1

Viêm tủy xương

Viêm tủy xương là một dạng nhiễm trùng xương. Vi khuẩn gây nhiễm trùng xương có thể xâm nhập vào xương qua máu hoặc lây lan từ các mô lân cận. Tình trạng nhiễm trùng cũng có thể bắt đầu phát sinh ở chính xương nếu xương tiếp xúc với vi khuẩn khi có vết thương hở.

Những người hút thuốc và người mắc các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc suy thận, có nguy cơ viêm tủy xương cao hơn bình thường. Những người bị tiểu đường có thể bị viêm tủy xương ở bàn chân nếu bị loét chân.

Trước đây, viêm tủy xương là bệnh không thể chữa khỏi nhưng hiện nay căn bệnh này có thể được điều trị thành công. Hầu hết các ca bệnh đều phải phẫu thuật để loại bỏ các vùng xương đã bị hỏng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường phải tiêm thuốc kháng sinh mạnh một thời gian.

Triệu chứng viêm tủy xương

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tủy xương gồm có:

  • Sốt
  • Sưng tấy, nóng và đỏ ở vùng nhiễm trùng
  • Đau ở vùng nhiễm trùng
  • Mệt mỏi

Đôi khi viêm tủy xương không có triệu chứng hoặc các triệu chứng khó phân biệt với các bệnh lý khác, đặc biệt là viêm tủy xương ở trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu.

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám nếu bị đau xương ngày càng nặng và kèm theo sốt. Nếu bản thân có nguy cơ cao bị nhiễm trùng do sức khỏe yếu, mới phẫu thuật hoặc mới bị chấn thương thì phải đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng.

Nguyên nhân gây viêm tủy xương

Hầu hết các trường hợp viêm tủy xương là do vi khuẩn tụ cầu (staphylococcus). Loại vi khuẩn này tồn tại tự nhiên trên da và trong mũi của hầu hết mọi người.

Vi khuẩn có thể xâm nhập vào xương qua nhiều con đường như:

  • Đường máu: Vi khuẩn ở các bộ phận khác của cơ thể - ví dụ như trong phổi do viêm phổi hoặc trong bàng quang do nhiễm trùng đường tiết niệu - có thể di chuyển theo máu đến một vị trí bị tổn thương của xương.
  • Chấn thương: Những vết thương nghiêm trọng có thể mang mầm bệnh vào sâu bên trong cơ thể. Nếu vết thương bị nhiễm trùng, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cấu trúc xương gần đó. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào xương nếu bị gãy xương hở (đầu xương gãy đâm xuyên qua da và tiếp xúc với không khí bên ngoài nên có thể bị nhiễm vi khuẩn).
  • Phẫu thuật: Nhiễm trùng trực tiếp có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật thay khớp hoặc phẫu thuật gãy xương.

Các yếu tố nguy cơ gây viêm tủy xương

Xương có khả năng chống lại nhiễm trùng nhưng khả năng tự bảo vệ này sẽ suy giảm khi có tuổi. Ngoài tuổi tác, các yếu tố khác cũng có thể khiến xương dễ bị tổn thương và có nguy cơ viêm tủy xương còn có:

Mới bị chấn thương hoặc phẫu thuật

Gãy xương nghiêm trọng hoặc vết thương hở sâu chẳng hạn như vết cắn của động vật hoặc đinh đâm vào chân tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào xương hoặc mô lân cận và gây nhiễm trùng.

Phẫu thuật điều trị gãy xương hoặc phẫu thuật thay các khớp bị hỏng cũng có thể vô tình tạo ra con đường cho vi khuẩn xâm nhập vào xương. Việc sử dụng các dụng cụ cấy ghép trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Vấn đề về tuần hoàn máu

Khi các mạch máu bị tổn thương hoặc tắc nghẽn, các tế bào miễn dịch sẽ khó đến được vùng bị nhiễm trùng để ngăn chặn nhiễm trùng lây lan rộng. Lúc này, ngay cả một vết thương nhỏ có thể tiến triển thành vết loét sâu, khiến cho xương và mô xung quanh bị nhiễm trùng.

Các bệnh gây suy giảm lưu thông máu gồm có:

  • Bệnh tiểu đường không được kiểm soát
  • Bệnh động mạch ngoại biên
  • Bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm

Các bệnh phải đặt ống thông hoặc truyền tĩnh mạch

Một số bệnh cần phải sử dụng ống y tế để nối các cơ quan nội tạng với bên ngoài để đưa chất thải ra bên ngoài, lọc máu hoặc đưa thuốc và dưỡng chất vào trong cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, những đường ống này có thể là con đường để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nói chung và có thể dẫn đến viêm tủy xương.

Một số loại ống y tế được sử dụng trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân gồm có:

  • Hệ thống đường ống của máy lọc máu
  • Ống thông tiểu
  • Ống thông tĩnh mạch trung tâm

Các bệnh và phương pháp điều trị làm suy giảm hệ miễn dịch

Một số bệnh lý và phương pháp điều trị có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ viêm tủy xương, chẳng hạn như:

  • Các phương pháp điều trị ung thư
  • Bệnh tiểu đường không được kiểm soát
  • Corticoid và thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u

Sử dụng ma túy

Những người tiêm chích ma túy có nguy cơ bị viêm tủy xương cao hơn do sử dụng kim tiêm không vô trùng và cũng không sát khuẩn da trước khi tiêm.

Biến chứng của viêm tủy xương

Viêm tủy xương có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Hoại tử xương: Nhiễm trùng có thể cản trở sự lưu thông máu trong xương và khi không được cung cấp máu, mô xương sẽ chết (hoại tử). Cần phải phẫu thuật cắt bỏ những phần xương bị hoại tử và sau đó dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
  • Viêm khớp nhiễm khuẩn: Đôi khi, nhiễm trùng trong xương có thể lây lan sang khớp lân cận.
  • Tăng trưởng kém: Sự phát triển bình thường của xương hoặc khớp ở trẻ em có thể bị ảnh hưởng nếu viêm tủy xương xảy ra ở đĩa tăng trưởng – khu vực nằm ở hai đầu xương dài của cánh tay và cẳng chân.
  • Ung thư da: Nếu tình trạng viêm tủy xương gây ra vết loét và mưng mủ thì vùng da xung quanh có nguy cơ cao bị ung thư tế bào vảy.

Phòng ngừa viêm tủy xương

Những người dễ bị nhiễm trùng cần trao đổi với bác sĩ về các cách ngăn ngừa nhiễm trùng. Giảm nguy cơ nhiễm trùng cũng sẽ giúp giảm nguy cơ mắc viêm tủy xương.

Nói chung, cần tránh để cơ thể có vết thương hở - con đường mà vi khuẩn có thể xâm nhập từ bên ngoài vào các cơ quan bên trong. Nếu có vết thương nhẹ thì hãy vệ sinh khu vực bị thương ngay lập tức và băng lại, sau đó kiểm tra vết thương thường xuyên xem có dấu hiệu nhiễm trùng hay không.

Phương pháp chẩn đoán viêm tủy xương

Bác sĩ sẽ sờ nắn khu vực xung quanh xương có vấn đề xem có bị đau, sưng tấy hay nóng đỏ hay không. Nếu bệnh nhân bị loét bàn chân, bác sĩ sẽ sử dụng đầu dò để xác định vị trí của xương bên dưới.

Tiếp theo sẽ phải làm xét nghiệm máu, thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết để chẩn đoán viêm tủy xương và xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu sẽ giúp phát hiện số lượng bạch cầu tăng cao và một số dấu hiệu khác chỉ ra tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể. Nếu viêm tủy xương là do nhiễm trùng trong máu thì xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện loại vi khuẩn cụ thể gây nhiễm trùng.

Không có xét nghiệm máu nào có thể xác nhận chính xác viêm tủy xương. Tuy nhiên, xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ có thêm thông tin để chỉ định những phương pháp chẩn đoán tiếp theo cần thực hiện.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang cho thấy tổn thương xương nhưng đôi khi phải vài tuần sau khi bắt đầu bị viêm tủy xương thì tình trạng tổn thương xương mới hiển thị trên ảnh chụp X-quang. Nếu mới bị viêm tủy xương thì có thể sẽ phải thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh chi tiết hơn.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh đặc biệt chi tiết về xương và các mô mềm xung quanh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT là phương pháp kết hợp ảnh chụp X-quang từ nhiều góc độ để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang chi tiết của các cấu trúc bên trong cơ thể. Chụp CT thường chỉ được thực hiện trong những trường hợp không thể chụp MRI.

