Thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp (DOAC)

Thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp (direct oral anticoagulant - DOAC) là một nhóm thuốc được dùng để ngăn ngừa và điều trị cục máu đông. Những loại thuốc này ức chế các yếu tố đông máu, nhờ đó làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
DOAC thường được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa các vấn đề như rung nhĩ, huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi.
Khác với các loại thuốc chống đông máu truyền thống như warfarin, DOAC không đòi hỏi phải xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi và người bệnh cũng không cần điều chỉnh chế độ ăn uống quá nhiều
Cơ chế tác dụng của thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp
DOAC ức chế các protein làm cho máu đông lại. Không giống như các loại thuốc chống đông máu truyền thống như warfarin tác động trên nhiều con đường của quá trình đông máu, DOAC trực tiếp nhắm đến một trong hai yếu tố đông máu là yếu tố Xa hoặc thrombin (yếu tố IIa).
Yếu tố Xa là một loại enzyme chuyển đổi prothrombin thành thrombin, một yếu tố cần thiết cho quá trình hình thành cục máu đông. Thrombin chuyển đổi fibrinogen thành fibrin, những sợi protein kết dính các tiểu cầu và tạo nên cục máu đông. Bằng cách ức chế các yếu tố này, DOAC ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông một cách hiệu quả.
Điều này làm giảm nguy cơ đột quỵ và các vấn đề do cục máu đông khác như huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi.
Những ai cần dùng thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp?
DOAC thường được dùng để ngăn ngừa hoặc điều trị:
- rung nhĩ (một loại rối loạn nhịp tim)
- huyết khối tĩnh mạch sâu
- thuyên tắc phổi
DOAC giúp ngăn ngừa đột quỵ ở những người bị rung nhĩ. Những loại thuốc này còn giúp kiểm soát hoặc ngăn ngừa tái phát huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi.
DOAC còn được dùng sau phẫu thuật, chẳng hạn như phẫu thuật thay khớp háng hoặc khớp gối, để ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
Các loại thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp
Một số thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp được dùng phổ biến là:
- Dabigatran: có tác dụng ức chế thrombin. Loại thuốc này được bào chế ở dạng viên nang, liều dùng thông thường là 150 miligam (mg) × 02 lần mỗi ngày. Dabigatran được dùng để phòng ngừa đột quỵ ở những người bị rung nhĩ và để điều trị hoặc phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi.
- Rivaroxaban: có tác dụng ức chế yếu tố Xa. Loại thuốc này được bào chế ở dạng viên nén, liều dùng từ 10 đến 20mg × 01 lần mỗi ngày. Loại thuốc này được dùng để giảm nguy cơ đột quỵ ở người bị rung nhĩ, điều trị và ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi, và ngăn ngừa cục máu đông sau phẫu thuật.
- Apixaban: nhắm đến yếu tố Xa, có dạng viên nén hàm lượng 2,5mg và 5mg, nhiều mức liều dùng khác nhau. Loại thuốc này giúp ngăn ngừa đột quỵ ở những người bị rung nhĩ, điều trị và ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi, ngoài ra còn có thể ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu sau phẫu thuật thay khớp háng hoặc khớp gối.
- Edoxaban: cũng nhắm đến yếu tố Xa, có dạng viên nén, liều dùng thông thường là 60mg × 01 lần mỗi ngày. Loại thuốc này được dùng để ngăn ngừa đột quỵ ở những người bị rung nhĩ, điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi sau khi dùng thuốc chống đông máu truyền thống.
Ưu điểm của thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp
Thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp có nhiều ưu điểm so với thuốc chống đông máu truyền thống:
- Không cần theo dõi thường xuyên: Không giống như warfarin và các thuốc chống đông máu truyền thống khác, DOAC không đòi hỏi phải xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi hiệu quả của thuốc.
- Không cần điều chỉnh chế độ ăn uống quá nhiều: Người dùng DOAC không cần phải tuân thủ chế độ ăn nghiêm ngặt.
