Có những lựa chọn nào thay thế statin để giảm cholesterol?

Phác đồ điều trị phù hợp nhất với tình trạng cholesterol cao của từng người sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước khi quyết định kê đơn thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc một số vấn đề như:
- Tiền sử bệnh lý gia đình
- Nguy cơ mắc bệnh tim mạch
- Thói quen sinh hoạt hàng ngày
Khi nồng độ cholesterol tăng cao, bác sĩ thường đề xuất nên ưu tiên thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường vận động. Nếu những biện pháp này không đủ hiệu quả hoặc bạn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao, bác sĩ có thể cân nhắc kê thuốc hỗ trợ điều trị.
Statin là một trong những loại thuốc phổ biến nhất để kiểm soát cholesterol, nhưng không phải tất cả mọi người đều phù hợp để sử dụng loại thuốc này.
Một số phương pháp điều trị khác – bao gồm sử dụng các loại thuốc khác và thay đổi lối sống – có thể được kết hợp trong kế hoạch điều trị. Dưới đây là một số lựa chọn thay thế cho liệu pháp statin để kiểm soát cholesterol:
Thuốc ức chế hấp thu cholesterol
Nếu bạn không thể sử dụng statin hoặc gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc, bác sĩ có thể kê một loại thuốc khác để điều trị cholesterol cao, phổ biến nhất là thuốc ức chế hấp thu cholesterol.
Loại thuốc này ngăn ruột non hấp thu cholesterol từ thực phẩm. Khi cơ thể không hấp thu được cholesterol, chất này sẽ không vào máu.
Hiện chỉ có một loại thuốc thuộc nhóm này là ezetimibe, được bán dưới dạng thuốc generic hoặc tên biệt dược (tên thương mại) Zetia. Ezetimibe có thể kết hợp với statin để tăng hiệu quả nhanh chóng, tuy nhiên nhiều bác sĩ cũng kê mỗi ezetimibe, kết hợp với chế độ ăn ít chất béo để giúp giảm cholesterol.
Thuốc ức chế ACL
Nếu điều trị bằng statin kết hợp thay đổi lối sống vẫn chưa đủ hiệu quả để giảm cholesterol, bác sĩ có thể kê acid bempedoic (Nexletol) thuộc nhóm thuốc ức chế adenosine triphosphate-citrate lyase (ACL).
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt thuốc này vào năm 2020 để điều trị cho người lớn mắc bệnh tim do xơ vữa động mạch (atherosclerosis) hoặc tăng cholesterol máu có tính di truyền dạng dị hợp tử (HeFH) – một tình trạng di truyền gây ra mức LDL cholesterol rất cao.
Đến năm 2024, FDA mở rộng phạm vi sử dụng để giảm nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch và giảm LDL cholesterol cho cả những người đã từng và chưa từng mắc bệnh tim mạch. Thuốc này có thể sử dụng cùng với hoặc không cần dùng statin.
Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế một loại protein trong gan chịu trách nhiệm sản sinh cholesterol LDL. Đây là thuốc đầu tiên thuộc nhóm ACL được phê duyệt. Hiện chưa có phiên bản generic của thuốc này.
Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng bempedoic acid bao gồm:
- Tăng acid uric trong máu (gây bệnh gout)
- Tăng nguy cơ tổn thương hoặc đứt gân
- Phản ứng dị ứng
- Co thắt cơ
- Tăng men gan
Thuốc kết hợp acid bempedoic và ezetimibe
Nexlizet là thuốc kê đơn dùng để kiểm soát nồng độ LDL cholesterol cao. Bác sĩ cũng có thể kê thuốc này để giảm nguy cơ đau tim hoặc phải phẫu thuật tim ở người có bệnh tim nhưng không thể dùng statin. Hiện thuốc này chỉ có ở dạng biệt dược, chưa có thuốc generic.
Nexlizet là sự kết hợp giữa hai hoạt chất đã đề cập ở trên: acid bempedoic và ezetimibe.
Để giảm cholesterol cao, bác sĩ có thể kết hợp Nexlizet với một loại statin như Lipitor hoặc Crestor, đồng thời khuyến nghị áp dụng chế độ ăn ít chất béo.
Tác dụng phụ có thể gặp của Nexlizet bao gồm:
- Nhiễm trùng đường hô hấp
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
- Mệt mỏi
- Rối loạn tiêu hóa
- Tăng acid uric trong máu
- Chuột rút
- Đau bụng
- Viêm gân và các vấn đề liên quan đến gân
Sequestrants (thuốc gắn acid mật)
Một lựa chọn thay thế khác cho statin là các loại thuốc gắn acid mật, còn gọi là sequestrants. Loại thuốc này có tác dụng gắn kết với axit mật trong ruột, từ đó ngăn cản quá trình hấp thu cholesterol vào máu.
Đây là nhóm thuốc lâu đời nhất dùng để điều trị cholesterol cao. Tuy hiệu quả không mạnh bằng các thuốc hiện đại nhưng vẫn được sử dụng cho những người chỉ có mức cholesterol tăng nhẹ so với bình thường.
