1

Những điều cần biết về cholesterol và tình trạng tích tụ mảng bám trong động mạch

Cholesterol là một chất cần thiết cho hoạt động của cơ thể nhưng nếu ở mức quá cao, cholesterol có thể tích tụ trong động mạch và hình thành mảng bám, làm cản trở máu lưu thông.
Hình ảnh 15 Những điều cần biết về cholesterol và tình trạng tích tụ mảng bám trong động mạch

Động mạch là các mạch máu có nhiệm vụ đưa máu về tim, sau đó tim sẽ bơm máu đi nuôi toàn bộ cơ thể. Thành trong của động mạch vốn dĩ phải trơn láng, nhưng khi có tuổi, một chất dính gọi là mảng bám (plaque) có thể tích tụ trên thành mạch. Điều này khiến máu di chuyển qua động mạch trở nên khó khăn hơn.

Mảng bám trong động mạch được gọi là xơ vữa động mạch (atherosclerosis). Nếu không được điều trị, xơ vữa động mạch có thể gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc các bệnh lý nguy hiểm khác.

Cholesterol – một loại chất béo (lipid) – là thành phần chính trong mảng bám. Cơ thể chúng ta tự sản xuất cholesterol và cũng hấp thu thêm từ thực phẩm ăn vào.

Cholesterol thường được cho là có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên trên thực tế, cholesterol không phải lúc nào cũng xấu. Cholesterol rất cần thiết cho cơ thể để sản sinh hormone, tạo tế bào mới và hỗ trợ tiêu hoá. Vấn đề chỉ xảy ra khi lượng cholesterol trong máu quá cao.

Bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống và sử dụng thuốc để ngăn ngừa cholesterol tích tụ trong động mạch.

Vì sao cholesterol tích tụ trong động mạch?

Ở hầu hết người trưởng thành, cholesterol trong máu tăng cao chủ yếu do chế độ ăn nhiều chất béo bão hoà, cholesterol và chất béo chuyển hoá. Những loại chất béo này thường có nhiều trong các thực phẩm không lành mạnh như đồ chiên rán, thức ăn nhanh, thịt chế biến sẵn, các sản phẩm từ sữa nguyên kem, bánh ngọt, kẹo và đồ ăn vặt.

Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng có thể làm tăng nguy cơ bị cholesterol cao. Nếu có cha hoặc mẹ có cholesterol cao, bạn cũng sẽ dễ mắc phải tình trạng này hơn. Một số trường hợp cholesterol cao còn do rối loạn di truyền gọi là tăng cholesterol máu gia đình (familial hypercholesterolemia) mặc dù tình trạng này khá hiếm gặp.

Cholesterol cao là tình trạng rất phổ biến ở Hoa Kỳ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ước tính có gần 94 triệu người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên có mức cholesterol máu ở mức giới hạn cao.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ chính xác quá trình hình thành mảng bám bắt đầu như thế nào, nhưng nhiều nghiên cứu cho rằng, quá trình này khởi phát khi thành động mạch bị tổn thương hoặc viêm. Khi thành mạch bị tổn thương, cholesterol dư thừa trong máu sẽ dễ dàng bám vào thành mạch cùng với nhiều chất khác và hình thành nên mảng bám.

Mảng bám thường bao gồm:

  • Canxi
  • Chất béo
  • Cholesterol
  • Chất thải tế bào
  • Fibrin (một loại protein giúp hình thành cục máu đông)

Cholesterol có ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành mảng bám. Trong máu, cholesterol được vận chuyển nhờ các hạt lipoprotein. LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp) hay còn gọi là “cholesterol xấu” là thành phần chính tạo nên mảng bám trong động mạch. Ngược lại, HDL (lipoprotein tỷ trọng cao) hay còn gọi là “cholesterol tốt” lại giúp vận chuyển bớt cholesterol xấu ra khỏi thành động mạch.

Nhiều cholesterol xấu (LDL) và ít cholesterol tốt (HDL) chính là điều kiện thuận lợi cho quá trình xơ vữa động mạch.

Những yếu tố làm tăng tốc độ hình thành mảng bám trong động mạch:

  • Hút thuốc lá
  • Đái tháo đường (đặc biệt là khi đường huyết kiểm soát kém)
  • Ít vận động
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Trầm cảm
  • Căng thẳng kéo dài
  • Tăng huyết áp
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch (yếu tố di truyền)

Tuổi tác cũng là một yếu tố có ảnh hưởng đáng kể. Khi lớn tuổi, động mạch có xu hướng trở nên cứng hơn và mất tính đàn hồi, khiến chúng dễ bị mảng bám bám vào hơn.

Khi mảng bám phát triển, tình trạng này sẽ kích hoạt chuỗi phản ứng viêm trong cơ thể, làm quá trình hình thành mảng bám tiếp tục diễn tiến nhanh hơn.

Động mạch bắt đầu tắc nghẽn từ độ tuổi nào?

Thực tế, quá trình tích tụ mảng bám trong động mạch có thể bắt đầu từ khi còn nhỏ.

Một số nghiên cứu cho thấy, dấu hiệu sớm của xơ vữa động mạch có thể xuất hiện ở trẻ dưới 10 tuổi. Tình trạng mảng bám sẽ tiến triển rõ hơn khi bước sang độ tuổi 20 – 30 và có thể tăng nhanh trong những năm 40 – 50 tuổi. Đối với nam giới, nguy cơ tắc nghẽn động mạch sẽ tăng cao sau tuổi 45. Đối với nữ giới, nguy cơ này thường tăng lên sau tuổi 55.

Làm sao để biết động mạch có bị tắc nghẽn hay không?

Thông thường, người bị tắc nghẽn động mạch sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh đã tiến triển nặng hoặc xảy ra cơn đau tim hay đột quỵ.

Nếu động mạch vành bị tắc nghẽn nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng sau:

  • Đau ngực (còn gọi là cơn đau thắt ngực)
  • Khó thở
  • Đánh trống ngực (cảm giác tim đập dồn dập)
  • Chóng mặt
  • Đổ mồ hôi nhiều
  • Yếu người
  • Mệt mỏi

Nếu mạch máu lên não bị tắc, người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ như:

  • Nói ngọng hoặc khó nói
  • Méo miệng
  • Yếu hoặc tê liệt (hoặc cả hai) ở một bên cơ thể
  • Thay đổi thị lực
  • Đi đứng loạng choạng, mất thăng bằng

Khi gặp các triệu chứng này, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt.

Xét nghiệm nào giúp kiểm tra tắc nghẽn động mạch hiệu quả nhất?

Phương pháp kiểm tra tốt nhất để phát hiện động mạch tim bị tắc nghẽn là chụp mạch vành (cardiac angiogram). Đây là kỹ thuật chụp X-quang vùng ngực sau khi tiêm thuốc cản quang có chứa chất phóng xạ nhẹ vào động mạch tim. Đây được xem là phương pháp tốt nhất trong chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến tắc nghẽn động mạch tim. Qua hình ảnh chụp được, bác sĩ có thể quan sát và xác định rõ vị trí và mức độ tắc nghẽn của động mạch.

Tuy nhiên, trước khi chỉ định chụp mạch vành, bác sĩ thường sẽ tiến hành khám lâm sàng để phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ máu lưu thông kém, chẳng hạn như mạch yếu hoặc vết thương lâu lành.

Bác sĩ cũng có thể thực hiện nghe tim để kiểm tra xem có bất thường nào không, ví dụ như tiếng thổi tim hoặc tiếng động lạ khi máu đi qua động mạch bị hẹp.

Nếu nghi ngờ có xơ vữa động mạch, bác sĩ có thể chỉ định chụp mạch vành hoặc một số xét nghiệm khác để hỗ trợ chẩn đoán như:

  • Điện tâm đồ (ECG): ghi lại hoạt động điện của tim
  • Siêu âm tim (echocardiogram): kiểm tra chức năng tim, phát hiện bất thường do động mạch tắc nghẽn
  • Chụp CT mạch vành (CT angiography): chụp hình ảnh bên trong động mạch mà không cần can thiệp
  • Siêu âm Doppler: sử dụng sóng âm tần số cao để quan sát lưu lượng máu trong động mạch, phát hiện bệnh mạch máu ngoại vi
  • Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA): quan sát tình trạng dòng chảy máu trong tim hoặc động mạch

Ngoài ra, bác sĩ có thể xét nghiệm máu để kiểm tra chỉ số cholesterol và đo huyết áp. Một số trường hợp còn được tiến hành nghiệm pháp gắng sức (stress test) để đánh giá phản ứng của tim khi vận động. Nếu bệnh nhân không thể vận động, bác sĩ có thể chỉ định làm nghiệm pháp gắng sức hạt nhân (nuclear stress test).

Cách làm giảm mảng bám trong động mạch

Thay đổi chế độ ăn uống và áp dụng lối sống tốt cho tim mạch tuy không dễ thực hiện ngay lập tức nhưng bạn vẫn nên cố gắng để duy trì lâu dài. Thay vì tập trung kiêng hoàn toàn một số món ăn không tốt, bạn nên điều chỉnh cách ăn uống và sinh hoạt hàng ngày theo hướng bền vững hơn.

