Điều trị bệnh van tim không phẫu thuật

Tim có bốn van giúp máu có thể lưu thông đúng hướng. Bệnh van tim xảy ra khi một trong các van này không hoạt động đúng cách.
Các loại bệnh van tim chính bao gồm:
- Hở van tim (Regurgitation): Xảy ra khi một van không đóng kín hoàn toàn, khiến máu chảy ngược lại.
- Hẹp van tim (Stenosis): Tình trạng một van tim không mở hoàn toàn.
- Teo van tim (Không có van): Xảy ra khi van tim không được hình thành mà thay vào đó lại có một lớp mô rắn làm cản trở dòng máu (Tình trạng này hiếm gặp hơn.)
Bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp không phẫu thuật nếu bệnh van tim nhẹ hoặc khi bạn đang chờ được phẫu thuật để giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng.
Có thể điều trị bệnh van tim bằng thuốc không?
Thuốc có thể giúp làm giảm các triệu chứng, ngăn ngừa xảy ra biến chứng và giảm căng thẳng cho tim.
Các loại thuốc có thể được sử dụng bao gồm:
- Thuốc chẹn beta (Beta-blocker): Thuốc chẹn beta giúp ngăn chặn hoạt động của các hormone adrenaline và noradrenaline - yếu tố làm tăng nhịp tim. Thuốc có thể làm giảm căng thẳng cho tim bằng cách làm chậm nhịp tim.
- Thuốc lợi tiểu (Diuretics): Thuốc lợi tiểu làm giảm lượng dịch trong cơ thể. Lượng dịch trong máu giảm có thể giúp hạ huyết áp và giảm căng thẳng cho tim.
- Thuốc giãn mạch (Vasodilators): Thuốc giãn mạch giúp làm thư giãn các mạch máu. Điều này có thể giúp giảm huyết áp và giảm căng thẳng cho tim. Các loại thuốc có thể được dùng là thuốc ức chế men chuyển angiotensin hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin II.
- Thuốc điều chỉnh nhịp tim (antiarrhythmics): Thuốc chống loạn nhịp tim dùng để điều trị rối loạn nhịp tim. Thuốc có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh van tim bằng cách giúp khôi phục nhịp đập bình thường của tim.
- Thuốc chống đông máu (anticoagulants): Người mắc bệnh van tim thường sẽ bị rối loạn nhịp tim. Thuốc chống đông máu có tác dụng làm loãng máu và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, một biến chứng của một số loại rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như rung nhĩ.
- Kháng sinh (Antibiotics): Bệnh van tim là yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng ở nội mạc tim, gọi là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh để phòng ngừa trước khi thực hiện một số thủ thuật nha khoa.
- Prostaglandin: Bác sĩ có thể kê prostaglandin cho trẻ sơ sinh để giúp giữ các đường lưu thông máu trong tim mở,từ đó cải thiện lưu thông máu.
Các tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc điều trị bệnh van tim
Thuốc điều trị bệnh van tim có thể gây ra một số tác dụng phụ. Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ sẽ cao hơn hơn nếu dùng thuốc ở liều cao.
Các loại thuốc có thể dẫn đến các tác dụng phụ khác nhau như:
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Lạnh tay hoặc chân
- Khó ngủ
- Rối loạn chức năng tình dục
- Buồn nôn hoặc nôn
- Huyết áp thấp
- Phát ban
- Ho
- Mức kali trong máu thấp hoặc cao
- Dễ bầm tím hoặc chảy máu
- Đau đầu
- Phù mạch
- Mất vị giác
Một số người có thể gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như:
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng
- Khó thở
- Đau ngực
- Chảy máu nghiêm trọng (khi dùng thuốc chống đông máu)
Cần lưu ý rằng nhiều người mắc bệnh van tim có sử dụng hơn một loại thuốc trong số các loại thuốc trên nên có thể sẽ khó xác định được loại thuốc nào gây ra triệu chứng nào. Ngoài ra, không phải loại thuốc nào cũng gây ra mọi tác dụng phụ được liệt kê. Tốt nhất là bạn nên trao đổi với bác sĩ để xác định được nguyên nhân cụ thể của các triệu chứng mà mình gặp phải.
Thay đổi lối sống lành mạnh để cải thiện sức khỏe khi mắc bệnh van tim
Thay đổi lối sống đơn thuần có thể giúp điều trị được bệnh van tim nhẹ hoặc giúp cải thiện đáng kể sức khỏe tim mạch trước khi bạn được điều trị phẫu thuật.
Các thay đổi bạn có thể thực hiện là:
- Ăn chế độ ăn tốt cho tim: Thực hiện các thay đổi về chế độ ăn uống, như giảm tối đa lượng đường và chất béo không lành mạnh, có thể hỗ trợ nâng cao sức khỏe tim mạch.
