Tại sao mãn kinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch?

Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu ở độ tuổi từ 45 đến 55 và độ tuổi mãn kinh trung bình là 51 – 52 tuổi. Tuy nhiên, một số phụ nữ mãn kinh sớm hơn hoặc muộn hơn.
Thời kỳ mãn kinh bắt đầu trước 40 tuổi được coi là mãn kinh quá sớm, trước 45 tuổi là mãn kinh sớm và sau 55 tuổi là mãn kinh muộn.
Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tim mạch?
Hormone estrogen có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, buồng trứng sẽ bắt đầu giảm sản xuất estrogen. Sự sụt giảm nồng độ estrogen làm tăng nguy cơ:
- Xơ vữa động mạch – tích tụ chất béo trong động mạch
- Bệnh động mạch vành - động mạch cấp máu cho tim bị hẹp, thường là kết quả của xơ vữa động mạch
- Nhồi máu cơ tim
- Đột quỵ
Tác hại của mãn kinh sớm và mãn kinh muộn đối với sức khỏe tim mạch
Theo nghiên cứu vào năm 2022 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, những phụ nữ bị mãn kinh quá sớm (suy buồng trứng sớm) có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao hơn 40% so với những người không bị mãn kinh quá sớm.
Những người mãn kinh ở độ tuổi muộn hơn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn.
Những phụ nữ bị mãn kinh sớm nên trao đổi với bác sĩ về những biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Phòng ngừa bệnh tim mạch ở thời kỳ mãn kinh
Khám sức khỏe định kỳ là điều cần thiết để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh tim mạch.
Dù là ở giai đoạn nào trong đời thì cũng nên duy trì thói quen tập thể dục đều đặn. Điều này lại càng quan trọng khi bắt đầu bước vào thời kỳ mãn kinh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị người từ 65 tuổi trở lên nên tập cardio cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các vấn đề sức khỏe khác. Một số hình thức tập cardio cường độ vừa phải là đi bộ nhanh, đạp xe và bơi lội.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau củ, trái cây và các nhóm thực phẩm toàn phần khác cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các vấn đề sức khỏe khác.
Những cách khác đã được nghiên cứu chứng minh là có thể phòng ngừa bệnh tim mạch:
- Duy trì cân nặng hợp lý. Chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn là những cách hiệu quả và an toàn nhất để kiểm soát cân nặng.
- Ngủ đủ giấc. Ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày. Hãy đi khám nếu bạn đang trong thời kỳ mãn kinh và bị mất ngủ.
- Kiểm soát mức cholesterol, huyết áp và đường huyết. Nếu các chỉ số này ở mức cao, có thể bạn sẽ phải dùng thuốc điều trị.
- Bỏ thuốc lá. Nếu bạn đang hút thuốc lá, hãy cố gắng bỏ càng sớm càng tốt. Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch.
>>> Các cách phòng ngừa bệnh tim mạch
Tóm tắt bài viết
Nồng độ estrogen giảm trong thời kỳ mãn kinh, gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều trong thời kỳ tiền mãn kinh và không có kinh trong thời kỳ mãn kinh.
Nghiên cứu cho thấy estrogen có tác dụng bảo vệ tim mạch. Nồng độ hormone này giảm khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh. Đó là lý do tại sao phụ nữ mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn phụ nữ trong độ tuổi sản sinh.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc và thực hiện một số thay đổi lối sống khác có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhiều bệnh lý khác khi bước vào thời kỳ mãn kinh.

Một số nghiên cứu cho rằng bệnh nướu răng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu chất lượng cao hơn để hiểu rõ hơn về mối quan hệ này.

Căng thẳng tạm thời có thể có lợi, giúp cơ thể phản ứng nhanh hơn khi đối mặt với nguy hiểm. Tuy nhiên, căng thẳng mãn tính có thể là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh tim.

Tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu tác động lên thành động mạch cao hơn mức bình thường. Tình trạng này còn được gọi là tăng huyết áp. Theo thời gian, tăng huyết áp có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau, gồm có bệnh tim và đột quỵ.

Bệnh động mạch vành xảy ra khi cholesterol, chất béo và một số chất khác tích tụ trong động mạch vành – động mạch mang máu đến tim. Điều này khiến cho động mạch vành bị thu hẹp và tim không được cung cấp đủ oxy cùng chất dinh dưỡng.