1

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả nam giới và nữ giới. Dựa trên kết quả của một số nghiên cứu dài hạn, các nhà khoa học đã xác định được các yếu tố chính có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc nhồi máu cơ tim. Việc biết được những yếu tố nguy cơ của bản thân sẽ giúp bạn xác định những bước cần thực hiện để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch

Tuổi tác

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên theo tuổi tác. Nguy cơ tăng lên sau 45 tuổi ở nam giới và sau 55 tuổi hoặc sau mãn kinh ở phụ nữ. Hormone estrogen giúp bảo vệ tim mạch và lượng estrogen trong cơ thể người phụ nữ giảm khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Đó là lý do tại sao phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Theo thời gian, chất béo trong máu dần tích tụ tạo thành mảng bám bên trong động mạch (xơ vữa động mạch). Khi có tuổi, động mạch sẽ bị hẹp lại đến mức máu khó chảy qua. Ngoài ra, mảng bám có thể bị vỡ ra và làm hình thành cục máu đông gây cản trở lưu thông máu. Những điều này có thể xảy ra ở động mạch vành – động mạch cấp máu cho tim – và dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Giới tính

Nam giới có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn phụ nữ. Ước tính 70 đến 89% số ca biến cố tim mạch đột ngột xảy ra ở nam giới. Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được tại sao lại như vậy nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguyên nhân có thể là do hormone sinh dục.

Một nghiên cứu phát hiện ra rằng hai hormone sinh dục có liên quan đến sự gia tăng nồng độ lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) hay cholesterol xấu và giảm nồng độ lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) hay cholesterol tốt. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng nhiễm sắc thể Y (nhiễm sắc thể chỉ có ở nam giới) có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Không chỉ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn, nam giới còn thường mắc bệnh sớm hơn phụ nữ. Tuy nhiên, bệnh tim mạch cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ.

Mức cholesterol toàn phần

Mức cholesterol toàn phần (total cholesterol) cũng là một yếu tố có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) định nghĩa cholesterol toàn phần là tổng lượng HDL cholesterol, LDL cholesterol và 20% lượng triglyceride. Mảng bám trong động mạch được tạo nên từ chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác. Nghiên cứu cho thấy rằng trong máu càng có nhiều cholesterol và chất béo thì nguy cơ hình thành mảng bám trong động mạch càng cao.

Mức HDL cholesterol

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng không phải loại cholesterol nào có hại. Khác với LDL cholesterol, HDL cholesterol giúp phòng ngừa bệnh tim mạch. Mặc dù chưa giải thích được lý do chính xác nhưng các nhà khoa học tin rằng HDL cholesterol có khả năng giảm viêm và nhờ đó bảo vệ sức khỏe tim mạch. HDL cholesterol còn giúp vận chuyển cholesterol đến gan, nơi mà cholesterol được xử lý ra khỏi máu. Theo nhiều nghiên cứu, nồng độ HDL cholesterol càng cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng thấp.

Hút thuốc

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nicotine và các hóa chất khác trong thuốc lá gây hại cho tim và mạch máu, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và hẹp động mạch.

Cho dù hút thuốc không thường xuyên thì cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, bất kể bạn đã hút thuốc được bao lâu, bỏ thuốc sẽ có lợi cho tim. Bỏ thuốc lá giúp làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do bệnh tim mạch và giảm nguy cơ xơ vữa động mạch theo thời gian. Tình trạng tổn thương tim và mạch máu do hút thuốc sẽ dần hồi phục sau khi bỏ thuốc.

Huyết áp

Kết quả đo huyết áp gồm hai chỉ số, chỉ số bên trên hoặc đầu tiên là huyết áp tâm thu và chỉ số bên dưới là huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu là áp lực máu tác động lên thành động mạch khi tim co bóp và huyết áp tâm trương là áp lực máu trong động mạch khi các buồng dưới của tim giãn ra. Huyết áp tâm thu phản ánh nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Huyết áp tâm thu thường tăng theo tuổi tác do thành động mạch cứng lại và tình trạng xơ vữa động mạch cản trở máu lưu thông.

Chỉ số huyết áp được chia thành các mức như sau:

  • Huyết áp bình thường: huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg
  • Tiền tăng huyết áp: huyết áp tâm thu từ 120 đến 129mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg
  • Tăng huyết áp độ 1: huyết áp tâm thu 130 đến 139mmHg hoặc huyết áp tâm trương 80 đến 89mmHg
  • Tăng huyết áp độ 2: huyết áp tâm thu 140mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương 90mmHg trở lên

Những người bị tăng huyết áp cần uống thuốc đều đặn và duy trì chế độ sinh hoạt điều độ để kiểm soát huyết áp và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Những người bị tiểu đường có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn gần gấp đôi so với người không bị tiểu đường.

Theo thời gian, lượng đường (glucose) trong máu cao có thể gây tích tụ chất béo trong động mạch hoặc các mạch máu khác, điều này khiến cho động mạch bị thu hẹp và cứng, gây cản trở lưu thông máu.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh động mạch vành
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh động mạch vành

Bệnh động mạch vành xảy ra khi cholesterol, chất béo và một số chất khác tích tụ trong động mạch vành – động mạch mang máu đến tim. Điều này khiến cho động mạch vành bị thu hẹp và tim không được cung cấp đủ oxy cùng chất dinh dưỡng.

Tại sao bệnh tiểu đường type 2 làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch?
Tại sao bệnh tiểu đường type 2 làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch?

Bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Những người bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn.

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim mạch ở nam giới
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim mạch ở nam giới

Bệnh tim mạch ở nam giới có những triệu chứng và dấu hiệu gì khác so với nữ giới?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây