Huyết áp duy trì ở mức cao trong bao lâu sau khi tập thể dục?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị nên đợi ít nhất 30 phút sau khi tập thể dục mới đo huyết áp và nghỉ ngơi 5 phút trước khi đo.
Nhưng phải mất vài giờ sau khi tập thể dục thì huyết áp mới trở lại mức bình thường.
Bạn nên đi khám nếu huyết áp vẫn duy trì ở mức cao trong hơn 2 giờ sau khi tập.
Nói chung, thể lực càng tốt thì huyết áp sẽ càng nhanh trở lại mức bình thường sau khi tập thể dục. Lưu ý rằng mức huyết áp bình thường ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, lối sống, giới tính, độ tuổi và dân tộc.
Đo huyết áp tại nhà
Nếu bạn đã bị tăng huyết áp hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh thì nên đo huyết áp thường xuyên.
Để theo dõi huyết áp chuẩn xác, bạn nên:
- chờ ít nhất 30 phút sau khi ăn, hút thuốc, tập thể dục, uống rượu hoặc caffeine mới đo huyết áp.
- nghỉ ngơi từ 3 đến 5 phút trước khi đo.
- thời điểm đo huyết áp lý tưởng nhất là vào buổi sáng trước khi uống thuốc và vào buổi tối.
- đo huyết áp hai lần một ngày trong vòng một tuần, mỗi lần nên đo lại 2 – 3 lần, cách nhau 2 phút để đảm bảo kết quả chính xác
Tăng huyết áp cấp cứu
Tăng huyết áp cấp cứu (hypertensive emergency) là khi huyết áp đột ngột tăng lên 180/120 mmHg hoặc cao hơn và kèm theo các triệu chứng sau đây:
- Đau ngực
- Hụt hơi
- Khó nói
- Đau lưng
- Thay đổi thị lực
- Tê hoặc yếu cơ ở một vùng trên cơ thể, thường là tay hoặc chân
Gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức khi gặp phải bất kỳ triệu chứng nào nêu trên.
Nhưng huyết áp từ 180/120 mmHg trở lên nhưng không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào kể trên thì hãy chờ 5 phút và đo lại huyết áp. Nếu huyết áp vẫn cao thì cũng nên đi khám.
Kiểm soát huyết áp sau khi tập thể dục
Thay đổi lối sống để cải thiện huyết áp là cách tốt nhất để kiểm soát huyết áp trước, trong và sau khi tập thể dục.
Bạn có thể cần điều chỉnh chế độ tập luyện, chế độ ăn uống hoặc dùng thuốc để kiểm soát huyết áp. Một số loại thuốc ảnh hưởng đến khả năng tập thể dục, vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu chế độ tập luyện.
Một số điều cần lưu ý để tập thể dục một cách an toàn:
- Bắt đầu từ những bài tập nhẹ nhàng và tăng dần cường độ theo thời gian.
- Đo huyết áp thường xuyên và nắm rõ mức huyết áp bình thường của bản thân.
- Chú ý đến cảm giác khi tập thể dục.
- Khởi động kỹ trước khi tập và hạ nhiệt (cool-down) sau khi tập.
- Chọn những bài tập mà bạn thích và có thể duy trì lâu dài.
Một tổng quan nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc tăng dần thời gian tập cardio giúp giảm huyết áp tâm thu và tăng dần cường độ giúp giảm huyết áp tâm trương.
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng huyết áp khi nghỉ ngơi càng cao thì hiệu quả giảm huyết áp mà việc tập thể dục mang lại sẽ càng rõ rệt.
Lợi ích của tập thể dục đối với huyết áp
Tập thể dục là một trong những cách hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp và phòng ngừa bệnh tăng huyết áp.
Khi tập thể dục thường xuyên, tim sẽ trở nên khỏe hơn và hoạt động hiệu quả hơn, điều này giúp làm giảm huyết áp.
Tập thể dục còn giúp đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tăng huyết áp cùng với nhiều vấn đề về tim mạch và chuyển hóa khác như bệnh tiểu đường.

Tăng huyết áp không được coi là một loại bệnh tim mạch nhưng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

Tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu tác động lên thành động mạch cao hơn mức bình thường. Tình trạng này còn được gọi là tăng huyết áp. Theo thời gian, tăng huyết áp có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau, gồm có bệnh tim và đột quỵ.

Nhiều người nghĩ rằng cardio là hình thức tập luyện tốt nhất cho người bị tăng huyết áp. Nhưng nghiên cứu cho thấy các hình thức tập luyện khác, chẳng hạn như bài tập tĩnh (isometric), có thể hiệu quả hơn trong việc kiểm soát bệnh tăng huyết áp.

Ăn uống có thể làm tăng huyết áp. Vì lý do này nên các bác sĩ thường khuyên nên đo huyết áp trước khi ăn. Huyết áp cũng có thể tăng lên vì những lý do khác, gồm có hoạt động thể chất và bàng quang đầy.

Huyết áp cao, bất kể ở mức nào cũng đều làm suy yếu thành mạch máu, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông hoặc khiến động mạch não dễ bị vỡ.