Phẫu thuật thay van tim được thực hiện như thế nào?

Khi nào cần thay van tim?
Các van tim có chức năng cho phép máu giàu dinh dưỡng lưu thông qua các buồng tim. Sau khi máu chảy qua, van tim cần phải đóng lại hoàn toàn. Tuy nhiên, van tim bị tổn thương không phải lúc nào cũng thực hiện chức năng này một cách hiệu quả.
Nếu gặp tình trạng hẹp van tim (stenosis), lượng máu chảy vào tim sẽ bị giảm, buộc cơ tim phải làm việc vất vả hơn. Các van bị rò rỉ cũng sẽ gây ra vấn đề. Khi van tim không đóng kín, máu có thể bị chảy ngược lại – hiện tượng này gọi là hở van tim (regurgitation).
Dấu hiệu của bệnh van tim bạn có thể gặp phải là:
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Khó thở
- Da xanh tím
- Đau ngực
- Tích tụ dịch, đặc biệt là ở chân
Sửa chữa van tim là một phương pháp khác để điều trị bệnh van tim. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp bị tổn thương quá nghiêm trọng thì lựa chọn duy nhất là thay thế toàn bộ van tim bị ảnh hưởng.
Các loại van thay thế
Van cơ học và van sinh học là hai loại van được sử dụng để thay thế van bị hỏng.
- Van cơ học: Là các van nhân tạo có chức năng tương tự như van tim tự nhiên, được làm từ vật liệu carbon và polyester mà cơ thể có thể thích nghi tốt. Van cơ học có tuổi thọ từ 10 đến 20 năm. Tuy nhiên, một rủi ro lớn có thể xảy ra khi sử dụng van cơ học là nguy cơ hình thành cục máu đông. Nếu sử dụng van cơ học, bạn sẽ cần dùng thuốc chống đông máu suốt đời để giảm nguy cơ đột quỵ.
- Van sinh học: Được tạo từ mô người hoặc mô động vật.
Có ba loại van sinh học:
- Van ghép đồng loài (allograft hoặc homograft): Làm từ mô tim của người hiến tặng.
- Van heo (van porcine): Làm từ mô của heo, có thể được ghép với giá đỡ (stent).
- Van bò (van bovine): Làm từ mô của bò, được gắn với tim bằng cao su silicone.
Van sinh học không làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, do đó bệnh nhân thường không cần phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời. Tuy nhiên, van sinh học không bền như van cơ học và có thể cần thay thế sau một thời gian.
Bác sĩ sẽ đưa ra khuyến nghị về loại van phù hợp dựa trên:
- Tuổi tác
- Tình trạng sức khỏe tổng quát
- Khả năng sử dụng thuốc chống đông máu
- Mức độ nghiêm trọng của bệnh
Các loại phẫu thuật thay van tim
Thay van động mạch chủ
Van động mạch chủ nằm ở phía bên trái của tim và có vai trò cho phép máu ra khỏi tâm thất trái – buồng bơm chính của tim – và đóng lại để ngăn máu trào ngược lại. Bạn có thể cần thay van động mạch chủ nếu mắc dị tật bẩm sinh hoặc bệnh hẹp van tim (stenosis) hay hở van tim (regurgitation).
Loại dị tật phổ biến nhất là van hai lá (bicuspid valve). Bình thường, van động mạch chủ có ba lá van (tricuspid valve) nhưng van bị dị tật thì chỉ có hai lá van. Một nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ bệnh nhân sống được trong vòng 5 năm sau khi phẫu thuật thay van động mạch chủ là 94%.
Tỷ lệ sống sót sẽ phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Tuổi tác
- Tình trạng sức khỏe tổng quát
- Các bệnh lý khác mà bạn mắc phải
- Chức năng tim
Thay Van Hai Lá (Mitral Valve Replacement)
Van hai lá nằm ở phía bên trái của tim, có chức năng cho phép máu từ tâm nhĩ trái chảy vào tâm thất trái. Nếu van không mở hoặc không đóng kín hoàn toàn, có thể cần phải phẫu thuật. Khi van quá hẹp, máu khó đi vào tâm thất, làm máu trào ngược lại và tạo áp lực lên phổi. Khi van không đóng chặt, máu có thể chảy ngược vào phổi, gây các vấn đề về hô hấp. Nguyên nhân thường do dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng hoặc bị thoái hóa.
Van bị hỏng sẽ được thay thế bằng:
- Van kim loại: Có tuổi thọ kéo dài suốt đời nhưng cần dùng thuốc chống đông máu.
- Van sinh học: Có tuổi thọ từ 15–20 năm và không cần dùng thuốc chống đông máu.
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 91%, phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Tuổi tác
- Tình trạng sức khỏe tổng quát
- Các bệnh lý khác mà bạn mắc phải
- Chức năng tim
Hãy trao đổi với bác sĩ để đánh giá rủi ro mà bạn có thể gặp phải.
Thay cả hai van (double valve replacement)
Thay cả hai van là phẫu thuật thay van hai lá và van động mạch chủ, hoặc toàn bộ van ở bên trái của tim. Loại phẫu thuật này ít phổ biến hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn so với các loại thay van khác.
Thay van động mạch phổi (pulmonary valve replacement)
Van động mạch phổi nằm giữa động mạch phổi và tâm thất phải – một trong các buồng tim. Chức năng của van là cho phép máu chảy từ tim đến phổi qua động mạch phổi để trao đổi oxy.
Bác sĩ thường chỉ định thay van động mạch phổi khi có tình trạng hẹp van tim (stenosis) gây cản trở lưu thông máu. Nguyên nhân có thể là do:
- Dị tật bẩm sinh
- Nhiễm trùng
- Hội chứng carcinoid
Quy trình phẫu thuật
Phẫu thuật thay van tim được thực hiện sau khi gây mê toàn thân, với kỹ thuật truyền thống hoặc ít xâm lấn.
Phẫu thuật truyền thống cần rạch một đường lớn từ cổ xuống rốn.
Phẫu thuật ít xâm lấn có thể chỉ cần đường rạch ngắn hơn, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Để có thể thay thế van tim bị hỏng bằng một van mới, tim phải được giữ ở trạng thái tĩnh. Trong quá trình này, cơ thể sẽ được kết nối với máy tuần hoàn ngoài cơ thể (bypass machine), đảm nhận vai trò bơm máu và duy trì chức năng phổi. Bác sĩ sẽ rạch động mạch chủ để loại bỏ van bị tổn thương và thay thế bằng van mới.
Tỷ lệ tử vong do phẫu thuật thay van tim là khoảng 2%.
Phục hồi sau phẫu thuật
Hầu hết bệnh nhân thay van tim đều cần phải ở lại bệnh viện từ 5–7 ngày. Nếu bạn thực hiện phẫu thuật ít xâm lấn thì thời gian nằm viện có thể ngắn hơn. Trong những ngày đầu sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc giảm đau khi cần, đồng thời theo dõi huyết áp, chức năng hô hấp và chức năng tim.
Thời gian phục hồi hoàn toàn có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng, tùy thuộc vào tốc độ hồi phục và loại phẫu thuật được thực hiện. Nhiễm trùng là rủi ro thường gặp nhất ngay sau phẫu thuật, vì vậy cần giữ vùng xung quanh vết mổ được sạch sẽ. Hãy lên hệ ngay với bác sĩ nếu gặp các dấu hiệu nhiễm trùng như:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đau hoặc sưng tại vị trí vết mổ
- Dịch chảy ra từ vết mổ nhiều hơn bình thường
Cần tái khám đúng lịch để có thể được bác sĩ đánh giá quá trình hồi phục và xác định xem khi nào thì bạn được hoạt động trở lại như thường ngày. Trong giai đoạn phục hồi, hãy nhờ gia đình và bạn bè hỗ trợ các vấn đề như việc nhà và đưa bạn đi tái khám cho đến khi hồi phục được hoàn toàn.

