Hở van tim ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?

Tim gồm có bốn van là van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi. Những van này có vai trò như những cánh cửa một chiều giữ cho máu chảy đúng hướng. Hở van tim là tình trạng các lá van không đóng kín, khiến máu chảy ngược qua van. Điều này khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn bình thường và gây áp lực lên tim. Khi thể tích máu tăng lên trong thời gian mang thai, tim sẽ càng phải làm việc nhiều hơn nữa.
Tình trạng hở van tim nhẹ thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, hở van tim nghiêm trọng có thể gây ra các triệu chứng như khó thở hoặc sưng phù, đòi hỏi phải theo dõi sát sao và điều trị để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Hở van tim ảnh hưởng như thế nào đến thai kỳ?
Hở van tim vốn đã khiến cho tim phải làm việc vất vả hơn bình thường và trong thời kỳ mang thai, do thể tích máu trong cơ thể người mẹ tăng lên để nuôi dưỡng thai nhi nên tim sẽ càng phải hoạt động nhiều hơn.
Khi các lá van không đóng kín, một phần máu sẽ chảy ngược trở lại qua van tim và do đó, quá trình lưu thông trở nên kém hiệu quả. Điều này gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và sưng phù.
Hở van tim nghiêm trọng có thể dẫn đến các biến chứng như suy tim nên cần phải theo dõi sát sao.
Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2024, phụ nữ mang thai có thể gặp phải một số vấn đề về van tim như:
- Hở van hai lá: các lá van của van hai lá không đóng kín, khiến máu chảy ngược từ tâm thất trái vào tâm nhĩ trái. Hở van hai lá nhẹ có thể không cần điều trị nhưng những trường hợp nặng cần điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
- Hở van động mạch chủ: ba lá van của van động mạch chủ không đóng kín, khiến máu chảy ngược từ động mạch chủ trở lại tâm thất trái. Điều này có thể gây phì đại cơ tim và tăng áp lực lên tim, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai.
- Hở van ba lá: các lá van của van ba lá không đóng kín, khiến máu chảy ngược từ tâm thất phải trở lại tâm nhĩ phải. Tình trạng hở van ba lá thường nhẹ nhưng cũng có thể nghiêm trọng nếu có các vấn đề về tim khác.
- Hở van động mạch phổi: ba lá van của van động mạch phổi không đóng kín, khiến máu chảy ngược từ động mạch phổi trở lại tâm thất phải. Mặc dù hở van động mạch phổi thường là do dị tật tim bẩm sinh nhưng mang thai có thể làm cho các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
Mang thai ảnh hưởng như thế nào đến hệ tim mạch?
Hệ tim mạch trải qua một số thay đổi trong thời kỳ mang thai:
- Tăng thể tích máu. Thể tích máu trong cơ thể người mẹ có thể tăng tới 50% so với bình thường để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi. Sự gia tăng thể tích máu này khiến cho tim của người mẹ phải làm việc nhiều hơn.
- Thay đổi nhịp tim và huyết áp. Nhịp tim tăng từ 10 đến 20 nhịp/phút, trong khi huyết áp thường giảm vào đầu thai kỳ và sau đó tăng trở lại.
- Thay đổi nội tiết tố. Các hormone thai kỳ như progesterone làm giãn mạch máu và tăng cường lưu thông máu nhưng có thể gây chóng mặt và huyết áp thấp.
- Tăng cung lượng tim. Tim bơm nhiều máu hơn mỗi phút. Lượng máu mà tim bơm mỗi phút có thể tăng 40% so với bình thường.
- Tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Số lượng yếu tố đông máu tăng lên trong thời gian mang thai. Điều này làm giảm nguy cơ chảy máu nhưng lại làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi.
Triệu chứng hở van tim khi mang thai
Triệu chứng hở van tim ở mỗi ca bệnh là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và khả năng thích nghi của tim với thai kỳ.
Các triệu chứng thường gặp gồm:
- Khó thở, đặc biệt là khi nằm
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Đánh trống ngực hoặc nhịp tim bất thường
- Sưng phù bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
- Đau ngực hoặc tức ngực (trong trường hợp nghiêm trọng)
Hãy đến bệnh viện ngay khi các triệu chứng này trở nên nặng hơn hoặc xuất hiện đột ngột bởi đó có thể là dấu hiệu cho thấy tim đang phải chịu áp lực lớn hoặc suy tim, những tình trạng này gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ biến chứng do hở van tim khi mang thai
Một số yếu tố có thể tăng nguy cơ xảy ra biến chứng do hở van tim trong thai kỳ:
- Vấn đề về tim như bệnh tim bẩm sinh
- Tăng huyết áp
- Mang đa thai (mang từ hai thai nhi trở lên trong cùng một thai kỳ)
- Bệnh tiểu đường hoặc tiểu đường thai kỳ
- Từng phẫu thuật tim, bao gồm sửa van tim hoặc thay van tim nhân tạo
- Mang thai khi đã lớn tuổi
- Béo phì
Nếu có các yếu tố nguy cơ này, thai phụ có thể sẽ phải nhập viện sớm để được theo dõi sức khỏe tim mạch và đảm bảo thai kỳ an toàn.
Phương pháp chẩn đoán hở van tim trong thai kỳ
Quá trình chẩn đoán bệnh hở van tim gồm nhiều bước.
Trước tiên, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, đánh giá các triệu chứng và nghe tim để xem có âm thanh bất thường hay không (đây là một dấu hiệu chỉ ra tình trạng hở van tim).
Sau đó cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng sau đây:
- Siêu âm tim: một kỹ thuật sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh chuyển động của tim, cho phép đánh giá cấu trúc và chức năng tim. Siêu âm tim giúp bác sĩ biết được tình trạng của van tim và xem máu có chảy ngược qua van hay không.
- Điện tâm đồ (EKG): đo hoạt động điện của tim, giúp phát hiện rối loạn nhịp tim hoặc dấu hiệu cơ tim phì đại.
- Xét nghiệm máu: loại trừ các vấn đề khác có triệu chứng tương tự như hở van tim.
Những trường hợp phức tạp có thể cần chụp cộng hưởng từ (MRI) để có được hình ảnh chi tiết về van và buồng tim. Tuy nhiên, MRI thường chỉ được chỉ định khi bác sĩ cần thêm thông tin để xây dựng phác đồ điều trị.
Điều trị hở van tim trong thời kỳ mang thai
Phác đồ điều trị hở van tim trong thời kỳ mang thai phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và các triệu chứng. Những trường hợp nhẹ có thể chỉ cần tái khám định kỳ để theo dõi nhưng những ca bệnh nặng cần điều trị bằng thuốc. Mục tiêu điều trị là kiểm soát các triệu chứng, đảm bảo an toàn cho thai kỳ và quá trình sinh nở.
Các phương pháp điều trị gồm có:
- Thuốc. Bác sĩ kê các loại thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai như thuốc chẹn beta, một số loại thuốc lợi tiểu hoặc thuốc giãn mạch để kiểm soát các triệu chứng như huyết áp cao và phù nề.
- Thay đổi thói quen sống. Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tim mạch, ngủ đủ giấc và ăn ít muối sẽ giúp giảm tải cho tim. Ngoài ra, mẹ bầu cần uống đủ nước và tránh các hoạt động gắng sức.
- Mổ lấy thai chủ động. Trong những trường hợp hở van tim nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị mổ lấy thai chủ động để giảm nguy cơ suy tim và các biến chứng trong quá trình chuyển dạ và sinh nở.
Hở van tim ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sinh nở?
Phần lớn thai phụ bị hở van tim đều được khuyến nghị sinh thường vì sinh thường ít gây áp lực lên tim hơn so với sinh mổ.
Bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh như forcep hoặc giác hút để rút ngắn thời gian sinh nở và tránh gây áp lực cho tim. Tuy nhiên, những trường hợp có biến chứng, chẳng hạn như suy tim hoặc nhịp tim không ổn định, có thể cần phải sinh mổ.
Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp vô cảm phù hợp để tránh tim phải làm việc quá nhiều trong quá trình sinh nở.
Tiên lượng của những người bị hở van tim khi mang thai
Những phụ nữ bị hở van tim nhẹ vẫn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh nếu tình trạng hở van tim được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, tiên lượng về lâu dài phụ thuộc vào:
- mức độ nghiêm trọng của tình trạng hở van tim trước khi mang thai
- khả năng thích nghi của tim đối với sự gia tăng thể tích máu trong thai lỳ
- đáp ứng điều trị
Những trường hợp hở van tim nghiêm trọng cần tái khám định kỳ sau sinh vì tim có thể vẫn tiếp tục phải làm việc nhiều trong thời gian dài sau khi sinh. Một số người cần phải điều trị lâu dài hoặc phẫu thuật van tim.
Tóm tắt bài viết
Hở van tim làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ, nhưng nếu được theo dõi sát sao, những phụ nữ bị hở van tim vẫn có thể mang thai và sinh nở an toàn. Nếu bạn có vấn đề về van tim và muốn sinh con, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn.

Mang thai làm tăng nguy cơ phình động mạch não, nhưng đây là tình trạng hiếm gặp. Bệnh nếu được phát hiện sớm sẽ có thể giúp ngăn ngừa xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.

Đánh trống ngực khi mang thai thường là hiện tượng bình thường và không nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng.

Viêm động mạch thái dương là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công động mạch thái dương – các động mạch cấp máu cho đầu và não. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như mù lòa.

Mức triglyceride cao có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh gan. Bạn có thể làm giảm triglyceride bằng cách sử dụng một số loại thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và thường xuyên thực hiện các bài tập thể dục.

Khi bị suy giáp, cơ thể không thể phân hủy và đào thải LDL cholesterol hiệu quả như bình thường, dẫn đến sự tích tụ LDL trong máu. Ngược lại, cường giáp có thể làm giảm mức cholesterol xuống mức thấp bất thường.