- Có thể dự đoán được dược động học: Có thể dự đoán được phản ứng của cơ thể với DOAC, nhờ đó giúp cho việc xác định liều dùng thuốc trở nên đơn giản hơn.
- Phát huy tác dụng và ngừng tác dụng nhanh chóng: DOAC phát huy tác dụng chống đông máu nhanh chóng và tác dụng của thuốc cũng nhanh biến mất sau khi ngừng dùng thuốc.
- Ít tương tác thuốc: DOAC ít tương tác với các thuốc khác hơn so với warfarin.
Rủi ro và tác dụng phụ của thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp
Mặc dù DOAC đa phần được dung nạp tốt nhưng vẫn có rủi ro nhất định.
Giống như các thuốc chống đông máu khác, DOAC cũng có thể gây chảy máu, bao gồm cả những tình trạng chảy máu nghiêm trọng như xuất huyết tiêu hóa và xuất huyết nội sọ.
DOAC còn có thể gây đau dạ dày hoặc khó tiêu.
Tương tác thuốc
DOAC có thể tương tác với các loại thuốc khác, điều này làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc làm giảm hiệu quả của thuốc. Một số loại thuốc có thể tương tác với DOAC là:
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Dùng DOAC cùng với thuốc chống kết tập tiểu cầu như aspirin sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Những loại thuốc này làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.
- Một số loại thuốc kháng sinh và thuốc kháng nấm: Các loại thuốc như clarithromycin và ketoconazole có thể làm thay đổi nồng độ DOAC trong máu.
Để tránh xảy ra tương tác thuốc, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng. Trong thời gian dùng DOAC cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào.
Những ai không nên dùng thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp?
Một số người không nên thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp:
- Người mắc bệnh thận nặng: Vì DOAC được đào thải khỏi máu bởi thận nên khi chức năng thận quá kém, thuốc sẽ tích tụ trong cơ thể và làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Người có van tim nhân tạo cơ học: DOAC không được phê duyệt sử dụng cho những người có van tim nhân tạo cơ học vì chưa có đủ nghiên cứu chứng minh rằng DOAC có hiệu quả đối với nhóm đối tượng này.
- Đang bị chảy máu: Những người đang bị chảy máu, nhất là chảy máu nghiêm trọng, không nên dùng DOAC.
Câu hỏi về thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp
Warfarin có phải là thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp không?
Warfarin không phải thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp mà là một loại thuốc chống đông kháng vitamin K, một nhóm thuốc chống đông máu thế hệ cũ đòi hỏi phải xét nghiệm máu thường xuyên và kiêng nhiều loại thực phẩm.
Heparin có phải thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp không?
Heparin không phải thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp. Đây là một loại thuốc chống đông máu dạng tiêm được sử dụng tại bệnh viện để ngăn ngừa và điều trị cục máu đông.
Tóm tắt bài viết
Thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp (DOAC) có tác dụng ngăn ngừa và điều trị cục máu đông bằng cách ức chế một số yếu tố đông máu. Những loại thuốc này thường được dùng cho người mắc rung nhĩ, huyết khối tĩnh mạch hoặc thuyên tắc phổi.
DOAC có một số ưu điểm so với thuốc chống đông máu thế hệ cũ, gồm có không cần xét nghiệm máu thường xuyên và không đòi hỏi phải kiêng nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, không phải ai cũng dùng được DOAC và những loại thuốc này cũng có rủi ro, chẳng hạn như chảy máu và suy giảm chức năng thận.

Phình động mạch não là hiện tượng một điểm yếu trên thành mạch máu não bị giãn phình giống như một quả bóng nhỏ. Uống rượu có thể làm tăng nguy cơ hình thành túi phình và góp phần làm tăng nguy cơ vỡ túi phình do ảnh hưởng đến các mạch máu trong não.

Bạn biết gì về hệ thống động mạch trong cơ thể?

Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về suy thận mạn cũng như mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp và suy thận mạn.

Viêm động mạch Takayasu (Takayasu's arteritis) là một loại viêm mạch máu hiếm gặp, xảy ra ở động mạch chủ (động mạch lớn mang máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể) và các nhánh chính của động mạch chủ.