Viêm khớp: Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị

Thoái hóa khớp xảy ra khi sụn – phần mô mềm dẻo, trơn nhẵn bao bọc các đầu xương - bị phá hủy, bào mòn. Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, có nghĩa là xảy ra hệ miễn dịch tấn công các khớp, bắt đầu từ màng hoạt dịch.
Bệnh gút cũng là một loại viêm khớp, xảy ra khi nồng độ axit uric trong máu quá cao dẫn đến tích tụ tinh thể axit uric ở các khớp, gây đau và viêm khớp. Nhiễm trùng hoặc các bệnh tự miễn khác như bệnh vảy nến hoặc bệnh lupus ban đỏ hệ thống có thể gây ra các loại viêm khớp khác.
Việc điều trị tùy thuộc loại viêm khớp. Mục đích chính của các phương pháp điều trị viêm khớp là giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Các loại viêm khớp
- Viêm cột sống dính khớp
- Bệnh Gout
- Viêm khớp tự phát thiếu niên
- Thoái hóa khớp
- Viêm khớp vảy nến
- Viêm khớp phản ứng
- Viêm khớp dạng thấp
- Viêm khớp nhiễm khuẩn
- Viêm khớp ngón tay cái
Triệu chứng viêm khớp
Bệnh viêm khớp có nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào loại viêm khớp nhưng một số dấu hiệu và triệu chứng chung gồm có:
- Đau khớp
- Cứng khớp
- Sưng đỏ, nóng quanh khớp
- Giảm phạm vi chuyển động của khớp
Nguyên nhân gây viêm khớp
Ở hai loại viêm khớp chính là thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp, khớp bị tổn thương theo các cách khác nhau.
Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp - loại viêm khớp phổ biến nhất – xảy ra do sự bào mòn và tổn thương sụn khớp (phần mô liên kết mềm dẻo, trơn nhẵn bao bọc đầu xương). Sụn có vai trò như lớp đệm cho các đầu xương, giúp giảm ma sát khi khớp chuyển động. Khi lớp sụn bị phá hủy hay mỏng dần theo thời gian, các đầu xương sẽ cọ xát với nhau khi chuyển động, gây đau và hạn chế khả năng cử động. Lớp sụn có thể mất đi từ từ trong suốt nhiều năm do bị bào mòn hoặc mất đi nhanh chóng do chấn thương khớp hoặc do nhiễm trùng.
Thoái hóa khớp cũng có thể xảy ra do những thay đổi trong xương và sự suy giảm mô liên kết – các mô có vai trò gắn kết cơ với xương và gắn kết các khớp với nhau. Nếu sụn trong khớp bị tổn thương nghiêm trọng, màng hoạt dịch sẽ bị viêm và sưng.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp xảy ra do hệ miễn dịch cơ thể tấn công màng hoạt dịch - lớp đệm mỏng nằm bên trong bao khớp, khiến cho màng hoạt dịch bị viêm và sưng lên. Quá trình này sẽ dần dần phá hủy sụn và xương.
Ai có nguy cơ viêm khớp?
Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm khớp nhưng nguy cơ sẽ cao hơn nếu có các yếu tố sau đây:
- Tiền sử gia đình: Một số loại viêm khớp có thể di truyền nên nếu có người thân ruột thịt trong gia đình bị viêm khớp thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
- Tuổi cao: Nguy cơ mắc một số loại viêm khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp và bệnh gút tăng lên theo tuổi tác.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới nhưng phần lớn những người bị bệnh gút là nam giới.
- Từng bị tổn thương khớp: Những người từng bị thương ở khớp sẽ dễ bị viêm khớp hơn.
- Béo phì: Khối lượng cơ thể lớn gây áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp gối, hông và cột sống. Do đó, những người bị béo phì có nguy cơ viêm khớp cao hơn so với người có cân nặng khỏe mạnh.
Biến chứng của viêm khớp
Viêm khớp nặng, đặc biệt là viêm khớp xảy ra ở bàn tay hoặc cánh tay, sẽ gây cản trở các hoạt động hàng ngày. Viêm khớp xảy ra ở các khớp phải chịu trọng lực như khớp gối hay khớp cổ chân khiến cho người bệnh gặp khó khăn khi đứng hoặc đi lại. Đôi khi, viêm khớp dẫn đến sai lệch và biến dạng các khớp.
Chẩn đoán viêm khớp
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra các khớp xem có bị sưng đau, đỏ và nóng hay không và đánh giá khả năng chuyển động của khớp.