Dùng sequestrants lâu dài có thể gây thiếu hụt vitamin, đặc biệt là vitamin K – một loại vitamin quan trọng giúp quá trình đông máu diễn ra bình thường. Thiếu vitamin K có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm do chảy máu.
Thuốc ức chế PCSK9
Cũng giống như statin, thuốc ức chế PCSK9 là lựa chọn hiệu quả để giảm cholesterol, đặc biệt phù hợp với những người không thể dùng statin.
Gen PCSK9 (proprotein convertase subtilisin/kexin type 9) quyết định số lượng thụ thể LDL trong cơ thể. Các thụ thể này kiểm soát lượng cholesterol LDL (thường gọi là “cholesterol xấu”) đi vào máu.
Ở một số người có cấu trúc gen nhất định, enzym PCSK9 hoạt động quá mức, làm giảm số lượng thụ thể LDL và dẫn đến lượng cholesterol LDL trong máu tăng cao. Thuốc ức chế PCSK9 hoạt động bằng cách ức chế enzym PCSK9 do gen này tạo ra.
Loại thuốc này đặc biệt hiệu quả đối với người không dung nạp statin hoặc có mức cholesterol rất cao và nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao.
Một số loại thuốc ức chế PCSK9 hiện có:
- Alirocumab (Praluent)
- Evolocumab (Repatha)
- Inclisiran (Leqvio)
Giải thích thuật ngữ:
- Thụ thể là phân tử nằm trên bề mặt tế bào, khi liên kết với phân tử khác sẽ kích hoạt một phản ứng sinh học.
- Enzym là loại protein xúc tác cho các phản ứng hoá học trong cơ thể.
- Gen là một đoạn DNA chứa mã di truyền quyết định việc tạo ra protein và các đặc điểm sinh học của cơ thể.
Thuốc điều trị triglyceride cao
Nhiều người bị cholesterol cao cũng có mức triglyceride cao - đây là một dạng chất béo có trong máu. Một số loại thuốc có thể giúp giảm trực tiếp lượng chất béo này. Khi triglyceride giảm, tổng lượng cholesterol trong máu cũng có thể giảm theo.
Một loại thuốc thường được kê đơn là niacin (vitamin B3). Niacin giúp giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL).
Đây là lựa chọn phù hợp với những người không đáp ứng tốt với các loại thuốc khác vì tác dụng phụ của niacin thường nhẹ hơn. Một số tác dụng phụ có thể gặp khi dùng niacin bao gồm:
- Đỏ bừng mặt
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Phát ban
- Hạ huyết áp
- Tăng acid uric trong máu
- Cảm giác tê như kim châm
Khi cần phương pháp điều trị mạnh hơn cho tình trạng triglyceride cao, bác sĩ có thể kê nhóm thuốc gọi là fibrate.
Ngoài ra, thực phẩm bổ sung chứa omega-3 (có trong dầu cá) cũng đã được chứng minh giúp giảm triglyceride hiệu quả.
Thay đổi lối sống
Một số thay đổi trong lối sống có thể giúp giảm cholesterol và đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh.
Để giảm cholesterol, cần kiểm soát cân nặng và ăn chế độ ăn lành mạnh cho tim mạch. Chế độ ăn tốt cho tim là chế độ giảm chất béo bão hòa (chủ yếu từ động vật), tăng cường chất xơ, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt và cá.
Nếu bị thừa cân, chỉ cần giảm 2–5kg cũng đã giúp cải thiện đáng kể chỉ số cholesterol. Ngoài ra, bạn cũng cần thực hiện những thay đổi quan trọng khác, bao gồm:
- Bỏ thuốc lá, nếu đang hút
- Giảm rượu bia
Ngoài việc giúp giảm cholesterol, tập luyện còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác. Bạn có thể bắt đầu thói quen vận động bằng cách đi bộ ngắn mỗi ngày.
Các biện pháp tự nhiên hỗ trợ giảm cholesterol
Có một số biện pháp tự nhiên có thể hỗ trợ quá trình giảm cholesterol nhưng cần được kết hợp với thay đổi lối sống:
- Tỏi
- Cám yến mạch (oat bran)
- Chiết xuất atiso
- Lúa mạch
- Psyllium (chất xơ từ vỏ hạt mã đề)
- Men gạo đỏ (red yeast rice)
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ và bổ sung các thực phẩm này vào chế độ ăn hàng ngày. Ngoài ra, bạn vẫn phải tiếp tục dùng thuốc kê đơn nếu đang điều trị bằng thuốc.
Statin
Statin là nhóm thuốc kê đơn phổ biến dùng để giảm cholesterol. Thuốc có tác dụng ức chế enzym cần thiết cho quá trình tổng hợp cholesterol ở gan. Khi enzym này bị ức chế, cơ thể không thể chuyển hóa chất béo từ thức ăn thành cholesterol.
Nếu có quá nhiều cholesterol lưu thông trong động mạch, nó sẽ tích tụ thành mảng bám, làm hẹp lòng mạch, cản trở tuần hoàn và tăng nguy cơ đau tim.
Các loại statin hiện có
Statin được chia thành nhiều loại dựa trên mức độ hiệu lực:
- Statin cường độ cao:
- Atorvastatin (Lipitor)
- Rosuvastatin (Crestor)
- Statin cường độ trung bình:
- Fluvastatin (Lescol)
- Lovastatin (Altoprev)
- Pitavastatin (Livalo)
- Pravastatin (Pravachol)
- Simvastatin (Zocor)
Mặc dù tất cả statin đều có cơ chế giống nhau nhưng phản ứng của cơ thể mỗi người với từng loại thuốc có thể khác nhau. Vì vậy, bác sĩ có thể cần thử nhiều loại statin để tìm ra loại phù hợp nhất.
Một số statin có thể tương tác với các thuốc hoặc thực phẩm khác, điển hình là nước ép bưởi (grapefruit juice). Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), atorvastatin (Lipitor) và simvastatin (Zocor) có thể tương tác với nước ép bưởi và gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng do làm tăng nồng độ thuốc trong máu.
Rủi ro và tác dụng phụ
Phần lớn người dùng statin đều có được lợi ích rõ rệt, tuy nhiên thuốc vẫn có thể gây ra tác dụng phụ. Những tác dụng phụ nghiêm trọng thường xảy ra trong các trường hợp:
- Dùng kèm các thuốc khác
- Có bệnh lý nền
Nhiều tác dụng phụ sẽ giảm dần khi cơ thể thích nghi với thuốc.
Tác dụng phụ thường gặp nhất là:
- Đau cơ và khớp
- Buồn nôn hoặc nôn
Tác dụng phụ nghiêm trọng (hiếm gặp):
- Tổn thương gan hoặc thận
- Tăng đường huyết
- Rối loạn thần kinh
- Thoái hóa cơ dẫn đến tổn thương cơ vĩnh viễn (rất hiếm)
Câu hỏi thường gặp
1. Statin là gì?
Statin là nhóm thuốc dùng để giảm cholesterol bằng cách ức chế enzym ở gan giúp tạo ra cholesterol. Tác dụng phụ thường gặp gồm có: đau cơ, đau khớp, đau đầu, buồn nôn, táo bón và tiêu chảy.
2. Tập thể dục có giúp giảm cholesterol không?
Có. Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng cholesterol tốt (HDL) và giảm cholesterol xấu (LDL). Nên duy trì ít nhất 150 phút hoạt động thể lực cường độ vừa mỗi tuần (như đi bộ nhanh, đạp xe nhẹ...).
3. Ăn uống cân bằng và tập thể dục có đủ hiệu quả để kiểm soát cholesterol không?
Trong một số trường hợp, chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập đều đặn có thể giúp kiểm soát cholesterol. Tuy nhiên, nếu mức cholesterol quá cao hoặc có bệnh nền, bạn có thể cần dùng thêm thuốc. Hãy trao đổi với bác sĩ để có phương án điều trị phù hợp.
4. Ngoài statin, còn có thuốc nào khác giúp giảm cholesterol không?
Nếu không phù hợp để sử dụng statin, bạn có thể dùng các loại thuốc khác như:
- Thuốc gắn acid mật (Sequestrants)
- Thuốc ức chế hấp thu cholesterol
- Thuốc ức chế PCSK9
Bác sĩ sẽ chọn loại phù hợp dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn.
Kết luận
Có nhiều loại statin và cả các lựa chọn thay thế khác trong điều trị cholesterol. Điều quan trọng là bạn cần trao đổi kỹ với bác sĩ để tìm ra liệu trình phù hợp nhất cho mình.
Thay đổi chế độ ăn, luyện tập và sử dụng các biện pháp tự nhiên có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng đáng kể nếu bạn gặp tác dụng phụ từ thuốc. Tuy nhiên, không nên tự ý ngừng thuốc hay thay đổi liều nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ giúp bạn điều chỉnh liều lượng hoặc kết hợp thêm phương pháp điều trị khác nếu cần.
Khi bạn có quá nhiều cholesterol, nó sẽ tích tụ trong các động mạch của bạn. Sự tích tụ này làm cho động mạch xơ cứng lại - một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch.

Cholesterol là một loại chất béo có trong máu của bạn. Các tế bào cơ thể cần cholesterol, nó giúp cho màng ngoài của các tế bào ổn định.

Van tim bị hư hỏng khi được thay thế có thể giúp khôi phục lưu thông máu khỏe mạnh, nhưng thủ thuật này tiềm ẩn một số rủi ro, trong đó có nguy cơ hình thành cục máu đông, nhiễm trùng và các biến chứng khác. Tuy nhiên, tiên lượng thường khá khả quan.

Các vấn đề về van hai lá có thể được kiểm soát bằng cách dùng thuốc hoặc phẫu thuật sửa chữa van. Đây là những phương pháp ít xâm lấn hơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, van sẽ cần được thay thế hoàn toàn bằng phẫu thuật thay van hai lá.

Rối loạn lipid máu là tình trạng có mức chất béo trong máu cao, bao gồm cholesterol và triglyceride. Nắm được nguyên nhân, triệu chứng và cách kiểm soát rối loạn lipid máu có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.