Triệu chứng và biến chứng của cục máu đông

Triệu chứng của cục máu đông
Cục máu đông gây ra nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào vị trí cục máu đông hình thành trong cơ thể.
- Cục máu đông ở cánh tay hoặc chân: sưng tấy, đau nhức, sưng, một vùng da nóng, đỏ.
- Cục máu đông ở não: thay đổi thị lực, co giật, nói khó, yếu cơ ở một bên người (thường là ở chân hoặc tay), tê, xệ nửa mặt, lú lẫn
- Cục máu đông ở tim: khó thở, đổ mồ hôi, đau ngực, có thể lan xuống cánh tay trái, buồn nôn, chóng mặt, ngất xỉu
- Cục máu đông trong ổ bụng: đau bụng dữ dội, tiêu chảy, nôn mửa, có máu trong chất nôn hoặc phân
- Cục máu đông ở phổi: đau ngực dữ dội, ho ra máu, đổ mồ hôi, khó thở, sốt, tim đập nhanh, chóng mặt, ngất xỉu
Các yếu tố nguy cơ gây cục máu đông
Các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông:
- Béo phì
- Hút thuốc
- Trên 60 tuổi
- Dùng thuốc tránh thai đường uống
- Mắc bệnh lý viêm mạn tính
- Rung nhĩ (một loại rối loạn nhịp tim)
- Suy tim sung huyết
- Xơ gan
- Ung thư
- Gãy xương ở các chi, đặc biệt là các chi dưới hoặc vùng chậu
- Đang mang thai
- Có tiền sử gia đình mắc hội chứng tăng đông máu
- Không thể đi lại
- Ngồi trong thời gian dài
Biến chứng của cục máu đông
Cục máu đông có thể hình thành trong bất kỳ mạch máu nào trên cơ thể. Cục máu đông có thể vỡ ra và theo máu di chuyển đến phổi, tim, não hoặc các khu vực khác, làm gián đoạn lưu thông máu đến các cơ quan quan trọng và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Các biến chứng khác của cục máu đông gồm có:
Thuyên tắc phổi: Cục máu đông di chuyển đến phổi và mắc kẹt trong động mạch phổi. Điều này có thể dẫn đến hạ oxy máu và gây tổn thương phổi, tim cũng như các cơ quan khác.
Suy thận: Cục máu đông trong thận có thể gây tổn thương và cuối cùng là suy thận. Khi thận không thể thực hiện chức năng lọc máu, chất lỏng và chất thải sẽ tích tụ trong cơ thể, dẫn đến các vấn đề khác như cao huyết áp.
Huyết khối tĩnh mạch sâu: Cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu ở cánh tay hoặc chân. Cục máu đông có thể gây ra triệu chứng tại chỗ và còn có thể di chuyển đến phổi và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Biến chứng thai kỳ: Cục máu đông trong thai kỳ thường hình thành trong tĩnh mạch ở vùng chậu hoặc chi dưới. Điều này làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi cùng các biến chứng liên quan, chuyển dạ sinh non, sảy thai và tử vong mẹ.
Phòng ngừa cục máu đông
Cục máu đông có thể được điều trị bằng thuốc làm loãng máu. Nhưng tốt hơn hết vẫn nên cố gắng không để cục máu đông hình thành vì cục máu đông có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Giải quyết các yếu tố nguy cơ sẽ giúp làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông:
- Giảm cân nếu thừa cân
- Bỏ thuốc lá
- Cho bác sĩ biết nếu có tiền sử gia đình bị cục máu đông hoặc hội chứng tăng đông máu
Các biện pháp phòng ngừa khác gồm có:
- Thực hiện chế độ ăn chống viêm với nhiều thực phẩm giàu axit béo omega-3, trái cây, rau củ tươi và thực phẩm giàu vitamin E.
- Vận động tích cực. Không di chuyển trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ chính gây hình thành cục máu đông, đặc biệt là ở chân. Hãy đứng dậy và đi lại thường xuyên nếu phải ngồi lâu.
- Kiểm soát các bệnh lý làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Tóm tắt bài viết
Cục máu đông có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng nhưng có thể phòng ngừa được. Hiểu rõ các yếu tố nguy cơ của bản thân là điều rất quan trọng. Nếu có nguy cơ bị cục máu đông, hãy chú ý đến các triệu chứng. Phát hiện và điều trị cục máu đông ngay từ sớm sẽ giúp tăng cơ hội sống sót và tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh động mạch ngoại biên là đau khi đi lại. Khi tiến triển sang các giai đoạn sau, bệnh động mạch ngoại biên sẽ gây đau cả khi không hoạt động và các triệu chứng khác.

Huyết khối trong tim là thuật ngữ y khoa chỉ cục máu đông trong tim. Hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức khi gặp các triệu chứng như đau ngực, khó thở hoặc ho ra máu. Huyết khối hay cục máu đông có thể hình thành ở bất cứ đâu trong cơ thể, bao gồm cả tim. Cục máu đông trong tim là một tình trạng vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể gây đột tử (tử vong đột ngột).

Huyết khối động mạch chủ là khi cục máu đông hình thành trong động mạch chủ - động mạch chính dẫn máu từ tim. Đây là một tình trạng vô cùng nguy hiểm cần điều trị khẩn cấp.

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Hẹp eo động mạch chủ là tình trạng một đoạn động mạch chủ bị hẹp hơn bình thường. Điều này buộc tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu qua động mạch chủ.

Teo van động mạch phổi là một dạng dị tật bẩm sinh, trong đó van động mạch phổi (van tim nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi) không hình thành mà thay vào đó tim được ngăn cách với động mạch phổi bởi một lớp mô rắn. Teo van động mạch phổi thường được phát hiện ngay sau khi sinh.