Sau đó sẽ phải thực hiện các phương pháp dưới đây để xác nhận viêm khớp và xác định loại viêm khớp.
Xét nghiệm
Phân tích mẫu máu, nước tiểu và dịch khớp giúp xác định loại viêm khớp. Trong trường hợp cần lấy mẫu dịch khớp, bác sĩ sẽ sát khuẩn, gây tê tại chỗ và đưa kim qua da vào ổ khớp để hút dịch.
Chẩn đoán hình ảnh
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện các vấn đề ở khớp. Một số phương pháp thường được sử dụng gồm có:
- Chụp X-quang: Sử dụng bức xạ liều thấp để tạo ra hình ảnh của cấu trúc xương trong cơ thể. Hình ảnh X-quang giúp phát hiện tình trạng mất sụn, tổn thương xương và các gai xương. Mặc dù chụp X-quang không thể phát hiện sớm tổn thương khớp nhưng phương pháp này thường được sử dụng để theo dõi sự tiến triển của bệnh.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Sử dụng tia X tạo ra hình ảnh ở nhiều góc độ khác nhau và kết hợp các hình ảnh này lại để tạo ra hình ảnh mặt cắt của các cấu trúc bên trong cơ thể. Ảnh chụp CT giúp đánh giá tình trạng xương và mô mềm xung quanh xương.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kết hợp sóng vô tuyến với từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang chi tiết hơn của các mô mềm như sụn, gân và dây chằng.
- Siêu âm: Sử dụng sóng âm tần số cao để thu hình ảnh của mô mềm, sụn và bao hoạt dịch. Hình ảnh siêu âm còn được sử dụng để hướng dẫn quá trình chọc hút dịch khớp hoặc tiêm thuốc vào khớp.
Điều trị viêm khớp
Các phương pháp điều trị viêm khớp đều nhằm mục đích chính là làm giảm các triệu chứng và cải thiện chức năng khớp. Người bệnh có thể sẽ phải thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau để tìm ra phương pháp phù hợp nhất và đôi khi phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau để tăng hiệu quả.
Dùng thuốc
Các loại thuốc thường được sử dụng phổ biến để điều trị viêm khớp gồm có:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Nhóm thuốc này giúp giảm đau và viêm. Một số thuốc NSAID được dùng nhiều là ibuprofen và naproxen sodium. Các loại NSAID mạnh có thể gây kích ứng dạ dày và làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Ngoài dạng uống, thuốc NSAID còn có cả dạng bôi ngoài da.
- Thuốc giảm đau dùng ngoài: Một số loại thuốc bôi điều trị viêm khớp có chứa tinh dầu bạc hà hoặc capsaicin - thành phần tạo nên vị cay của quả ớt. Xoa các thành phần này lên da có thể cản trở sự truyền tín hiệu đau từ khớp bị viêm và nhờ đó giúp giảm triệu chứng đau đớn.
- Thuốc corticoid (steroid): Các loại thuốc nhóm corticoid, chẳng hạn như prednisone, giúp làm giảm viêm, đau và làm chậm quá trình tổn thương khớp. Corticoid có dạng viên uống và dạng tiêm trực tiếp vào khớp bị viêm. Nhóm thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như loãng xương, tăng cân và tiểu đường.
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (disease-modifying antirheumatic drugs - DMARD): Những loại thuốc này giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp và ngăn tổn thương vĩnh viễn ở khớp cũng như là các mô khác. Ngoài các loại DMARD thông thường còn có các tác nhân sinh học và DMARD tổng hợp nhắm trúng đích. Mỗi loại DMARD gây ra các tác dụng phụ khác nhau nhưng hầu hết đều làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Loại thuốc cụ thể cần sử dụng tùy thuộc vào loại viêm khớp.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là một phần cần thiết trong quá trình điều trị một số loại viêm khớp. Các bài tập vật lý trị liệu giúp cải thiện phạm vi chuyển động của khớp và cải thiện sức mạnh của các cơ quanh khớp. Bệnh nhân có thể phải đeo nẹp hoặc đai hỗ trợ quanh khớp bị viêm.
Phẫu thuật
Nếu các biện pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định một trong các quy trình phẫu thuật sau đây:
