Đặt stent động mạch cảnh có tác dụng gì? Cần thực hiện khi nào?

Đặt stent động mạch cảnh là một thủ thuật ít xâm lấn được sử dụng để điều trị hẹp động mạch cảnh, tình trạng tích tụ mảng xơ vữa trong động mạch cảnh. Động mạch cảnh là các mạch máu chính nằm ở hai bên cổ cung cấp máu cho não.
Trong quá trình đặt stent động mạch cảnh, một ống lưới bằng kim loại sẽ được đưa vào bên trong động mạch cảnh để giữ cho động mạch mở rộng và máu có thể chảy qua dễ dàng.
Mặc dù ít được sử dụng hơn phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh nhưng đặt stent động mạch cảnh vẫn là một giải pháp hiệu quả và an toàn để điều trị tình trạng hẹp động mạch cảnh. Trong ca phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh, bác sĩ loại bỏ mảng xơ vữa bên trong động mạch cảnh để khôi phục sự lưu thông máu qua động mạch.
Cùng tìm hiểu xem những trường hợp nào cần đặt stent động mạch cảnh, quy trình thực hiện như thế nào và thủ thuật này khác gì với phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh.
Khi nào cần đặt stent động mạch cảnh?
Thủ thuật đặt stent động mạch cảnh được sử dụng để điều trị hẹp động mạch cảnh, tình trạng mảng xơ vữa tích tụ ở bên trong động mạch cảnh. Động mạch cảnh xuất phát từ động mạch chủ ở trong ngực đi lên hai bên cổ và sau đó phân nhánh vào não.
Mảng xơ vữa hình thành từ cholesterol, chất béo, canxi và một số chất khác. Tình trạng những chất này tích tụ quá nhiều bên trong động mạch được gọi là xơ vữa động mạch. Điều này khiến cho lòng động mạch bị thu hẹp lại đáng kể và máu không thể lưu thông qua một cách bình thường để đến não. Do đó, hẹp động mạch cảnh làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hẹp động mạch cảnh gồm có:
- Cholesterol cao
- Bệnh tiểu đường
- Tăng huyết áp
- Hút thuốc
- Tuổi cao
Theo một bài báo khoa học vào năm 2020, thủ thuật đặt stent động mạch cảnh thường được khuyến nghị cho những người bị hẹp 50% có triệu chứng và những người bị hẹp 70% không có triệu chứng.
Ngoài ra, thủ thuật đặt stent động mạch cảnh cũng được khuyến nghị cho những người không thể trải qua phẫu thuật xâm lấn nhiều, chẳng hạn như:
- Người bị suy tim sung huyết
- Người mắc bệnh phổi nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
- Người mới trải qua cơn đau tim
- Người từng xạ trị vùng cổ trước đây
Sự khác biệt giữa đặt stent động mạch cảnh và bóc nội mạc động mạch cảnh
Đặt stent động mạch cảnh và bóc nội mạc động mạch cảnh là hai phương pháp điều trị chính cho tình trạng hẹp động mạch cảnh.
Phần lớn các trường hợp hẹp động mạch cảnh đều được điều trị bằng phương pháp bóc nội mạc động mạch cảnh. Một lý do là vì nguy cơ đột quỵ ngay sau khi đặt stent thường cao hơn so với bóc nội mạc động mạch cảnh.
Trong ca phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh, bác sĩ rạch một đường nhỏ ở cổ của bệnh nhân và xác định động mạch cảnh. Sau đó, bác sĩ đặt một chiếc kẹp vào động mạch cảnh để tạm thời ngăn máu chảy qua trong khi rạch mở động mạch.
Sau khi mở động mạch cảnh, bác sĩ sẽ loại bỏ mảng xơ vữa ở bên trong. Sau đó, động mạch được đóng lại bằng chỉ phẫu thuật. Phương pháp này xâm lấn hơn so với đặt stent và thường cần phải gây mê toàn thân.
Tuy nhiên cũng những trường hợp mà đặt stent là giải pháp phù hợp hơn. So với phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh, đặt stent động mạch cảnh có những ưu điểm như:
- Ít xâm lấn hơn: Đặt stent động mạch cảnh là một thủ thuật ít xâm lấn. Thủ thuật này hiếm khi cần gây mê toàn thân và không cần tạo đường rạch ở cổ.
- Giảm nguy cơ thiếu máu cơ tim: Mặc dù đặt stent động mạch cảnh có nguy cơ đột quỵ cao hơn nhưng phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh lại có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim (giảm lưu lượng máu đến tim do tắc nghẽn ở động mạch tim).
- Thời gian phục hồi nhanh hơn: Thời gian phục hồi sau khi đặt stent động mạch cảnh thường ngắn hơn thời gian phục hồi sau phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh.
Quy trình đặt stent động mạch cảnh
Người bệnh sẽ được hướng dẫn cụ thể về những gì cần làm và cần tránh khi thực hiện thủ thuật, bao gồm cả thời gian nhịn ăn và những loại thuốc cần tạm ngừng sử dụng.
Ngay trước khi bắt đầu thủ thuật, người bệnh sẽ được cho dùng thuốc an thần.
Quy trình đặt stent động mạch cảnh thường gồm có các bước chính sau đây:
- Một ống thông mảnh được đưa vào một trong các động mạch, thường là thông qua một đường rạch nhỏ ở bẹn.
- Lưới lọc được đưa vào ống thông để giữ lại các mảng xơ vữa bị bong ra trong quá trình thực hiện.
- Khi ống thông đến động mạch cảnh, quả bóng ở đầu ống thông sẽ được làm phồng để mở rộng đoạn động mạch bị hẹp.
- Sau khi động mạch được mở rộng, stent được đưa vào trong động mạch.
- Sau đó, ống thông cùng với bóng được lấy ra, để lại stent và đường rạch được đóng lại.
Thời gian phục hồi sau đặt stent động mạch cảnh
Sau khi đặt stent động mạch cảnh, người bệnh thường phải nằm viện một ngày. Người bệnh sẽ được theo dõi các biến chứng như đột quỵ hoặc chảy máu.
Trước khi xuất viện, người bệnh sẽ được hướng dẫn những hoạt động có thể và không thể làm trong thời gian hồi phục cũng như các loại thuốc cần dùng.
Chưa có nghiên cứu nào được công bố về thời gian phục hồi sau thủ thuật đặt stent động mạch cảnh nhưng thông thường phải nằm viện từ 24 đến 48 giờ và nghỉ ngơi tại nhà khoảng một tuần.
Thời gian phục hồi ở mỗi ca bệnh là khác nhau, phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể và người bệnh có đang mắc bệnh lý mạn tính nào khác hay không.
Rủi ro của thủ thuật đặt stent động mạch cảnh
Rủi ro lớn nhất khi đặt stent động mạch cảnh là nguy cơ đột quỵ ngay sau thủ thuật. Điều này có thể xảy ra khi một mảng xơ vữa bong khỏi thành động mạch cảnh trong quá trình thực hiện thủ thuật và theo máu di chuyển đến não.
Theo một nghiên cứu vào năm 2020, hầu hết ca đột quỵ liên quan đến đặt stent động mạch cảnh đều ở mức độ nhẹ và không gây tàn tật. Theo nghiên cứu này, người trên 70 tuổi có nguy cơ đột quỵ cao nhất sau thủ thuật đặt stent động mạch cảnh.
Các vấn đề khác có thể phát sinh trong quá trình đặt stent động mạch cảnh gồm có:
- Chảy máu hoặc nhiễm trùng tại vị trí đặt ống thông
- Bóc tách động mạch cảnh (rách động mạch)
- Thuyên tắc động mạch cảnh (cục máu đông bị kẹt trong động mạch)
- Stent không được đặt chính xác
Tỷ lệ thành công của thủ thuật đặt stent động mạch cảnh
Đặt stent động mạch cảnh là một giải pháp hiệu quả cao để giải quyết tình trạng hẹp động mạch cảnh và giảm nguy cơ đột quỵ. Thủ thuật này có tỷ lệ thành công về lâu dài tương đương phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh.
Theo một nghiên cứu vào năm 2019, cả đặt stent động mạch cảnh và bóc nội mạc động mạch cảnh đều làm giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ trong vòng 10 năm tiếp theo. Các tác giả của nghiên cứu báo cáo rằng nguy cơ đột quỵ trong vòng 10 năm sau các thủ thuật này là khoảng 0,6%.
Tóm tắt bài viết
Đặt stent động mạch cảnh là một thủ thuật để điều trị hẹp động mạch cảnh, tình trạng mảng xơ vữa tích tụ trong động mạch cảnh. Hẹp động mạch cảnh làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ.
Đặt stent động mạch cảnh có tỷ lệ thành công cao trong việc giảm nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, thủ thuật này có rủi ro. Trong một số trường hợp, phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh là giải pháp tốt hơn để điều trị hẹp động mạch cảnh và ngăn ngừa đột quỵ.

Động mạch cảnh là các mạch máu lớn nằm ở hai bên cổ, có chức năng vận chuyển máu giàu oxy đến mặt và não. Nếu không được cung cấp máu giàu oxy, các tế bào não sẽ chết. Sự gián đoạn lưu thông máu đến một vùng nãọ sẽ dẫn đến đột quỵ. Đột quỵ có thể gây tử vong hoặc những biến chứng lâu dài cả về thể chất lẫn tinh thần.

Phình động mạch não có thể đe dọa tính mạng và là tình trạng khó phát hiện. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI) cùng các xét nghiệm có sử dụng thuốc cản quang có thể giúp bác sĩ xác định sự hiện diện, vị trí và hình dạng của túi phình động mạch não.

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) là một phương pháp giúp xác định vị trí, kích thước và hình dạng của phình động mạch não.

Sức khỏe tim mạch là điều vô cùng quan trọng bởi bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới và một trong những loại bệnh tim mạch phổ biến nhất là bệnh động mạch vành. Bệnh động mạch vành xảy ra khi mảng bám tích tụ và làm hẹp lòng động mạch vành, gây cản trở lưu thông máu đến tim. Điều này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc thậm chí tử vong. Mặc dù nguy hiểm như vậy nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị được căn bệnh này bằng cách thay đổi một số thói quen trong lối sống, mà một thay đổi rất quan trọng là chế độ ăn uống hàng ngày.

Bạn biết gì về hệ thống động mạch trong cơ thể?