Một số thay đổi bạn có thể áp dụng để hạn chế sự tích tụ mảng bám trong động mạch gồm có:

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ vì chất xơ có thể giúp giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu)
  • Ăn nhiều rau củ và trái cây
  • Ưu tiên chất béo tốt từ dầu ô liu, quả bơ, các loại hạt
  • Có thể cân nhắc áp dụng chế độ ăn thiên hướng thực vật
  • Hình thành thói quen đọc kỹ nhãn thực phẩm trước khi mua, tránh sản phẩm nhiều muối, chất béo bão hòa hoặc đường
  • Tập thể dục khoảng 30 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần
  • Duy trì cân nặng hợp lý

Ngoài ra, một số lưu ý khác gồm:

  • Tránh ăn nhiều thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, cholesterol hoặc chất béo chuyển hóa như thịt chế biến sẵn, thức ăn nhanh, bánh kẹo công nghiệp
  • Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn
  • Hạn chế uống rượu, bia
  • Bỏ thuốc lá nếu đang hút

Nếu cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để kiểm soát huyết áp và cholesterol cao. Một số thuốc thường dùng gồm có:

  • Statin
  • Thuốc chẹn beta (beta-blockers)
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors)
  • Thuốc ức chế PCKS9 (PCKS9 inhibitors) như evolocumab (Repatha) hoặc alirocumab (Praluent)
  • Thuốc chẹn kênh canxi (calcium channel blockers)

Nếu động mạch bị tắc nghẽn nặng, có thể cần phẫu thuật để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Bác sĩ có thể phẫu thuật loại bỏ mảng bám hoặc tạo đường dẫn máu mới vòng qua đoạn động mạch bị tắc.

Sống chung với cholesterol cao

Nếu bạn bị cholesterol cao, cần sớm có biện pháp kiểm soát để phòng tránh bệnh tim mạch và các biến chứng nguy hiểm khác. Không phải ai bị cholesterol cao cũng cần dùng thuốc ngay. Thông thường, bác sĩ sẽ khuyến khích bạn thay đổi chế độ ăn uống và lối sống trước khi chỉ định thuốc.

Nếu gặp khó khăn trong việc thay đổi lối sống do căng thẳng, lo âu, trầm cảm hoặc lạm dụng chất gây nghiện, bạn có thể tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Hiện nay có nhiều dịch vụ tư vấn tâm lý trực tuyến khá tiện lợi.

Kết luận

Khi mảng bám tích tụ trong động mạch, chúng có thể bị cứng lại và gây tắc nghẽn, cản trở lưu thông máu và dẫn tới bệnh tim, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên hoặc nhồi máu cơ tim.

Cholesterol cao và mảng bám trong động mạch thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo người trưởng thành nên kiểm tra cholesterol ít nhất 4-6 năm/lần. Nếu bạn đã có cholesterol cao hoặc có các yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ yêu cầu kiểm tra thường xuyên hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về phình động mạch chủ bụng dưới thận
Những điều cần biết về phình động mạch chủ bụng dưới thận

Phình động mạch chủ bụng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào bên dưới cơ hoành nhưng vùng bên dưới thận là khu vực có nguy cơ cao nhất. Tình trạng phình động mạch chủ ở khu vực này được gọi là phình động mạch chủ bụng dưới thận.

Những điều cần biết về phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não
Những điều cần biết về phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não

Phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não được thực hiện nhằm ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng túi phình bị vỡ - một tình trạng cấp cứu đe dọa tính mạng.

Nhận biết tình trạng phình động mạch não hình túi
Nhận biết tình trạng phình động mạch não hình túi

Phình động mạch não hình túi (berry aneurysm) là dạng phình động mạch não phổ biến nhất, có hình dáng giống như một túi nhỏ hoặc quả mọng nhô ra từ thành động mạch. Phình động mạch bị vỡ sẽ có thể gây xuất huyết não - tình trạng cần được cấp cứu ngay lập tức.

Những điều cần biết về chụp cắt lớp vi tính đánh giá vôi hóa mạch vành
Những điều cần biết về chụp cắt lớp vi tính đánh giá vôi hóa mạch vành

Chụp cắt lớp vi tính đánh giá vôi hóa mạch vành (Coronary Calcium Test) máu kiểm tra cholesterol là một phương pháp giúp đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Bạn biết gì về động mạch trong cơ thể?
Bạn biết gì về động mạch trong cơ thể?

Bạn biết gì về hệ thống động mạch trong cơ thể?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây