Hẹp động mạch cảnh: Nguyên nhân và cách điều trị

Hẹp động mạch cảnh rất nguy hiểm vì tình trạng này làm giảm lưu lượng máu đến não. Sự lưu thông máu đến não bị gián đoạn có thể dẫn đến đột quỵ.
Triệu chứng của hẹp động mạch cảnh
Trong nhiều trường hợp, hẹp động mạch cảnh không biểu hiện triệu chứng cho đến khi cơn đột quỵ xảy ra. Các triệu chứng của đột quỵ gồm có:
- Mất thị lực tạm thời ở một hoặc cả hai mắt
- Nói khó hoặc nói không rõ, khó hiểu lời người khác nói
- Yếu cơ ở một nửa mặt, một cánh tay hoặc chân
- Tê hoặc cảm giác kim châm ở mặt, cánh tay hoặc chân
- Đau đầu dữ dội
- Chóng mặt
- Lú lẫn
- Giảm trí nhớ
- Mất ý thức
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức, ngay cả khi các triệu chứng biến mất sau một thời gian ngắn. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua (transient ischemic attack). Mặc dù cơn thiếu máu não thoáng qua đa phần chỉ kéo dài vài phút nhưng một khi trải qua cơn thiếu máu não thoáng qua, bạn sẽ có nguy cơ cao bị đột quỵ trong vòng vài ngày đến vài tháng tiếp theo.
Nguyên nhân gây hẹp động mạch cảnh
Nguyên nhân phổ biến nhất gây hẹp động mạch cảnh là do sự tích tụ cholesterol, chất béo, canxi và một số chất khác ở niêm mạc động mạch cảnh. Tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch.
Theo thời gian, các mảng xơ vữa trong động mạch cảnh sẽ ngày càng dày lên, khiến cho lòng động mạch ngày càng hẹp lại và lưu lượng máu ngày càng giảm. Điều này làm tăng nguy cơ đột quỵ. Mảng xơ vữa khiến cho bề mặt bên trong của động mạch cảnh trở nên xù xì và khiến cho tiểu cầu tập trung lại, gây hình thành cục máu đông. Các mảnh của cục máu đông hoặc mảng xơ vữa nhỏ có thể bị vỡ ra, di chuyển theo dòng máu đến não và gây tắc các động mạch nhỏ của não. Mảng xơ vữa cũng có thể vỡ ra và làm hình thành cục máu đông.
Ai có nguy cơ bị hẹp động mạch cảnh?
Các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch tim và động mạch ở chân cũng có thể gây xơ vữa động mạch cảnh. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ hẹp động mạch cảnh là:
Hút thuốc
Các chất độc hại trong khói thuốc lá làm hỏng niêm mạc mạch máu. Điều này làm tăng nguy cơ cholesterol tích tụ tạo thành mảng xơ vữa bên trong động mạch.
Cholesterol cao
Nồng độ cholesterol trong máu cao làm tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa.
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp có thể dẫn đến hình thành mảng xơ vữa trong động mạch cảnh. Huyết áp tâm thu (áp lực máu trong động mạch khi tim co bóp, chỉ số bên trên trong kết quả đo huyết áp) phải thấp hơn 140 mmHg. Ở những người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp tâm thu phải dưới 130 mmHg.
Bệnh tiểu đường
Lượng đường trong máu cao cũng làm hỏng động mạch. Người bị tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao gấp 2 đến 4 lần so với người không bị tiểu đường. Những người bị tiểu đường còn có nguy cơ bị tăng huyết áp và cholesterol cao hơn.
Phương pháp chẩn đoán hẹp động mạch cảnh
Để chẩn đoán hẹp động mạch cảnh, trước tiên bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để đánh giá sự lưu thông máu ở cổ và kiểm tra xem có tiếng thổi ở tim hay không. Sau đó sẽ cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sau đây để xác nhận hẹp động mạch cảnh:
Siêu âm động mạch cảnh
Phương pháp chẩn đoán không xâm lấn này sử dụng sóng âm để phát hiện sự hiện diện của mảng xơ vữa trong động mạch cảnh. Siêu âm Doppler còn cho phép đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng hẹp tắc động mạch.
Chụp cắt lớp vi tính mạch máu (CTA)
Sử dụng công nghệ chụp cắt lớp vi tính (CT) để phát hiện tình trạng hẹp động mạch cảnh. Người bệnh được tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch ở cánh tay và sau đó chụp CT. Thuốc cản quang làm cho động mạch cảnh hiển thị rõ trên ảnh chụp CT và qua đó, bác sĩ có thể phát hiện tình trạng hẹp tắc động mạch cũng như đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA)
Phương pháp này cũng khá giống với CTA nhưng sử dụng từ trường và sóng vô tuyến thay vì tia X.
Điều trị hẹp động mạch cảnh
Những trường hợp hẹp động mạch cảnh nhẹ không có triệu chứng nghiêm trọng có thể điều trị bằng thuốc chống kết tập tiểu cầu, chẳng hạn như aspirin và clopidogrel. Các loại thuốc này có tác dụng ngăn tiểu cầu kết dính vào nhau và hình thành cục máu đông. Đôi khi cần sử dụng thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như coumadin để giảm nguy cơ đột quỵ.
Những trường hợp hẹp động mạch cảnh nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật để loại bỏ mảng xơ vữa. Phương pháp này gọi là bóc nội mạc động mạch cảnh
Điều quan trọng là phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây hẹp động mạch cảnh. Những người hút thuốc lá cần phải cai thuốc càng sớm càng tốt. Tăng huyết áp, tiểu đường và cholesterol cao cần được kiểm soát bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc. Kiểm soát các tình trạng bệnh lý này và duy trì lối sống lành mạnh cũng là những cách tốt nhất để giảm nguy cơ hẹp động mạch cảnh.

Viêm động mạch là tình trạng thành động mạch bị viêm và giảm khả năng vận chuyển máu đến các cơ quan. Có nhiều loại viêm động mạch. Các triệu chứng và biến chứng của viêm động mạch phụ thuộc vào động mạch nào bị viêm và mức độ tổn thương.

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Hẹp eo động mạch chủ là tình trạng một đoạn động mạch chủ bị hẹp hơn bình thường. Điều này buộc tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu qua động mạch chủ.

Tai biến mạch máu não (cerebrovascular accident) là thuật ngữ y khoa của đột quỵ. Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến một phần não bị gián đoạn do mạch máu bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ.

Động mạch chủ là động mạch chính dẫn máu giàu oxy từ tim đến các bộ phận còn lại của cơ thể. Cơ thể chúng ta cần máu giàu oxy này để tồn tại. Động mạch chủ có đường kính khoảng 1 inch (2,5cm) và gồm có ba lớp: lớp trong, lớp giữa và lớp ngoài. Lóc tách động mạch là tình trạng các lớp của động mạch chủ tách ra và làm hỏng thành động mạch.

Phình động mạch não là tình trạng động mạch trong não bị biến dạng, khiến một vùng trên thành động mạch phồng lên và chứa đầy máu. Tình trạng này còn được gọi là phình động mạch nội sọ hoặc phình động mạch não.