- Sửa khớp: Bề mặt khớp được làm nhẵn hoặc nắn chỉnh để giảm đau và cải thiện chức năng khớp. Phương pháp này thường được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi qua các đường rạch nhỏ trên da.
- Thay khớp: Khớp bị hỏng được loại bỏ và thay thế bằng khớp nhân tạo. Thay khớp thường được thực hiện cho khớp hông và khớp gối.
- Kết hợp xương: Phương pháp này thường được sử dụng cho các khớp nhỏ hơn, chẳng hạn như khớp cổ tay, mắt cá chân và ngón tay. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ cắt hai đầu xương trong khớp và sau đó khóa hai đầu lại với nhau cho đến khi xương liền lại thành một.
Các phương pháp điều trị khác
Dưới đây là một số phương pháp khác được sử dụng để giảm các triệu chứng viêm khớp:
- Châm cứu: Sử dụng kim có kích thước khác nhau đâm qua da vào các điểm cụ thể trên cơ thể để giảm đau và cải thiện khả năng cử động.
- Glucosamin: Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng glucosamine giúp làm giảm đau nhức xương khớp, đặc biệt là ở những người bị đau mức độ từ vừa đến nặng do thoái hóa khớp gối.
- Chondroitin: Chondroitin có thể giúp làm giảm triệu chứng đau nhẹ do thoái hóa khớp.
- Dầu cá: Một số nghiên cứu ban đầu đã cho thấy rằng uống dầu cá giúp làm giảm triệu chứng của một số loại viêm khớp. Tuy nhiên, dầu cá có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại thuốc đang dùng nên cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
- Yoga và thái cực quyền: Các động tác giãn cơ chậm rãi của yoga và thái cực quyền có thể giúp cải thiện tính linh hoạt của khớp và phạm vi chuyển động.
- Mát-xa: Xoa bóp các cơ có thể giúp làm tăng lưu thông máu và làm ấm các khớp bị viêm, nhờ đó có thể tạm thời làm giảm cơn đau.
Điều chỉnh thói quen sống
Đôi khi, một số điều chỉnh về thói quen sống có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp:
- Giảm cân: Khối lượng cơ thể quá lớn gây áp lực lê các khớp phải chịu trọng lực như khớp hông, khớp đối và khớp cổ chân. Ở những người bị thừa cân hoặc béo phì, giảm cân có thể giúp tăng khả năng vận động và giảm nguy cơ chấn thương khớp.
- Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên giúp giữ cho các khớp linh hoạt. Bơi lội là một trong những lựa chọn phù hợp cho những người bị viêm khớp vì lực đẩy trong nước làm giảm áp lực lên các khớp chịu trọng lực.
- Chườm nóng và lạnh: Các phương pháp đơn giản này có thể giúp giảm sưng đau do viêm khớp.
- Thiết bị hỗ trợ: Sử dụng gậy chống, lót giày y khoa, khung tập đi, dụng cụ nâng bệ ngồi toilet và các thiết bị hỗ trợ khác có thể giúp bảo vệ khớp và giúp người bị viêm khớp thực hiện các hoạt động hàng ngày dễ dàng hơn.

Viêm khớp vảy nến (psoriatic arthritis) là loại viêm khớp xảy ra ở những người mắc bệnh vảy nến – một bệnh về da xảy ra do hệ miễn dịch tấn công tế bào da, có triệu chứng là các mảng da đỏ, đóng vảy trắng bạc, ngứa ngáy, đau và chảy máu. Khoảng 90% những người bị viêm khớp vảy nến có tiền sử bệnh vảy nến. Không có cách nào có thể chữa trị khỏi bệnh viêm khớp vảy nến. Mục đích điều trị là kiểm soát các triệu chứng và ngăn khớp hỏng nặng thêm. Nếu không được điều trị, bệnh viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến tàn tật.

Viêm khớp phản ứng là tình trạng viêm khớp xảy ra do nhiễm trùng ở một khu vực khác trong cơ thể. Đa phần, viêm khớp phản ứng là do các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn ở đường ruột. Tình trạng viêm khớp thường xảy ra sau khi nhiễm trùng đã được điều trị khỏi.

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.

Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp do nhiễm trùng ở một cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây ra.