Sinh thiết xương

Sinh thiết xương được thực hiện nhằm xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng xương, từ đó bác sĩ sẽ kê loại kháng sinh phù hợp.

Có nhiều kỹ thuật sinh thiết. Sinh thiết mở phải gây mê và phẫu thuật để tiếp cận xương. Trong sinh thiết kim, bác sĩ đưa một cây kim dài qua da vào xương để lấy mẫu mà không cần tạo đường rạch. Bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ ở vị trí đâm kim. Kim được đưa qua da vào xương dưới sự hướng dẫn của hình ảnh X-quang hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.

Điều trị viêm tủy xương

Phương pháp phổ biến nhất để điều trị viêm tủy xương là phẫu thuật loại bỏ các phần xương bị nhiễm trùng hoặc hoại tử, sau đó tiêm thuốc kháng sinh qua tĩnh mạch.

Phẫu thuật

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm tủy xương mà bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp phẫu thuật sau:

  • Loại bỏ dịch tích tụ ở khu vực nhiễm trùng: Mở khu vực xung quanh xương bị nhiễm trùng để loại bỏ toàn bộ mủ hoặc dịch tích tụ.
  • Cắt bỏ xương và mô bị hỏng: Cắt bỏ toàn bộ phần xương bị nhiễm trùng hay hoại tử cùng một phần nhỏ xương khỏe mạnh xung quanh. Vùng mô mềm có dấu hiệu nhiễm trùng xung quanh xương cũng sẽ bị cắt bỏ.
  • Khôi phục lưu thông máu đến xương: Sau bước cắt lọc xương và mô, phần xương bị mất sẽ được thay thế bằng một mảnh xương lấy từ vị trí khác trong cơ thể và mô mềm sẽ được thay bằng mô da hoặc cơ.

Đôi khi, xương và mô mềm được thay tạm thời bằng chất làm đầy (filler) cho đến khi bệnh nhân hồi phục sức khỏe và đủ điều kiện ghép xương hoặc mô. Ghép xương và mô giúp cơ thể phục hồi các mạch máu bị hỏng và hình thành xương mới.

  • Tháo dụng cụ cấy ghép: Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ phải tháo các dụng cụ đã được cấy ghép vào xương trong ca phẫu thuật trước đó, chẳng hạn như nẹp vít.
  • Cắt cụt chi: Những trường hợp nghiêm trọng có thể phải cắt đi bên tay hoặc chân có xương bị hỏng để ngăn nhiễm trùng tiếp tục lây lan rộng. Đây là phương án cuối cùng trong điều trị viêm tủy xương.

Điều trị bằng thuốc kháng sinh

Sinh thiết xương sẽ cho biết loại vi khuẩn gây nhiễm trùng và từ đó bác sĩ sẽ kê loại kháng sinh phù hợp. Thuốc kháng sinh thường được tiêm qua tĩnh mạch ở cánh tay trong thời gian khoảng 6 tuần. Những trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng có thể phải dùng thêm một đợt kháng sinh đường uống.

Những người hút thuốc lá cần phải bỏ thuốc để xương nhanh lành. Nếu mắc bệnh mãn tính thì phải kiểm soát tốt tình trạng bệnh để quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi. Ví dụ, nếu bị bệnh tiểu đường thì phải kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách dùng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Lợi ích của tập pilates đối với người bị loãng xương
Lợi ích của tập pilates đối với người bị loãng xương

Loãng xương chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ nhưng tỷ lệ loãng xương ở nam giới và phụ nữ trẻ ngày càng gia tăng.

Các loại phẫu thuật điều trị gãy xương do loãng xương
Các loại phẫu thuật điều trị gãy xương do loãng xương

Khi bị gãy xương do loãng xương, giải pháp điều trị thường là phẫu thuật. Vật lý trị liệu, tập thể dục và bổ sung canxi cũng là những điều cần thiết để khôi phục khả năng vận động và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.

Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp vảy nến (Psoriatic arthritis - PsA) là một tình trạng kết hợp các triệu chứng sưng, đau khớp của bệnh viêm khớp với bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến thường có các triệu chứng đặc trưng là các mảng đỏ, đóng vảy cứng, ngứa ở trên da và đầu.

Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây