Phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh

Bóc nội mạc động mạch cảnh là gì?
Hẹp động mạch cảnh là tình trạng xảy ra khi chất béo, cholesterol, canxi và một số chất khác tích tụ tạo thành mảng xơ vữa trong động mạch cảnh. Tình trạng này gây cản trở sự lưu thông máu qua động mạch cảnh.
Các mảng xơ vữa có thể vỡ ra, di chuyển đến một động mạch nhỏ hơn trong não và gây tắc nghẽn mạch máu. Điều này chặn dòng máu đến não và gây đột quỵ.
Phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh là một cách để loại bỏ mảng xơ vữa, khôi phục sự lưu thông máu qua động mạch cảnh và giảm nguy cơ đột quỵ. Bóc nội mạc động mạch cảnh còn được gọi là phẫu thuật động mạch cảnh.
Mục đích của phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh
Hẹp động mạch cảnh có thể dẫn đến đột quỵ. Động mạch cảnh có thể bị hẹp hoặc tắc nghẽn do mảng xơ vữa hoặc cục máu đông. Phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh giúp cải thiện sự lưu thông đến não và nhờ đó ngăn ngừa đột quỵ.
Phẫu thuật động mạch cảnh còn giúp ngăn ngừa cơn thiếu máu não thoáng qua (transient ischemic attack). Cơn thiếu máu não thoáng qua cũng có các triệu chứng giống đột quỵ, chẳng hạn như tê, khó nói, giảm thị lực, đau đầu, đi lại khó khăn nhưng các triệu chứng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn.
Theo Viện Quốc gia về Bệnh Thần kinh và Đột quỵ Hoa Kỳ, các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua thường biến mất trong vòng một giờ nhưng có thể kéo dài tới 24 giờ. Giống như đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua cũng là do sự tắc nghẽn ở một mạch máu cấp máu cho não nhưng khác đột quỵ ở chỗ mạch máu chỉ bị tắc nghẽn tạm thời.
Phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh thường được chỉ định trong những trường hợp:
- Mới trải qua cơn đột quỵ
- Mới trải qua cơn thiếu máu não thoáng qua
- Động mạch cảnh bị hẹp nghiêm trọng nhưng chưa bị tắc nghẽn hoàn toàn
Chuẩn bị trước khi phẫu thuật
Vài ngày trước khi phẫu thuật, người bệnh sẽ phải trải qua một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh để bác sĩ đánh giá tình trạng của động mạch cảnh:
- Siêu âm động mạch cảnh: sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh của động mạch cảnh và đánh giá sự lưu thông máu qua động mạch cảnh.
- Chụp động mạch cảnh: tiêm thuốc cản quang và sau đó chụp X-quang. Thuốc cản quang sẽ làm nổi bật động mạch cảnh trên ảnh chụp X-quang, nhờ đó giúp phát hiện những chỗ bị hẹp tắc.
- Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA): sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh của động mạch cảnh, đôi khi sử dụng thêm thuốc cản quang để thu được hình ảnh rõ nét hơn.
- Chụp cắt lớp vi tính mạch máu (CTA): sử dụng thuốc cản quang và tia X để thu được hình ảnh 3 chiều của động mạch cảnh.
Quy trình phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh
Ca phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh thường kéo dài vài tiếng.
Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở cổ của người bệnh, mở động mạch cảnh và loại bỏ mảng xơ vữa. Một số trường hợp chỉ cần gây tê tại chỗ vùng cổ nhưng đa phần người bệnh sẽ được gây mê toàn thân.
Bác sĩ có thể chỉ gây tê tại chỗ nếu cần kiểm tra tình trạng thần kinh trong quá trình phẫu thuật để xem não người bệnh phản ứng như thế nào.
Động mạch cảnh đang được làm sạch sẽ được kẹp lại trong quá trình phẫu thuật để ngăn máu chảy qua nhưng máu vẫn sẽ chảy đến não qua động mạch cảnh còn lại. Bác sĩ cũng có thể sẽ đặt ống dẫn máu chảy vòng qua động mạch đang được phẫu thuật. Ống này sẽ được tháo sau khi ca phẫu thuật hoàn tất.
Sau khi loại bỏ hết mảng xơ vữa, bác sĩ sẽ đóng động mạch cảnh bằng chỉ phẫu thuật hoặc miếng vá, tháo kẹp và khâu đóng vết mổ ở cổ. Có thể cần đặt ống dẫn lưu ở cổ để loại bỏ dịch tích tụ.
Người bệnh nên trao đổi trước với bác sĩ về loại miếng vá được sử dụng để đóng động mạch cảnh. Thông thường, tĩnh mạch hiển được sử dụng làm miếng vá. Nếu vậy, bác sĩ sẽ rạch thêm một đường nữa ở chân người bệnh. Một loại miếng vá nữa là màng ngoài tim của bò. Trong một số trường hợp, vật liệu tổng hợp được sử dụng làm miếng vá nhưng cách này có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
Sau khi phẫu thuật
Thời gian phục hồi sau phẫu thuật ở mỗi ca bệnh là khác nhau nhưng người bệnh sẽ phải nằm viện một ngày để theo dõi xem có bị chảy máu, lưu thông máu đến não kém hoặc các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ khác hay không. Hầu hết người bệnh có thể xuất viện về nhà trong vòng 24 giờ sau ca phẫu thuật.
Sau phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh, người bệnh có thể sẽ bị đau, tê, sưng và bầm tím ở cổ hoặc khó nuốt. Bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau để dùng trong khoảng thời gian này. Không vận động mạnh, nâng vật nặng và lái xe trong 1 đến 2 tuần.
Bóc nội mạc động mạch cảnh là một thủ thuật khá an toàn có thể làm giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ cho những người bị hẹp động mạch cảnh. Tuy nhiên, giống như các thủ thuật xâm lấn khác, phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh vẫn tiềm ẩn rủi ro, ví dụ như nguy cơ đột quỵ do mảng xơ vữa bong ra di chuyển đến não trong quá trình phẫu thuật, tổn thương thần kinh hoặc thậm chí tử vong. Ca phẫu thuật sẽ phức tạp và rủi ro hơn nếu người bênh đang mắc các bệnh lý khác như bệnh tim hoặc tiểu đường.
Người bệnh nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ về các lựa chọn trước khi quyết định thực hiện ca phẫu thuật này.
Đặt stent động mạch cảnh là một lựa chọn thay thế cho phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh. Trong thủ thuật này, động mạch cảnh được nong rộng bằng bóng và sau đó một ống kim loại nhỏ được đưa vào động mạch để giữ lòng mạch mở rộng và không bị tái hẹp.
Quả bóng được bơm phồng sẽ đẩy mảng xơ vữa ép sát vào thành động mạch, nhờ đó mở rộng lòng động mạch. Stent được đặt nhằm giữ cho động mạch không bị tái hẹp trong tương lai.
Thủ thuật đặt stent động mạch cảnh cũng có rủi ro và chỉ dành cho một số ít trường hợp không thể phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh. Thủ thuật này có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với bóc nội mạc động mạch cảnh.
Tóm tắt bài viết
Phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh là một giải pháp điều trị hẹp động mạch cảnh và ngăn ngừa đột quỵ. Phương pháp này giúp cải thiện sự lưu thông máu qua động mạch cảnh đến não.
Mặc dù có những rủi ro nhất định nhưng bóc nội mạc động mạch cảnh là một giải pháp hiệu quả để giảm nguy cơ đột quỵ ở những người bị hẹp động mạch cảnh.
Hãy đi khám khi có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào của tình trạng hẹp động mạch cảnh. Trong những trường hợp không thể phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh, một giải pháp thay thế là đặt stent động mạch cảnh. Tuy nhiên, thủ thuật này có nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Trong một số trường hợp, phình động mạch chủ có thể được điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật, chẳng hạn như dùng thuốc và thay đổi lối sống. Mục tiêu điều trị là giảm nguy cơ túi phình động mạch phát triển hoặc vỡ.

Phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não được thực hiện nhằm ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng túi phình bị vỡ - một tình trạng cấp cứu đe dọa tính mạng.

Thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVR) là một phương pháp ít xâm lấn được sử dụng để thay thế van động mạch chủ ở những người bị hẹp van động mạch chủ. Phương pháp này có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật tim hở truyền thống vì chỉ yêu cầu vết mổ nhỏ hơn, thời gian phục hồi nhanh hơn và thời gian nằm viện cũng ngắn hơn.

Đặt stent động mạch cảnh là một trong hai thủ thuật được sử dụng để điều trị hẹp động mạch cảnh. Thủ thuật này là một lựa chọn ít xâm lấn hơn và thời gian phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, đặt stent động mạch cảnh vẫn có những rủi ro nhất định.

Hẹp động mạch cảnh, hay bệnh động mạch cảnh, là tình trạng động mạch cảnh bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn do mảng xơ vữa. Động mạch cảnh là các mạch máu lớn nằm ở hai bên cổ, có nhiệm vụ mang máu giàu oxy đến não. Bạn có thể cảm nhận thấy mạch động mạch cảnh khi đặt ngón tay ngay bên dưới góc hàm.