Sau phẫu thuật thay van tim, hãy tập trung vào chế độ ăn giàu dinh dưỡng, nhiều chất xơ, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, các loại hạt, cùng protein và chất béo tốt cho tim.

Van tim có thể được thay thế bằng phương pháp phẫu thuật tim hở hoặc các phương pháp ít xâm lấn hơn, không yêu cầu phải mở lồng ngực. Phương pháp này, gọi là thay van qua ống thông (transcatheter valve replacement), có ít rủi ro hơn và thời gian phục hồi cũng nhanh hơn.

Các vấn đề về van hai lá có thể được kiểm soát bằng cách dùng thuốc hoặc phẫu thuật sửa chữa van. Đây là những phương pháp ít xâm lấn hơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, van sẽ cần được thay thế hoàn toàn bằng phẫu thuật thay van hai lá.

Bệnh cơ tim phì đại (HCM) là một bệnh tim di truyền gây dày thành tâm thất trái, khiến tim khó bơm máu đi khắp cơ thể. Xét nghiệm HCM thường được khuyến nghị cho những người có người thân cấp một được chẩn đoán mắc bệnh

Bệnh van tim không phải lúc nào cũng cần phải phẫu thuật. Một số trường hợp chỉ cần áp dụng những phương pháp điều trị không phẫu thuật như sử dụng thuốc, thay đổi lối sống, hoặc các thủ thuật xâm lấn tối thiểu.