Viêm khớp nhiễm trùng: Triệu chứng và phương pháp điều trị

Trẻ sơ sinh và người lớn tuổi có nguy cơ bị viêm khớp nhiễm trùng cao nhất. Những người có khớp nhân tạo cũng có nguy cơ bị viêm khớp nhiễm trùng. Viêm khớp nhiễm trùng thường xảy ra ở khớp gối nhưng có thể xảy ra bất kỳ khớp nào trong cơ thể như khớp hông hay khớp vai. Tình trạng viêm khớp có thể nhanh chóng phá hỏng sụn và xương một cách nghiêm trọng, vì vậy nên cần phải điều trị kịp thời.
Phương pháp điều trị viêm khớp nhiễm trùng thường là tháo dịch khớp bằng kim hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, người bệnh thường phải dùng thuốc kháng sinh.
Triệu chứng viêm khớp nhiễm trùng
Viêm khớp nhiễm trùng gây đau đớn, khó chịu và khó cử động các khớp bị viêm. Khớp bị ảnh hưởng thường sưng tấy, nóng đỏ và người bệnh có thể bị sốt.
Trong những trường hợp viêm khớp nhiễm trùng xảy ra ở khớp nhân tạo, người bệnh thường gặp các dấu hiệu và triệu chứng như đau và sưng tấy nhẹ sau khi thay khớp khoảng vài tháng đến vài năm. Ngoài ra, viêm khớp nhiễm trùng có thể khiến khớp bị lỏng, gây đau khi cử động khớp hoặc khi đè nặng lên khớp. Thông thường, cơn đau sẽ biến mất khi nghỉ ngơi. Trong trường hợp nghiêm trọng, viêm khớp nhiễm trùng còn gây trật khớp.
Khi nào cần đi khám?
Đi khám bác sĩ ngay nếu bị đau dữ dội và đột ngột ở khớp. Điều trị kịp thời sẽ giúp giảm thiểu tổn thương khớp.
Nếu đã thay khớp nhân tạo và khớp bị đau khi cử động thì cũng phải đi khám.
Nguyên nhân gây viêm khớp nhiễm trùng
Viêm khớp nhiễm trùng có thể là do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc nấm. Nguyên nhân phổ biến nhất là do nhiễm vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus aureus) – một loại vi khuẩn tồn tại tự nhiên trên da.
Viêm khớp nhiễm trùng thường xảy ra do vi trùng ở những khu vực khác trong cơ thể như da hoặc đường tiết niệu di chuyển theo máu đến khớp. Mặc dù không phổ biến nhưng viêm khớp nhiễm trùng cũng có thể là do vi trùng xâm nhập vào ổ khớp qua vết thương hở sâu, chẳng hạn như vết thương do động vật cắn, tiêm thuốc và phẫu thuật ở trong hoặc gần khớp, đôi khi nguyên nhân là do phẫu thuật thay khớp.
Lớp niêm mạc khớp có khả năng tự bảo vệ khỏi nhiễm trùng rất kém. Phản ứng của cơ thể với nhiễm trùng, đặc biệt là phản ứng viêm có thể làm tăng áp lực và giảm lưu lượng máu ở khớp, dẫn đến tổn thương khớp.
Các yếu tố nguy cơ gây viêm khớp nhiễm trùng
Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp nhiễm trùng gồm có:
- Mắc bệnh về khớp: Các bệnh mãn tính ảnh hưởng đến khớp, chẳng hạn như thoái hóa khớp, bệnh gút, viêm khớp dạng thấp hoặc lupus có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp nhiễm trùng. Tiền sử chấn thương khớp hoặc phẫu thuật khớp cũng có thể làm tăng nguy cơ.
- Có khớp nhân tạo: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào khớp trong quá trình phẫu thuật thay khớp. Khớp nhân tạo cũng có thể bị nhiễm trùng do vi trùng di chuyển từ một vùng khác của cơ thể đến khớp qua đường máu.
- Đang dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp: Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ viêm khớp nhiễm trùng cao hơn do các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp ức chế hệ miễn dịch và khiến cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng. Việc chẩn đoán viêm khớp nhiễm trùng ở những người bị viêm khớp dạng thấp thường rất khó vì hai dạng viêm khớp này có nhiều dấu hiệu và triệu chứng giống nhau.
- Da yếu: Da dễ rách và lâu lành sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Các bệnh về da như bệnh vảy nến và viêm da cơ địa (eczema) làm tăng nguy cơ viêm khớp nhiễm trùng cũng như là nhiễm trùng vết thương trên da. Những người tiêm chích ma túy cũng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng tại vị trí tiêm.
- Hệ miễn dịch yếu: Những người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ bị viêm khớp nhiễm trùng cao hơn, chẳng hạn như những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh gan và những người dùng thuốc ức chế miễn dịch.
- Bị thương ở khớp: Động vật cắn hay vết cắt sâu đến khớp có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp nhiễm trùng.
Càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc viêm khớp nhiễm trùng càng cao.
Biến chứng của viêm khớp nhiễm trùng
Nếu điều trị chậm trễ, viêm khớp nhiễm trùng có thể dẫn đến thoái hóa khớp và tổn thương khớp vĩnh viễn. Nhiễm trùng khớp nhân tạo có thể dẫn đến các biến chứng như lỏng khớp hoặc trật khớp.
Phương pháp chẩn đoán viêm khớp nhiễm trùng
Các phương pháp chẩn đoán viêm khớp nhiễm trùng gồm có:
- Xét nghiệm dịch khớp: Nhiễm trùng làm thay đổi màu sắc, độ đặc, lượng và thành phần của dịch khớp. Dịch khớp được chọc hút bằng kim và sau đó được phân tích để tìm sự hiện diện của vi trùng, xác định loại vi sinh vật gây nhiễm trùng và dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp.
- Xét nghiệm máu: Phân tích mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng trong máu.
- Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác sẽ giúp đánh giá tình trạng tổn thương khớp hoặc tình trạng lỏng khớp nhân tạo. Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng khớp nhân tạo và đã hơn một năm kể từ ca phẫu thuật thay khớp thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định phương pháp chụp xạ hình.
Điều trị viêm khớp nhiễm trùng
Viêm khớp nhiễm trùng thường được điều trị bằng cách tháo dịch khớp và dùng thuốc kháng sinh.
Tháo dịch khớp
Bước đầu tiên là phải loại bỏ dịch khớp bị nhiễm trùng. Các phương pháp tháo dịch khớp gồm có:
- Chọc hút dịch khớp bằng kim: Bác sĩ đâm kim vào ổ khớp bị nhiễm trùng và hút dịch ra ngoài.
- Nội soi tháo dịch khớp: Ống nội soi được đưa vào khớp qua một đường rạch nhỏ. Sau đó, ống hút và ống dẫn lưu được đưa vào qua các đường rạch khác xung quanh khớp.
- Phẫu thuật mở: Ở một số khớp, chẳng hạn như khớp háng, việc chọc hút dịch khớp bằng kim và nội soi tháo dịch khớp thường khó thực hiện và phải tiến hành phẫu thuật mở.
Dùng thuốc kháng sinh
Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh dựa trên loại vi trùng gây viêm khớp. Trong thời gian đầu, người bệnh thường tiêm thuốc kháng sinh trực tiếp vào tĩnh mạch ở cánh tay và sau đó có thể chuyển sang kháng sinh đường uống.
Thông thường, quá trình điều trị kéo dài từ 2 đến 6 tuần. Thuốc kháng sinh có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đôi khi còn xảy ra phản ứng dị ứng.
Tháo khớp nhân tạo
Nếu khớp nhân tạo bị nhiễm trùng thì sẽ phải tháo khớp và tạm thời thay bằng miếng đệm khớp làm bằng xi măng sinh học. Sau vài tháng, người bệnh sẽ được thay khớp nhân tạo mới.
Nếu không thể tháo khớp nhân tạo, bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch khớp và cắt bỏ vùng mô bị tổn thương quanh khớp. Người bệnh được tiêm thuốc kháng sinh và sau đó chuyển sang dùng kháng sinh đường uống trong vài tháng để ngăn nhiễm trùng tái phát.

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.

Viêm khớp vảy nến (Psoriatic arthritis - PsA) là một tình trạng kết hợp các triệu chứng sưng, đau khớp của bệnh viêm khớp với bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến thường có các triệu chứng đặc trưng là các mảng đỏ, đóng vảy cứng, ngứa ở trên da và đầu.

Một số người cho rằng ăn trứng có thể khiến cho các triệu chứng viêm khớp nặng thêm. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Tác động của trứng đến triệu chứng viêm khớp còn phụ thuộc vào tình trạng dị ứng hoặc không dung nạp.

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở đốt sống thứ nhất và thứ hai ở cổ. Tình trạng này gây đau, cứng khớp và mất vững cột sống.