Các dấu hiệu nhận biết hở van tim là gì?

Tim có bốn van thực hiện chức năng mở và đóng để kiểm soát dòng máu qua tim. Tuy nhiên, khi một van tim không thể đóng chặt, máu có thể bị rò rỉ ngược lại thay vì chảy đúng hướng theo một chiều.
Trong thuật ngữ y khoa, tình trạng này được gọi là hở van tim hoặc trào ngược van tim. Một số người cũng gọi vấn đề này là rò rỉ van tim.
Nếu chỉ bị hở van tim nhẹ, có thể bạn sẽ không gặp phải triệu chứng và tình trạng này không gây ra biến chứng lâu dài.
Tuy nhiên, hở van tim có thể nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đáng kể đến chức năng tim và gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Bài viết này sẽ phân tích kỹ hơn về các triệu chứng này.
Làm sao để nhận biết tình trạng hở van tim?
Các triệu chứng có thể không biểu hiện rõ ràng nếu chỉ bị hở van tim nhẹ. Bạn thậm chí còn có thể không biết rằng mình bị hở van tim cho đến khi bác sĩ nghe tim qua ống nghe và phát hiện tiếng thổi tim bất thường. Tình trạng hở van tim cũng có thể được phát hiện khi thực hiện các xét nghiệm cho những vấn đề khác không liên quan.
Nếu có, các triệu chứng có thể xuất hiện dần dần, nghĩa là bạn có thể sẽ không nhận ra ngay rằng đó là triệu chứng do bệnh van tim gây ra.
Ngoài ra, nhiều người gặp phải các triệu chứng của bệnh van tim thường nhầm lẫn với các thay đổi sinh lý bình thường khi tuổi tác tăng lên.
Một số triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng hở van tim là:
- Đau hoặc khó chịu ở ngực
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
- Đánh trống ngực (cảm giác tim bỏ nhịp hoặc đập rất nhanh)
- Khó thở hoặc khó thở khi nằm
- Sưng ở bàn chân hoặc phình bụng
- Yếu người
Một số loại hở van tim cũng có triệu chứng riêng.
Ví dụ, hở van hai lá có thể gây nghẹt mũi và ho còn hở van ba lá có thể dẫn đến tình trạng gan to và mạch đập ở cổ.
Các triệu chứng nào có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng hở van tim đang trở nặng?
Nếu bạn đã được chẩn đoán bị hở van tim (van tim bị rò rỉ), Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo bạn nên theo dõi các triệu chứng để biết tình trạng có trở nặng không.
Một dấu hiệu cho thấy hở van tim đang trở nặng là việc bị suy giảm khả năng vận động thể lực.
Ví dụ, nếu trước đây bạn có thể leo lên một tầng cầu thang mà không thấy mệt lắm nhưng giờ đây lại thấy điều này rất khó khăn thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh van tim đang tiến triển.
Tương tự, nếu bạn có thể đi bộ 40 phút mà không cảm thấy mệt, nhưng giờ chỉ đi được 20 phút đã cảm thấy mệt lả thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng hở van tim đang xấu đi.
Nếu bạn cảm thấy chóng mặt và cần phải nằm xuống, hãy chú ý xem tình trạng này xảy ra bao nhiêu lần và mất bao lâu mới cảm thấy bình thường trở lại. Nếu tần suất và thời gian khó chịu kéo dài tăng lên, hãy thông báo ngay với bác sĩ.
Các triệu chứng khác có thể là dấu hiệu cho thấy hở van tim trở nặng là:
- Khó thở sâu hơn, đặc biệt là khi nằm
- Tim đập nhanh hơn và hay bỏ nhịp hơn
- Đau ngực hoặc cảm giác ngực bị thắt chặt xảy ra thường xuyên hơn hoặc nghiêm trọng hơn
- Sưng mắt cá chân và bàn chân nặng hơn
- Ngất xỉu không rõ nguyên nhân
Hở van tim được điều trị như thế nào?
Nếu hở van tim không quá nghiêm trọng, phương pháp điều trị thường tập trung vào việc thay đổi lối sống, điều trị các bệnh lý đi kèm và dùng thuốc để kiểm soát huyết áp.
Trong những trường hợp nặng, bác sĩ có thể đề nghị sửa chữa hoặc thay thế van tim bị hư hỏng.
Một báo cáo năm 2020 của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ (American College of Cardiology) cho rằng hai mục đích chính của việc thực hiện những can thiệp để điều trị hở van tim là làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng thất trái bị quá tải — buồng bơm chính của tim (thất trái) phải làm việc nhiều hơn và có thể dẫn đến suy tim.
Nếu bác sĩ xác định rằng trường hợp của bạn cần phải can thiệp y tế, một trong các thủ thuật sau có thể được cân nhắc thực hiện:
- Sửa chữa van tim: Trong thủ thuật này, các lá van có thể được cắt gọn hoặc vá lại để có thể đóng chặt. Một phương pháp phổ biến khác là tạo hình vòng van, trong đó một vòng làm từ kim loại, mô, hoặc vải được đặt xung quanh vòng tự nhiên của van để giúp thắt chặt van bị hở.
- Thay thế van tim: Trong trường hợp thay thế van tim, van bị hỏng sẽ được thay bằng một van khác làm từ kim loại hoặc mô của lợn, bò hoặc người hiến tặng.
Hở van tim có ảnh hưởng nghiêm trọng không?
Nếu hở van tim không gây ra triệu chứng và tim vẫn hoạt động tốt, tình trạng này có thể chỉ cần cần theo dõi nhưng không cần điều trị. Bác sĩ sẽ có thể yêu cầu tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng hở van tim.
Hở van tim có thể trở nên nghiêm trọng nếu ảnh hưởng đến khả năng vận động, giấc ngủ và sinh hoạt hằng ngày. Tác động đáng lo ngại nhất của tình trạng hở van tim là có thể khiến tim phải làm việc vất vả hơn bình thường, làm tim bị suy yếu và có thể gây suy tim.
Các xét nghiệm hình ảnh và các xét nghiệm sàng lọc khác có thể xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng hở van tim. Một số phương pháp chẩn đoán phổ biến là:
- Siêu âm tim: sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh động của tim khi tim đang bơm máu.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: sử dụng sóng radio và nam châm để tạo ra hình ảnh chi tiết của tim và các van tim.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): chụp một loạt hình ảnh X-quang để tạo ra hình ảnh cắt ngang của tim và các van tim.
- Thông tim: sử dụng một ống thông (ống mỏng, dài) được đưa vào động mạch ở vùng bẹn, cổ hoặc cánh tay và luồn vào tim để kiểm tra chức năng van tim.
Nếu xác định tình trạng hở van tim đang trở nặng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật sửa chữa van tim. Nếu van quá hư hỏng không thể sửa được, thay van tim có thể là phương pháp tốt nhất.
Việc điều trị sớm vấn đề hở van tim trước khi các biến chứng khác xảy ra có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề tim nghiêm trọng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Người bị hở van tim sẽ sống được bao lâu?
Tiên lượng của người bị hở van tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như:
- Tuổi tác khi chẩn đoán và điều trị
- Mắc các vấn đề tim mạch khác, như loạn nhịp tim hoặc bệnh tim mạch
- Mức độ ảnh hưởng đến van tim
- Loại van tim bị ảnh hưởng
- Phương pháp điều trị cần thiết
Kết luận
Trường hợp hở van tim nhẹ có thể không gây ra triệu chứng hoặc không dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi xuất hiện, triệu chứng thường là đau ngực hoặc khó chịu ở ngực, khó thở, mệt mỏi, chóng mặt và tim đập mạnh.
Những triệu chứng này có thể trở nặng theo thời gian nếu tình trạng hở van tim tiến triển và trở nên nghiêm trọng hơn.
Hở van tim thường có thể điều trị được. Vì vậy, điều quan trọng là cần phải được chẩn đoán chính xác nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng đáng lo ngại nào. Việc điều trị thích hợp càng được thực hiện sớm thì nguy cơ xảy ra các biến chứng tim nghiêm trọng sẽ càng giảm.

Những người mắc suy tim sung huyết có các vi sinh vật trên lưỡi khác với những người không mắc bệnh, lưỡi thường đỏ hơn và lớp phủ trên lưỡi ngả vàng hơn. Dù vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu nữa nhưng các phát hiện cho đến thời điểm hiện tại đã cho thấy rằng việc phân tích vi sinh vật trên lưỡi có thể trở thành phương pháp đơn giản và không xâm lấn để kiểm tra sức khỏe tim mạch trong tương lai.

Block nhĩ thất độ hai là một tình trạng tiềm ẩn nguy hiểm nhưng có thể điều trị được, ảnh hưởng đến hệ thống điện của tim. Để điều trị bệnh, bệnh nhân có thể cần đặt máy tạo nhịp tim để giúp ổn định nhịp tim.

Phình động mạch não hình túi (berry aneurysm) là dạng phình động mạch não phổ biến nhất, có hình dáng giống như một túi nhỏ hoặc quả mọng nhô ra từ thành động mạch. Phình động mạch bị vỡ sẽ có thể gây xuất huyết não - tình trạng cần được cấp cứu ngay lập tức.

Cholesterol là một loại chất béo có trong máu của bạn. Các tế bào cơ thể cần cholesterol, nó giúp cho màng ngoài của các tế bào ổn định.