Các dấu hiệu nhận biết cục máu đông

Cục máu đông hình thành khi máu chuyển từ dạng lỏng sang dạng gel hoặc bán rắn. Đông máu là một quá trình sinh lý cần thiết giúp cơ thể không bị mất máu quá nhiều khi bị thương.
Tuy nhiên, cục máu đông hình thành trong mạch máu sẽ gây cản trở sự lưu thông máu. Tình trạng này được gọi là huyết khối (thrombosis). Có hai loại huyết khối:
- Huyết khối động mạch: cục máu đông hình thành trong động mạch.
- Huyết khối tĩnh mạch: cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch.
Cục máu đông hình thành bên trong tĩnh mạch có thể tự tan. Nhưng đôi khi cục máu đông không tự tan hoặc một phần cục máu đông bị vỡ ra và di chuyển đến nơi khác trong cơ thể. Tình trạng mà cục máu đông di chuyển đến nơi khác và gây tắc nghẽn mạch máu được gọi là thuyên tắc (emblosim).
Những tình trạng có thể dẫn đến các vấn đề nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), khoảng một nửa số người bị cục máu đông trong tĩnh mạch sâu (huyết khối tĩnh mạch sâu) không có triệu chứng.
Khi các triệu chứng xuất hiện, hãy đến bệnh viện ngay lập tức.
Dưới đây là triệu chứng của cục máu đông ở những vị trí khác nhau trên cơ thể.
Dấu hiệu cần gọi cấp cứu
Sự gián đoạn lưu thông máu do cục máu đông gây ra có thể đe dọa đến tĩnh mạng.
Gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức khi gặp những triệu chứng của cục máu đông nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Khó thở đột ngột
- Đau hoặc tức ngực
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Nhìn mờ
- Nói khó
- Tê hoặc yếu cơ chân tay
Đi khám càng sớm càng tốt khi bị đau, sưng và nhạy cảm (chạm lên thấy đau) ở một bộ phận cơ thể.
Triệu chứng cục máu đông ở chân và tay
Một trong những nơi dễ hình thành cục máu đông nhất trên cơ thể là các tĩnh mạch sâu ở chân. Cục máu đông trong các tĩnh mạch này được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu.
Cục máu đông ở chân hoặc cánh tay gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, gồm có:
- Sưng tấy
- Đau nhức
- Đau khi ấn
- Cảm giác nóng
- Đỏ da
Cục máu đông thường chỉ hình thành ở một chân hoặc một tay.
Triệu chứng phụ thuộc vào kích thước của cục máu đông. Cục máu đông nhỏ có thể không gây triệu chứng hoặc chỉ gây sưng nhẹ mà không kèm theo đau. Cục máu đông máu đông lớn có thể khiến cho toàn bộ chi bị sưng tấy và đau dữ dội.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu:
- Mới phẫu thuật gần đây
- Mang thai
- Chấn thương, chẳng hạn như gãy xương
- Không di chuyển trong thời gian dài, chẳng hạn như khi bị ốm và phải nằm một chỗ
- Một số bệnh lý như béo phì, bệnh tim và viêm ruột
Cục máu đông cũng có thể hình thành trong động mạch. Cục máu đông ở động mạch chân thường gây ra các triệu chứng:
- Chân lạnh, da xanh tím
- Đau, tê hoặc cảm giác kim châm
- Mạch yếu hoặc không có mạch
- Yếu cơ
Triệu chứng cục máu đông ở tim (nhồi máu cơ tim)
Huyết khối động mạch là cục máu đông hình thành trong động mạch. Cục máu đông chặn dòng máu đến tim và gây ra cơn nhồi máu cơ tim.
Khi cục máu đông hình thành trong các động mạch mang máu đến tim thì được gọi là huyết khối động mạch vành.
Điều này thường xảy ra khi mảng xơ vữa trong động mạch vành vỡ ra. Động mạch vành tắc nghẽn khiến cho mô tim không được cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Các triệu chứng của huyết khối động mạch vành gồm có:
- Đau ngực dữ dội
- Chóng mặt, choáng váng
- Hụt hơi
- Đau ở cánh tay, cổ, lưng hoặc hàm
- Đổ mồ hôi
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
Triệu chứng cục máu đông trong bụng
Cục máu đông có thể hình thành ở nhiều cơ quan trong ổ bụng và tùy vào vị trí hình thành mà cục máu đông sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau.
Cc máu đông trong ổ bụng có thể hình thành ở động mạch hoặc tĩnh mạch và gây ra các triệu chứng như:
- Đau bụng dữ dội kéo dài
- Đau bụng từng cơn
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đại tiện ra máu
- Tiêu chảy
- Đầy hơi
- Cổ trướng (tích tụ dịch trong bụng)
Rất nhiều bệnh lý khác cũng có những triệu chứng tương tự. Do đó cần thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
Triệu chứng cục máu đông trong não (đột quỵ)
Cục máu đông trong não là nguyên nhân gây ra 85% số ca đột quỵ. Loại đột quỵ do cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu não được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Cục máu đông có thể hình thành trong mạch máu não hoặc di chuyển từ nơi khác đến não. Cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu não, khiến cho một vùng não không được cung cấp oxy. Khi bị thiếu oxy, tế bào não sẽ không thể tồn tại. Tình trạng này sẽ nhanh chóng dẫn đến tử vong.
Các triệu chứng của cơn đột quỵ gồm có:
- Tê hoặc yếu cơ ở cánh tay, mặt và chân, thường xảy ra ở một bên người
- Nói khó hoặc khó hiểu lời người khác nói
- Lú lẫn, mất phương hướng, phản ứng kém
- Thay đổi hành vi đột ngột, chẳng hạn như kích động
- Vấn đề về thị lực, ví dụ như nhìn mờ, mảng tối trước mắt hoặc nhìn đôi (nhìn một vật thành hai), những triệu chứng này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt
- Đi lại khó khăn
- Mất thăng bằng, mất điều hòa (mất khả năng phối hợp động tác)
- Chóng mặt
- Đột ngột đau đầu dữ dội
- Co giật
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
Gọi cấp cứu ngay lập tức khi nhận thấy những triệu chứng này. Kể cả khi các triệu chứng đã biến mất thì cũng phải đến bệnh viện khám ngay. Đó có thể là dấu hiệu của cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Tình trạng này cũng là do cục máu đông nhưng cục máu đông tự tan hoặc không làm tắc nghẽn mạch máu hoàn toàn. Những người từng trải qua cơn thiếu máu não thoáng qua có nguy cơ cao bị đột quỵ trong tương lai.
Triệu chứng cục máu đông trong phổi (thuyên tắc phổi)
Tình trạng mà cục máu đông di chuyển từ nơi khác đến phổi và gây tắc nghẽn mạch máu được gọi là thuyên tắc phổi.
Cục máu đông đa phần đến từ các tĩnh mạch sâu ở chân. Khi đến phổi, cục máu đông mắc kẹt trong động mạch phổi và ngăn cản sự lưu thông máu. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm cần điều trị khẩn cấp.
Các triệu chứng của thuyên tắc phổi gồm có:
- Đột ngột khó thở hoặc hụt hơi
- Đau ngực
- Tim đập nhanh hay đánh trống ngực
- Vấn đề về hô hấp
- Ho ra máu
Trẻ em có bị cục máu đông không?
Mặc dù hiếm nhưng trẻ em cũng có thể bị cục máu đông. Những trẻ đang có vấn đề sức khỏe có nguy cơ bị cục máu đông cao hơn.
Giảm vận động do bệnh tật hoặc chấn thương là nguyên nhân chính gây cục máu đông ở trẻ em. Nguyên nhân cũng có thể là do rối loạn di truyền.
Một số nguyên nhân gây cục máu đông ở trẻ em gồm có:
- Giảm lưu thông máu
- Tổn thương tĩnh mạch do đặt ống thông tĩnh mạch
- Các rối loạn di truyền như hội chứng tăng đông máu
- Cấu trúc mạch máu bất thường, chẳng hạn như hội chứng May-Thurner và hội chứng Paget-Schroetter
- Một số loại thuốc
Tóm tắt bài viết
Cục máu đông có thể hình thành trong tĩnh mạch hoặc động mạch. Tùy vào vị trí hình thành mà cục máu đông gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, từ sưng, đau, da xanh tím cho đến đau ngực dữ dội, khó thở hoặc đau bụng.
Hãy đến bệnh viện ngay lập tức khi nhận thấy những dấu hiệu của cục máu đông. Nếu không điều trị kịp thời, cục máu đông có thể gây ra những biến chứng đe dọa tính mạng.

Phình động mạch não hình túi (berry aneurysm) là dạng phình động mạch não phổ biến nhất, có hình dáng giống như một túi nhỏ hoặc quả mọng nhô ra từ thành động mạch. Phình động mạch bị vỡ sẽ có thể gây xuất huyết não - tình trạng cần được cấp cứu ngay lập tức.

Bạn biết gì về hệ thống động mạch trong cơ thể?

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Hẹp eo động mạch chủ là tình trạng một đoạn động mạch chủ bị hẹp hơn bình thường. Điều này buộc tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu qua động mạch chủ.

Những người mắc suy tim sung huyết có các vi sinh vật trên lưỡi khác với những người không mắc bệnh, lưỡi thường đỏ hơn và lớp phủ trên lưỡi ngả vàng hơn. Dù vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu nữa nhưng các phát hiện cho đến thời điểm hiện tại đã cho thấy rằng việc phân tích vi sinh vật trên lưỡi có thể trở thành phương pháp đơn giản và không xâm lấn để kiểm tra sức khỏe tim mạch trong tương lai.

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó động mạch bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân.