Nhận biết tình trạng phình động mạch não hình túi

Phình động mạch não hình túi là gì?
Phình động mạch là hiện tượng động mạch bị phình ra do thành mạch yếu. Trong đó, phình động mạch não hình túi (berry aneurysm) là dạng phổ biến nhất, có hình dáng giống như một túi nhỏ hoặc quả mọng nhô ra từ thành động mạch. Loại phình mạch này thường xuất hiện tại vùng đáy não, nơi các mạch máu lớn gặp nhau, còn được gọi là Vòng Willis.
Theo thời gian, túi phình có thể gây áp lực lên thành mạch vốn đã bị suy yếu, dẫn đến nguy cơ bị vỡ phình mạch máu. Khi phình động mạch bị vỡ, máu sẽ tràn vào mô não, gây xuất huyết não. Đây là tình trạng nghiêm trọng cần được cấp cứu ngay lập tức.
Theo ASA (American Stroke Association), chỉ khoảng 1,5–5% dân số mắc phải chứng phình động mạch não và không phải tất cả các trường hợp đều bị vỡ, tỷ lệ chỉ rơi vào 0,5-3%.
Dấu hiệu nhận biết phình động mạch não hình túi
Thông thường, phình động mạch não có kích thước nhỏ và không gây triệu chứng. Tuy nhiên, nếu túi phình lớn, nó có thể chèn ép lên não hoặc dây thần kinh, dẫn đến các triệu chứng như:
- Đau đầu dữ dội
- Nhìn đôi hoặc nhìn mờ
- Yếu hoặc tê liệt một phần cơ thể
- Nói lắp hoặc khó nói
Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy đi khám bác sĩ ngay.
Khi phình động mạch não bị vỡ, máu từ động mạch bị ảnh hưởng sẽ tràn vào não, được gọi là tình trạng xuất huyết dưới nhện. Các triệu chứng nghiêm trọng có thể xảy ra là:
- Đau đầu đột ngột, dữ dội
- Mất ý thức
- Buồn nôn và nôn mửa
- Cứng cổ
- Rối loạn nhận thức đột ngột
- Nhạy cảm với ánh sáng, hay còn gọi là chứng sợ ánh sáng (photophobia)
- Co giật
- Mí mắt sụp xuống
Nếu gặp những dấu hiệu trên, bạn cần gọi cấp cứu ngay lập tức và hạn chế cử động để tránh tăng nguy cơ vỡ mạch nghiêm trọng hơn.
Ai có nguy cơ bị phình động mạch não?
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị phình động mạch não. Một số trường hợp mắc bệnh là do bẩm sinh, tức là có ngay từ khi sinh ra. Ngoài ra, những yếu tố khác sẽ có thể liên quan đến tình trạng sức khỏe hoặc lối sống.
Các yếu tố nguy cơ phổ biến là:
- Các bệnh mô liên kết như Hội chứng Ehlers-Danlos, hội chứng Marfan và loạn sản sợi cơ
- Bệnh thận đa nang
- Bất thường trong cấu trúc thành động mạch
- Dị dạng động tĩnh mạch não
- Tiền sử gia đình bị phình động mạch não hình túi
- Nhiễm trùng máu
- Khối u
- Chấn thương đầu
- Huyết áp cao
- Xơ vữa động mạch (tắc nghẽn động mạch do tích tụ mảng bám)
- Mức estrogen thấp
- Hút thuốc lá
- Sử dụng ma túy, đặc biệt là cocaine
- Uống quá nhiều rượu bia
Chẩn đoán phình động mạch não như thế nào?
Các bác sĩ thường phát hiện phình động mạch não thông qua các xét nghiệm hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiêm chất cản quang vào tĩnh mạch trong khi chụp CT hoặc MRI để hiển thị rõ hơn các mạch máu não.
Nếu những phương pháp trên không giúp phát hiện tình trạng nhưng bác sĩ vẫn nghi ngờ bạn có túi phình động mạch não, bác sĩ có thể sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm chẩn đoán khác.
Một trong số đó là chụp mạch máu não (cerebral angiogram), được tiến hành bằng cách đưa một ống thông nhỏ chứa thuốc cản quang vào động mạch lớn, thường là ở đùi, để quan sát rõ hơn mạch máu trong não. Tuy nhiên, phương pháp này ngày nay ít được sử dụng vì mang tính xâm lấn.
Phương pháp điều trị phình động mạch não hình túi
Có ba phương pháp chính để điều trị cả trường hợp phình động mạch não chưa vỡ và đã vỡ. Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng, do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc tiền sử bệnh, tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể để lựa chọn giải pháp an toàn nhất cho từng bệnh nhân.
1. Phẫu thuật kẹp túi phình
Phẫu thuật kẹp túi phình là một trong những phương pháp điều trị phổ biến nhất. Bác sĩ phẫu thuật thần kinh sẽ mở hộp sọ để tiếp cận túi phình, sau đó dùng một chiếc kẹp kim loại để thắt chặt cổ túi phình, ngăn không cho máu tiếp tục chảy vào. Điều này giúp giảm nguy cơ vỡ túi phình trong tương lai.
Đây là một phẫu thuật xâm lấn, đòi hỏi bệnh nhân phải nằm viện theo dõi trong vài ngày. Sau khi xuất viện, quá trình phục hồi thường kéo dài khoảng 4–6 tuần. Trong thời gian này, bệnh nhân cần nghỉ ngơi nhiều và tránh hoạt động mạnh. Sau đó, có thể dần dần hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ hoặc làm việc nhà. Sau 4–6 tuần, hầu hết bệnh nhân có thể hoạt động bình thường trở lại như trước khi phẫu thuật.
2. Can thiệp nội mạch đặt vòng xoắn kim loại (coiling)
Đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn hơn so với kẹp túi phình. Bác sĩ sẽ luồn một ống thông nhỏ có chứa sợi dây kim loại mềm bằng bạch kim vào trong động mạch, thường đi qua động mạch ở bẹn và luồn đến vị trí túi phình. Sợi dây này sẽ cuộn bên trong túi phình, giúp làm máu đông lại và bịt kín túi phình.
Thủ thuật này thường chỉ yêu cầu bệnh nhân cần ở lại bệnh viện một đêm. Đồng thời, bệnh nhân cũng có thể hồi phục nhanh hơn, sinh hoạt bình thường trở lại trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, phương pháp này có thể không đem lại hiệu quả lâu dài bằng phương pháp kẹp túi phình, vì vậy bệnh nhân vẫn cần được theo dõi định kỳ.
3. Đặt stent chuyển dòng máu
Đây là phương pháp mới được áp dụng để điều trị phình động mạch não, đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân không thể phẫu thuật. Bác sĩ sẽ đặt một ống đỡ (stent) vào động mạch chính, gần vị trí túi phình, giúp hướng dòng máu chảy đi nơi khác, làm giảm áp lực lên túi phình và tạo điều kiện để nó tự đóng lại sau khoảng 6 tuần đến 6 tháng.
Phương pháp này không xâm lấn trực tiếp vào túi phình nên sẽ giảm thiểu nguy cơ vỡ túi phình trong quá trình điều trị.
Kiểm soát triệu chứng của phình động mạch não
Trong một số trường hợp, đặc biệt là khi túi phình chưa vỡ và có nguy cơ bị vỡ thấp, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi thay vì can thiệp phẫu thuật ngay. Khi đó, các triệu chứng sẽ được quản lý bằng cách:
- Dùng thuốc giảm đau để giảm đau đầu
- Dùng thuốc chẹn kênh canxi để làm giãn mạch máu, ngăn ngừa tình trạng co mạch
- Dùng thuốc chống động kinh nếu bệnh nhân bị co giật
- Dẫn lưu dịch não tủy bằng ống dẫn lưu hoặc shunt nếu có tụ dịch trong não do túi phình vỡ
- Tập vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và trị liệu ngôn ngữ để khắc phục di chứng tổn thương não
Làm thế nào để giảm nguy cơ bị phình động mạch não hình túi?
Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn phình động mạch não nhưng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách thực hiện một số thay đổi lối sống sau:
- Bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc
- Tránh sử dụng ma túy
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo bão hòa và giàu chất xơ
- Tập thể dục đều đặn với các bài tập phù hợp
- Kiểm soát huyết áp và cholesterol
- Hạn chế rượu bia
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về nguy cơ khi sử dụng thuốc tránh thai nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh phình động mạch não
Đối với những người đã được chẩn đoán mắc bệnh, cần lưu ý các khuyến nghị trên và đồng thời tránh các hoạt động làm tăng huyết áp đột ngột, chẳng hạn như nâng vật nặng, để ngăn ngừa nguy cơ bị vỡ phình động mạch.
Phình động mạch não hình túi có phải lúc nào cũng gây tử vong hay không?
Không phải tất cả các trường hợp phình động mạch não hình túi đều nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều người có thể sống cả đời với tình trạng này mà không gặp biến chứng.
Tuy nhiên, nếu phình động mạch hình túi phát triển lớn hơn hoặc bị vỡ, nó có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài. Những ảnh hưởng này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Độ tuổi và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân
- Kích thước và vị trí của túi phình
Thời điểm phát hiện và điều trị bệnh là rất quan trọng. Do đó cần lắng nghe cơ thể và tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt y tế khẩn cấp nếu nhận thấy các dấu hiệu bị phình động mạch não.

Phình động mạch não là tình trạng động mạch trong não bị biến dạng, khiến một vùng trên thành động mạch phồng lên và chứa đầy máu. Tình trạng này còn được gọi là phình động mạch nội sọ hoặc phình động mạch não.

Phình động mạch xảy ra khi thành động mạch bị yếu đi do một số tác nhân, chẳng hạn như bị tổn thương do tích tụ mảng xơ vữa, dẫn đến hình thành một túi phình bất thường.

Phình động mạch chủ (aortic aneurysm) là khi thành động mạch chủ bị yếu, giãn ra và phình lên. Lóc tách động mạch chủ (aortic dissection) là khi lớp bên trong của thành động mạch chủ bị rách. Tình trạng này có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) là một phương pháp giúp xác định vị trí, kích thước và hình dạng của phình động mạch não.

Phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não được thực hiện nhằm ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng túi phình bị vỡ - một tình trạng cấp cứu đe dọa tính mạng.