Uống rượu có ảnh hưởng đến mức cholesterol không?

Mặc dù cholesterol thường bị xem là có hại nhưng trên thực tế lại rất cần thiết cho cơ thể. Cholesterol là thành phần cấu tạo màng tế bào và tham gia vào quá trình sản xuất vitamin D, cũng như các hormone như estrogen và testosterone.
Tuy nhiên, nếu lượng cholesterol trong máu quá cao, bạn có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là bệnh tim mạch. Do đó, duy trì cholesterol ở mức hợp lý là điều rất quan trọng.
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol, bao gồm cân nặng, chế độ ăn và cả việc uống rượu. Uống rượu có thể tác động đến cholesterol theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực.
Dưới đây là những ảnh hưởng của rượu đến cholesterol và sức khỏe tim mạch.
Rượu ảnh hưởng đến cholesterol như thế nào?
Mối liên hệ giữa rượu và sức khỏe khá phức tạp, phụ thuộc vào liều lượng và tần suất tiêu thụ.
Uống rượu ít hoặc ở mức vừa phải thường không gây hại nhưng nếu uống nhiều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trên thực tế, uống rượu quá mức là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh hàng đầu trên toàn cầu, làm tăng nguy cơ mắc ung thư, bệnh gan và bệnh tim.
Tác động của rượu đến cholesterol cũng thay đổi tùy theo mức độ uống:
Uống rượu ở mức nhẹ đến vừa có thể làm tăng cholesterol tốt (HDL)
HDL giúp bảo vệ tim bằng cách vận chuyển lượng cholesterol dư thừa về gan để đào thải hoặc tái sử dụng. HDL cao giúp giảm hình thành mảng xơ vữa trong lòng động mạch và từ đó làm giảm nguy cơ bệnh tim.
Một số nghiên cứu cho thấy uống rượu nhẹ (vài ly mỗi tuần) có thể làm tăng mức HDL.
Ngoài ra, uống rượu ở mức này dường như không làm tăng LDL (cholesterol xấu), cholesterol toàn phần hoặc triglyceride. Đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tim.
Thậm chí, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng uống rượu ở mức nhẹ đến vừa có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tử vong do bệnh tim mạch. Tuy nhiên vẫn cần thêm các nghiên cứu chất lượng cao hơn để xác nhận lợi ích này.
Một số chuyên gia vẫn cảnh báo rằng ngay cả khi uống ít rượu, sức khỏe vẫn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
Uống rượu nhiều làm tăng LDL, cholesterol toàn phần và triglyceride
Tác động của việc uống ít rượu còn gây tranh cãi nhưng ảnh hưởng tiêu cực của việc uống quá nhiều rượu lại khá rõ ràng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy uống nhiều rượu sẽ làm tăng đáng kể LDL, cholesterol toàn phần và triglyceride. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2019 trên 1.519 người cho thấy những ai uống quá nhiều rượu trong thời gian ngắn (từ 8 ly trở lên đối với nữ, 10 ly trở lên đối với nam mỗi ngày) có nguy cơ tăng từ 2 đến 8 lần mức triglyceride và cholesterol toàn phần.
Tác động tiêu cực của rượu nhiều cũng liên quan đến các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim như huyết áp cao.
Vì vậy, uống rượu quá mức sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong do bệnh tim.
Tóm tắt
Dù vẫn gây nhiều tranh cãi nhưng việc uống rượu ở mức nhẹ đến vừa thường được xem là có thể làm tăng mức HDL và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, uống rượu quá mức chắc chắn sẽ làm tăng các yếu tố nguy cơ gây ra các vấn đề về tim mạch như LDL, cholesterol toàn phần và triglyceride.
Tần suất uống rượu và lượng rượu có ảnh hưởng như thế nào?
Tác động của rượu đến sức khỏe nói chung – bao gồm cả mức cholesterol – phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trước hết, rượu có ảnh hưởng khác nhau đối với tùy từng người. Ví dụ, phụ nữ nhạy cảm với rượu hơn nam giới do có lượng enzyme alcohol dehydrogenase (enzyme phân giải rượu) thấp hơn.
Điều này khiến phụ nữ không chuyển hóa rượu nhanh bằng nam giới và hấp thụ nhiều rượu hơn vào máu. Ngoài ra, phụ nữ thường có vóc dáng nhỏ hơn nam giới.
Chính vì vậy, khuyến nghị về mức độ tiêu thụ rượu cũng khác nhau theo giới tính.
Theo hướng dẫn hiện nay, mức tiêu thụ rượu vừa phải là:
- Tối đa 1 ly/ngày đối với nữ giới
- Tối đa 2 ly/ngày đối với nam giới
Tuy nhiên, nếu bạn mắc bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc suy tim, bác sĩ có thể khuyến nghị hạn chế hơn hoặc thậm chí là tránh uống rượu.
Uống rượu nhiều gây nhiều tác động xấu cho sức khỏe, bao gồm cả việc làm tăng cholesterol. Uống nhiều được định nghĩa như sau:
- Nam giới: uống từ 5 ly trở lên trong một ngày, hoặc trên 15 ly/tuần
- Nữ giới: uống từ 4 ly trở lên trong một ngày, hoặc trên 8 ly/tuần
Một nghiên cứu cho thấy, rượu có thể mang lại lợi ích tối đa đối với sức khỏe tim mạch nếu được tiêu thụ ở mức 0.5–1 ly/ngày đối với nữ giới và 1–2 ly/ngày đối với nam giới.
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn đang uống nhiều thì việc giảm tiêu thụ rượu cũng có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim.
Ví dụ, một nghiên cứu kéo dài 10 năm cho thấy: những người mắc tiểu đường tuýp 2 nếu mỗi tuần uống bớt đi 2 ly (hoặc ngưng hẳn) thì mức cholesterol sẽ giảm đáng kể, nguy cơ mắc bệnh tim cũng giảm tới 44% so với người vẫn duy trì uống rượu ở mức vừa phải.
Tóm tắt
Tần suất và lượng rượu tiêu thụ có ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và mức cholesterol, trong đó, uống nhiều rượu có nhiều tác động tiêu cực.
Có thể vừa uống rượu vừa duy trì mức cholesterol khỏe mạnh không?
Đối với hầu hết tất cả mọi người, uống rượu ở mức nhẹ đến vừa phải thường không ảnh hưởng xấu đến mức cholesterol, thậm chí còn giúp tăng HDL (cholesterol tốt) và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Tuy nhiên, uống nhiều rượu sẽ gây hại cho sức khỏe tim mạch, làm tăng cholesterol toàn phần và triglyceride.
Các chuyên gia khuyến cáo nên duy trì mức cholesterol trong phạm vi an toàn để bảo vệ sức khỏe tim mạch:
- Cholesterol toàn phần: ≤ 200 mg/dL (5.2 mmol/L)
- LDL (cholesterol xấu): ≤ 130 mg/dL (3.4 mmol/L)
- HDL (cholesterol tốt): ≥ 40 mg/dL (1 mmol/L) ở nam, ≥ 50 mg/dL (1.3 mmol/L) ở nữ
Ngoài cholesterol, nhiều yếu tố khác cũng góp phần gây bệnh tim, như huyết áp cao, di truyền và giới tính.
Do đó, duy trì chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh là điều cần thiết để giữ mức cholesterol ổn định và phòng ngừa bệnh tim mạch. Các khuyến nghị bao gồm:
- Hạn chế rượu bia
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Tăng cường vận động
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Bác sĩ có thể kiểm tra mức cholesterol và đánh giá các yếu tố nguy cơ khác có thể gây bệnh tim.
Nếu bạn đang có thói quen uống nhiều rượu hoặc cảm thấy việc uống rượu đang ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, hãy gặp bác sĩ để tìm kiếm sự hỗ trợ.
Tóm tắt
Uống rượu ở mức nhẹ đến vừa phải thường không ảnh hưởng xấu đến mức cholesterol. Tuy nhiên nếu uống nhiều, nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch sẽ tăng lên. Nếu bạn lo lắng về ảnh hưởng của rượu đến sức khỏe, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để phòng ngừa những nguy cơ có thể xảy ra.
Kết luận
Tùy theo lượng tiêu thụ, rượu có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến mức cholesterol và các chỉ số sức khỏe tim mạch khác.
Mức tiêu thụ nhẹ đến vừa phải có thể giúp làm tăng HDL (cholesterol tốt) nhưng uống nhiều rượu lại có thể làm tăng LDL (cholesterol xấu), cholesterol toàn phần và triglyceride, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong do bệnh tim.
Nếu bạn lo lắng về mức cholesterol hoặc lượng rượu mình đang tiêu thụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm cần thiết và cung cấp thêm thông tin hỗ trợ phù hợp.

Ngủ quá nhiều và ngủ quá ít đều có tác động tiêu cực đến mức lipid, làm tăng nguy cơ bị triglyceride cao, mức HDL thấp và LDL cao (đặc biệt ở phụ nữ).

Cholesterol cao thường không gây ra triệu chứng rõ rệt cho đến khi xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mức chất béo lưu thông trong máu quá cao (bao gồm cả cholesterol và triglyceride) có thể dẫn đến các thay đổi dễ nhận thấy trên da như nổi sần, mảng da mềm màu vàng nhạt hoặc đổi màu da.

Statin là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất để làm giảm cholesterol. Tuy nhiên, việc uống rượu có thể làm trầm trọng thêm một số tác dụng phụ ở những người mắc các bệnh lý nhất định, đặc biệt là các vấn đề về gan.

Phình động mạch não có thể đe dọa tính mạng và là tình trạng khó phát hiện. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI) cùng các xét nghiệm có sử dụng thuốc cản quang có thể giúp bác sĩ xác định sự hiện diện, vị trí và hình dạng của túi phình động mạch não.

Uống rượu dù chỉ ở mức vừa phải cũng có thể làm tăng mức triglyceride trong máu. Mức triglyceride cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh gan.