1

Những điều cần biết về tái thông mạch vành

Các thủ thuật tái thông mạch vành giúp điều trị tình trạng hẹp động mạch, cải thiện lưu lượng máu đến tim. Có hai phương pháp phổ biến là can thiệp động mạch vành qua da và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
Hình ảnh 33 Những điều cần biết về tái thông mạch vành

Nếu bạn mắc các bệnh lý làm cản trở lưu lượng máu đến tim, chẳng hạn như bệnh động mạch vành (CAD), thủ thuật tái thông mạch vành có thể giúp làm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim.

Tái thông mạch vành là gì?

Tái thông mạch vành là một thủ thuật giúp điều trị tình trạng thiếu máu cục bộ gây tổn thương tế bào cơ tim do lưu lượng máu đến tim không đủ.

Nguyên nhân chính gây giảm lưu lượng máu là xơ vữa động mạch. Đây là tình trạng mảng bám chứa chất béo tích tụ trong thành động mạch, làm động mạch bị xơ cứng và hẹp lại.

Tái thông mạch vành giúp khôi phục lưu lượng máu đến những vùng tim bị ảnh hưởng.

Khi nào bác sĩ khuyến nghị tái thông mạch vành?

Theo hướng dẫn năm 2021, bác sĩ có thể chỉ định tái thông mạch vành cho người bị tắc nghẽn hoặc hẹp động mạch vành trong các trường hợp sau:

  • Bệnh động mạch vành mạn tính (CAD)
  • Nhồi máu cơ tim cấp (heart attack)
  • Suy tim do thiếu máu cục bộ

Trong một số trường hợp, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim nặng, bác sĩ có thể thực hiện tái thông mạch vành khẩn cấp. Tuy nhiên, đối với bệnh động mạch vành mạn tính, thủ thuật này có thể được trì hoãn mà vẫn đảm bảo an toàn.

Hướng dẫn cũng chỉ ra rằng trước đây, phụ nữ và những người không phải người da trắng (bao gồm người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha, Nam Á) tại Hoa Kỳ ít được tiếp cận với các phương pháp tái thông mạch vành và điều trị tim mạch khác, dẫn đến kết quả điều trị kém hơn.

Để khắc phục tình trạng này, hướng dẫn khuyến nghị điều trị tái thông mạch vành cho bệnh nhân khi cần thiết, không phân biệt giới tính hay chủng tộc.

Các phương pháp tái thông mạch vành

Có hai phương pháp chính để tái thông mạch vành:

  • Can thiệp động mạch vành qua da (PCI)
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG)

Can thiệp động mạch vành qua da (PCI)

PCI là một thủ thuật ít xâm lấn, không cần phẫu thuật.

Bác sĩ sẽ đưa một ống thông (catheter) vào mạch máu lớn ở đùi hoặc cổ tay, sau đó luồn ống đến tim.

Quá trình PCI thường sử dụng kỹ thuật nong mạch vành (angioplasty), trong đó bác sĩ dùng một bóng nhỏ gắn ở đầu ống thông để làm rộng động mạch bị hẹp. Thông thường, PCI sẽ đi kèm với đặt stent – một ống lưới kim loại nhỏ giúp giữ cho động mạch không bị hẹp lại.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG)

Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ tạo một đường dẫn mới cho máu bằng cách lấy một mạch máu từ tay, chân hoặc ngực và ghép vòng qua đoạn động mạch vành bị tắc.

Có hai cách để thực hiện CABG:

  • Phẫu thuật tim hở: Bác sĩ rạch một đường dài giữa ngực, mở xương ức và tách xương sườn để tiếp cận tim.
  • Phẫu thuật ít xâm lấn: Bác sĩ thực hiện rạch một vài đường nhỏ trên ngực, dùng dụng cụ chuyên biệt để tiếp cận tim qua khoảng trống giữa các xương sườn.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể dừng tim tạm thời trong quá trình phẫu thuật và sử dụng máy tim phổi nhân tạo để duy trì tuần hoàn máu.

Sau khi hoàn tất phẫu thuật:

  • Nếu là phẫu thuật tim hở, bác sĩ sẽ cố định xương ức bằng dây thép và khâu vết mổ lại.
  • Nếu là phẫu thuật ít xâm lấn, bác sĩ chỉ cần tháo dụng cụ và các khâu vết rạch nhỏ .

Cần chuẩn bị gì trước khi tái thông mạch vành?

