Sự khác biệt giữa cholesterol HDL và LDL là gì?

Cholesterol đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể hoạt động bình thường, tham gia vào quá trình sản xuất hormone, vitamin D và hỗ trợ tiêu hóa.
Gan có thể tự tạo ra đủ lượng cholesterol cần thiết để thực hiện những chức năng này. Tuy nhiên, ngoài gan, cơ thể còn nhận cholesterol chủ yếu từ thực phẩm — đặc biệt là thịt và các sản phẩm từ sữa. Nếu bạn ăn nhiều những thực phẩm này và có các yếu tố nguy cơ, lượng cholesterol trong cơ thể có thể tăng dần theo thời gian.
HDL và LDL khác nhau thế nào?
Lipoprotein là các phân tử gồm chất béo và protein, có vai trò vận chuyển cholesterol đi khắp cơ thể.
HDL thường được gọi là “cholesterol tốt” vì giúp thu gom cholesterol thừa ở các cơ quan rồi mang về gan để loại bỏ ra khỏi cơ thể.
Ngược lại, LDL lại vận chuyển nhiều cholesterol đến thành động mạch nhằm phục vụ cho quá trình sửa chữa tế bào. LDL được gọi là “cholesterol xấu” vì nếu dư thừa, chúng có thể tích tụ lại thành mảng bám trong thành động mạch.
Quá nhiều cholesterol ở động mạch sẽ làm hình thành các mảng bám (gọi là xơ vữa động mạch), làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Nếu cục máu đông bong ra và chặn dòng máu tại động mạch nuôi tim hoặc não, bạn có thể bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Ngoài ra, sự tích tụ mảng bám còn làm giảm lưu lượng máu và oxy đến các cơ quan quan trọng. Tình trạng thiếu oxy này có thể gây ra nhiều biến chứng khác, như bệnh thận hoặc bệnh động mạch ngoại biên.
Mức HDL lý tưởng có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của LDL. HDL giúp loại bỏ cholesterol LDL dư thừa, làm giảm nguy cơ cholesterol xấu tích tụ trong động mạch.
Những yếu tố làm ảnh hưởng đến mức cholesterol
Lối sống là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến mức cholesterol. Bạn sẽ có nguy cơ bị LDL cao và HDL thấp hơn nếu:
- Thừa cân hoặc béo phì
- Ăn nhiều thịt đỏ, sữa nguyên kem, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và thực phẩm chế biến sẵn
- Vòng eo lớn (trên 102 cm ở nam hoặc trên 89 cm ở nữ)
- Ít vận động hoặc không tập thể dục thường xuyên
- Hút thuốc lá
Trong một số trường hợp, LDL cao có thể do di truyền, gọi là tăng cholesterol máu gia đình (Familial Hypercholesterolemia - FH). Đây là tình trạng do đột biến gene làm gan không loại bỏ được cholesterol LDL dư thừa, khiến mức LDL rất cao và làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ từ khi còn trẻ.
Làm sao biết mình có cholesterol cao?
Cholesterol cao thường không gây ra triệu chứng rõ ràng. Cách duy nhất để biết chính xác là làm xét nghiệm máu, đo mức cholesterol (đơn vị mg/dL máu).
Kết quả xét nghiệm cholesterol thường bao gồm:
Thành phần | Mức khuyến nghị |
Ghi chú |
Triglyceride | Dưới 150 mg/dL |
Triglyceride cao thường đi kèm LDL cao hoặc HDL thấp, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. |
HDL (cholesterol tốt) | Tối thiểu 50 mg/dL (nữ) hoặc 40 mg/dL (nam) |
HDL cao sẽ tốt hơn. |
LDL (cholesterol xấu) | Dưới 130 mg/dL nếu không có bệnh nền; dưới 70 mg/dL hoặc 55 mg/dL nếu có bệnh tim mạch hoặc nguy cơ cao |
LDL thấp sẽ tốt hơn. |
Tổng cholesterol | Theo giới hạn bình thường của phòng xét nghiệm |
Tổng cholesterol = HDL + LDL + 20% Triglyceride. |
Cách kiểm soát mức cholesterol
Các chuyên gia thường khuyến nghị thay đổi lối sống để kiểm soát mức LDL và tổng cholesterol trong máu, cụ thể như sau:
- Ăn uống cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng
- Tăng cường vận động và tập thể dục đều đặn mỗi ngày
- Quản lý căng thẳng
- Duy trì cân nặng hợp lý theo độ tuổi và chiều cao
- Ngưng hút thuốc lá nếu bạn đang hút
Cách tăng HDL (cholesterol tốt)
Để tăng mức HDL, bạn cũng nên áp dụng các nguyên tắc trên và hạn chế chất béo chuyển hóa (trans fat) cũng như chất béo bão hòa (saturated fat) trong chế độ ăn uống.
Trong một số trường hợp, đặc biệt là khi bị tăng cholesterol máu gia đình (FH), chỉ thay đổi lối sống có thể chưa đủ hiệu quả để kiểm soát cholesterol. Khi đó, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thêm thuốc hạ cholesterol, bao gồm:
- Statin: Giúp gan loại bỏ cholesterol khỏi máu
- Thuốc gắn acid mật: Giúp cơ thể sử dụng thêm cholesterol để sản xuất mật
- Thuốc ức chế hấp thu cholesterol: Giảm lượng cholesterol được hấp thu ở ruột non
- Thuốc tiêm: Giúp gan hấp thu nhiều LDL cholesterol hơn
Ngoài ra, có thể dùng thêm thuốc hoặc thực phẩm bổ sung để hạ triglyceride, chẳng hạn như axit béo omega-3 hoặc fibrate.
Kết luận
LDL là loại lipoprotein tỷ trọng thấp, có nhiệm vụ vận chuyển cholesterol đến thành động mạch. Khi LDL quá cao, nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ sẽ tăng lên.
Ngược lại, HDL là lipoprotein tỷ trọng cao, giúp thu gom cholesterol dư thừa và vận chuyển về gan để đào thải ra khỏi cơ thể. Mức HDL càng cao càng có lợi vì giúp làm giảm lượng LDL trong máu.
Xét nghiệm máu là cách duy nhất để xác định mức LDL và HDL. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị phù hợp nếu bạn có cholesterol cao.

Rối loạn lipid máu là tình trạng có mức chất béo trong máu cao, bao gồm cholesterol và triglyceride. Nắm được nguyên nhân, triệu chứng và cách kiểm soát rối loạn lipid máu có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Cholesterol là một chất cần thiết cho hoạt động của cơ thể nhưng nếu ở mức quá cao, cholesterol có thể tích tụ trong động mạch và hình thành mảng bám, làm cản trở máu lưu thông.

Sự tích tụ cholesterol trong động mạch có thể kích hoạt tình trạng viêm. Ngược lại, viêm cũng ảnh hưởng đến cơ chế phân giải các chất béo như cholesterol của cơ thể. Mối liên hệ này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Statin là loại thuốc đã được chứng minh có hiệu quả trong việc giảm cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch. Axit béo omega-3 cũng có thể mang lại lợi ích này.

Không chỉ người lớn mới bị ảnh hưởng bởi cholesterol cao. Trẻ em cũng có thể có mức cholesterol cao, có thể gây ra các vấn đề về sức khoẻ, đặc biệt là các vấn đề về bệnh tim, khi trẻ lớn hơn.