- Duy trì cân nặng vừa phải: Duy trì cân nặng vừa phải có thể giúp giảm mỡ máu và giảm căng thẳng cho tim.
- Quản lý căng thẳng: Căng thẳng có thể làm tăng mức độ các phân tử trong máu, như adrenaline, làm tăng nhịp tim và khiến tim phải làm việc vất vả hơn. Giảm căng thẳng có thể giúp giảm tải cho tim.
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục đều đặn có thể giúp tăng cường sức khỏe cơ tim và cải thiện lưu thông máu trong cơ thể. Nên thực hiện các bài tập thể dục tốt cho tim mạch và các hoạt động làm tăng nhịp tim.
- Bỏ hoặc tránh hút thuốc: Các hóa chất trong thuốc lá và khói thuốc có thể làm tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ xơ vữa động mạch - tình trạng tích tụ mảng bám trong mạch máu. Bỏ thuốc có thể không dễ dàng nhưng bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn cho kế hoạch cai thuốc phù hợp.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc có thể giúp cải thiện được khả năng tự chữa lành của cơ thể. Thiếu ngủ hoặc giấc ngủ không chất lượng có thể làm tăng nguy cơ béo phì và các tình trạng khác dẫn đến bệnh tim.
Nên thực hiện bài tập nào khi mắc phải tình trạng van tim bị hở hoặc bị tắc?
Nhiều loại bài tập thể dục có thể giúp bạn cải thiện được sức khỏe tim mạch. Nếu không chắc chắn về mức độ tập luyện an toàn, tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Việc xác định loại bài tập tốt nhất cho tim chủ yếu phụ thuộc vào sở thích cá nhân của bạn. Miễn là nó có tác dụng làm tăng nhịp tim, từ đó giúp giúp tăng cường cơ tim.
Bác sĩ có thể khuyến cáo bạn cần tránh các bài tập có cường độ quá mạnh, như siêu marathon.
Các thủ thuật không phẫu thuật để điều trị bệnh van tim
Các bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng các thủ thuật không phẫu thuật để điều trị bệnh van tim bằng cách sửa chữa van tim từ bên trong mạch máu. Những thủ thuật này được gọi là thủ thuật sửa chữa van qua da.
Khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa một ống dài, mỏng gọi là ống thông vào một tĩnh mạch trong cơ thể và luồn qua mạch máu đến tim. Sau đó, bác sĩ có thể sửa chữa các van tim mà không cần phải rạch vết mổ lớn hoặc mở xương sườn.
Bác sĩ có thể sửa chữa van tim bằng các phương pháp sau:
- Khâu bằng chỉ
- Dùng kẹp cố định
- Đặt “đai”
- Cấy các thiết bị hỗ trợ
- Thay thế van tim bị tổn thương
Tác dụng phụ của các thủ thuật sửa chữa van qua da
Các thủ thuật sửa chữa van qua da là các kỹ thuật ít xâm lấn để điều trị bệnh van tim. Tuy nhiên, các phương pháp này cũng có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra là:
- Chảy máu
- Hình thành cục máu đông
- Nhồi máu cơ tim
- Đột quỵ
- Nhiễm trùng
- Viêm phổi
- Vấn đề về hô hấp
- Xuất hiện thêm loại rối loạn nhịp tim
- Suy giảm chức năng của van tim
- Phản ứng với thuốc gây mê
Tuổi thọ của bệnh nhân bị bệnh van tim mà không được phẫu thuật
Tuổi thọ sẽ phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh van tim. Những vấn đề nhẹ có thể không gây ra biến chứng hoặc rút ngắn tuổi thọ ngay cả khi không phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu bệnh nặng thì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng khi không được điều trị.
Trong một nghiên cứu năm 2022, các nhà nghiên cứu đã so sánh hiệu quả của việc thay van động mạch chủ sớm với điều trị bảo tồn ở những người bị hẹp động mạch chủ nghiêm trọng mà không có triệu chứng. Họ phát hiện rằng phẫu thuật sớm sẽ làm giảm nguy cơ tử vong, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và số lần nhập viện ngoài kế hoạch.
Ai cần phẫu thuật khi mắc bệnh van tim?
Bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật van tim nếu tình trạng bệnh đang gây ra triệu chứng hoặc nếu bác sĩ cho rằng bệnh có thể dẫn đến tổn thương tim về sau này. Đôi khi, bệnh van tim có thể làm tăng áp lực trong tim và cuối cùng dẫn đến suy tim.
Kết luận
Bệnh van tim nhẹ có thể được quản lý mà không cần phẫu thuật. Bác sĩ có thể khuyến nghị bạn thay đổi lối sống, sử dụng thuốc điều trị hoặc thực hiện các thủ thuật không phẫu thuật.
Điều quan trọng là bạn phải tái khám bác sĩ đúng lịch để có thể được theo dõi tình trạng xem có thay đổi hay không. Bác sĩ có thể khuyến nghị phẫu thuật nếu tình trạng có dấu hiệu xấu đi.

Khác với phẫu thuật tim truyền thống thường sẽ đòi hỏi phải rạch qua xương ức và mở lồng ngực để tiếp cận tim, trong các thủ thuật xâm lấn tối thiểu, vết mổ sẽ nhỏ hơn hoặc chỉ cần đến một loại ống dài gọi là ống thông (catheter) để luồn qua mạch máu đến đến tim. Bài viết sẽ liệt kê các thủ thuật xâm lấn tối thiểu được dùng phổ biến trong điều trị bệnh tim.

Có nhiều loại thủ thuật điều trị bệnh tim mạch ngoại trú, bao gồm nong mạch vành, đặt stent, cấy máy tạo nhịp tim và các thủ thuật khác. Nếu bạn gặp vấn đề về tim mạch, bác sĩ có thể khuyến nghị thực hiện thủ thuật ngoại trú, nghĩa là bạn không cần ở lại bệnh viện qua đêm và có thể về nhà trong ngày. Hầu hết các thủ thuật này đều ít xâm lấn, nên thời gian hồi phục không kéo dài.

Thuốc có thể giúp kiểm soát một số triệu chứng của bệnh van tim và hỗ trợ cải thiện chức năng tim. Tuy nhiên, hiện không có loại thuốc nào có thể điều trị hoặc chữa khỏi hoàn toàn các vấn đề về van tim cụ thể.

Van tim có thể được thay thế bằng phương pháp phẫu thuật tim hở hoặc các phương pháp ít xâm lấn hơn, không yêu cầu phải mở lồng ngực. Phương pháp này, gọi là thay van qua ống thông (transcatheter valve replacement), có ít rủi ro hơn và thời gian phục hồi cũng nhanh hơn.

Các vấn đề về van hai lá có thể được kiểm soát bằng cách dùng thuốc hoặc phẫu thuật sửa chữa van. Đây là những phương pháp ít xâm lấn hơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, van sẽ cần được thay thế hoàn toàn bằng phẫu thuật thay van hai lá.