Trước khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để xác định vị trí động mạch bị tắc, bao gồm:

  • Nghiệm pháp gắng sức
  • Chụp xạ hình tưới máu cơ tim
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)

Bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bạn một số điều cần làm trước khi phẫu thuật, chẳng hạn như:

  • Thuốc: Những loại thuốc cần tiếp tục hoặc ngừng sử dụng
  • Chế độ ăn uống: Thời điểm cần ngừng ăn uống trước khi làm thủ thuật
  • Vệ sinh cá nhân: Tắm bằng xà phòng sát khuẩn để giảm nguy cơ nhiễm trùng

Tiên lượng sau tái thông mạch vành

Nghiên cứu cho thấy tiên lượng của người mắc bệnh tim nặng có thể cải thiện sau khi được tái thông mạch vành.

Đối với trường hợp nhập viện do nhồi máu cơ tim, đây là một thủ thuật cần thiết để có thể cứu sống người bệnh.

Một nghiên cứu năm 2020 dựa trên 9.016 người mắc bệnh động mạch vành ổn định nhưng có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim cho thấy, những người thực hiện tái thông mạch vành có thể sống lâu hơn và ít khả năng bị nhồi máu cơ tim hơn so với những người không làm thủ thuật này.

Trong một nghiên cứu kéo dài 30 năm tại Đan Mạch trên những người đã trải qua phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG), khoảng 70% trường hợp sống được hơn 10 năm sau phẫu thuật. Tuy nhiên, trong 30 ngày đầu sau phẫu thuật, nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc suy tim tăng đáng kể.

Câu hỏi thường gặp

Phương pháp tốt nhất để điều trị tắc nghẽn động mạch là gì?

Phương pháp điều trị tối ưu sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Nếu tắc nghẽn nhiều động mạch, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) có thể là lựa chọn tốt nhất vì phương pháp này giúp tạo một đường dẫn mới cho dòng máu.

Nếu chỉ bị hẹp một động mạch, can thiệp động mạch vành qua da (PCI) có thể là phương án phù hợp hơn do ít xâm lấn.

Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng mạch vành, sức khỏe tổng thể và các yếu tố liên quan để đưa ra phương án điều trị tối ưu.

Tái thông mạch vành có phải là phẫu thuật bắc cầu không?

Tái thông mạch vành là một thuật ngữ bao quát để chỉ các phương pháp khôi phục lưu lượng máu đến tim, bao gồm cả phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) và can thiệp động mạch vành qua da (PCI).

  • CABG: Tạo đường dẫn mới cho máu đi qua đoạn động mạch bị tắc.
  • PCI: Nong mạch bằng bóng và đặt stent để giữ động mạch mở.

Tái thông mạch vành có giống với đặt stent không?

Đặt stent là một kỹ thuật trong quá trình can thiệp động mạch vành qua da (PCI). Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt một ống lưới kim loại (stent) vào đoạn động mạch bị hẹp để giữ cho động mạch luôn mở cho máu lưu thông.

Kết luận

Đối với người mắc bệnh động mạch vành nặng, tái thông mạch vành có thể giúp kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Quyết định lựa chọn phương pháp PCI hay CABG sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Vị trí, số lượng và đặc điểm của đoạn tắc nghẽn
  • Khả năng chịu đựng phẫu thuật của bệnh nhân
  • Các bệnh lý đi kèm

Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng cụ thể và tư vấn phương án điều trị phù hợp để đạt kết quả tốt nhất.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về chụp cắt lớp vi tính đánh giá vôi hóa mạch vành
Những điều cần biết về chụp cắt lớp vi tính đánh giá vôi hóa mạch vành

Chụp cắt lớp vi tính đánh giá vôi hóa mạch vành (Coronary Calcium Test) máu kiểm tra cholesterol là một phương pháp giúp đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Những điều cần biết về các bệnh mạch máu
Những điều cần biết về các bệnh mạch máu

Bệnh mạch máu ảnh hưởng đến động mạch, tĩnh mạch và mao mạch trong toàn bộ cơ thể. Chúng có thể làm gián đoạn lưu thông máu đến các cơ quan và mô, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Những điều cần biết về phình động mạch chủ bụng dưới thận
Những điều cần biết về phình động mạch chủ bụng dưới thận

Phình động mạch chủ bụng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào bên dưới cơ hoành nhưng vùng bên dưới thận là khu vực có nguy cơ cao nhất. Tình trạng phình động mạch chủ ở khu vực này được gọi là phình động mạch chủ bụng dưới thận.

Những điều cần biết về phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não
Những điều cần biết về phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não

Phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não được thực hiện nhằm ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng túi phình bị vỡ - một tình trạng cấp cứu đe dọa tính mạng.

Những điều cần biết về cholesterol và tình trạng tích tụ mảng bám trong động mạch
Những điều cần biết về cholesterol và tình trạng tích tụ mảng bám trong động mạch

Cholesterol là một chất cần thiết cho hoạt động của cơ thể nhưng nếu ở mức quá cao, cholesterol có thể tích tụ trong động mạch và hình thành mảng bám, làm cản trở máu lưu thông.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây