1

Đột quỵ tủy sống có tiên lượng ra sao?

Đột quỵ tủy sống, hay đột quỵ cột sống, xảy ra khi dòng máu đến một phần của tủy sống bị gián đoạn. Giống như não bộ, tủy sống cũng là một phần của hệ thần kinh trung ương.
Đột quỵ tủy sống có tiên lượng ra sao? Đột quỵ tủy sống có tiên lượng ra sao?

Đột quỵ tủy sống xảy ra khi một phần của tủy sống không được cung cấp máu. Điều này đồng nghĩa với việc phần tủy sống đó không nhận được oxy và chất dinh dưỡng. Các mô của tủy sống sẽ bị tổn thương và không thể gửi xung thần kinh đến các bộ phận của cơ thể. Sự truyền xung thần kinh này là điều rất quan trọng để kiểm soát các hoạt động của cơ thể, chẳng hạn như cử động tay chân và cho phép các cơ quan hoạt động bình thường.

Phần lớn các trường hợp đột quỵ tủy sống là do tắc nghẽn trong mạch máu cấp máu cho tủy sống, ví dụ như do cục máu đông. Loại đột quỵ này được gọi là đột quỵ tủy sống do thiếu máu cục bộ. Ngoài ra cũng có những trường hợp đột quỵ tủy sống do mạch máu bị rò rỉ hoặc vỡ. Loại đột quỵ này được gọi là đột quỵ tủy sống do xuất huyết.

Đột quỵ tủy sống khác với đột quỵ não (tai biến mạch máu não). Đột quỵ não xảy ra do sự lưu thông máu đến một phần não bị giảm hoặc ngừng. Đột quỵ tủy sống ít phổ biến hơn nhiều so với đột quỵ não, chỉ chiếm chưa đến 1% tổng số các ca đột quỵ. (1)

Triệu chứng đột quỵ tủy sống

Các triệu chứng của đột quỵ tủy sống phụ thuộc vào phần nào của tủy sống bị ảnh hưởng và mức độ tổn thương ở tủy sống.

Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng xuất hiện đột ngột nhưng cũng có thể xuất hiện sau nhiều giờ kể từ khi cơn đột quỵ xảy ra. Các triệu chứng của đột quỵ tủy sống gồm có:

  • Đau cổ hoặc đau lưng đột ngột và dữ dội
  • Yếu cơ ở chân
  • Tiểu tiện hoặc đại tiện không tự chủ
  • Tê, cảm giác giống như kim châm
  • Tê liệt
  • Không cảm nhận được nóng và lạnh

Các triệu chứng đột quỵ tủy sống khác với đột quỵ não. Các triệu chứng đột quỵ não gồm có:

  • Khó nói
  • Thay đổi thị lực
  • Lú lẫn
  • Chóng mặt
  • Đau đầu đột ngột

Nguyên nhân gây đột quỵ tủy sống

Đột quỵ tủy sống xảy ra do sự gián đoạn lưu thông máu đến một phần của tủy sống. Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân của điều này là tích tụ cholesterol và các chất khác ở thành động mạch cung cấp máu cho tủy sống, khiến cho lòng động mạch bị thu hẹp và cản trở lưu thông máu. Tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch.

Động mạch thường hẹp lại và yếu đi khi có tuổi. Tuy nhiên, nguy cơ động mạch trở nên hẹp và yếu sẽ cao hơn khi mắc các bệnh lý dưới đây:

  • Cao huyết áp
  • Cholesterol cao
  • Bệnh tim mạch
  • Béo phì
  • Đái tháo đường

Những người hút thuốc lá, uống nhiều rượu hoặc ít vận động cũng có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.

Đột quỵ tủy sống có thể xảy ra khi cục máu đông chặn một trong các động mạch cung cấp máu cho tủy sống. Cục máu đông có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể và di chuyển đến một động mạch bị hẹp do mảng xơ vữa. Tại đây, cục máu đông sẽ gây tắc nghẽn. Loại đột quỵ này được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Một số trường hợp đột quỵ tủy sống là do một mạch máu của tủy sống bị vỡ. Loại đột quỵ này được gọi là đột quỵ xuất huyết. Nguyên nhân vỡ mạch máu có thể là do cao huyết áp hoặc phình động mạch.

