Tại sao bệnh tiểu đường type 2 làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch?

Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn gấp 2 đến 4 lần so với người không bị tiểu đường. Tuy nhiên, bị tiểu đường không có nghĩa là chắc chắn sẽ bị bệnh tim mạch. Có rất nhiều cách để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Khi nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch xảy ra ở cùng một người thì được gọi là hội chứng chuyển hóa.
Đọc tiếp bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa hai bệnh lý này và những cách để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Hội chứng chuyển hóa là gì?
Hội chứng chuyển hóa (metabolic syndrome) là khi một người có cùng lúc nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch. Nếu bạn có từ ba yếu tố dưới đây trở lên thì được xác định là mắc hội chứng chuyển hóa:
- Đường huyết cao. Đường huyết cao là tình trạng lương đường (glucose) trong máu ở mức cao, xảy ra khi cơ thể không có đủ insulin hoặc không sử dụng insulin hiệu quả. Insulin là loại hormone giúp đưa đường từ máu vào các tế bào. Tình trạng mà cơ thể không thể sử dụng insulin hiệu quả được gọi là kháng insulin.
- Tăng huyết áp. Tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu lên thành động mạch ở mức cao. Điều này khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Huyết áp cao gây áp lực lên tim và làm hỏng mạch máu.
- Nồng độ triglyceride cao. Triglyceride là một dạng chất béo cung cấp nguồn năng lượng dự trữ cho cơ thể. Nồng độ triglyceride trong máu cao gây tích tụ mảng xơ vữa trong động mạch.
- HDL cholesterol (cholesterol tốt) thấp. HDL cholesterol giúp loại bỏ LDL cholesterol (cholesterol xấu) ra khỏi mạch máu.
- Nhiều mỡ bụng. Có quá nhiều mỡ ở bụng làm tăng nguy cơ kháng insulin, đường huyết cao, tăng huyết áp, triglyceride cao và HDL cholesterol thấp.
Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 bị tình trạng kháng insulin, có nghĩa là cơ thể không thể sử dụng đường trong máu một cách bình thường. Điều này dẫn đến lượng đường trong máu cao.
Kháng insulin và lượng đường trong máu cao gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tim, mạch máu và lượng mỡ trong cơ thể. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Đường huyết cao ảnh hưởng như thế nào đến tim và mạch máu?
Theo thời gian, lượng đường trong máu cao gây ra nhiều tổn hại cho cơ thể, bao gồm cả tim và mạch máu.
Một số ví dụ về tác hại của lượng đường trong máu cao:
- Khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Khi lượng đường trong máu ở mức cao, tim sẽ phải làm việc vất vả hơn để bơm máu đi khắp cơ thể.
- Tăng tình trạng viêm trong mạch máu. Tình trạng viêm trong động mạch gây tích tụ cholesterol và dẫn đến xơ vữa động mạch.
- Tổn thương các dây thần kinh nhỏ trong tim. Điều này làm gián đoạn sự lưu thông máu.
Kháng insulin ảnh hưởng như thế nào đến huyết áp?
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (the American Diabetes Association), cứ 3 người mắc bệnh tiểu đường thì có 2 người bị tăng huyết áp hoặc phải dùng thuốc hạ huyết áp.
Điều này là do tình trạng kháng insulin ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2.
Kháng insulin có thể làm hẹp mạch máu và khiến huyết áp tăng cao. Kháng insulin còn khiến cơ thể bị tích nước và điều này cũng làm tăng huyết áp.
Kháng insulin và huyết áp cao đều có thể làm hỏng mạch máu và khiến tim phải làm việc nhiều hơn.
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng như thế nào đến mức triglyceride và cholesterol?
Kháng insulin và đường huyết cao có thể dẫn đến:
- Tăng mức triglyceride. Bình thường, insulin giúp đưa đường (glucose) từ máu vào các tế bào, tại đây đường được chuyển hóa thành năng lượng hoặc được lưu trữ dưới dạng glycogen. Ở những người bị kháng insulin, cơ thể sẽ chuyển đổi nhiều đường hơn thành triglyceride.
- Giảm mức HDL. Khi nồng độ triglyceride trong máu ở mức cao, cơ thể sử dụng HDL (lipoprotein tỷ trọng cao) để loại bỏ triglyceride dư thừa và dẫn đến giảm nồng độ HDL. Lượng đường dư thừa trong máu bám vào HDL và khiến HDL bị phân hủy nhanh hơn bình thường. Điều này cũng làm giảm mức HDL.
- Tăng mức VLDL. Lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL) là một loại cholesterol xấu, được tạo nên từ các hạt có kích thước nhỏ hơn hạt LDL. Khi nồng độ triglyceride trong máu cao, cơ thể sẽ tạo ra nhiều VLDL hơn.
Vì phải sử dụng HDL để loại bỏ lượng triglyceride dư thừa nên cơ thể sẽ không còn nhiều HDL để loại bỏ cholesterol ra khỏi mạch máu.
Khi ở lâu trong mạch máu, triglyceride, LDL và VLDL sẽ tích tụ thành mảng bám trên thành động mạch. Điều này làm cho động mạch hẹp và cứng lại, khiến tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu qua mạch máu.
Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch?
Những cách giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch:
- Ăn uống lành mạnh. Những nhóm thực phẩm có lợi cho sức khỏe tim mạch là rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch, hạt và chất béo tốt.
- Tập thể dục đều đặn. Tăng cường hoạt động thể chất và giảm thời gian ngồi giúp giảm huyết áp, cholesterol và mỡ bụng.
- Kiểm soát căng thẳng. Nồng độ hormone stress cao có thể làm tăng huyết áp, tăng mỡ máu và mỡ trong cơ thể.
- Ngủ đủ giấc. Ngủ đủ giấc có thể giúp ngăn ngừa tăng huyết áp và đường huyết cao. Những điều này cũng rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và mức năng lượng.
- Dùng thuốc kê đơn. Nếu được kê thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol, hãy dùng thuốc đều đặn.
Tóm tắt bài viết
Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 thường có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch. Tuy nhiên, có nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ gặp phải các vấn đề về tim mạch khi mắc bệnh tiểu đường, chẳng hạn như ăn uống lành mạnh, tăng cường vận động, kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ giấc và dùng thuốc đầy đủ.
Khi bạn có quá nhiều cholesterol, nó sẽ tích tụ trong các động mạch của bạn. Sự tích tụ này làm cho động mạch xơ cứng lại - một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch.

Một số nghiên cứu cho rằng bệnh nướu răng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu chất lượng cao hơn để hiểu rõ hơn về mối quan hệ này.

Mãn kinh sớm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim do sự suy giảm nhanh chóng của nồng độ estrogen.

Căng thẳng tạm thời có thể có lợi, giúp cơ thể phản ứng nhanh hơn khi đối mặt với nguy hiểm. Tuy nhiên, căng thẳng mãn tính có thể là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh tim.