Đôi khi, đột quỵ tủy sống là biến chứng của một bệnh lý hoặc phẫu thuật, chẳng hạn như:

  • Khối u, ví dụ như u tủy sống
  • Dị dạng mạch máu tủy sống
  • Thương tích, chẳng hạn như bị súng bắn
  • Lao cột sống hoặc các bệnh nhiễm trùng khác xảy ra quanh tủy sống, ví dụ như áp xe
  • Chèn ép tủy sống
  • Phẫu thuật bụng hoặc tim

Đột quỵ tủy sống ở trẻ em

Đột quỵ tủy sống ở trẻ em cực kỳ hiếm gặp. Nguyên nhân gây đột quỵ tủy sống ở trẻ em khác với nguyên nhân ở người lớn. Đột quỵ tủy sống ở trẻ em đa phần là do chấn thương tủy sống hoặc bệnh lý bẩm sinh gây ra các vấn đề về mạch máu hoặc ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Các tình trạng bẩm sinh có thể gây đột quỵ tủy sống ở trẻ em gồm có:

  • Dị dạng mạch máu thể hang: tình trạng hình thành cụm mạch máu bất thường, giãn rộng và chảy máu định kỳ.
  • Dị dạng động tĩnh mạch: động mạch và tĩnh mạch nối trực tiếp với nhau mà không thông qua mao mạch.
  • Bệnh moyamoya: một bệnh lý hiếm gặp khiến một số động mạch ở phần đáy của não bị co thắt
  • Viêm mạch
  • Rối loạn đông máu
  • Thiếu vitamin k
  • Các bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm màng não do vi khuẩn
  • Bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm
  • Đặt ống thông động mạch rốn ở trẻ sơ sinh
  • Biến chứng của phẫu thuật tim bẩm sinh

Trong một số trường hợp, đột quỵ tủy sống xảy ra mà không rõ nguyên nhân.

Điều trị đột quỵ tủy sống

Mục tiêu điều trị là giải quyết nguyên nhân gây đột quỵ tủy sống và giảm các triệu chứng, ví dụ:

  • Nếu nguyên nhân gây đột quỵ là do cục máu đông, người bệnh sẽ phải dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu và thuốc chống đông máu, chẳng hạn như heparin và warfarin. Những loại thuốc này làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông mới.
  • Nếu nguyên nhân gây đột quỵ là do huyết áp cao hoặc thấp, người bệnh sẽ phải dùng thuốc đưa huyết áp trở lại mức bình thường.
  • Nếu đột quỵ tủy sống là do khối u gây ra thì cần dùng corticoid để giảm sưng và phẫu thuật loại bỏ khối u.
  • Nếu bị liệt hoặc mất cảm giác ở một số bộ phận của cơ thể, người bệnh có thể sẽ phải tập vật lý trị liệu để duy trì chức năng của cơ.
  • Nếu bị tiểu không tự chủ, người bệnh có thể sẽ phải đặt ống thông tiểu.

Những người hút thuốc cần bỏ thuốc càng sớm càng tốt. Nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh với nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt để ổn định huyết áp và cải thiện mức cholesterol.

Biến chứng của đột quỵ tủy sống

Biến chứng phụ thuộc vào phần nào của tủy sống bị ảnh hưởng. Ví dụ, nếu sự gián đoạn lưu thông máu xảy ra ở phần trước của tủy sống, người bệnh có thể sẽ bị liệt chân vĩnh viễn.

Các biến chứng của đột quỵ tủy sống gồm có:

  • Khó thở
  • Liệt vĩnh viễn
  • Tiểu và đại tiện không tự chủ
  • Rối loạn chức năng tình dục
  • Đau dây thần kinh
  • Loét tì đè do mất cảm giác ở một số bộ phận của cơ thể
  • Các vấn đề về trương lực cơ, chẳng hạn như co cứng cơ hoặc mất trương lực cơ (nhão cơ)
  • Trầm cảm

Phục hồi và tiên lượng

Tiên lượng và khả năng phục hồi phụ thuộc vào mức độ tổn thương tủy sống và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Tuy nhiên, người bị đột quỵ tủy sống có thể phục hồi hoàn toàn theo thời gian. Người bệnh thường sẽ không thể đi lại trong một thời gian sau cơn đột quỵ và sẽ phải sử dụng ống thông tiểu.

Nhiều nghiên cứu cho thấy khoảng 40 – 42% số người bị đột quỵ tủy sống cải thiện các triệu chứng theo thời gian. (2) Mức độ và tốc độ phục hồi ở mỗi ca bệnh là khác nhau.

Câu hỏi thường gặp về đột quỵ tủy sống

Điều gì xảy ra khi bị đột quỵ tủy sống?

Đột quỵ tủy sống xảy ra khi dòng máu đến một phần của tủy sống bị giảm hoặc gián đoạn. Điều này có nghĩa là tủy sống không nhận được oxy và chất dinh dưỡng.

Người bị đột quỵ tủy sống có thể sống sót không?

Đột quỵ tủy sống là một tình trạng có thể đe dọa đến tính mạng với tỷ lệ tử vong khoảng 9%. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phần lớn người bị đột quỵ tủy sống đều sống sót.

Đột quỵ tủy sống có phổ biến không?

Đột quỵ tủy sống là loại đột quỵ rất hiếm gặp. Nghiên cứu cho thấy đột quỵ tủy sống chỉ chiếm khoảng 0,3 – 1% tổng số ca đột quỵ.

Tóm tắt bài viết

Đột quỵ tủy sống xảy ra khi sự lưu thông máu đến một phần của tủy sống bị gián đoạn. Điều này có thể là do một mạch máu cung cấp máu cho tủy sống bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Đột quỵ tủy sống khác với đột quỵ não.

Mặc dù đột quỵ tủy sống hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng. Đột quỵ tủy sống có thể dẫn đến các biến chứng như liệt vĩnh viễn.

Tuy nhiên, nhiều người bị đột quỵ tủy sống có thể phục hồi và các triệu chứng cải thiện đáng kể theo thời gian.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đột quỵ não trái là gì? Tiên lượng ra sao?
Đột quỵ não trái là gì? Tiên lượng ra sao?

Đột quỵ xảy ra ở bán cầu não trái ảnh hưởng đến nửa người bên phải và ngược lại, đột quỵ xảy ra ở bán cầu não phải ảnh hưởng đến nửa người bên trái. Đột quỵ ở bán cầu não trái ảnh hưởng nhiều hơn đến kỹ năng ngôn ngữ, bao gồm cả khả năng nói và hiểu lời nói của người khác.

Đột quỵ xuất huyết não: Nguyên nhân, dấu hiệu và tiên lượng
Đột quỵ xuất huyết não: Nguyên nhân, dấu hiệu và tiên lượng

Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi mạch máu bị vỡ, làm gián đoạn sự lưu thông máu đến một phần não. Đây là tình trạng rất nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp. Nhận biết được các dấu hiệu của đột quỵ và hành động kịp thời khi có dấu hiệu bất thường có thể giúp cải thiện tiên lượng cho người bệnh.

Đột quỵ thân não: Triệu chứng và tiên lượng
Đột quỵ thân não: Triệu chứng và tiên lượng

Đột quỵ thân não là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng. Lý do là bởi thân não kiểm soát một số chức năng quan trọng như hít thở và nhịp tim. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, người bị đột quỵ thân não có thể đuọc cứu sống và phục hồi.

Đột quỵ ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và tiên lượng
Đột quỵ ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và tiên lượng

Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến não bị gián đoạn do cục máu đông hoặc mạch máu bị vỡ. Mọi người thường cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi nhưng trên thực tế, đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ em.

Tiên lượng và tuổi thọ sau tai biến mạch máu não
Tiên lượng và tuổi thọ sau tai biến mạch máu não

Đột quỵ là vấn đề rất phổ biến, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Đột quỵ có thể gây tổn thương não vĩnh viễn, tàn tật lâu dài và làm giảm tuổi thọ. Trong khi nhiều người phục hồi hoàn toàn và sống thọ đột quỵ thì nhiều người lại phải sống chung với những biến chứng nghiêm trọng và chất lượng cuộc sống giảm đáng kể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây